Đằng sau vật chất hữu hình
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
Qua những biểu tượng hay dấu
chỉ hữu hình, con người có thể nhận ra
Thực Tại Siêu Vượt. Qua tấm bánh, con
người có thể nhận ra Thiên Chúa luôn yêu
thương, săn sóc và dưỡng dục mỗi
người và mọi dân tộc.
I. Cơ cấu vật chất- tinh thần
Con người có thân xác, nên phải ăn phải mặc; nhu cầu vật
chất là điều chính đáng và cần được
thỏa mãn. Tuy nhiên, con người khác con vật, con
người không chỉ có nhu cầu vật chất: ăn ngon ngủ kỹ chưa đủ làm
con người hạnh phúc. Con người còn có nhu cầu
tinh thần. Con người cần được chấp
nhận, cần được yêu được
thương, cần được phát triển tài năng
của mỗi người đến mức độ
tuyệt hảo.
Vật chất- tinh thần là cơ cấu
của con người. Qua những gì hữu hình vật
chất, con người nhận ra tinh thần hiện
diện. Con người là tinh thần qua thân xác, thân xác là
biểu tượng của con người xét như
hữu thể vật chất- tinh thần. Thế nên, kính
trọng con người đòi phải kính trọng thân xác
con người. Tình yêu đối với con người
cũng được diễn tả một cách cụ
thể qua thân xác và những gì cụ thể hữu hình.
Tình yêu của cha mẹ đối với con cái
được diễn tả qua sự hy sinh, vất
vả làm việc để nuôi con, kiên nhẫn giáo dục
con cái, mong con mình thành người trưởng thành và
hạnh phúc.
Bài đọc sách Xuất Hành
cho thấy dân Do Thái đói khát trong hoang địa nên đã
kêu trách Môsê và Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban Manna nuôi
sống họ. Họ đòi thịt, Thiên Chúa
đã ban chim cút cho họ ăn. Tình yêu Thiên Chúa
đối với dân Do Thái được diễn tả
qua việc đưa họ ra khỏi Ai cập, qua
việc che nắng và soi sáng họ bằng cột mây
cột lửa, qua việc cho họ ăn
uống. Thiên Chúa diễn tả tình yêu cho con người
qua những gì cụ thể hữu hình, và Thiên Chúa cũng
mong ước con người nhận ra tình yêu của Ngài,
để con người có thể sống tín thác, an bình và hạnh phúc.
II. Siêu vượt- vượt lên những gì vật
chất hữu hình
Dân Do Thái trong hoang địa càm ràm Thiên Chúa và
Môsê: “Tại sao chúng tôi đã không chết trong tay
Đức Chúa tại Aicập khi được ngồi
bên nồi thịt và ăn bánh thỏa
lòng”. Dân Do Thái đã dừng lại nơi những gì là
miếng ăn vật chất, nên đã
không nhận ra tình yêu của Thiên Chúa qua việc Ngài can
thiệp giải phóng họ khỏi cảnh nô lệ bên
Aicập. Thiên Chúa đã ban bánh cho dân, vì cơm bánh là nhu
cầu chính đáng của con người; nhưng qua
đó Thiên Chúa cũng mời gọi dân Do Thái nhận ra
Thiên Chúa luôn quan tâm săn sóc họ, can thiệp, nuôi
dưỡng và dạy dỗ họ ngang qua mọi biến
cố.
Không phải chỉ dân Do Thái ngày xưa
như vậy, ngày nay nhiều người cũng chỉ
dừng lại những gì vật chất, họ đi tìm
thỏa mãn hoan lạc nơi miếng ăn và xác thịt,
họ chưa nhận ra được giá trị thực
của đời người, chưa nhận ra
được niềm vui sâu xa trong việc phục vụ
và giúp đỡ tha nhân. Đức Giêsu nói với những
người đi tìm Ngài chỉ vì bánh ăn: “các
ngươi tìm Ta không vì đã thấy dấu lạ
nhưng vì các ngươi có bánh ăn. Đừng
lao công chỉ để có lương thực chóng qua,
nhưng vì lương thực cho cuộc sống vĩnh
cửu”. Thiên Chúa mời gọi mỗi
người hãy giúp nhau nhận ra giá trị đích
thực, làm sao để con người có thể sống
hạnh phúc ngay trong hoàn cảnh hiện tại.
