Tấm bánh được bẻ ra –
Văn Hào.
Chúa Nhật tuần trước, chúng ta
được mời gọi chiêm ngắm Đức Giêsu,
vị mục tử nhân lành giàu lòng yêu thương con
người đã nhân bánh và cá lên gấp ngàn lần
để cho 5000 người ăn no nê. Phép
lạ đã xảy ra. Nhưng chắc
chắn Đức Giêsu không phải là một kinh tế
gia, cũng không phải là một chuyên viên đi làm công tác
từ thiện xã hội, hoặc xóa đói giảm nghèo.
Phép lạ Đức Giêsu thực hiện là
một dấu chỉ khải thị một chân lý sâu xa
hơn. Ngài chính là tấm bánh
được bẻ ra để cho chúng ta
được sống và sống dồi dào. Đức Giêsu không đóng vai một nhà từ
thiện giầu hảo tâm, giúp con người vượt
qua cái đói vật chất. Ngài chính là
Đấng Cứu Độ, là Bánh Trường Sinh,
Đấng đến trần gian để cho chúng ta
được sống. Đó chính là nội dung bài
diễn từ về bánh mà Thánh Gioan trình bày cho chúng ta trong
chương 6, bắt đầu từ Chúa Nhật hôm nay.
1. Tấm bánh thần thiêng
Năm 1868,
một cô gái người Bỉ yếu ớt
được in năm dấu thánh. Cô ta tên
là Louis Lateau. Từ đó trở đi, cô không còn có
thể ăn uống được
nữa. Trong bảy năm trời, cô ta
sống nhờ lương thực duy nhất là
rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày. Trường
hợp tương tự cũng xảy ra với chị
Têrêsa Newman và cô Matta Robin, người Sáng lập Tu hội
Bác Ái. Những điều kỳ diệu đó phần
nào chứng minh cho lời Chúa nói hôm nay: “Con người
không chỉ sống bằng cơm bánh. Hãy ra công làm việc
không phải vì của ăn mau hư nát
nhưng để có lương thực mang lại sự
sống trường sinh, là lương thực mà Con
Người sẽ ban cho các ngươi.” (Ga
6, 27). Thế, lương thực Chúa nói
đây là lương thực gì?
Chúa Giêsu đã công bố: “Tôi là Bánh
Trường Sinh”. Để có tấm bánh, dù
là bánh bột mì hay bột gạo, trước hết
phải có hạt. Hạt
được gieo trồng trong ruộng, rồi phải
có người tưới nước, làm cỏ, bón phân.
Hạt lúa cần ánh nắng để
được chín vàng. Kế
đến phải có người gặt, đem về xay
thành bột. Bột được nhào,
nặn thành bánh và bánh phải được nung chín trong
lò. Đức Giêsu, tấm bánh được Thiên Chúa
ban tặng, cũng trải qua những công đoạn
tương tự như thế. Ngài đã
được cấy vào mảnh ruộng trần gian,
nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Ngài cũng đã được lớn lên trong ánh
nắng mặt trời vùng quê Nazareth, đã vươn lên
giữa đám cỏ lùng trong thửa ruộng dương
gian. Ngài đã trưởng thành, đã
chín vàng dưới ánh nắng kỳ diệu của
Thần Khí. Sau cùng, Ngài đã
được gặt hái, bị nghiền nát phơi thây
trên Thập Giá, và được nung chín trong cuộc
khổ nạn. Ngài đã trở nên
một Tấm Bánh, được bẻ ra và hiến trao
cho nhân loại. Tấm bánh Giêsu
được hiến tặng cho ta chính là tấm bánh
được nướng chín trong mầu nhiệm
Thập Giá, nơi kết tụ đỉnh cao của Tình
yêu mà Thiên Chúa đã tỏ bày.
Văn hào Fortry đã viết: “Dầu bầu
trời có tối đen đến mấy đi nữa,
thì Thánh Giá vẫn là dấu hiệu cao cả nhất và
tuyệt vời nhất của tình yêu”. Cha Thánh Gioan Maria
Vianney cũng diễn tả một xác tín tương
tự: “Chúng ta phải đeo bám vào Thập Giá Chúa như
một kẻ hà tiện bám víu vào tiền bạc, vì Thánh Giá
là chóp đỉnh của tình yêu, là lương thực
trường sinh, là nguồn mạch cứu độ”.
Chúa Giêsu đã nói: “Ai tin vào tôi sẽ
được sống đời đời”. Tin vào
Đức Giêsu, Đấng bị phân thây trên Thập Giá,
chính là tiếp nhận Ngài, mở lòng ra để “ăn” Ngài, vì Ngài chính là tấm bánh cứu
độ được bẻ ra và được phân
phát nhưng không cho tất cả mọi người.
Muốn trở nên lương thực nuôi
sống con người, tấm bánh phải được
nghiền nát và bị phân hủy để đi vào
thịt máu, đem lại cho chúng ta sự sống. Đây là định luật về Bánh, đã
được chính Đức Giêsu biểu tỏ qua cái
chết của Ngài trên Thập Giá. Định
luật đó cũng được Chúa Giêsu chuyển giao
để chúng ta sống và thực hành: “Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình vác thập giá hằng
ngày theo tôi”.
