Chúa Nhật
sự sống tín phục
Ngày 23: Thánh Rôsa Lima đồng trinh
Rôsa là thánh nữ tiên khởi của miền Nam Mỹ Châu. Cha mẹ ngài gốc Tây Ban Nha, nhưng vì sinh kế phải sang Pérou lập nghiệp tại thủ đô Lima vào khoảng năm 1543. Chính tại đây, Rôsa đã chào đời vào năm 1586.
Ngay từ nhỏ, Rôsa đã có một đời sống đạo đức gương mẫu. Mặc dầu được mọi người trong gia đình chiều chuộng, Rôsa vẫn luôn tỏ ra thùy mị đơn sơ từ lời nói tới cách ăn mặc. Ðược cắp sách tới trường, Rôsa chăm lo trau dồi các môn học, nhất là về văn chương. Khi cha mẹ già yếu bệnh tật, Rôsa phải bỏ học hầu giúp gia đình và phụng dưỡng cha mẹ.
Ðể giữ mình trinh khiết, năm 1608, ngài xin mặc áo dòng Ba Thánh Ða Minh. Từ đó ngài bắt đầu sống một cuộc đời ăn chay đền tội nhiệm nhặt, xa tránh những thú vui ồn ào. Những lúc nhàn rỗi, ngài thường tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện, đọc Thánh Kinh và suy gẫm về ý nghĩa lễ Misa. Cuộc sống chiêm niệm ấy đã đem lại nhiều lại nhiều tư tưởng đạo đức cao sâu cho ngài.
Ngoài ra, ngài còn ao ước đi truyền giáo các nơi xa xôi, nhưng vì gánh nặng gia đình, vì sức yếu nên ngài không thực hiện được ước mơ. Bù lại, ngài hăng hái tham gia vào việc từ thiện giúp đỡ các bệnh nhân và người nghèo khổ.
Ngài chết ngày 23/8/1617 vì bệnh ung thư, sau những năm dài say mê với công việc bác ái. Ngài được nổi tiếng vì những phép lạ đã làm.
Ðức Giáo Hoàng Clêmentê X đã phong ngài lên hàng các thánh trinh nữ năm 1671.
Bài Đọc I: Gs 24, 1-2a. 15-17. 18b
Đáp Ca: Tv 33, 2-3. 16-17. 18-19. 20-21. 22-23
Bài Đọc II: Ep 5, 21-32
Phúc Âm: Ga 6, 61-70
Bài Phúc Âm theo Thánh ký Gioan cho chu kỳ phụng vụ Năm B hôm nay, Chúa Nhật XXI Thường Niên, là bài Phúc Âm thứ 5 về chủ đề Bánh Hằng Sống (the living bread), Bánh Sự Sống (the bread of life), được Giáo Hội chọn đọc từ Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên Năm B, chu kỳ theo Phúc Âm của Thánh ký Marcô.
Bài Phúc Âm hôm nay là phần cuối cùng của Đoạn 6 về chủ đề Bánh Sự Sống, phần liên quan đến tác dụng bất lợi về bài giảng chủ đề Bánh Sự Sống này, một tác dụng bất lợi xẩy ra không phải nơi dân chúng cho bằng ngay trong nội bộ thành phần môn đệ của Chúa Kitô: "Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: 'Những lời này nghe sao mà chói tai quá! Ai mà có thể chấp nhận được chứ!'"
Tuy nhiên, cho dù bài giảng của mình gây phản tác dụng rất trầm trọng như thế nơi chính nội bộ môn đệ đoàn của mình, Chúa Giêsu vẫn không hề hay không chịu đính chính gì hết, chẳng hạn như Người có thể trấn an các môn đệ của Người rằng: "Ồ các con hiểu lầm lời Thày nói mất rồi, Thày chỉ nói về Bánh Sự Sống theo nghĩa bóng mà thôi, chỉ là biểu hiệu thôi, chứ thực tế làm sao lại có chuyện người ta lại ăn thịt và uống máu Thày được chứ!"
Người chẳng những không đính chính và giải thích theo xu hướng mị dân như thế, trái lại Người còn nhất định và cương quyết tiếp tục giữ vững và bênh vực lập trường trung thực của Người, bênh vực những gì Người đã nói như là những chân lý bất khả sai lầm và không thể chối cãi:
"Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: 'Điều đó làm các con khó chịu ư? Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các con có một số không tin'".
Trong câu "chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống", Chúa Kitô đã khẳng định những gì Người đã nói là chân lý, là trung thực, không sai lầm, trái lại, còn mang lại sự sống nữa, chỉ cần tin vào lời Người nói, chứ đừng theo xác thịt thuộc thế giới hạ cấp không thể nào thấu hiểu được những gì thuộc thế giới thần linh huyền diệu siêu việt.
Chính vì thái độ dứt khoát của Người với các môn đệ như thế, dứt khoát không đính chính, không ve vuốt, không mị dân, sau đó (chứ không phải trước đó) mới xẩy ra chuyện: "Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa". Nhưng Người vẫn chấp nhận cái hậu quả ấy chứ không vì thế mà đem sự thật bất biến nơi lời Người dạy thỏa hiệp với xác thịt, với trần gian.
