Chính là Cha tôi cho các ông ăn
(Suy niệm của Lm. Nguyễn Văn Ty)
Sau phép lạ Đức Giêsu hóa
bánh ra nhiều, dân chúng bủa đi kiếm tìm
Người; họ thật khẩn khoản, “Thưa
Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”
Tuy nhiên điều này không làm cho Người hài lòng, vì
Người biết quá rõ, họ kiếm tìm Người
chỉ để được ăn bánh; “Các ông đi tìm
tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ,
nhưng… vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Sau
phép lạ, Đức Giêsu đã phải ‘lánh mặt, đi
lên núi một mình’ vì biết rằng: cho dầu họ có
muốn tôn Người lên làm vua đi nữa, thì chẳng
qua cũng chỉ vì muốn được tiếp tục
ăn bánh, chứ chẳng phải vì muốn chấp
nhận Người, lắng nghe lời Người, và còn
xa lạ hơn nữa, nhận ra Thiên Chúa yêu thương
họ.
“Tổ tiên chúng tôi đã ăn
man-na trong sa mạc như có lời chép: người đã
cho họ ăn bánh bởi trời… ” còn
ông “ông sẽ làm gì đây?” Vấn đề
được người Do Thái đặt ra đã rõ: ông
cho chúng tôi ăn thứ bánh gì? Đúng là
phần lớn diễn từ sau đó (đúng hơn,
một cuộc tranh luận) sẽ xoay quanh vấn
đề thứ bánh gì, thứ ‘bánh hay hư nát’ hay ‘bánh trường
sinh’ đơn giản là vì, đó là mối quan tâm -
thắc mắc hàng đầu họ đặt ra cho
Người. Tuy nhiên hầu như ngay lập tức và
xuyên suốt trong cuộc trao đổi tiếp theo,
Đức Giêsu luôn gợi cho họ nhớ về
‘người ban bánh và kẻ cho họ ăn’; “Không phải
ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà
chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời”. Ngay cả
sau đó, khi tự giới thiệu mình là ‘bánh
trường sinh’, thì Người cũng không quên nhắc
nhở rằng, Người đồng thời cũng là
đấng ban tặng, vì được Chúa Cha sai
đến.
Nếu chỉ nhìn vào bánh như
một thứ thức ăn, người ta sẽ dễ
dàng có những đánh giá khác nhau. Man-na không
được sách Xuất Hành (chương 16) xác
định rõ là thức ăn gì (nếu có chút đề
cập thì cũng rất chung chung (xem Xh
16:31)). Sách chỉ nhấn mạnh trên sự kiện, nó
được Gia-vê ban cho dân làm của ăn
hàng ngày suốt hành trình gian khổ trong sa mạc. Man-na
trước hết là dấu chỉ Gia-vê ân cần chăm
sóc dân riêng trong thời gian xuất hành giải thoát; “Vào
buổi chiều các ngươi sẽ được
ăn thịt, và ban sáng các ngươi sẽ
được ăn bánh thỏa thuê, và các ngươi
sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của
các ngươi’ (câu 12). Ngược lại, trong sách Dân
Số (chương 11), khi dân ta lên tiếng ta thán Mô-sê, thì
Man-na bị chê là không ra gì hết, ‘… bây giờ chỉ
thấy toàn Man-na thôi… nó như hạt ngô, trông như
nhựa hương… xay ra nấu bánh thì mùi vị nó
chẳng khác gì mùi vị bánh chiên dầu…’ (câu
7 và 8). Thế đấy, người Do Thái thời
Đức Giêsu chưa tới nỗi chê bánh và cá mà
Người đã hóa ra nhiều cho họ được
ăn no nê, dầu có thể thức ăn bình dân đó
chẳng ngon lành gì cho lắm (nếu là ngày nay, nhất là
trong một xã hội sung túc hưởng thụ, có lẽ
chúng ta sẽ lên tiếng ta thán vì bánh đó nhàm chán nhạt
nhẽo quá chăng). Tuy nhiên phát biểu
của họ cho thấy, họ đã hoàn toàn quên mất
việc nhận biết ai đã cho họ ăn, và tại
sao lại cho. Họ lầm tưởng vào thời
cha ông họ, Mô-sê đã cho Man-na là để…
tiếp tục lãnh đạo dân, thì nay ông Giêsu cũng làm
vì một lý do tương tự; ‘Ai sẽ cho chúng ta có
thịt ăn đây?’ (Ds 11:4) Đức
Giêsu đã muốn gợi cho họ nhớ lại mục
tiêu chính mà sách Xuất Hành nhắm tới khi tường
thuật về Man-na: ‘chính Cha tôi đã cho…’ Tiếp theo
đó, khi khảng định chính mình là bánh bởi
trời, bánh trường sinh, thì đồng thời
Đức Giêsu cũng xác định luôn, Người
cũng chính là Đấng ban bánh cho họ, “bánh tôi sẽ
ban tặng…” (câu 51), và Người kêu gọi họ không
những chỉ đón nhận bánh, mà còn hãy đến
với ‘người cho’, đồng thời với
Đấng đàng sau ‘người cho’ đó nữa;
“Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi
đều sẽ đến với tôi, và sẽ không
bị loại ra ngoài… Ý của Cha là tất cả những
ai thấy người Con và tin vào người Con, thì
được sống muôn đời…” (câu
37 và 40). Mục đích tối hậu của việc ăn bánh trường sinh chính là: “Việc
Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng
Người đã sai đến.”
Ăn bánh trường sinh là tin và tiếp
nhận trọn vẹn Thiên Chúa tình yêu trao hiến mình cho
con người; là hành vi chạm sâu sát
nhất tới sự chăm sóc tuyệt diệu của
Thiên Chúa đối với con người yếu hèn
tội lỗi. Tương tự như khi xưa, dân Do
Thái thu gom Man-na để “biết rằng Ta là Đức
Chúa”, thì nay Kit-tô hữu rước Mình Máu Thánh Chúa
để tuyên xưng: Thiên Chúa là tình yêu tuyệt hảo, là
tình yêu nhân từ và thương xót, là tình yêu cứu
chuộc và trao ban. Mô-sê đã lưu trữ một
đấu Man-na trong bình và đặt nó trong cung thánh
‘để giữ lại cho con cháu anh em…’ (Xh 16:53). Cũng thế nếu Bánh Thánh ngày nay có
được giữ lại trong nhà tạm, mục
đích chính cũng là để gợi nhớ về tình
yêu nhân ái này, hơn là chỉ để được
thờ lạy kính tôn.
Lạy Bánh
Trường Sinh nhiệm mầu, xin cho con hiểu: nếu
bánh và người cho bánh chỉ là một, thế có
nghĩa là người đó đã trao ban hết, trao ban
trọn vẹn chính mình. Bây giờ thì con đã rõ hơn:
Thánh Thể và Thập Giá chỉ là một, vì đều là
tình yêu tự trao ban đến cạn kiệt. Xin cho con
rước lễ sốt sáng như con đường
độc đạo đưa con vào chính tình yêu trao ban
đó, để rước lễ trở nên cho con
nguồn dâng hiến và phục vụ, trọn vẹn và mãi
mãi. Amen.
|