Trước đệ
nhất thế chiến 1914-1918, các xứ đạo tại Đức mở Tuần Đại
Phúc.
Năm đó, một
giáo xứ của giáo phận Aachen (Tây Đức), cũng mở Tuần Đại Phúc. Dịp này,
Cha Sở mời Linh Mục Thừa Sai đến nói chuyện với giáo dân. Thánh đường
chật ních tín hữu. Bổn đạo im lặng hướng mắt về tòa giảng. Vị Linh Mục
Thừa Sai trạc ngũ tuần. Cha bắt đầu bài giảng như sau:
Một bà mẹ
đau nặng gần chết. Tất cả con cái tề tựu quanh giường người hấp hối. Chỉ
thiếu mặt người con út, đứa con trai hoang đàng. Đây là đứa con nhận
lãnh nhiều tình thương nhất. Đáp lại, anh gây cho mẹ nhiều sầu khổ và đổ
không biết bao giọt nước mắt. Giờ sau cùng đến, nhưng quí tử của bà đang
bị giam tù, vì các tội ác của chàng. Dầu vậy người mẹ vẫn không quên đứa
con út. Bà ao ước nhìn mặt con lần cuối. Các người con khác cố gắng thực
hiện mong muốn của mẹ. Họ xin phép đặc biệt cho người em về thăm
mẹ.
Phép xin
được chấp thuận. Hai tay bị còng, đứa con út được bốn quân nhân hộ tống
đưa đến cạnh giường người mẹ. Bà đã quá yếu. Bà không còn hơi để nói với
con trai lời nào, dù chỉ một lời duy nhất. Nhưng tâm trí bà vẫn tĩnh
táo. Bà chăm chú nhìn con yêu dấu lần cuối. Chỉ có thế. Chàng trai lại
được bốn người lính đưa về nhà tù. Nhưng phép lạ đã xảy ra sau đó. Ánh
mắt vừa sầu khổ, vừa yêu thương trìu mến của mẹ hiền có giá trị hơn ngàn
lời sửa dạy trách mắng.
Một mình
trong phòng giam chật hẹp, chàng quỳ gối nức nở khóc. Chàng hồi tâm về
tất cả tội lỗi đã phạm. Chàng cũng bắt đầu cầu nguyện, van xin THIÊN
CHÚA đoái thương tha thứ cho chàng. Sau đó chàng xin gặp Cha Tuyên Úy,
vị Linh Mục mà trước đó không bao giờ chàng muốn thấy mặt, hoặc nghe nói
đến tên. Chàng khiêm tốn xưng tội và thật lòng ăn năn thống hối.. Từ đó
cuộc đời chàng biến đổi hẳn. Ơn thánh hoạt động và tìm được thửa đất tốt
để nẩy mầm rồi sinh hoa kết trái.
Mãn hạn tù,
người con trai hoang đàng trở lại gia đình và trường học. Xong bậc trung
học chàng xin vào chủng viện. Mấy năm sau chàng được thụ phong Linh Mục.
Nhưng vị tân Linh Mục không ngừng lại ở đó. Cha tình nguyện đi truyền
giáo tại một xứ đạo nghèo bên Phi Châu…
Nói đến
đây, vị Thừa Sai ngừng lại. Cha đưa mắt nhìn mọi người rồi chậm rãi
nói:
- Anh chị
em có biết chàng trai hoang đàng trở thành Linh Mục đó là ai không? Thưa
chính tôi đây!
Bài giảng
tiếp tục. Nhưng phần đầu đã gây tác động mạnh trên tâm lòng các anh chị
em tín hữu có mặt trong nhà thờ hôm ấy…….
Câu chuyện
xảy ra cách đây hơn 90 năm và vị Linh Mục đã là người thiên cổ. Câu
chuyện thứ hai của vị Linh Mục vẫn còn sống: Cha Mansour Labaky, người
Liban. Cha cộng tác với hai văn phòng chuyên giúp đỡ các trẻ bụi đời ở
Paris, thủ đô nước Pháp. Cha nói về hiền mẫu trong công trình đưa Cha
đến thiên chức Linh Mục như sau.
Năm đó tôi
vừa xong bậc tiểu học. Tôi thưa với mẹ về ước muốn trở thành Linh Mục và
xin phép mẹ gia nhập chủng viện. Mẹ vui mừng lắng nghe tôi trình bày. Mẹ
tôi cảm động nói:
- Mẹ sẽ
đồng hành với con trong thời gian con chuẩn bị tiến lên chức vụ Linh
Mục.
Mẹ tôi chỉ
nói có thế.
Thời gian
trôi qua. Một tháng trước ngày tôi thụ phong Linh Mục, mẹ tôi chỉ cho
tôi bình lúa mì và nói:
- Con yêu
dấu, kể từ giây phút con chính thức báo tin muốn trở thành Linh Mục, mẹ
quyết định sẽ dâng nhiều hy sinh để cầu xin Chúa giữ gìn con trung thành
với ơn gọi. Mỗi lần làm một hy sinh, mẹ bỏ vào bình một hột lúa mì. Tất
cả hạt lúa mì sẽ được xay, rồi tán nhuyễn thành bột và đúc thành chiếc
bánh lễ, để con thánh hiến, trong ngày con dâng lên THIÊN CHÚA Thánh Lễ
đầu tay. Con hãy nhận các hạt lúa mì này, ghi dấu tình mẹ thương con và
cộng tác với con. Bao lâu Chúa cho mẹ còn sống, mẹ sẽ tiếp tục hợp tác
với chức vụ Linh Mục của con, bằng những hy sinh trong cuộc đời khiêm
tốn thường ngày của mẹ.
("IL SEME",
12/1990, trang 21 - Radio Vatican)
Lạy Chúa,
Chúa đã gởi con đến với đời qua đôi dòng sữa một người mẹ, xin gìn giữ
mẹ lúc người còn sống, xin dủ lòng xót thương khi người đã khuất núi.
Xin cho những đứa con còn mẹ hôm nay luôn biết trân quý món quà vô giá
đó. Xin cho những người con mất mẹ biết tìm chỗ tựa nương ủi an bên Mẹ
Maria, Mẹ Thiên Chúa. Amen