THẦN LƯƠNG (CN 19 QN. B)
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
(1
Vua 19, 4-8; Eph 4, 30- 5, 2; Ga 6, 41-52).
Sách Các Vua kể câu truyện
tiên tri Êlia thách thức các tiên tri thờ thần Baal và thần
Asherah. Tại núi Carmel, Êlia đã trách móc vua Ahab về sự
nhu nhược đã tôn thờ các thần ngoại bang và qụy
lụy người vợ ngoại là Jezebel. Chỉ một
mình Êlia, vị tiên tri của Chúa còn sót lại phải đối
đầu với 450 tiên tri của thần Baal và 400 tiên tri
của thần Asherah. Để nhận diện Thiên Chúa thật,
Êlia đã tổ chức cuộc dâng hiến lễ toàn thiêu
lên thần minh của mình. Nếu thần nào chấp nhận
của lễ dâng hiến sẽ là thần chính thật. Các
tiên tri Baal đã dâng của lễ và gào thét nguyện cầu
cả ngày nhưng chẳng có thần minh nào đón nhận
của lễ. Êlia đặt bàn thờ, giết chiên và
đổ ngập tràn nước trên của lễ toàn
thiêu. Êlia cầu khẩn và Thiên Chúa đã nhậm lời cho
lửa thiêu đốt của lễ. Tiên tri Êlia đã toàn
thắng và theo khế ước đã được chấp
thuận trước, Êlia giết tất cả các tiên tri của
Baal. Jerebel, vợ vua Ahab ghen tức muốn trả thù và
đòi lấy mạng Êlia. Êlia đã trốn lên núi.
Tiên tri Êlia lo sợ chạy trốn
lên núi than van cùng Chúa và ông xin cho được chết và
nói: "Lạy
Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống
con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con (1Vua 19, 4).
Theo lệnh truyền của Thiên Chúa, các tiên tri có bổn
phận loan báo chương trình của Chúa. Khi vua quan và dân
chúng sống trong lầm lạc, các ngài hướng dẫn
đưa họ trở về cùng Chúa. Khi dân chúng sa vào những
mê lầm thờ kính các thần gỗ đá vô minh, các tiên
tri giúp họ tìm ra con đường chính thật. Thường
các tiên tri bị các vua chúa, ngay cả các tư tế và dân
chúng tẩy chay, từ chối và bị xua đuổi bắt
bớ. Trên đường trốn chạy, thiên thần của
Chúa đã mang cho Êlia của ăn và nước uống.
Tiên tri đã hưởng dùng thần lương này và đủ
sức đi bốn mươi ngày đêm tới núi Horeb.
Đời sống con người
bị chìm trong vô minh nên còn mang nhiều nghiệp báo. Những
tranh dành ảnh hưởng đã gây nên những thù hành ganh
ghét. Khi chưa nhận ra chân giá trị của cuộc sống,
chúng ta còn bị những thói đời ràng buộc tìm tiêu
diệt và sát hại lẫn nhau. Vua Ahab và hoàng hậu Jerebel
biết rõ là thờ thần Baal chỉ là tượng thần
gỗ đá nhưng họ không thể từ bỏ. Những
ích kỷ, kiêu căng và vô minh lấn át tâm trí, con người
không nhận ra mình đang đi trong con đường lầm
lạc. Càng bước vào con đường lầm lạc
sa cơ lỡ thế, con người càng vẫy vùng để
tìm chỗ nương tựa. Những thói hư tật xấu
xuất hiện như những trụ đế để
thỏa mãn những khát vọng. Thánh Phaolô trong thơ gởi
cho tín hữu Êphêsô đã nhắn nhủ: Đừng bao giờ chua cay gắt
gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ,
và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác (Eph 4, 31). Chỉ
khi nào thoát ra khỏi những đua chen đố kỵ,
chúng ta mới tìm thấy sự an vui đích thực.
Thánh Phaolô khuyên dạy chúng ta rằng: Phải
đối xử tốt với nhau, phải có lòng
thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa
đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô (Eph 4, 32). Hãy
đối xử tốt với nhau vì chúng ta cùng có một
Cha trên trời là Đấng tác tạo muôn loài. Chúng ta cùng
chung hưởng biết bao gia sản quí báu trong vũ trụ.
Chúng ta cùng hít thở một bầu khí quyển, cùng uống
chung một nguồn nước, cùng chia sẻ những tấm
bánh và cùng đồng hành trong thời gian và không gian. Mọi
người cùng sống theo những lý tưởng để
tiến đến một cùng đích. Chúng ta không thể
đạt tới cuộc sống viên mãn một mình. Cũng
thế, chúng ta không thể nên trọn lành đơn lẻ.
Sống là sống cùng và sống với người khác, mọi
người giúp nhau nên hoàn thiện. Kẻ giầu người
nghèo, kẻ khôn người dại, kẻ sang người
hèn, mọi người đều đi về cùng một
cõi. Chúng ta cùng nương nhau để sống an lạc
và bình an.
