Sự công chính và thánh thiện theo quan niệm của Đức Giêsu --- Suy niệm của JKN.
Câu hỏi gợi ý:
1. Nhiều
người quan niệm: càng giữ luật cho nhiệm
nhặt, thậm chí đến từng chi tiết, thì càng
nên công chính thánh thiện. Quan niệm như
thế có đúng không? Người quan
niệm như thế thường gặp những nguy
hiểm nào?
2. Đức
Giêsu thánh thiện hơn các kinh sư Do thái rất
nhiều, nhưng Ngài có giữ luật Thiên Chúa nhiệm
nhặt hơn họ không? Tại sao vậy?
Ngài quan niệm việc giữ lề luật
Thiên Chúa như thế nào?
3. Hành
động bên ngoài tự nó có giá trị không? Hay nó còn tùy
thuộc vào cái tâm ở bên trong? vào
động cơ thúc đẩy ta thực hiện hành
động ấy? Vậy: phải có những hành
động tốt hay phải làm sao có cái tâm cho tốt?
Suy tư gợi ý:
1. Quan
niệm của các kinh sư Do thái về sự công chính
Đọc
bốn sách Tin Mừng, tôi phải nể phục sự
nghiêm túc giữ luật của các kinh sư Do thái: họ
giữ luật Môsê cẩn thận từng chi tiết,
cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Ngoài những điều khoản của lề
luật, họ còn giữ cả những chi tiết
nhỏ mọn trong truyền thống Do thái giáo. Bài Tin
Mừng hôm nay cho biết: «Người Pharisêu cũng
như mọi người Do thái đều giữ
truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì
khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài
chợ về cũng phải rảy nước đã
rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập
tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các
đồ đồng». Họ hành động như
vậy vì họ cho rằng sự công chính và thánh thiện
hệ tại việc giữ luật và tuân theo
truyền thống tôn giáo cho thật cẩn thận. Càng
giữ luật kỹ lưỡng đến từng chi
tiết nhỏ nhặt thì càng công chính hay thánh thiện.
Chắc chắn trong họ có những
người nghĩ và thực hành như vậy một cách
rất chân thành, với mục đích rất tốt lành là
nên công chính hay nên thánh. Họ nghĩ rằng tất cả những ai
thánh thiện thì đều phải giữ luật như
họ. Nếu có ai thánh thiện hơn
họ, ắt người ấy phải giữ luật và
những tập tục truyền thống một cách
nhiệm nhặt và chi ly hơn họ. Chính
vì thế, họ ngạc nhiên khi thấy các môn đệ
của một thầy dạy đạo như Đức
Giêsu lại không giữ luật và truyền thống như
họ. Họ hỏi Ngài: «Sao các môn đệ của
ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ
để tay ô uế mà dùng bữa?»
2. Sự công chính và thánh thiện theo quan
niệm của Đức Giêsu
Nhưng
Đức Giêsu đã cho họ - và cả ta nữa -
thấy rằng sự thánh thiện không hệ tại
việc giữ luật một cách chi tiết như
thế, hay giữ theo hình thức bên
ngoài, mà hệ tại một cái gì đó sâu xa hơn
nhiều. Cái đó ở trong nội tâm,
chứ không phải ở bên ngoài. Người ta
vẫn nói: «Đạo tại tâm!». Cái đó chính là cái quan trọng nhất trong lề
luật, là cốt tủy của lề luật.
Điều
đáng tiếc là những người đặt nặng
những chi tiết hay những hình thức bên ngoài của
lề luật, thì lại thường coi nhẹ cái
cốt tủy của lề luật. Đức Giêsu đã
tố giác điều ấy: «Khốn cho các người,
hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các
người nộp thuế thập phân về bạc hà,
thì là, rau húng (=tức những điều phụ
thuộc), mà bỏ những điều quan trọng
nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và sự thành
thật. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các
điều kia thì không được bỏ» (Mt 23,23). Như vậy, theo
Đức Giêsu, ba điều quan trọng nhất trong
lề luật, tinh thần của lề luật, cũng
là cốt tủy của sự thánh thiện, chính là chân lý,
công lý và tình thương.
Thiết
tưởng người Kitô hữu không nên đi vào
vết xe đổ của người Do thái là cứ quan
trọng hóa những điều phụ thuộc, mang tính
bên ngoài, như giữ cho thật kỹ lưỡng
đến từng chi tiết luật này luật nọ, mà
coi nhẹ cốt tủy của lề luật, vốn là
tinh thần ở bên trong. Điều thiết yếu là phải
có tinh thần hay cốt tủy đó ở bên trong đã,
rồi tinh thần đó sẽ tự nhiên thúc đẩy
ta thể hiện nó ra bên ngoài thành thái độ hay hành
động.
3. Hãy
nắm vững cái cốt tủy và ưu tiên thực
hiện cốt tủy ấy trước
Nếu chỉ có những hành
động giữ luật bên ngoài mà không có tinh thần
cốt tủy bên trong, thì việc giữ luật đó
sẽ ít giá trị trước Thiên Chúa. Còn những người mà luật Chúa
thì không giữ, lại chỉ lo giữ những tập
tục tôn giáo truyền thống, chẳng hạn một
số thói quen quen được gọi là «việc
đạo đức», những nghi thức do con
người sáng tạo, việc rước sách đình
đám… thì việc giữ những tập tục ấy
lại càng ít giá trị hơn. Nên nhớ: tất cả
những tập tục này đều tốt, nhưng không
phải là cốt tủy: thực hiện được
thì tốt mà không thực hiện được cũng
chẳng sao. Đức Giêsu đã chỉ cho những
người này thấy cái sai của họ: «Ngôn sứ
Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là
những kẻ đạo đức giả, khi viết
rằng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn
lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì
cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là
giới luật phàm nhân”(Is 29,13). Các ông
gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì
truyền thống của người phàm».
