Cao cả và bi đát – Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Thánh với phàm, thiêng với
tục là những phạm trù tôn giáo mà mọi thời và
mọi nơi đều biết đến.
Cái thánh thiêng là cái cao cả siêu
việt, khác lạ, đáng kính và nhiều khi đáng
sợ.
Cái phàm tục là cái thông
thường, cái tầm thường, nhiều khi còn có
thể đáng khinh và bị coi là ô uế dơ dáy.
Trong các tôn giáo sơ khai, cái thánh thiêng hiện
diện ở khắp nơi trong mọi sự từ núi cao
đến sông dài, từ đền thờ tới gốc
đa, gốc đề, từ tượng thần
đến cái bình vôi, từ cá sấu đến các tinh tú.
Trái lại, ngày nay trong thế
giới tục hoá, mọi sự đều
được giải thiêng, chẳng có gì thánh thiêng ngoài
khoa học thực nghiệm duy lý với các định luật,
các công thức.
Trong tiếng Do thái,Thánh có
nghĩa là tách biệt. Cái linh thiêng là cái gì tách biệt
khỏi cái thường ngày, tách khỏi cái tầm
thường thông tục.Cái thánh thiêng là cái gì khác lạ cao
xa, ở bên ngoài, ở bên kia, ở bên
trên cái thông thường. Do đó,Thiên
Chúa được gọi là Đấng Thánh, bởi vì
Người cao cả, siêu việt tuyệt đối khác
lạ. Người là Đấng siêu
việt. Đấng cao cả, linh thiêng
phải ngự ở những nơi linh thiêng cao cả.
Đó là những ngọn núi thánh, những
Đền thờ, những nơi tách biệt khỏi
chốn phàm trần. Những
người được tuyển chọn để
phục vụ Đấng Thánh cũng phải là những
người tách biệt khỏi người phàm. Hàng Tư tế trong dân Do thái chỉ
được chọn từ chi tộc Lêvi. Họ
phải là những người không tỳ vết, không
tật nguyền, phải giữ những luật lệ
khắt khe hơn người thường.Tất cả
những gì dành riêng cho Đấng Thánh, những gì
được coi như thuộc về Người,
đều là những cái thánh: núi thánh, đền thánh,
nơi thánh, ngày thánh, đồ vật thánh. Phạm
đến những cái đó là phạm đến chính
Đấng Thánh.
Quan niệm linh thánh như vậy muốn
tách biệt cái thánh thiêng ra khỏi cái phàm tục.Từ
đó người ta đẩy xa Đấng Thánh ra
khỏi cuộc đời và ngày càng đóng khung Người
vào trong phạm vi của núi thánh,
Đền thờ, nơi thánh, nơi cực thánh. Không gian
của Người ngày càng bị thu
hẹp lại.
Dân Israel
được gọi là Dân Thánh, dân riêng của Chúa,
thuộc về Chúa. Họ tự coi mình là sở
hữu Thiên Chúa: Người là của riêng họ, thuộc
về họ. Dân Israel
chờ đợi một vị thiên sai ngự đến
trong cung thánh đền thiêng.
Trong một thế giới mà cái thánh thiêng và
cái phàm tục được xác định rạch ròi
tỉ mỉ như thế, chúng ta mới thấy việc
Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Thánh làm
người, một người phàm ở giữa
những người phàm gặp phải sự chống
đối quyết liệt.
Ngay từ giây phút nhập thể, Đức
Giêsu đã không đến trong Đền thờ mà lại
đến trong căn nhà nhỏ bé ở Nazareth.
Thiên Chúa làm người trong lòng một thôn
nữ vô danh đối với người Do thái.
Rồi khi chào đời, Người đã lấy
chuồng bò lừa làm nhà ở, lấy máng cỏ làm nôi,
lấy những kẻ mục đồng vốn bị
người Do thái coi là uế tạp làm bầu
bạn.Trong suốt cuộc đời, Đức Giêsu
sống như một người tầm thường
giữa những người nghèo khổ, đồng hành
ăn uống với những người bị coi là
tội lỗi, thâu nhận người thu thuế làm môn
đệ.
Trang Tin mừng hôm nay kể
về một sự kiện trong chuỗi những
chống đối quyết liệt đó. Các
Biệt phái Kinh sư trách các môn đệ Đức Giêsu
không rửa tay trước khi ăn.
Rửa tay trước khi ăn,
đối với người Do thái là một quốc
tục, một thánh lệ. Các người Pharisiêu và Kinh
sư nói riêng và dân Do thái nói chung,
thường rất khắt khe với tục lệ này. Họ cho đó là một nghi thức truyền
thống quan trọng phải tuân giữ triệt
để, chứng tỏ mình thanh sạch trước
mặt mọi người. Vì thế, họ chất
vấn Đức Giêsu: Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân,
cứ để tay mà dùng bữa?
