Hóa bánh.
Việc
hóa năm chiếc bánh và hai con cá ra nhiều đã gây ra
một tác động mạnh trên mọi môn đệ. Vì
thế, biến cố này được cả bốn
vị thánh sử: Matthêu, Máccô, Luca và Gioan thuật lại.
Trong sách Tin Mừng của mình, thánh Gioan
có ghi lại những chi tiết mang ý nghĩa thần
học. Ngài phác họa
một đám đông giống như đám dân Israen trong sa mạc ngày xưa. Rồi ngài
nói Chúa Giêsu đi lên núi, chi tiết này giống như ông
Môsê đi lên núi để lãnh nhận từ Thiên Chúa
một sinh lực quan trọng cho đời sống tôn
giáo của dân Israen. Chúa Giêsu cũng thực hiện
một dấu chỉ tiên trưng cho phép Thánh thể,
một bí tích ban sức sống cho cuộc đời
của chúng ta. Chỉ có thánh Gioan tường thuật phép
lạ trong bối cảnh của lễ Vượt Qua:
“Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là
đại lễ của người Do Thái”. Hơn thế
nữa, ngài còn viết: “Chỗ ấy có nhiều cỏ”. Quang cảnh này chỉ có thể xảy ra vào mùa
xuân, thời gian cử hành lễ Vượt Qua.
Phần sau của chương này sẽ nói đến Bánh
Hằng Sống, tức là bí tích Thánh Thể, và chỉ có
thánh Gioan dùng động từ “eucharistêsas”, tạ ơn
(câu 11). Người gợi lên ý tưởng
cho cả đám đông dân chúng ăn, là chính Chúa Giêsu.
Người hỏi ông Philip: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây”. Cũng như bí tích Thánh
Thể sau này là sáng kiến của Chúa Giêsu. Đối
với thánh Gioan. Việc hóa bánh ra nhiều là hình
ảnh tiên trưng cho bí tích Thánh Thể. Trong bí tích này, Chúa
Giêsu ban chính thịt máu của Người làm của
ăn, của uống cho nhiều người.
Một chi tiết nữa cũng
của riêng thánh Gioan, ngài nói rõ đó là bánh lúa mạch,
thứ bánh của người nghèo. Chi tiết này gợi lên
sự nghèo hèn, hơn nữa cũng chỉ có năm
chiếc bánh thôi, số lượng ít ỏi như thế
càng làm nổi bật sự bất lực của tài
sức con người. Nhưng Thiên Chúa
lại sử dụng sự yếu hèn như thế
để thực hiện một kỳ công tuyệt
diệu, vượt quá mọi sự tưởng
tượng của con người. Với
thứ bánh của người nghèo và chỉ có năm cái
thôi, Chúa Giêsu đã cho năm ngàn người đàn ông
ăn no, và số phụ nữ cùng với các trẻ em còn
nhiều hơn nữa. Tương
tự như vậy, Chúa Giêsu dùng bánh và rượu là
những sản phẩm vật chất của con
người để biến nên Thịt và Máu của Chúa,
trở nên lương thực thiêng liêng cho nhiều
người. Trong các bí tích khác cũng
vậy, Chúa dùng các dấu chỉ vật chất để
ban những hiệu quả thiêng liêng cho các linh hồn.
Chúa Giêsu bảo các môn đệ thu
lại những miếng thừa, và họ thu lại
được mười hai thúng đầy. Chi tiết này cho thấy từ những yếu
hèn của chúng ta, Chúa có thể tạo nên một sự
phong phú tràn đầy.
Phép lạ làm cho người ta nhớ
đến lời tiên báo của ông Môsê trong Đệ
Nhị Luật 18: 15-18. Thiên Chúa sẽ ban cho anh em một
vị ngôn sứ giống như tôi. Vì ông Môsê nuôi dân trong sa mạc bằng Manna, còn Chúa Giêsu bây giờ
nuôi dân từ năm chiếc bánh lúa mạch. Sự
kiện đúng như lời tiên báo của Môsê. Quả thực, Chúa Giêsu là chính Đấng mà Môsê
loan báo. Nhưng Chúa Giêsu không phải là
một thủ lãnh chính trị như suy nghĩ của dân
chúng. Dân chúng không hiểu đúng vai trò
của Đấng Mêsia. Chúa Giêsu cũng
không muốn quan niệm sai lầm của họ làm cho
Người đi lệch ra khỏi đường
lối mà Chúa Cha muốn Người phải đi.
Nếu Chúa nhượng bộ theo ý
muốn của dân chúng, thì phép Thánh thể sẽ không
được thiết lập, và phép lạ tiên trưng
này sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Chúa Giêsu
thích trở nên Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng chúng ta
hơn.
Lạy
Chúa, xin ban lương thực hàng ngày cho những
người nghèo khổ trong đất nước của
chúng con. Xin Chúa cũng ban cho chúng con biết nuôi dưỡng
tâm hồn mình bằng Bánh Hằng Sống là Lời Chúa và
Mình Máu Chúa.
|