CN 3079: CÁC VẤN ĐỀ SỰ SỐNG
Tối hôm 16/7/2015, linh mục Nguyễn Thanh Sơn, cha tuyên uý của bịnh viện UCI đã nói về một đề tài thiết thực: “Những Vấn Đề Sự Sống: Giải Đáp Mục Vụ” cho cộng đoàn tính hữu của giáo xứ Thánh Linh, Fountain Valley, California.
Những ai đã, đang và sẽ chăm sóc những người đau yếu, sống trong tình trạng “thảo mộc-vegetative state” hoặc cận tử thì đều cần biết rõ những vấn đề này để không lo lắng, băn khoăn hay mang mặc cảm phạm tội khi quyết định cho người thân của mình được rút ống trợ thở để ra đi bình an.
Cha Sơn soạn một dàn bài có nhiều chi tiết cần được biết và lưu giữ. Tiếc là màn ảnh và những hàng chữ quá nhỏ, không đọc được và không rõ nên chúng tôi không thể ghi kịp mà cũng không chụp hình lại được. Hy vọng cha sẽ cho in và phát cho mọi người.
Mục vụ chăm sóc cho bịnh nhân là phải lo cho họ cả ba phần tâm, sinh, linh, có nghĩa là tâm lý, tâm trí, phần xác và phần linh hồn.
Có những khi cha mẹ đã già mà khi không thở được thì các con lại cho phép những nhân viên y tế làm hô hấp nhân tạo, kết quả là người bịnh bị người làm hô hấp nhân tạo đè bẹp, gẫy các xương sườn, chảy máu, đau đớn. Họ có thể chết do sự gẫy xương hơn là do cơn bịnh.
Lúc đó, thân nhân của họ không được hiện diện nên không thấy những sự đau đớn của bịnh nhân do sự hô hấp nhân tạo gây ra.
Nếu người bịnh đã quá yếu nhọc thì xin đừng cho mổ xẻ mà họ chết trên bàn mổ trong sự đau đớn và cô đơn. Cách tốt nhất là gia đình nên xum họp, đọc kinh, cầu nguyện cho người chết được ra đi bình an trong sự hiện diện của gia đình và trong lời cầu nguyện của mọi người.
Nếu muốn mời linh mục thì hãy mời từ trước, khi người bịnh còn tỉnh táo và sáng suốt, đừng đợi vào giờ chót, khi bịnh nhân đã hôn mê hay không còn khả năng hiểu mà xưng tội. Có người thân vì không thuyết phục người bịnh hoán cải nên mời linh mục cách lén lút để ban các phép Bí tích sau cùng. Điều này không đem lại kết quả như thân nhân mong muốn vì người bịnh không hoán cải và cũng không tỉnh táo.
Cha Sơn nêu ra những điều mà giáo hội cho phép áp dụng trong trường hợp gần chết. Lắp máy vào hay lấy máy ra. Nếu chúng ta không biết rõ luật đạo cho phép những gì thì gia đình sẽ chia rẽ, cãi vã nhau và người quyết định cho người thân ra đi thì sẽ bị cả gia đình lên án.
Có những người cả đời chưa bao giờ thấy người thân yêu chết, nay thấy người thân chuẩn bị chết nên run sợ, không biết quyết định ra làm sao. Cha khuyên rằng mỗi người đều có sứ vụ tông đồ. Nếu trong lúc nguy cấp mà linh mục chưa đến kịp thì hãy rửa tội cho bịnh nhân, rước Mình Thánh Chúa cho họ, Phó linh hồn, đọc kinh, cầu nguyện và an ủi người hấp hối.
Cha Sơn nói rằng có thể thiêu xác (hỏa thiêu) nhưng không được thả tro xuống biển.
Cha cũng kể là trong bịnh viện nơi cha phục vụ trung bình có khoảng 20 trường hợp tự tử mỗi tuần. Nguyên do tự tử thường là do bịnh trầm cảm, chán đời. Có người vì bị bịnh đau đớn, không chịu nổi cơn đau nên tự tử. Có người bị bịnh hoang tưởng: họ tự đâm dao vào bụng mà tưởng rằng đang giết ma quỷ.
Có lần các nhân viên của phòng cấp cứu gọi điện thoại nhờ cha đến để làm phép cho phòng cấp cứu vì họ linh cảm có những sự xấu xẩy ra, chẳng hạn như đa số các bịnh nhân khi vào cấp cứu thì bị chết thay vì được cứu.
Sau khi cha ban phép lành thì mọi người cảm thấy an lòng.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự khôn ngoan và sáng suốt để biết chúng con cần làm trong những trường hợp nguy cấp. Amen.
Kim Hà 17/7/2015
|