Lề
luật
Bài Tin Mừng hôm nay
thuật lại hai việc làm của Đức Giêsu. Những việc này không chỉ
nhằm chứng tỏ quyền năng của Chúa trên
bệnh hoạn và sự chết, mà còn cho chúng ta thấy
thái độ và lập trường của Chúa đối
với những luật khắt khe và khô cứng của
đạo Do thái thời đó.
Trước hết là
việc Chúa chữa cho một người đàn bà mắc
bệnh loạn huyết.
Theo luật Do thái, người nào mắc chứng bệnh
này thì đương nhiên bị liệt vào hàng dơ dáy, ô
uế, cho nên không được vào đền thờ,
không được tham dự các lễ nghi phượng
tự, và cũng không được đụng tới ai
vì hễ ai mà bị người ô uế đụng
phải thì cũng trở thành người ô uế luôn. Khỏi cần nói nhiều, chúng ta cũng hiểu
bà này đau khổ như thế nào. Trong cơn
đau khổ, bà đã nảy ra một ý tưởng táo
bạo là tìm cách đụng vào gấu áo Đức Giêsu. Ý
định này táo bạo ở chỗ là việc đó trái
lề luật, và cũng chẳng ai chịu cho bà ta
đụng vào mình đâu vì sợ bị lây nhiễm sự
ô uế. Vì thế mà bà này phải làm một
cách lén lút. Dù vậy Đức Giêsu
vẫn biết. Khi Đức Giêsu
hỏi “Ai đã đụng đến Ta?” thì bà ta sợ
hãi vì thấy việc làm của mình đã bị bại
lộ. Nhưng bà ta ngạc nhiên hết sức vì
Đức Giêsu chẳng hề quở trách bà một
lời nào, trái lại còn làm cho bà khỏi bệnh, và còn an ủi bà “Con hãy đi bình an”.
Sang câu chuyện của ông
Giairô. Ông là
trưởng hội đường, nghĩa là một viên
chức tôn giáo, một người có trách nhiệm bảo
vệ luật đạo. Trước đó ông đã
đến xin Đức Giêsu đến nhà ông chữa
trị cho con gái ông sắp chết. Đang khi
Đức Giêsu cùng đi với ông về nhà thì xảy ra
câu chuyện của người đàn bà mắc bệnh
loạn huyết mà ta vừa nói ở trên. Bà này đã
đụng vào Đức Giêsu nên theo
luật thì Đức Giêsu đã trở thành người ô
uế. Nếu Đức Giêsu mà vào nhà ông thì cũng theo luật đó, tới phiên nhà ông cũng
bị lây nhiễm ô uế luôn. Và việc
đó sẽ gây hậu quả to lớn bởi vì như ta
đã biết, ông là trưởng hội đường,
nếu ông không giữ luật mà còn để nhà ông bị
Đức Giêsu làm thành ô uế thì có thể ông mất
chức luôn. Đang lúc đó thì lại xảy thêm
một diễn tiến nữa: Người nhà ông chạy
đến cho hay là con gái ông đã chết rồi,
đừng làm phiền Đức Giêsu nữa. Trước những sự kiện dồn
dập như thế, ông Giairô không còn ý định mời
Đức Giêsu về nhà mình nữa. Nhưng
Đức Giêsu bảo ông: “Đừng sợ gì cả
(nghĩa là: ông đừng sợ làm phiền tôi, cũng
đừng sợ bị lây ô uế), điều cần
nhất là lòng tin”. Giairô đã tin Chúa, không còn ngại sợ
gì nữa, mời Chúa về nhà, Đức Giêsu cầm
lấy tay đưa đứa bé đã chết và
truyền cho nó sống lại. Thêm một chi tiết
đáng lưu ý: Theo luật thì xác chết cũng là một
thứ ô uế, ai đụng tới xác chết thì sẽ
bị nhiễm ô uế. Nhưng ta đã thấy, một
lần nữa Đức Giêsu đã tỏ ra bất
chấp…
Sau khi nghe giải thích hai
việc làm táo bạo của Đức Giêsu, chúng ta nghĩ
sao về Chúa? Có phải Ngài chủ trương phá bỏ
tất cả mọi lề luật không? Chắc
chắn là không, bởi vì Ngài đã từng tuyên bố rõ:
“Các ngươi tưởng là Ta đến để
hủy bỏ lề luật ư? Không, Ta
không phá bỏ mà Ta làm cho trọn lề luật. Ta nói
thật: cho dù trời đất có qua đi, nhưng không
một chấm một phết nào của lề luật
sẽ qua đi, cho đến khi tất cả
được nên trọn”. Nghĩa là
những việc là của Đức Giêsu, thoạt xem thì
có vẻ như chống đối lề luật, thực
chất là nhằm làm cho lề luật được
kiện toàn. Thời đó, người ta chỉ
giữ luật theo cái hình thức,
Đức Giêsu muốn cho cái hình thức ấy có thêm cái
tinh thần, chính đó mới là cái cốt tủy của
lề luật, đó mới là điều quan trọng. Có lần Đức Giêsu đã nói thẳng với
bọn luật sĩ và biệt phái chỉ biết chăm
lo giữ cái hình thức khô cứng của lề luật
mà không để ý gì đến tinh thần lề luật.
Chúa nói rằng: “Các ngươi chỉ là những cái mồ
mả. Bên ngoài thì sơn phết đẹp
đẽ, nhưng bên trong thì chứa toàn những sự
thối tha”. Khi bàn về sự tinh sạch và ô
uế, Đức Giêsu đã khẳng định rằng
tinh sạch hay ô uế thật là do lòng người chứ
không do hình thức bên ngoài. Ngài nói: “Cái gì làm cho người
ta ra ô uế? Không phải những cái từ
bên ngoài vào (như đồ ăn, thức uống), mà là
cái từ bên trong bài tiết ra”.
Như vậy, lập trường
của Chúa Giêsu rất rõ ràng: điều quan trọng
cốt lõi của lề luật chính là cái tinh thần
của nó. Kẻ nào chỉ bo bo giữ
cái hình thức bề ngoài mà quên cái tinh thần cốt lõi
của lề luật thì cũng như mồ mả tô vôi,
bề ngoài thì đẹp, nhưng bề trong thì xấu xa
hôi thối.
|