Đức Giêsu đã cho biết thế nào là
sạch thế nào là dơ, thế nào là thánh thiêng, thế
nào là phàm tục. Của ăn
được nấu chín là sạch. Cái làm cho dơ đó
là lòng người. Cõi lòng mới là nguồn gốc của
việc lành hay dữ, tốt hay xấu, sạch hay dơ.
Có câu chuyện trong sách Tông đồ công
vụ (10,11-16). Vào trước giờ
ăn trưa, Thánh Phêrô cầu nguyện và xuất thần:
“Ông thấy trời mở ra và một vật gì sà
xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc
bốn góc, đang được thả xuống, trong
đó có mọi giống vật bốn chân, rắn rết
và mọi thứ chim trời. Có tiếng phán bảo ông:
Phêrô, đứng dậy làm thịt mà ăn! Phêrô thưa:
lạy Chúa, không thể được, vì không bao giờ
con ăn những gì ô uế và không thanh
sạch. Có tiếng phán với ông lần thứ hai:
những gì Thiên Chúa tuyên bố là thanh sạch, ngươi
đừng gọi là ô uế. Việc đó xảy
đến ba lần, và lập tức vật ấy
được đưa lên trời.”.
Như vậy những gì Thiên Chúa sáng tạo đều là
sạch, con người không thể coi là nhơ bẩn.
Đức Giêsu bác bỏ hoàn toàn quan niệm
về sạch dơ của người Do thái. Đối
với Người, không có gì bên ngoài lại làm cho con
người ra dơ trước mặt Thiên Chúa. Cái gì dơ, cái gì tội lỗi chính là từ trong
lòng người mà phát xuất ra. Đó là: tà dâm, trộm
cắp giết người, ngoại tình, tham lam,
độc ác xảo trá, trác táng, ganh tị, kêu ngạo,
ngông cuồng.Tất cả những điều xấu xa
đó đều từ bên trong xuất ra và làm cho con
người ra ô uế.
Người đời đã phải than
thở rằng: “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham
hiểm ai đo cho tường”; “Lòng người thăm
thẳm mù khơi, không bờ không bến biết nơi nào
dò”. Tục ngữ có câu: “Khẩu Phật tâm xà” hay “ Miệng thơn thớt dạ ớt ngâm”
để diễn tả hạng người mang mặt
nạ che dấu lòng dạ ác độc bên trong, loại
người mà “Bề ngoài thơn thớt nói cười,
mà trong nham hiểm giết người không dao”.
Một trong những đặc
trưng của kỹ thuật hiện đại là kỹ
thuật làm đồ giả. Chân giả, tay giả, tóc giả, lông mi giả, hoa
giả, trái cây giả…. Những thứ giả ấy đi vào
cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm ngũ quả, hoa nến nhang đèn
đều giả… Mức độ “giả” còn tinh vi
nên lắm khi cái giả xem ra còn đẹp hơn cái
thật, khó mà phân biệt được thực hư,
tốt xấu. Nhưng tệ nhất vẫn là thứ
“Giả nhân giả nghĩa”, thứ “giả hình” mà Chúa
đã nặng lời khiển trách (Mt 23,13-29). Thánh Gioan
đã lật tẩy: “Ai nói rằng mình biết Thiên Chúa mà
không tuân giữ các điều răn của Người,
đó là kẻ nói dối” (1Ga 2,4); “Ai
bảo mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình,
người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu
người anh em mà mình trông thấy, thì không thể yêu
mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (Ga 4,20).
Cõi lòng hay thế giới nội tâm làm cho con
người nên cao cả nhưng nó cũng làm nên sự bi
đát. Cao cả và bi đát đan xen trong lòng người
như ánh sáng và bóng tối.
Con người nên cao cả là nhờ thế
giới nội tâm với tư duy, cảm xúc, phân tích,
đúc kết, kinh nghiệm… Nhờ có thế giới
nội tâm mới có khoa học, có sáng tạo văn hoá
nghệ thuật. Cũng chính cái thế giới nội tâm
này làm cho con người trở nên bi đát. Bề
ngoài và bề trong liên quan với nhau và tác động
lẫn nhau, nhưng về mặt luân lý đạo
đức, bề trong mới là phần quyết
định. Chỉ có con người mới có
giả hình, lừa đảo, gian dối, mưu mô,
thủ đoạn. Đức Giêsu đã nhận xét: “ Không phải những gì từ bên ngoài vào làm
cho người ta ra ô uế, nhưng từ trong lòng mới
xuất phát những cái làm cho người ta ra ô uế” (Mt
15,19).
