Phép lạ.
Bài Tin mừng hôm nay đề cập
về phép lạ: Ở quê hương Nagiarét, Đức
Giêsu chỉ làm được một ít phép lạ bởi
vì dân Nagiarét không tin. Nhân dịp này, chúng ta hãy tìm hiểu xem:
phép lạ là gì? Và ngày nay phép lạ còn xảy
ra nữa không?
Điều chúng ta cần lưu ý
trước tiên là người ta dùng chữ phép lạ theo
nhiều nghĩa khác nhau. Theo nghĩa rộng,
phép lạ là một điều gì có vẻ khác
thường, xảy ra lạ hơn bình thường và
không giống như người ta dự kiến. Thí
dụ như người Do thái ngày nay đã vận
dụng nhiều cố gắng lao
động, kết hợp với khoa học kỹ
thuật mà trồng được những vườn cam
ngon ngọt trên miền đất trước đây là sa
mạc. Người ta đã coi đó là một phép lạ (theo nghĩa rộng). Còn theo
nghĩa hẹp, nghĩa chính xác, phép lạ là điều
không những kỳ diệu khác thường, mà còn xảy
ra ngoài những qui luật tự nhiên nữa. Thí dụ:
trong khoa vật lý học, chúng ta biết có qui luật là
một vật có trọng lượng thì bị rơi
xuống do sức hút của trái đất. Nhưng
nếu có một người nào đó té từ một nhà
lầu cao nhưng không rơi xuống đất mà cứ
lơ lửng giữa chừng, thì khi đó sự kiện
không xảy ra theo qui luật tự nhiên
nữa, nên được coi là phép lạ.
Sau khi đã hiểu phép lạ là gì theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp, bây
giờ chúng ta tìm hiểu xem có
thể xảy ra phép lạ hay không. Phép lạ hiểu theo nghĩa rộng thì ai cũng nhìn nhận
rằng có, kể cả những người không có
đạo, kể cả những kẻ vô thần.
Người ta nói nhiều đến phép lạ cải
tạo ruộng đất, làm theo
nghĩa hẹp thì những người vô tín ngưỡng
lại không nhìn nhận. Bởi vì muốn có phép lạ theo nghĩa hẹp này thì cần có sự can
thiệp của quyền năng thần thánh. Kẻ vô tín ngưỡng không công nhận thần
thánh nên cũng không công nhận phép lạ.
Còn đối với chúng
ta, những người Công giáo thì sao? Dĩ nhiên vì tin
vào quyền năng Thiên Chúa nên chúng ta nhìn nhận có phép
lạ. Tuy nhiên cũng cần lưu ý thêm điều này là:
Thiên Chúa không làm phép lạ một cách bừa bãi đâu. Vì
như đã nói trên: phép lạ (theo
nghĩa hẹp) là điều xảy ra ngoài qui luật
tự nhiên. Qui luật tự nhiên ấy ai
đã thiết lập ra? Thưa là chính
Thiên Chúa. Vậy nếu Thiên Chúa đã thiết lập
những qui luật tự nhiên thì đương nhiên Thiên
Chúa cũng muốn cho vạn vật vận hành theo đúng qui luật tự nhiên mà
Người đã thiết lập. Chỉ thỉnh
thoảng khi nào có một lý do thật quan trọng thì Chúa
mới cho một sự kiện xảy ra ngoài những qui
luật tự nhiên đó (và khi đó là phép lạ).
Vậy lý do quan trọng khiến Chúa làm
phép lạ là gì? Thường là đức tin. Phép lạ xảy ra để đáp ứng
một lòng tin mạnh mẽ vững vàng – hoặc
để mời gọi những người chứng
kiến càng tin mạnh mẽ vững vàng hơn.
Trong các sách Tin mừng chúng ta đã
đọc thấy nhiều lần trước khi làm phép
lạ chẳng hạn trước khi chữa cho một
người mà từ thuở mới sinh Đức Giêsu
hỏi “Con có tin không?” Người đó tuyên
xưng đức tin thì Chúa mới làm phép lạ. Ngược lại, đối với vua Hêrôđê
không tin mà chỉ muốn có phép lạ để xem cho
thỏa thích hiếu kỳ thì Đức Giêsu không làm
một phép lạ nào hết. Trong đoạn Tin
mừng hôm nay cũng thế: những người
đồng hương với Đức Giêsu ở Nagiarét
một mặt khinh thường Đức Giêsu chỉ là con
của một bác thợ mộc nghèo nàn, tầm
thường, nhưng mặt khác khi nghe biết Đức
Giêsu đã làm nhiều phép lạ ở những nơi khác
thì cũng muốn Đức Giêsu làm phép lạ ở quê
hương Nagiarét cho họ hưởng nhờ thì
Đức Giêsu cũng không chịu làm phép lạ chỉ
để thỏa mãn tính vụ lợi của họ.
Có những người rất nhẹ
dạ dễ tin: chuyện gì hơi lạ một chút
cũng coi là phép lạ.
Có những người rất hay
cầu xin phép lạ: phép lạ được trúng số,
phép lạ được khỏi bệnh.
Không phải chúng ta không nên tin cũng
như không nên cầu xin nữa. Nhưng sau những phân tích
nãy giờ, chúng ta hãy lưu ý: điều quan trọng
nhất trong các phép lạ không phải là khía cạnh lạ
thường, khía cạnh lợi lộc của chúng, mà
chính là đức tin: phép lạ xảy ra là vì đức
tin: hoặc để đáp ứng đức tin mạnh
mẽ của con người, hoặc để mời
gọi con người qua đó mà càng tin vững hơn vào
Thiên Chúa.
- Ở
Lộ Đức, ở Fatima, ở La Salette v.v... khi mà
những biến cố lạ thường xảy ra làm
nhiều người xôn xao thì Giáo hội vẫn im
lặng. Chỉ sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng
một thời gian dài rồi thì Giáo hội mới tuyên bố
đấy là phép lạ. Giáo hội cẩn thận như
vậy là để khỏi rơi vào mê tín dị đoan. Thiết
tưởng mỗi người chúng ta cũng phải
cẩn thận như thế trước những
điều xảy ra có vẻ khác thường, bởi vì
đức tin của chúng ta không phải là nhẹ dạ,
mê tín, mà là một đức tin có nền tảng vững
chắc, trong sáng.
- Rồi
trong cuộc sống đạo của chúng ta, điều
quan trọng mà chúng ta phải chú ý hơn hết là cố
gắng rèn luyện cho đức tin của mình càng ngày càng
vững mạnh trong sáng hơn. Nói cụ thể: tôi
giữ đạo, tôi làm theo những điều Chúa
dạy là vì tôi thực sự tin vào Chúa... chứ không
phải vì tôi mong Chúa sẽ làm phép lạ cho tôi giàu có, cho tôi
trúng số, cho tôi khỏi bệnh một cách lạ lùng... Những
điều đó nếu thấy cần thì chúng ta cứ
cầu xin, và Chúa nếu thấy rằng tốt thì sẽ
ban cho chúng ta. Nhưng chúng ta không nên chỉ giữ
đạo vì những điều đó. Chúng ta giữ
đạo vì chúng ta tin vào Chúa. Tin vào Chúa chẳng những
khi cuộc sống thoải mái dễ chịu, nhưng dù
cuộc đời có gặp lúc gian nan, túng thiếu,
bệnh tật, buồn khổ... chúng ta vẫn một niềm
tin son sắt vào Chúa. Đó mới là một đức tin
vững mạnh.
|