Tặng phẩm trong tay Chúa
(Suy niệm của Lm. J.B. Nguyễn Minh Hùng)
Đọc câu chuyện Chúa làm phép lạ hoá
nên nhiều từ 5 chiếc bánh và 2 con cá làm lương
thực nuôi, chỉ với số lượng đàn ông
thôi, đã có đến 5.000 người, người ta hay
chú ý đến: sự động lòng yêu thương
của Chúa Giêsu, nên ban lương thực cho đám đông
đang đói; hay lời của thánh Anrê giới thiệu
một em bé có trong tay bánh và cá; hay sự cộng tác của
con người khi trao bánh và cá để Chúa làm phép lạ;
hay Chúa đưa các môn đi vào mối bận tâm của
Chúa khi hỏi: “Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn
đây?”…
Nhưng ít có ai nói đến
chính sự tự hiến mình của năm chiếc bánh và
của hai con cá để, nhờ chúng mà phép lạ diễn
ra. Đành rằng, sự hiến dâng, cũng chính là
sự hy sinh của em bé đã góp phần làm nên phép lạ. Nhưng chính bánh và cá mới thực là chất
thể của phép lạ. Bánh và cá (chứ không
phải bản thân em bé) mới thực sự làm cho phép
lạ nên hiện thực.
Trong quyển “Năm chiếc bánh và hai con cá”
(xuất bản năm 1998), Đức cố Hồng y
Phanxicô Saviê Nguyễn Văn Thuận đã không nhìn phép
lạ của Chúa Giêsu nuôi hơn 5.000 người ăn
chỉ là phép lạ của quá khứ. Bằng tất
cả nỗ lực thánh hoá mọi giây phút sống, mọi
biến cố, mọi hoàn cảnh… xảy ra trong
đời mình, Đức Hồng y nhìn thấy phép lạ
của Chúa trên chính cuộc đời và trong chính sự
sống, trong từng nhịp thở của bản thân
mình. Bằng tất cả sự hiến dâng mọi giây
phút sống, mọi biến cố, mọi hoàn cảnh…
Đức Hồng y đã biến mình thành một thứ
“bánh” và “cá” trong tay Chúa. Và
cũng vì thế, Đức Hồng y nhìn thấy cuộc
đời mình là một cuộc đời phép lạ.
Bằng cách thánh hiến mọi giây phút sống, mọi
biến cố, mọi hoàn cảnh…, Đức Hồng y
đã nhận ra sự cao cả trong tình yêu của Chúa khôn
xiết: vừa lạ lùng bởi không thể hiểu
nổi, nhưng cũng quá đỗi thân quen bởi nó
chạm đến chính mình; vừa nhiệm mầu bởi
biết rằng nó đến từ Chúa, nhưng cũng
gần gũi quá đỗi bởi cũng cảm nhận nó
là chính mình… Đức Hồng y đã thấy Chúa thăng
hoa đời mình chẳng khác gì “năm chiếc bánh và hai
con cá” trong tay Chúa năm xưa: rất ít
nhưng lại hoá nên rất nhiều.
Vì sao nhìn lại chính mình,
Đức Hồng y lại có thể thấy phép lạ
của Chúa? Bởi Đức Hồng y đã hoàn toàn
đặt mình trong tay Chúa: ngài chính là
tặng phẩm chính mình dâng lên Chúa, tặng phẩm chính
mình dành cho Chúa. Đối với người
được tặng quà, một khi đã có tặng
phẩm trong tay mình, người chủ
của món quà ấy sẽ thể hiện ý mình, thể
hiện cách sử dụng của mình trên món quà. Nếu
cuộc đời, sự sống và tình yêu của Đức
Hồng y đã là của Chúa Giêsu, đã là quà tặng dành
cho Chúa Giêsu, đã thuộc về Chúa Giêsu, đã nằm
trong bàn tay Chúa Giêsu, thì Chúa Giêsu có quyền có mọi sáng
kiến trên tặng phẩm ấy. Và sáng kiến của
Chúa Giêsu được thể hiện nơi tặng
phẩm của chính Người, một tặng phẩm
mang tên Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, đó
là:
- Tất cả ân ban ôm
trọn cuộc đời Đức Hồng y.