2. Sống định luật về bánh.
Văn hào Leon Tolstoi viết một tiểu
thuyết ngắn với tựa đề: “Con
người chúng ra sống bằng gì?” Tác giả nêu ra câu
hỏi và trả lời ngay sau đó “Con người chúng
ta sống bằng tình yêu”. Tần Thủy
Hoàng ngày xưa đã cho nhiều người tài giỏi
đi khắp nơi lùng sục những thang thuốc quý,
hay những lương thực cao lương mỹ
vị để được sống mãi. Nhưng ông ta đã chết, cũng như tất
cả mọi người khác. Dùng đồ ăn thức uống hằng ngày cũng
chỉ có thể vỗ béo và tẩm bổ thân xác hầu
kéo dài thêm thời gian sống, nhưng cuối cùng ai ai
cũng phải chết. Trái lại, sống bằng tình
yêu, con người sẽ không bao giờ chết. Thánh Gioan trong thơ thứ nhất, đã
định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên
Chúa là Đấng Hằng Sống, nên những ai đi vào
quỹ đạo tình yêu với Thiên Chúa và sống sung mãn
huyền nhiệm yêu thương, người đó không
bao giờ chết. Điều đó, chính Đức
Giêsu đã khẳng định trong bài Tin Mừng hôm nay:
“Tôi là bánh đem lại sự sống cho trần gian (Ga 6,
33-35). Ai ăn bánh này sẽ không còn đói..
Ai tin tôi sẽ được sống
đời đời”. Định
luật về bánh phản chiếu qua mầu nhiệm
Thập Giá luôn hàm ngậm một nghịch lý. Hạt
lúa được gieo vào lòng đất phải thối
đi mới có thể nảy mầm và đơm
bông kết trái. Tấm bánh phải
được nhai nát, được tiêu hủy trong
dạ dày mới có thể chuyển hóa thành máu và thịt.
Cũng vậy, chúng ta phải đi qua cái
chết mới đến được sự sống,
phải đi qua Thập Giá mới có thể đón
nhận vinh quang. Per Crucem ad Lucem. Per
angusta ad augusta.
Con đường theo
Đức Ki-tô, tấm bánh được bẻ ra, không
phải là con đường thẳng tắp và phẳng
lặng. Lối bước Thập Giá không
phải là nẻo đường được đan
kết bằng những bông hoa và nụ cười. Đó chính là con đường gập ghềnh
đầy sỏi đá gai chông, là con đường
đưa dẫn đến núi sọ và huyệt đá, hàm
ngậm mầu nhiệm tự hủy để cùng
chịu đóng đanh và cùng chết với Chúa Giêsu.
(Mt 16, 24-25). Muốn trở thành môn đệ
Ngài, chúng ta cũng phải trở nên tấm bánh
được nghiền nát, được bẻ ra
để phân chia cho mọi người.
3. Ví dụ cụ thể.
Một ngày
cuối năm 1965, trên một chuyến bay từ Rôma
đến Mỹ mang theo một số
Giám Mục tham dự công đồng Vaticanô II trở
về, có một tiếp viên hàng không khá xinh đẹp. Cô
ta ân cần phục vụ hành khách, nhưng hôm đó cô
tỏ vẻ hơi khó chịu vì có một cặp mắt
cứ nhìn cô đăm đăm mỗi khi cô xuất
hiện. Cô khá bực mình và cũng hơi bối rối, vì
đó lại là cặp mắt của một vị Giám
Mục đáng kính và khá nổi tiếng lúc bấy giờ:
Đức Cha Fulton Sheen. Khi phi cơ đáp
xuống, Đức Cha là người sau cùng rời máy bay.
Ngài tiến lại gần cô tiếp viên và nói: “Thưa cô,
cô rất xinh đẹp. Cô hãy cám ơn Chúa vì đã ban cho cô
sắc đẹp tuyệt vời như thế”. Vị Giám Mục nói rất
đứng đắn và trang nhã, nhưng cũng
đầy trìu mến. Chỉ vài ngày sau, có tiếng gõ
cửa tại văn phòng của Đức Cha ở New
York. Người đến gặp Đức Cha không ai
khác, mà chính là cô tiếp viên hôm nọ. Cô vào đề ngay: “Thưa
Cha, con phải làm gì để cám ơn Chúa đã ban
tặng cho con sắc đẹp?” Thay vì trả lời,
Đức Cha hỏi lại cô: “Cô có bao giờ nghe nói
về trại phong Di Linh ở Việt Nam chưa?” Cô trả lời rằng cô có biết qua báo chí.
Đức Cha nói tiếp “Những
người cùi ở đó cũng xinh đẹp lắm.
Chúa Giêsu đang hiện thân nơi họ.
Nếu cô muốn cám ơn Chúa, cô hãy sang Việt Nam và
phục vụ họ như Chúa Giêsu đã yêu thương
và phục vụ chúng ta”.
Cô tiếp viên
xinh đẹp đó đã bay sang Việt Nam và sau đó
trở thành nữ tu. Châm
ngôn sống của cô là “Tôi cũng phải trở nên
như một tấm bánh được bẻ ra
để trao ban tình thương của Chúa Giêsu cho
những người cùng khổ.”
Kết luận: Xin được tóm kết
với bài thơ ngắn của thi sĩ Thagor: “Tôi đã
nài xin Chúa cất khỏi tôi sự kiêu hãnh. Chúa
trả lời rằng không. Chính tôi là
người phải phấn đấu để vượt
thắng. Tôi đã nài xin Chúa cho đứa con tật
nguyền của tôi được lành lặn. Chúa nói không. Tinh thần mới
cần lành lặn, còn thể xác chỉ là tạm bợ.
Tôi đã nài xin Chúa cho tôi được
hạnh phúc. Ngài cũng nói không.
Ơn Ta thì luôn đủ cho con, hạnh phúc con phải tìm
lấy. Và cuối cùng tôi xin Chúa ban cho tôi một quả tim để biết yêu thương. Chúa nói rằng đây là lời cầu nguyện Ta
vẫn hằng mong chờ. Ta sẽ ban cho con một
trái tim biết rung lên những nhịp
đập yêu thương để con trở nên như
một tấm bánh được bẻ ra, được
nhai nát và góp phần đem lại sự sống cho mọi
người”.
|