Kinh nghiệm cho chúng ta thấy,
cũng vì tranh dành miếng cơm manh áo mà loài người
gây ra biết bao nhiêu khổ lụy ở đời. Hậu
qủa của chiến tranh bành trướng, dành dân chiếm
đất và muốn sở hữu chủ nguồn tài
nguyên thiên nhiên cũng chỉ để thỏa mãn lòng tham
muốn. Hằng ngày chúng ta phải miệt mài lao động
để kiếm tìm của ăn nuôi sống. Từng
bước, nhu cầu cần yếu là kiếm bát cơm
manh áo, rồi ăn no mặc ấm, tiến tới ăn
ngon mặc đẹp và rồi ăn sung mặc sướng.
Tuy nhiên, những thỏa mãn về nhu vầu vật chất
không thể đáp ứng những khát vọng sâu xa của
con người. Mọi thứ của ăn trên trần gian
dù là sâm ngàn năm, sâm bổ lượng, trái trường
sinh và các món ăn đại bổ cũng không thể nuôi
sống con người mãi mãi. Dù vất vả ngày đêm
bon chen thu quén cải vật chất hoài cũng chẳng bao
giờ no thỏa.
Chúa Giêsu giới thiệu cho
chúng ta một thần lương vô giá. Chúa phán: Tôi là bánh hằng
sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ
được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng,
chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được
sống (Ga 6, 51). Bánh
hằng sống từ trời xuống lại chính là thịt
của Con Thiên Chúa, nguồn ban sự sống. Khi nghe về
bánh lạ, nhiều người quá ngỡ ngàng không thể
tin vào tai của mình nữa vì lời của Chúa vượt
trên trí hiểu của con người. Vì thế, Người
Do-thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức
Giêsu đã nói: "Tôi là bánh từ trời xuống (Ga 6,
41). Với các phép lạ,
Chúa Giêsu đã chuẩn bị tư tưởng cho dân
chúng qua việc hóa bánh ra nhiều hai lần để nuôi cả
ngàn người. Chúa cũng nhắc lại bánh Manna do Cha
trên trời ban xuống cho dân trong hoang mạc. Bánh hóa nhiều
để dưỡng nuôi thân xác yếu hèn của con
người. Mọi người ăn để sống
qua ngày rồi cũng sẽ chết. Nay Chúa ban bánh trường
sinh, ai ăn, sẽ sống đời đời.
Bánh ban sự sống là bánh của
niềm tin. Thật,
tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống
đời đời. Tôi là bánh trường sinh (Ga 6,
47-48). Các tông đồ xưa đã xin Chúa ban thêm
đức tin. Các ngài theo sát cạnh Chúa, chứng kiến
biết bao nhiêu phép lạ Chúa đã thực hiện và
được chính Chúa sai phái ra đi là nhân chứng. Hầu
hết các tông đồ đã đổ máu đào minh chứng
niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết và sống
lại. Chúng ta được mời gọi để chia
sẻ bàn tiệc lời Chúa và bàn tiệc Mình Máu Thánh Chúa.
Chúng ta tuyên xưng Bí Tích Thánh Thể là mầu nhiệm
đức tin. Hầu hết các Kitô hữu khi tới tuổi
khôn đều đã lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô nhiều
lần. Chúng ta có thật sự tin Mình Thánh Chúa là bánh trường
sinh nuôi dưỡng linh hồn đem lại sự sống
đời đời không?
Chúng ta có thể minh chứng sự
hiểu biết của mình qua Kinh Thánh, Triết học và
Thần học, qua Huấn quyền và các nguồn học
hiểu của Giáo Hội về Bí Tích Thánh Thể nhưng
điều quan trọng nhất là chúng ta cần có sự cảm
nghiệm, hòa nhập và tin yêu phó thác. Lãnh nhận bánh thiêng
nuôi hồn, bánh thánh hòa nhập biến đổi trở
nên máu thịt của chúng ta. Tự thân chúng ta cũng phải
biến đổi để mỗi ngày trở nên tốt
lành thánh thiện hơn. Bí Tích Thánh Thể luôn là mầu nhiệm
đức tin. Đừng bao giờ chúng ta rời xa nguồn
sống ban phúc trường sinh. Thánh Thể luôn là trung tâm
điểm đời sống của người Kitô hữu
khắp mọi nơi.
Lạy Chúa, xin Chúa ban thêm đức
tin để chúng con vững bước theo Chúa. Xin cho chúng
con biết tin tưởng vào Chúa như thánh Phêrô xưa:"Thưa Thầy,
bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy
mới có những lời đem lại sự sống
đời đời” (Ga 6, 68). Lạy Chúa, chúng con tín thác vào Chúa.
Lm.
Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York
*******************************
|