- Tất cả tình thương kỳ
diệu, tình thương vừa nhiệm mầu, nhưng
cũng vừa cụ thể mà Đức Hồng y cảm
nghiệm trên tất cả mọi thử thách, dẫu
những thử thách ấy rát buốt nhất,
thương đau nhất trong suốt đời mình.
- Tất cả niềm hy vọng sáng chói
vọt lên giữa cảnh đời đen bạc,
giữa những hận thù, những tăm tối và ác
độc nhất của lòng người…
- Tất cả niềm tin vào Đấng
đã khởi sự tốt đẹp, thì Người
sẽ hoàn tất tốt đẹp giữa cái vô lý cực
độ của một tù nhân không bản án, hay những
năm tháng lưu vong, hay chính nỗi niềm xót xa vô
hạn về sự vắng mặt của mình trong vai trò
là mục tử giữa đàn chiên mà mình được
trao phó.
- Tất cả lòng tha thứ, không gợn
một chút oán hận nào trong trái tim
của một con người chất chứa đầy
tâm tư, trăn trở, nghĩ ngợi. Nhất là
những tâm tư, trăn trở, nghĩ ngợi đó
không phải vì chính mình, mà vì trách nhiệm, vì đoàn chiên, vì
lòng yêu mến cả những người đang ngày
đêm thù hằn và cư xử độc ác với mình.
- Tất cả sự chiến thắng trên
chính hoàn cảnh. Dẫu đó là hoàn cảnh bế tắt
nhất, mất hy vọng nhất, để sống cách
tuyệt hảo phút hiện tại mà Chúa ban và nỗ
lực làm việc không mệt mỏi, không để cho
sự bị giam cầm có thể giam cầm tâm trí, giam
cầm nhiệt huyết, giam cầm ý chí. Nhưng luôn
vươn tới, luôn biến mình thành người tự
do để hoàn thành cách xuất sắc nhất giây phút
hiện tại mà Chúa ban.
- Tất cả hồng ân
của hy tế thập giá trong từng thánh lễ. Nhất là những thánh lễ được
cử hành với ba giọt rượu và một giọt
nước, cùng với Mình Thánh Chúa là những chiếc bánh
lễ được xé nhỏ nằm gọn trong
chiếc túi nylon nhỏ xíu. Những hy
tế hằng ngày được hiến dâng ấy đã
tạo nên sức mạnh vô song để cây thập giá
đời mình tháp nhập vào thánh giá Chúa Kitô tuyệt đẹp.
- Tất cả niềm hoan hỉ lớn lao khi Mình Thánh Chúa được kiệu
khắp nơi giam cầm, trên chính ngực áo của
những con người tưởng chừng mất
tự do, và những giờ Thánh trong đêm tối tĩnh
mịch để cùng nhau nhận lãnh Phép Lành Mình Thánh Chúa.
Chúa Giêsu trở nên người bạn sớt chia nỗi
nhục nhằn của những con người đau
khổ. Ôi, niềm vui Chúa ban sao quá thiêng liêng nhưng
lại ấm áp cách lạ thường! Hồng Ân Thánh Thể làm nên nghị lực quật
cường nơi những con người tưởng
chừng đã bị tiêu diệt tận cùng.
- Tất cả niềm bình an lớn lao trong những giây phút chìm đắm
cầu nguyện. Không phải bằng
lời, nhưng bằng đời cầu nguyện. Cầu nguyện giữa những hoang mang trong
thương đau, lẫn niềm vui trong trách nhiệm mà
Hội Thánh đặt lên vai mình. Đó là sáng kiến
ngoạn mục mà Chúa Giêsu tạo nên trong lòng một con
người. Con người đó là con
người của niềm hy vọng và bình an.