Thật ra, trước bài giảng về Bánh Sự Sống, Chúa Giêsu đã biết trước hậu quả của nó nơi thành phần môn đệ của Người rồi: "Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người". Nên Người cũng đã khẳng định với thành phần thính giả của Người ngay từ đầu những gì Người lập lại một lầmn nữa trong bài Phúc Âm hôm nay về nguyên tắc bất diệt và bất khả thiếu là cần phải có ơn sủng đặc biệt mới có thể đến với Người, mới có thể chấp nhận Người: "Bởi đó, Ta bảo các con rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho" (xem lại câu Gioan 6:44 tương tự như câu 65 này).
Đúng thế, những môn đệ nào còn ở lại với Người, còn trung thành với Người, cho dù không nắm bắt được tất cả sự thật nơi những lời Người nói, là những tâm hồn "được Cha là Đấng sai Tôi lôi kéo" (Gioan 6:44). Bởi thế, họ chẳng những không bỏ đi như một số các môn đệ khác mà còn vững tin vào Thày của họ hơn bao giờ hết, được chứng thực qua câu tuyên xưng của vị tông đồ đại diện Phêrô ở cuối bài Phúc Âm hôm nay khi trả lời cho vấn nạn Người đặt ra:
"'Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?'. Simon Phêrô thưa Người: 'Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa'".
Trong câu trả lời này của vị tông đồ trưởng Phêrô, chúng ta thấy chỉ vì các tông đồ, trước hết và trên hết, tin vào bản thân Chúa Kitô, tin vào đúng căn tính của Người: "Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa", mà các vị mới có thể chấp nhận tất cả những lời Người nói và việc Người làm, nghĩa là những gì Người "là Đấng Kitô Con Thiên Chúa" nói và làm cũng đều chân thật, không bao giờ sai lầm, trái lại, còn ban sự sống nữa, nên các vị không thể nào bỏ Người: "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai đây? Chỉ Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời thôi".
Thái độ và tinh thần gắn bó của các tông đồ đối với Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay, ở chỗ các vị không bỏ Người mà đi như một số môn đệ khác, là mô phạm cho Giáo Hội đối với Chúa Kitô như vậy, như lời khuyên của Thánh Phaolô ngỏ cùng các người làm vợ sau đây:
"Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Đức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Đấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy".
Tại sao thế? Nếu không phải tại vì Giáo Hội thuộc về Chúa Kitô và được Người yêu thương hiến mình cho Giáo Hội hay sao: "Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh, để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền".
Trong Bài Đọc 1 hôm nay, được trích từ Sách Gioduệ, cũng cho thấy dân Do Thái, cho dù lịch sử cứu độ đã cho thấy họ đã liên lỉ bất trung bội nghĩa với Ngài, vẫn cảm nhận được Đấng đã tuyển chọn dân tộc của họ, nên khi họ được vị thủ lãnh của họ là Gioduệ đặt vấn đề với họ:
"Nếu các ngươi không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn: hôm nay, các ngươi hãy tuỳ ý chọn phải tôn thờ ai hơn: hoặc là các thần cha ông các ngươi đã tôn thờ ở Mêsôpôtamia, hoặc các thần của người xứ Amôrê, nơi các ngươi đang ở. Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa".
Họ đã tỏ ra cương quyết trung thành với Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, Đấng hằng ở với họ và cứu độ họ như sau: "Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại. Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, chính Người đã dẫn chúng tôi và cha ông chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Người đã làm những việc kỳ diệu cả thể trước mắt chúng tôi và đã gìn giữ chúng tôi suốt con đường chúng tôi đã đi, giữa tất cả mọi dân chúng tôi đã đi qua. Chúa đã trục xuất tất cả những dân đó cũng như người Amôrê trên phần đất chúng tôi đã tiến vào".
Bài Đáp Ca hôm nay bày tỏ nhận thức về thân phận của "người hiền đức" là tiêu biểu cho những ai tín phục Chúa, như các tông đồ trong bài Phúc Âm hôm nay, hay như dân Do Thái trong Bài Đọc 1 hôm nay, hoặc Giáo Hội trong Bài Đọc 2 hôm nay, được Thiên Chúa quan tâm (câu 2), được Thiên Chúa cứu chữa (câu 3), được Thiên Chúa giải thoát (câu 4):
1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa, linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.
2) Thiên Chúa để mắt coi người hiền đức, và tai Người lắng nghe tiếng họ cầu. Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai.
3) Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ; Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát.
4) Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân, nhưng Thiên Chúa luôn luôn giải thoát. Người giữ gìn họ xương cốt vẹn toàn, không để cho một cái nào bị gãy.
5) Sự độc dữ sẽ sát hại đứa ác nhân; kẻ ghét người hiền sẽ phải đích thân đền tội. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Người, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Người, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi.