Phép
lạ.
Các tác giả sách Tin Mừng đã ghi
lại cho chúng ta những phép lạ của Chúa Giêsu. Nói đến các phép
lạ tức là nói đến những điều lạ
lùng, khác thường mà Thiên Chúa đã làm để bày
tỏ hay minh chứng một điều gì. Thực vậy, mỗi phép lạ đều bày
tỏ cho thấy quyền năng của Thiên Chúa. Ngài là chủ tể vạn vật trời
đất, Ngài quyền phép vô cùng. Ngài có
thể làm được mọi sự. Ngài là chủ tể của sự sống, Ngài là
Đấng ban sự sống, Ngài mạnh hơn sự
chết và tất cả những gì loan báo sự chết.
Đàng khác, mỗi phép lạ còn cho thấy
Thiên Chúa là Đấng thiện hảo, Ngài yêu thương
con người và muốn cứu giúp con người.
Các phép lạ Chúa Giêsu làm cũng trong ý hướng đó,
Ngài làm những phép lạ thường là vì lòng
thương, như thương người bệnh
tật, thương người đói khát, thương
người đau khổ, thương gia đình có
người chết… Do đó, chúng ta có thể nói: Chúa Giêsu
đã đến cho người ta thấy tình thương
Thiên Chúa yêu thương loài người, và Ngài chứng
tỏ tình thương ấy bằng cách giúp đỡ loài
người.
Nhưng
tình thương của Thiên Chúa không phải chỉ giúp
đỡ đời sống thể xác của con
người mà còn muốn cứu giúp cả con người
toàn diện. Vì thế, những phép lạ của Chúa Giêsu
còn có ý nghĩa sâu xa hơn, đó là những dấu chỉ
của ơn cứu độ mà Ngài đem đến cho
nhân loại, Chẳng hạn, khi chữa cho những
người bại liệt, Ngài cho
thấy Ngài có quyền tháo gỡ con người khỏi
những ràng buộc của tội lỗi. Khi làm cho
người mù sáng mắt, Ngài cho thấy Ngài là ánh sáng
thật cho người ta nhìn ra “Đấng cứu
độ”. Khi hóa bánh ra nhiều cho hàng ngàn
ngươi ăn no. Ngài cho thấy Ngài là bánh hằng
sống đem lại sự sống muôn đời cho con
người… Còn phép lạ chữa
người câm điếc kể lại trong bài Tin
Mừng hôm nay, Chúa muốn cho mọi người thấy
và biết điều gì?
Trước
hết, chúng ta thấy cách hành động của Chúa Giêsu
trong trường hợp này hơi khác thường, kỳ
lạ: Chúa đưa người ấy ra xa đám đông,
đặt ngón tay vào tai người ấy, lấy
nước bọt thoa vào lưỡi người ấy,
rồi Chúa ngước mắt lên trời, thở dài và bảo
người ấy: “Epphata” nghĩa là “Hãy mở ra”, kết
quả: tai người ấy mở ra, nút buộc
lưỡi người ấy được cởi ra, và
người ấy nói được rõ ràng. Trong
Tin Mừng chúng ta rất ít khi gặp trường hợp
Chúa chữa bệnh một cách “vất vả” và khác
thường như vậy. Những
cử chỉ bên ngoài Chúa làm ở đây chỉ là
để thúc đẩy lòng tin bên trong nơi người
câm điếc mà thôi. Bởi vì đối với
người câm điếc, không nghe được, không
nói được, nên không còn cách nào khác hơn là chạm
vào tai vào lưỡi người ấy.
Theo quan niệm thời đó, người ta gán nguyên nhân
bệnh tật cho ma quỷ: người câm là người
bị quỷ câm cột lưỡi lại, Chúa thoa
nước bọt vào lưỡi rồi phán một
lời, tức thì nút cột lưỡi được
tháo ra, cho thấy Ngài thắng được quyền
lực của Sa tan để giải phóng con người.
Một
điều đặc biệt nữa: Chúa Giêsu đã
đưa người bệnh ra xa đám đông
để chữa, bây giờ Ngài lại truyền cho
người ta (người câm điếc và cả
những người đã đưa người câm
điếc tới) không được nói ra với ai. Chúng ta thấy chỉ thị này có vẻ kỳ
cục, vì Ngài đã chữa cho người câm điếc
này nói và nghe được, rồi lại cấm không
được nói ra với ai thì làm sao cấm
được? Làm sao nén được
niềm vui của người đã được ơn
lạ? Và làm sao nén được
niềm vui của đám đông đã chứng kiến
chuyện lạ? Bằng chứng là Ngài
bảo người ta đừng nói thì người ta
lại càng rao truyền mạnh hơn.
Đây là vấn đề về “bí
mật Đấng Thiên Sai”. Tin Mừng nhiều lần kể lại lời
căn dặn giữ kín này sau các phép lạ chứ không
phải chỉ có phép lạ hôm nay mà thôi, chẳng hạn
Chúa cấm ma quỷ không được nói ra Ngài là ai,
cấm những người đã được
hưởng phép lạ hoặc chứng kiến không
được nói ra, cấm các môn đệ không
được nói ra Ngài là ai… Chúng ta có thể trả
lời như sau: trong khung cảnh tâm lý của dân Do Thái lúc
ấy, lòng háo hức mong chờ một Đấng Thiên Sai
giải phóng họ khỏi đế quốc Rôma rất
mãnh liệt, nên thấy Chúa Giêsu có uy quyền như
thế, họ rất dễ ngộ nhận. Bởi
vậy, Chúa căn dặn không được nói ra, vì
chưa đến lúc có thể nói thẳng ra
được, phải chờ cho đến lúc Ngài
chết trên thập giá rồi mới có thể rao
giảng, công bố cho mọi người biết Ngài là
Đấng Thiên Sai mà không còn ngộ nhận nữa. Nói
ngắn gọn: Chúa yêu cầu người câm điếc
và những người chứng kiến không
được nói ra cho ai biết để người ta
khỏi hiểu lầm ý nghĩa của những phép
lạ, cho rằng Ngài đến để cứu vớt
người ta về mặt chính trị hoặc kinh
tế, trong khi sứ mạng của Ngài không phải ở
những khía cạnh đó.
Phép
lạ là những sự lạ lùng để minh chứng
quyền năng và tình thương của Thiên Chúa,
đồng thời khơi dậy niềm tin hoặc
củng cố niềm tin cho con người. Nhưng chúng
ta hãy nhớ: một lòng tin chỉ dựa vào phép lạ là
một lòng tin còn non nớt, yếu đuối và bồng
bột, dễ thay đổi. Một lòng tin vững
chắc không lệ thuộc vào những gì tai
nghe mắt thấy, nhưng chỉ dựa vào lời Chúa,
như Chúa Giêsu đã nói với tông đồ Tôma: “Hỡi
Tôma. Anh thấy Thầy nên anh tin, nhưng phúc
cho những ai không thấy mà tin”.
Ngày
xưa cũng như ngày nay, phép lạ không phải là cách
thế thường xuyên và rõ ràng nhất để làm
chứng về Chúa Kitô và về đạo của Ngài. Có
những cách chắc chắn hơn để làm chứng,
đó là niềm tin chân thành, can đảm và vui tươi
của người Kitô, là đời sống bác ái và lòng
yêu thương của người Kitô, là sự quên mình
xả thân vì người khác theo gương Chúa Kitô. Xin Chúa
cho chúng ta luôn tin tưởng và sống được
như thế để làm chứng cho Chúa.
|