- Tất cả sự khải hoàn của
một tâm hồn rao giảng Tin Mừng ở mọi
nơi mọi lúc. Nhất là những lúc đưa
được những anh em đồng đạo và
đang đồng phận khổ đau với mình thoát
khỏi tình trạng đức tin nguội lạnh; hay
những lúc rửa tội lén lút cho những anh em
lương dân để họ trở về với Chúa
Kitô; hoặc hoán cải lòng những anh em đối
nghịch với mình, những anh em canh gác mình, những anh
em nghi ngờ mình… để họ nhận biết Hội
Thánh là Hội Thánh của Chúa Kitô, luôn tha thứ cho tất
cả mọi người, tha thứ cho cả những
kẻ bách hại mình.
- Tất cả lòng yêu mến đối
với Đức Trinh Nữ cách tuyệt diệu. Với
một tràng chuỗi Mân Côi trong túi, để lên
đường vác thánh giá trong chính ngày lễ Đức
Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Người Con của
Đức Mẹ đã trở thành dáng đứng kiêu sa và
tấm gương soi chiếu trên tất cả Hội
Thánh, để giữa những cùng khốn nhất,
những người con của Hội Thánh cũng hãy
biết để Đức Mẹ đứng cạnh
mình, như xưa Đức Mẹ đã từng
đứng cạnh Thánh Giá Chúa Giêsu trong giờ
Người lâm tử.
- Tất cả tình yêu thông hiệp với
Hội Thánh Chúa Kitô. Đó là tấm lòng canh
cánh nặng trĩu với sứ mạng giám mục mà
đoàn chiên đang trông chờ giữa thời buổi khó
khăn gay gắt. Đó là lời
cầu nguyện liên lỉ cho Đức Thánh Cha.
Đó là niềm ý thức không bao giờ phai: mình là Giám
mục của Hội Thánh Chúa Kitô. Đó là
sự sốt sắng cầu nguyện bằng Lời Chúa,
bằng các nhạc phẩm của Hội Thánh. Đó
là những cử hành thánh lễ theo ý
hướng của Hội Thánh…
Nhiều lắm những sáng kiến mà Chúa
đã tạo nên nơi tặng phẩm của
Người. Chắc chúng ta không thể kể hết trong
một vài con chữ. Tuy nhiên, bấy nhiêu cũng đủ
để chứng minh rằng, chỉ cần chúng ta
hiến dâng chính mình như “con cá”, như “tấm bánh” trong
tay Chúa Giêsu, để nên tặng phẩm của
Người, thì Người sẽ có những sáng kiến
độc đáo, những sáng kiến có một không hai
trên chính cuộc đời của ta, đến mức ta
không thể hiểu hết, không thể ngờ nổi…
Hiến dâng Chúa đời mình như
những chiếc bánh, như những chú cá năm xưa,
Đức Hồng y đã nằm gọn trong tay Chúa, để Chúa bẻ mình ra phân phát,
trao ban cho con người, cho nhân loại mọi thời,
mọi nơi.
Cuộc “bẻ mình” nào mà không
đau đớn, không để lại những dấu
tích của thánh giá?! Chúa Giêsu tự hiến chính mình,
Người trở thành tấm bánh bẻ ra cho muôn
người, thì cuộc hiến tế chính mình để
thành tấm bánh bẻ ra, cũng đã đòi Chúa Giêsu
phải chấp nhận hy sinh, chấp nhận nát tan,
chấp nhận mọi đớn đau, chấp nhận
cả cái chết đầy tủi nhục. “Hai chữ
‘thập giá’ đã gợi lên, cho mọi người
thời Chúa Giêsu, một cây khổ giá trần trụi
với hình ảnh một người quằn quại,
tuyệt vọng trong đau đớn và nhục nhã ê
chề, lơ lửng giữa trời và đất,
giữa sống và chết, trước những cái nhìn thù
ghét và khinh bỉ, trước những con mắt tò mò và
dửng dưng. Thế mà, Đức Kitô, con Thiên Chúa,
đã chọn "thập giá” để hiến thân
trọn vẹn, ban chính mạng sống mình đến
tận cùng cho đến độ chịu đóng đinh
trên thập giá, nơi đó Ngài gánh tất cả tội
lỗi của trần gian. Mặc dù "vô tội” (Mt 27,4), là "người công chính” (1 Pr 3,18), Ngài
đã chấp nhận trở nên giống như
người tội lỗi” (Hà Minh Thảo, Kính nhớ
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận,
Radio Veritas Asia, Philippines).