Con người được mời
gọi vượt trên gặp gỡ Thiên Chúa qua những
trung gian vật chất. Qua lương
thực hằng ngày con người cũng có thể
nhận ra tình yêu và sự quan tâm săn sóc của Thiên Chúa
đối với mỗi người. Qua tình yêu
của người con đối với cha mẹ,
hoặc của cha mẹ đối với con cái, mỗi
người có thể nhận ra tình yêu của Thiên Chúa cho
mình. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, vì con
người được tạo dựng giống Thiên
Chúa. Cái nhìn siêu vượt, là cái nhìn giúp con
người nhận ra Đấng Tuyệt Đối và có
tương quan thân thiết với Ngài.
III. Thiên Chúa là Cha của tất cả
Khi một người
được sinh ra, người đó là con của
người cha người mẹ sinh ra mình. Mỗi người không tình cờ mà hiện
hữu trên đời, chính Thiên Chúa đã yêu thương và
sinh ra người đó qua cha mẹ của mình. Mỗi người đều có Thiên Chúa là cha là
mẹ mình. Mỗi người làm cha làm
mẹ đều cố gắng thương yêu tất
cả những con mình sinh ra; cũng tương tự
như vậy, mỗi người đều được
Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt.
Lịch sử dân tộc Do Thái
là một mẫu cho tất cả các dân tộc trên hoàn
vũ nhận ra rằng, Thiên Chúa yêu thương dân tộc
mình như Ngài đã yêu thương dân tộc Do Thái.
Cho tới ngày nay, cho dù dân tộc Do Thái có bị phân tán trên
khắp thế giới, cho dù đất nước Do Thái
có nhỏ bé và luôn sống trong chiến tranh, thì
người ta vẫn tin rằng Thiên Chúa vẫn luôn yêu
thương dân tộc Do Thái, một dân được
tuyển chọn làm dân tư tế, dân trung gian để
nói về Thiên Chúa cho mọi người và mọi dân
tộc khác.
Do Thái giáo là tôn giáo đặc biệt, vì Thiên
Chúa mặc khải qua lịch sử dân tộc Do Thái, và
lịch sử dân tộc Do Thái là lịch sử thánh. Kitô
giáo là một tôn giáo đặc biệt vì đã
được Đức Giêsu Kitô sáng lập, vì đã
nhận ra Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập
thể. Qua Đức Giêsu Kitô, Kitô hữu nhận ra Thiên
Chúa yêu thương con người vô cùng. Thiên
Chúa yêu thương mỗi người như yêu
thương Đức Giêsu (Ga.17, 23; 15, 8-9). Đức Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa cho
tất cả mọi người. Tất cả các
tôn giáo có thể là phương tiện Thiên Chúa dùng
để giúp con người sống trong tôn giáo đó
gặp gỡ Thiên Chúa theo cách thế riêng của họ; tuy
nhiên Kitô giáo là một hồng ân rất đặc biệt
cho Kitô hữu và cho tất cả mọi người, ngay
cả cho những người sống trong các tôn giáo khác.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Đâu là dấu chỉ hay biểu
tượng mà qua đó bạn dễ nhận ra Thiên Chúa
hiện diện và yêu thương bạn nhất? Nếu có, xin bạn chia sẻ.
2. Theo bạn, đâu là dấu chỉ hay
biểu tượng đặc biệt có ý nghĩa
đối với con người ngày nay, giúp con
người vươn lên gặp gỡ Thiên Chúa?
|