Thánh
Thể.
Kinh Thánh đã đưa ra
nhiều hình ảnh ám chỉ đến bữa tiệc
Thánh Thể. Từ những lễ vật của Cựu
ước đến Manna trong hoang địa.
Thế nhưng, phép lạ bánh hóa nhiều là một hình
ảnh vừa gần gũi, lại
vừa trực tiếp nhất.
Bởi vì sau phép lạ ấy Chúa Giêsu
đã xác quyết:
- Ta là bánh hằng sống từ
trời xuống…Thịt Ta thật là của ăn
và máu Ta thật là của uống…
Tất cả những hình
ảnh ấy đã được Chúa Giêsu thực
hiện một cách trọn vẹn trong bữa tiệc ly
vào buổi chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh, khi Ngài
thiết lập Bí tích Thánh Thể.
Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy
bánh và nói:
- Này là mình Ta sẽ bị nộp vì các
con.
Rồi Ngài cầm lấy chén
rượu và nói:
- Này là chén máu Ta, máu giao ước
mới, giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra
cho các con và nhiều người được tha tội.
Vậy thì Bí tích Thánh
Thể có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
Trước hết, Bí tích
Thánh Thể là hy tế tưởng niệm và tạ ơn
hoàn hảo nhất dâng lên Thiên Chúa để đền bù
vì tội lỗi chúng ta.
Thực vậy, qua cái chết và
sống lại, Chúa Giêsu đã trở nên lễ tế hoàn
hảo nhất, bởi vì Ngài là Đấng thánh thiện
tuyệt vời, được sánh ví như một con chiên
vượt qua thanh sạch, không tì vết, để
đền bù thay cho chúng ta.
Đúng thế, tội lỗi là một
sự xúc phạm đến Thiên Chúa, tự sức riêng
chúng ta không thể nào đền bù cho cân xứng. Với cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã
đền bù thay cho chúng ta và hy tế này, ngày hôm nay vẫn
còn được tái diễn trong thánh lễ để kéo
ơn sủng và tình thương của Thiên Chúa xuống
cho chúng ta.
Tiếp đến, Bí
tích Thánh Thể chính là lương thực nuôi
sống tâm hồn chúng ta.
Thực vậy, phần
xác chúng ta muốn được sống thì cần
phải ăn. Phần hồn chúng ta
muốn được sống thì cũng cần phải
ăn. Dĩ nhiên, không phải là cơm gạo vật
chất, nhưng là chính thịt máu Chúa Giêsu như lời
Ngài đã từng xác quyết:
- Ai ăn bánh này thì
sẽ được sống đời đời và Ta,
Ta sẽ cho họ sống lại ngày tận thế.
Nhờ của ăn
thần linh này, tâm hồn chúng ta được bổ
dưỡng để có đủ sức khỏe tiến
bước trong cuộc lữ hành trần gian, và sẽ
đạt tới bờ bến Nước Trời.
Sau cùng, Bí tích Thánh Thể còn là
sợi dây liên kết, không phải chỉ liên kết
chúng ta lại với Chúa, mà hơn thế nữa còn liên
kết chúng ta lại với nhau.
Thực vậy, nơi bàn
tiệc Thánh Thể, chúng ta đều bình đẳng
với nhau, không phân biệt địa vị và tuổi
tác. Đồng thời, nơi bàn tiệc Thánh Thể
chúng ta còn chia sẻ cùng nhau một thứ lương
thực thiêng liêng, đó là Mình và Máu Thánh Đức Kitô,
như lời thánh Phaolô đã nói:
- Mặc dù chúng ta tuy nhiều, nhưng
cùng ăn một bánh, cùng uống một
chén, cùng làm nên một thân thể mầu nhiệm của
Đức Kitô.
Chính vì thế, Bí tích Thánh
Thể đòi buộc chúng ta phải biết yêu
thương nhau, giúp đỡ nhau và chia sẻ cùng nhau gánh
nặng cuộc đời.
Cộng đoàn các tín hữu sơ khai
đã để lại cho chúng ta mẫu gương sáng
chói về vấn đề này: Họ thường tụ
tập nhau lại để tham dự nghi lễ bẻ
bánh, tức là Bí tích Thánh Thể. Rồi trong cuộc
sống, họ gom góp tài sản đặt dưới chân
các tông đồ, để tùy các ngài phân phối theo nhu
cầu. Với một nếp sống như thế, dân
ngoại đã phải trầm trồ khen ngợi:
- Kìa xem họ yêu thương nhau
biết là chừng nào.
Còn chúng ta thì sao?
Cuộc đời của chúng ta có phải là một thánh
lễ nối dài hay không? Và trong cuộc
sống chúng ta có biết yêu thương, giúp đỡ
lẫn nhau như Bí tích Thánh Thể đòi buộc? Hay
là, ở nhà thờ chúng ta là những con chiên ngoan, nhưng
khi bước xuống lòng cuộc đời, chúng ta
vội lột xác thành một loài lang sói,
luôn oán ghét, thù hận, gầm gừ và cắn xé lẫn
nhau.
|