Làm tặng phẩm cho Chúa để tuỳ
nghi Chúa sử dụng, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê
Nguyễn Văn Thuận biến mình trở thành “tấm
bánh”, thành “con cá” mang lại sự hữu ích cho sáng danh Chúa
và mở rộng Nước Trời. Sự “bẻ mình”
trong tay Chúa của Đức Hồng y
đã giúp Đức Hồng y cả một đời làm
giám mục, bước theo Chúa đến mức vẹn
toàn, đến trọn con đường thập giá. Con
đường thập giá đó chính là một đời
với một dòng họ quyền quý, nhưng sau đó
đã vội tan tác. Con đường thập giá đó
cũng là một định mệnh nghiệt ngã đã
đưa Đức Hồng y qua mọi thăng -
trầm, được - mất, sống - chết, bình an
- tủi nhục, hạnh phúc - cô đơn, hy vọng -
đau khổ, sức khoẻ - bệnh tật…
Chính tặng phẩm là hiến tế
đời mình mà Đức Hồng y dâng lên Chúa như 5
chiếc bánh và 2 con cá trong tay Chúa, đã
thổi bùng lên một linh đạo mà tất cả chúng
ta đều có thể bước theo, có thể noi
gương. Vậy chúng ta cũng hãy bắt chước mà
sống theo linh đạo của
Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận:
hiến tế đời mình qua từng ngày sống, thành
tặng phẩm dâng lên Chúa, để tuỳ sáng kiến mà
Chúa muốn thực hiện đúng theo thánh ý của
Người trên chính cuộc đời và sự sống
của ta. Tặng phẩm như những chiếc bánh,
những con cá trong tay Chúa:
- Chiếc bánh thứ nhất:
Sống phút hiện tại. Sử dụng cách tối
đa giây phút mà tôi đang có đây để làm
được bất cứ điều gì cho sáng danh Chúa,
cho tình yêu Hội Thánh, cho Nước Trời, tôi dẽ
thực hành ngay, không chần chừ.
- Chiếc bánh thứ hai: Phân
biệt giữa Chúa và việc của Chúa. Chúng ta hay bị
cám dỗ lao vào công việc. Lắm lúc mất ăn, mất ngủ vì công
việc. Đến khi phải chuyển
công tác, ta lại cảm thấy thất vọng, muốn
buông xuôi. Sự năng động
ấy tốt, nhưng đó không phải chính Chúa.
Thậm chí, nhiều lúc lao vào công
ciệc, dễ làm ta kiêu ngạo. Ví thế, điều quan
trọng trong đời ta là vâng theo Thánh
ý Chúa. Ta cần tìm chính Chúa, khám phá Chúa trong mọi hoàn
cảnh, mọi thái độ vâng phục của mình. Chúa muốn ta tìm chính Chúa chứ không phải tìm
việc của Chúa.
- Chiếc bánh thứ ba:
Một bí quyết: Cầu nguyện. Hãy
cầu nguyện. hãy chuyện trò
với Chúa để Chúa soi sáng, Chúa dạy dỗ từ
trong nội tâm. Cầu nguyện sẽ mang lại một
niềm bình an vô song, sẽ bù đắp
tất cả những gì thiếu thốn nơi con
người mỏng dòn của ta.