Đức Giêsu nhấn mạnh
sự thanh tẩy từ bên trong. Người
chẳng phản đối chuyện rửa tay.
Người chỉ phê bình thói hình thức bên
ngoài. Điều quan trọng là rửa
cõi lòng. Cái ô uế thực sự đáng sợ không
đến từ việc đụng chạm hay ăn uống mà nó lại nằm trong lòng
người. Nó không từ ngoài vào mà từ bên
trong ra.
Đối với Đức Giêsu, yếu
tố quan trọng để xác định giá trị
đạo đức hay luân lý là trạng thái nội tâm
chứ không phải những việc làm bên ngoài. Ý hướng bên trong là yếu tố quyết
định việc làm bên ngoài có gía trị hay không. Đức Giêsu luôn sống tình thương
với mọi người, luôn “chạnh lòng
thương”.Tình thương chính là sự thánh thiện.
Tình thương là thanh sạch. Đấng Thánh hôm nay có tên gọi là Tình
Thương.Tình thương là chia sẽ, là hiệp
nhất. Sự thánh thiện của Đức Giêsu
luôn rộng mở lan toả hương
thơm tình thương, thanh sạch.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có viết
trong cuốn “Giọt máu” một câu rất sâu sắc
“Văn chương phải bất chấp hết.
Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành
bướm và hoa. Đấy là chí thánh”.Tác giả hiểu ý
nghĩa của từ chí thánh theo đúng
những gì là phàm tục, thế gian là cõi hồng trần
bụi bặm. Cái chí thánh chính là dìm mình, hoà vào
trong bùn lầy, trong tội lỗi để làm cho từ
vũng bùn lầy, từ vực thẳm tội lỗi
ấy nở hoa, rực lên sự thánh thiện. Tôn
giáo nhắm trực tiếp vào nội tâm con người,
vì thế có lẽ nó còn hữu hiện hơn xã hội
rất nhiều trong việc chế ngự cái xấu,
cổ vũ cái tốt. Bởi vì tôn giáo chân chính nào cũng
đều kêu gọi, động viên, giáo dục con
người làm lành lánh dữ, vươn lên làm chủ
phần hạ đẳng nơi mình để thăng hoa
phần cao thượng trong sáng. Người ta có thể
không sợ dư luận hay luật pháp (vì còn có thể che
dấu luồn lách), nhưng một khi đã tin vào
Đấng Linh Thiêng và nếu đó là một niềm tin
sống động, người ta khó có thể không sợ
sự phán xét của lương tâm và nhất là của
Đấng họ thờ kính.
Thường thì khi vừa sinh
ra, người ta có cái tâm hồn hậu nhưng cái trí
dại khờ. Càng lớn lên, trí càng khôn
ngoan nhưng tâm càng vẩn đục. Đi
cho trọn đường trần là trí học biết
được càng nhiều càng tốt những khôn ngoan mà
tâm vẫn giữ được cái hồn hậu của
tuổi ấu thơ.
Đối với người Kitô hữu,
nếu như xã hội mong muốn và chờ đợi
chúng ta sống đạo đức một, thì chính Chúa còn
đòi buộc chúng ta phải "thánh thiện" trăm
ngàn lần hơn: "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha
anh em trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5,48); "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…
Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước
mắt thiên hạ, để họ nhìn thấy công
việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh
em, Đấng ngự trên trời" (Mt 5,14.16).
Con người sống ở đời
cần có một tấm lòng, một trái tim
yêu thương chân thành. Thiên Chúa đã ra lệnh truyền
cho con người: “Hãy tạo cho mình một trái tim mới”
(Ed 18,31). Người còn phán: “Ta sẽ
thanh tẩy các ngươi, Ta sẽ ban cho các ngươi
môt trái tim mới” (Ed 36,25). Một trái tim mới biết yêu thương hay một
tấm lòng để người ta sống tốt
đẹp với nhau.
Tình thương của Chúa Giêsu
là tình thương cứu thế, muốn thanh tẩy con
người tội lỗi, rửa sạch tâm hồn và
trao ban sự sống mới.
Trong đời sống tâm linh,
người Kitô hữu cần phải tu dưỡng cái
tâm, phải có tâm ngay lành, luôn tôn trọng sự công
bằng, yêu thương mọi người. Cần có một tấm lòng, tâm tốt thì mọi
việc làm sẽ đẹp lòng Chúa.
Người Kitô hữu mỗi ngày
đến nhà thờ dự tiệc Thánh Thể. Đưa
tay đón nhận Bánh Thánh là đón nhận tình thương
và thanh sạch của Chúa.Bàn tay đón nhận Bánh Thánh
cũng là bàn tay bác ái yêu thương góp phần thánh hoá
trần gian.
|