Người
dựa vào chiếc gối mà ngủ
(Suy
niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)
“Thầy ơi, chúng ta
chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì
sao?”
Cũng như hai dụ ngôn ‘hạt
giống tự mọc’ và ‘hạt cải nhỏ bé’
được kể trước đó, sự kiện
cuồng phong nổi lên và sóng nước ập vào làm cho
con thuyền các môn đệ hòng chìm, trong khi đó
Đức Giê-su ‘đang ở đàng lái, dựa
đầu vào chiếc gối mà ngủ’ buộc ta phải
suy nghĩ khi giáp mặt với những nghịch lý
đầy thách thức trong chính đời sống Tin
Mừng. Tự nhiên, khi nghĩ về Thiên Chúa cũng
như về vương quốc của Ngài, thì quyền
năng và sức mạnh mới chính là điều mà
mọi người thường nghĩ tới
trước nhất. Chính vì vậy mà khi nhìn thấy đau
khổ tràn lan, bất công ngập tràn và sự ác thống
trị, trong khi sự thiện lại thoi thóp trong tuyệt
vọng, nhiều người đã cho rằng, đó là
một bằng chứng thuyết phục cho thấy không
hề có Thiên Chúa; vì nếu Ngài thật sự hiện
hữu, thì với tất cả quyền năng và thánh
thiện như thế, tại sao lại không can thiệp,
không giáng phạt bằng tất cả sức mạnh
của Ngài? Thiên Chúa lẽ nào lại vô tâm
tới mức đó sao? Giải đáp duy nhất mà
người ta thường nại tới để
giải quyết nghịch lý này là sự kiên nhẫn
chịu đựng có giới hạn của Thiên Chúa,
sự nhẫn nhục này chỉ tồn tại trong
thời gian ngắn ngủi của cuộc đời này,
để rồi tới kiếp sau sự công thẳng và
quyền bính của Ngài sẽ hiển trị qua việc
nghiêm minh xét xử, với phần thưởng thiên
đàng dành cho người thiện, hay hình phạt hỏa
ngục dành cho người dữ. Giải
đáp này trên thực tế hình như được
hầu hết các tôn giáo trưng ra, tuy với những hình
thái khác nhau, chẳng hạn như thuyết luân hồi
của Phật Giáo.
Vẫn biết Thiên Chúa là quyền
năng và quyền năng này vượt trên tất cả
mọi sự, ‘Thức dậy, Người ngăn đe
gió và truyền cho biển: “Im đi! Câm
đi!” Gió liền tắt, và biển
lặng như tờ’. Thiên Chúa đương nhiên có
quyền trên cả sự dữ! Trong trường hợp
cụ thể này, theo lối suy nghĩ
của các môn đệ, biển cả dậy sóng là hình
ảnh quen thuộc của sức mạnh sự dữ,
của tà thần (xem Mc 1:25).
Có điều là ít tôn giáo nào dám nghĩ rằng quyền
năng lớn lao nhất của Thiên
Chúa (Thượng Đế…) lại chính là quyền
năng buộc Ngài phải câm nín. Ngoài Ki-tô
giáo, có tôn giáo nào dám nghĩ rằng có một Thiên Chúa mà
quyền năng và bản chất tuyệt hảo nhất
của Người lại chính là lòng nhân từ và thứ
tha? Đặc tính ‘nhân từ và hay thương xót’
của Thiên Chúa, nếu có tìm thấy trong Do Thái giáo, Hồi
giáo…, thì cũng chỉ mang tính tạm bợ và hạn
hẹp, và chỉ dành cho một số đối
tượng nhất định mà thôi (các tín hữu trung
thành, những người công chính chẳng hạn). Chỉ riêng Tin Mừng của Đức Giê-su
mới cho ta hiểu rằng Thiên Chúa là tình yêu, và bản
chất của Tình Yêu đó trước hết và trên
hết là thứ tha và hay thương xót. Phải chăng từ muôn thuở yếu tính
của Thiên Chúa chính là điều này… và sẽ còn tiếp
tục mãi mãi cho tới muôn đời? Mạc
khải lớn nhất của Đức Giê-su Ki-tô chính là
đây: Thiên Chúa không lên án, Ngài không luận phạt, Ngài
chỉ làm một điều duy nhất là cứu
độ và xót thương. Luận phạt hay lên án là do
chính con người tự quàng vào cổ mình “vì đã không
tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:16-21). Kể
từ mạc khải vĩ đại
này, thinh lặng trước sự dữ, thay vì là yếu
đuối sợ hãi, lại biểu lộ sức
mạnh vô địch nhất của Thiên Chúa. “Ông không nói lại được một lời
sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?... Nhưng đức Giê-su
vẫn làm thinh” (Mt 26:62-63).
Thần lực Người làm cho gió im
biển lặng đã làm cho các môn đệ hoảng
sợ, mối hoảng sợ này có lẽ lớn không kém
lúc cuồng phong bão tố nổi lên, ‘Các ông hoảng sợ
nói với nhau…’ Mô-sê trước bụi gai bốc cháy (Xh
3:1), hoặc I-sai-a khi thoáng nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa (Is
6:5), hoặc bất cứ ai khác cũng đều run
sợ trước mọi biểu hiện của quyền
lực thần linh. Chỉ duy uy quyền tình yêu của
Thiên Chúa là không gây sợ hãi! Và chỉ có sức mạnh tình
yêu tha thứ mới làm cho con người được thư thái và an bình thực sự. “Bình an cho anh em… Thầy đây
đừng sợ!” (Lc 24:36). Một khi
được Đức Giê-su tỏ cho biết Thiên Chúa
là ai trong thực chất của Ngài, và Thần Khí giúp ta
khám phá ra Thiên Chúa thật gần gũi, thấu hiểu
hết các yếu đuối lỗi lầm của con
người cho dù họ có gian ác tội lỗi tới
đâu đi nữa, bất cứ ai cũng sẽ cảm
thấy tràn ngập một niềm an bình độc
đáo, một thứ an bình không ai trên cõi đời này có
thể ban cho. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy…
không theo kiểu thế gian. Anh em
đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi…” (Ga, 14:27)
Tuy nhiên, một khi khám phá ra và hiểu rõ
hơn về sức mạnh tình yêu tha thứ và xót
thương của Thiên Chúa, con người sẽ không
khỏi cảm thấy một mối kinh ngạc thú
vị, gần giống như một cảm giác ngất
ngây. Hy vọng rằng các Ki-tô hữu chúng ta, một khi
nghiệm thấy cảm giác tuyệt diệu đó, hãy
để cho mối ‘kinh ngạc ngất ngây’ này tiếp
tục tràn ngập tâm hồn mình… bây giờ và cho tới
muôn đời!
Lạy
Vua Tình Yêu nhân ái, cảm tạ Chúa đã một lần cho
con nếm cảm được uy lực tình yêu nhân ái Chúa
trong đời sống con. Xin cho con luôn nghiệm thấy
Thiên Chúa tình yêu đang thinh lặng hiện diện trong con
giữa mọi sóng gió cuộc đời. Xin đừng
bao giờ cất khỏi lòng con sự bình an ngây ngất
của Thần Khí hiện diện trong con, để con
luôn có thể mở miệng kêu lên ‘Áp-ba’ giữa mọi
nghịch cảnh. A-men.
|