- Chiếc bánh thứ tư:
Sức mạnh duy nhất: Phép Thánh Thể. Sống và kết
hợp với Thánh Thể Chúa phải là một việc
đạo đức hàng đầu, không bao giờ quên. Thánh Thể Chúa sẽ là sức mạnh huyền
diệu giúp ta vững vàng trong mọi nguy biến.
Thánh Thể Chúa sẽ tăng lực để ta
đạp dưới chân mình mọi đá sỏi gai góc
nhất. Thánh Thể Chúa là liều thuốc
cực mạnh đưa ta đến bến bờ bình
an.
- Chiếc bánh thứ năm:
Yêu thương đến hiệp nhất. Chúc thư Chúa Giêsu. Như Chúa Giêsu
yêu thương hết mọi người, chúng ta yêu
thương không phân biệt bất cứ người
ngay, kẻ gian. Như Chúa Giêsu tha thứ
cho hết mọi người, chúng ta tha thứ cho cả
những địch thù, cả những kẻ sát hại
ta. Như Chúa Giêsu cầu nguyện cho
hết mọi người. Chúng ta
cầu nguyện cho cả những người không
thiện cảm với mình. Như Chúa
Giêsu hiến mình cho hết mọi người. Chúng ta
không chối từ hy sinh, nếu hy sinh ấy cứu
được linh hồn hay sự sống của
đồng loại quanh mình… Tình yêu sẽ là sợi dây
siết chặt mọi trái tim con
người. Tình yêu sẽ biến đổi thù hận
thành bạn bè. Tình yêu sẽ mang lại
tươi vui, bình an. Tình yêu sẽ làm cho cuộc
đời này đáng sống, đáng phục vụ.
- Con cá thứ nhất:
Mối tình đầu của tôi: Mẹ Maria vô nhiễm. Đức Mẹ đã từng hạnh phúc và
đau khổ khi đồng hành cùng thánh ý Chúa trong cuộc
đời. Hạnh phúc và đau khổ đan xen
suốt cuộc đời Đức Mẹ từ khi
Người được Chúa Chọn làm mẹ của
Chúa, trải dài trong Mầu nhiệm Giáng Sinh, Mầu
nhiệm Ẩn Dật, Mầu nhiệm Công Khai, Mầu
nhiệm Vượt Qua của Chúa, đến tận cùng
cuộc đời dương thế của Đức
Mẹ. Đức Mẹ hiểu chúng ta. Trong vui - buồn -
sướng - khổ của đời mình, hãy chạy
đến cùng Đức Mẹ để được
Đức Mẹ cùng đồng hành, cùng sớt chia, cùng
hiến dâng và cùng chấp nhận.
- Con cá thứ hai: Tôi chọn
Chúa. Chúa là giá trị độc nhất vô
nhị trong đời tôi. Chỉ có Chúa và chỉ vì
Chúa mà tôi yêu; tôi hoạt động; tôi thao thức; tôi suy
tư; tôi cảm thông; tôi vui; tôi làm việc; tôi có
tương quan với mọi người, với thiên
nhiên, với muôn vật, với mọi cảnh huống…;
tôi cầu nguyện cho tôi, cho con người, cho sự vật…;
tôi học tập; tôi rao giảng; tôi truyền giáo… Chúa là khởi và đích của tôi, để trong
tất cả, tôi ra đi từ Chúa và quay về với
Chúa.
Bạn thân mến,
Với hình ảnh “5 chiếc bánh và 2 con cá”
trong trình thuật Tin Mừng của Thánh Gioan (Ga 6,1-15), qua tấm gương và những
gợi ý của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn
Văn Thuận, chúng ta cùng nhau bước theo Chúa Giêsu, dâng
chính đời mình trong tay Chúa. Xin Chúa làm cho chúng ta như
đã làm cho “5 chiếc bánh và 2 con cá” sinh lợi ích cho chính
Chúa, cho Hội Thánh của Chúa, cho linh hồn mỗi
người chúng ta và cho cả vũ trụ này.
Con người chúng ta - bánh và cá mới:
tặng phẩm mới đáng yêu trong tay
Chúa!!
|