Tôi
thấy trong nhiều hội nghị Kitô hữu,
người ta thường tuân thủ những qui
ước minh nhiên (= được qui định rõ ràng)
hoặc mặc nhiên (= tự nhiên phải hiểu, phải
biết, không cần nói ra). Chẳng hạn như: vấn
đề thuộc phạm vi của
người nào thì chính người ấy phải nêu lên
để bàn. Tuân thủ những qui
định ấy là điều rất tốt để
bảo vệ trật tự trong hội nghị.
Nhưng có những trường hợp mà những vấn
đề rất quan trọng có liên quan đến
lương tâm của cả hội nghị thì lại không
được đem ra bàn, lý do là người có trách
nhiệm chính vì một lý do nào đó không chịu đưa
ra bàn. Những người khác tuy bị lương tâm thúc
giục phải đưa vấn đề ra, nhưng lại
vị nể hay quá tôn trọng quyền ưu tiên của
người có trách nhiệm chính, nên cuối cùng vấn
đề lương tâm cần thiết phải bàn
lại bị cho «chìm xuồng», vì thế công ích bị
thiệt hại nặng nề. Khi vị nể hay tôn
trọng qui ước kiểu ấy phải chăng
người ta đã coi qui ước của phàm nhân quan
trọng hơn cả luật của lương tâm,
cũng là luật của Thiên Chúa? Đạo
đức kiểu đó là đạo đức gì?
4.
«Đạo tại tâm». Đúng rồi! nhưng
coi chừng… tâm giả!
Tuy nhiên, nhiều người lại
đi đến một thái cực khác là không thèm làm
những thể hiện tốt đẹp bên ngoài. Họ ngụy biện
rằng «Đạo tại tâm». Họ
cho rằng họ đã có cái cốt tủy của lề
luật ở bên trong, nên đủ giá trị trước
Thiên Chúa rồi. Nhưng thánh Giacôbê tố cáo họ:
«Đức tin không có hành động là đức tin
chết» (Gc 2,17.26). Nếu tinh thần
cốt tủy kia không được
thể hiện ra thành những hành động bên ngoài, thì
đó là một nghịch lý, mâu thuẫn. Hãy coi chừng
cốt tủy kia chỉ là cốt
tủy giả hay tâm giả.
5.
Điều quan trọng là bên trong chứ không phải bên
ngoài
Đức
Giêsu nói: «Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất
những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp,
giết người, ngoại tình… Tất
cả những điều xấu xa đó, đều
từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô
uế». Ngài cho thấy: yếu tố quan trọng
để xác định giá trị đạo đức
hay luân lý là trạng thái nội tâm chứ không phải
những việc làm bên ngoài. Chính ý
hướng ở bên trong là yếu tố quyết
định việc làm bên ngoài có giá trị hay không.
Nhiều người có những hành động rất
tốt nhưng lại làm vì những động lực ích
kỷ hay gian ác, thì hành động ấy trở nên
xấu. Chẳng hạn những hành động giả
nhân giả nghĩa nhằm được một lợi
lộc nào đó, như bố thí thật nhiều
để được khen, để có tiếng là
đạo đức hầu lừa đảo
người khác, hay làm việc tích cực chỉ nhằm
để được lên chức, để nắm
được quyền hành hầu thao túng lũng
đoạn tập thể. Ngược
lại, có những người «tình ngay mà lý gian», hành
động thì có vẻ như xấu, bị kết án,
nhưng ý hướng thì tốt lành, nhằm ích lợi cho
tha nhân. Họ tuy bị người
đời kết án, nhưng lại được Thiên
Chúa chúc lành.
Vì
thế, trong đời sống tâm linh, người ta
phải tu dưỡng cái «tâm» ở bên trong trước:
phải có tâm ngay thẳng, thành thật, luôn tôn trọng
sự công bằng, biết yêu thương mọi
người không phân biệt sang hèn tốt xấu. Khi đã có tâm tốt thật sự, những
việc làm của người ấy sẽ tự nhiên
đẹp lòng Chúa. Thánh Âu Tinh nói: «Cứ yêu đi
rồi muốn làm gì thì làm!» (Ama et fac quod vis). Khi tâm đã quanh quéo, ích kỷ,
sẵn sàng hại người, thì bất kỳ việc
làm do tâm ấy thúc đẩy - dù bên ngoài có tốt lành
đến đâu - cũng đều mang dấu ấn
của tâm ấy, nên không mấy giá trị trước
Thiên Chúa.
Cầu Nguyện
Lạy
Cha, xin cho chúng con hiểu rằng sự thánh thiện
hệ tại tình trạng tốt đẹp tâm hồn
hơn là tại những hành động bên ngoài. Xin cho chúng
con biết quan tâm đến việc tu tâm dưỡng tánh,
nghĩa là có một tâm hồn ngay thẳng, luôn thành
thật, luôn tôn trọng và bênh vực công lý, luôn yêu
thương mọi người. Tâm tốt lành ấy
mới chính là điều cốt yếu làm nên sự công
chính thánh thiện của chúng con, hơn là việc giữ
luật lệ một cách chi tiết hay việc làm cho
thật nhiều những hành động tốt.
|