An tâm – Lm.
Giuse Nguyễn Hữu An
Sau một ngày giảng dạy dân chúng,
Chúa Giêsu bảo các môn đệ chèo thuyền đưa Ngài
sang bên kia Biển Hồ. Biển Galilê dài 21km, rộng 12km,
xung quanh có những rặng núi bao bọc. Nhiệt
độ ở Galilê thuộc miền Bắc Israel và ở Biển Chết
thuộc miền Nam chênh lệch nhau, thỉnh
thoảng tạo ra những cơn gió mạnh. Biển Galilê nổi sóng
dữ dội vì hình thể lòng chảo với núi non bao
quanh. Vì thế, người xưa quan
niệm rằng, biển là biểu hiện cho những gì
nguy hiểm, tối tăm và sợ hãi. Biển
động sóng gào biểu trưng cho một thế
giới hỗn loạn và phường tội lỗi (x.
Is 57, 20). Ý định băng qua bên kia
Biển hồ lúc trời đã về chiều quả là
một ý định táo bạo, liều lĩnh, bất
chấp hiểm nguy.
Tuy vậy, Chúa Giêsu
quyết định ra đi và thực hiện phép lạ
trên biển với mục đích củng cố
đức tin cho các môn đệ, đồng thời
biểu lộ uy quyền của Thiên Chúa vượt trên
mọi thế lực sự dữ.
Chúa Giêsu cùng với các môn
đệ và có một số thuyền khác vượt
biển giữa trời đêm. Thuyền lướt sóng ra khơi
giữa màn đêm. Bão tố cuồng phong bỗng
dưng ập đến. Các môn đệ, dù
nhiều trải nghiệm về biển cả vẫn
hốt hoảng lo lắng hoang mang. Chỉ mình Chúa
Giêsu vẫn an nhiên tự tại, vẫn
ngủ như không có gì xảy đến. Lạy Chúa,
đến nước này mà Ngài vẫn ngủ sao? Trong dòng
lịch sử, không ít lần dân Do thái thấy như Chúa
ngủ quên: “Lạy Chúa, Ngài quên con mãi tới bao giờ? Tới bao giờ còn ngoảnh mặt làm ngơ?
Tới bao giờ hồn con vẫn còn lo lắng và lòng con
ủ rũ đêm ngày? Tới bao giờ
kẻ thù con thắng mãi?” (Tv 13,1-2).
Các môn đệ cuống cuồng lo
sợ và hỏi: “Thầy ơi, chúng ta chết đến
nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Tiếng
kêu cứu trong tuyệt vọng. Gặp bão tố
cuồng phong trên biển cả, không lẽ những dân chài
thứ thiệt như các ngư phủ
lại phải cậy đến sự trợ giúp của
một bác thợ mộc ư? Kinh nghiệm
thợ mộc giúp được ích gì cho các ông lúc này?
Ở đây rõ ràng là các ông cần sự trợ giúp
thần linh, cần một phép lạ. Khi con người
đối diện với những gian nan
khốn khó, với những mãnh lực ác thần, họ
mới thấy sức người quá hèn yếu, nhỏ
bé. Bài đọc 1 cho thấy con người yếu
đuối tìm đâu được một chỗ dựa
vững vàng ngoài niềm tin vào Thiên Chúa toàn năng: “Bấy
giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng
trả lời ông Gióp như sau: Cửa đại
dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào
từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc,
phủ sương mù làm tã che thân?” (G 38,1.8-9).
Đứng trước số phận ngàn cân treo sợi
tóc, họ mới thấy cần biết bao quyền
năng Thiên Chúa trợ giúp. Thiên Chúa sẽ ra tay
đúng lúc để đáp ứng tiếng van nài của
họ.
Không phải bằng một kỹ
năng hàng hải mà bằng uy quyền của trời cao,
Chúa Giêsu thức dậy và ra lệnh cho sóng biển: “Im
đi! Câm đi!”. Cử
chỉ và lời nói của Chúa giống như lúc Ngài
trừ quỉ. Lập tức, gió
ngừng thổi và biển yên lặng như tờ.
Rồi Chúa quở các môn đệ: sao các con lại sợ
hãi thế? Đức tin của các con như thế nào? Rõ
ràng, Chúa không nói các môn đệ không có đức tin; Chúa
cũng không nói các môn đệ có đức tin bé nhỏ;
ở đây đức tin của các môn đệ giới
hạn quyền năng của Thiên Chúa, thua sức mạnh
thiên nhiên, sự hiện diện của Chúa Giêsu không
thể cứu nguy cho những người cùng thuyền
được nên họ phải đánh thức Chúa
dậy.
Khi
Chúa dùng lời quyền năng dẹp yên gió bão, các môn
đệ ngạc nhiên và hỏi: "Người này là ai
mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?". Thông cảm với các môn
đệ vì các ông chưa biết rõ Chúa là ai, quyền
năng thế nào để phó thác mạng sống mình cho
Chúa. Nhờ phép lạ này, các ông nhận
ra Thầy có quyền trên cả gió và biển, có quyền
như Thiên Chúa vậy. Từ đó, các
ông suy nghĩ, tìm hiểu con người Thầy hơn.
Những trắc trở đến
từ thiên nhiên chỉ nói lên một phần nhỏ sự
yếu đuối của con người khi phải đối
diện với trăm ngàn đợt sóng mãnh liệt
từ các dục vọng làm xáo động tâm hồn
họ. Những sự ác dữ dội như sóng biển
ấy chẳng để ai ngủ yên, mà bắt
người ta phải đặt niềm tin vào Chúa trong khi
chống cự để có được sự sống
muôn đời: “Xin Chúa thấy cho: thù địch con
đông vô kể, chúng ghét thân này, ghét cay ghét đắng. Xin
bảo toàn sinh mạng và giải thoát con, đừng
để con tủi nhục, bởi vì con ẩn náu bên Ngài”
(Tv 25,19-20).
Giông bão bắt người ta phải
tin, nhưng niềm tin lại cần đến thử
thách của giông bão, vì niềm tin cần được
thử thách để lớn lên. Sóng gió là
những thử thách trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp ta
giúp ta biết mình hơn, biết yêu mến cậy trông vào
Chúa hơn và giúp đức tin vững mạnh hơn.
Chúa phán với ông Gióp trong gió bão, dạy
dỗ ông những lẽ khôn ngoan. Ông Gióp
đã luôn vững tin vào Chúa, không phàn nàn, kêu trách; rồi Chúa
đã làm cho sóng gió cuộc đời ông chấm dứt, và
ban lại cho ông một cuộc sống tốt đẹp
hơn. Các Tông đồ cũng gặp
bão táp trên biển cả. Chúa dùng lời
quyền năng dẹp yên giông bão. Khi sóng yên biển
lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa
hơn, từ nay các ngài không còn cuống quít sợ hãi
mỗi khi gặp gian nan nữa. Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở
nên từng trải, vững vàng hơn. Thánh Phaolô
nhắc nhở: vì thương yêu chúng ta, “Chúa Giêsu Kitô
đã chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài đã
sống lại!” đem đến cho chúng ta một
niềm tin vững chắc vào tình thương của Thiên
Chúa.
Tàu thuyền một khi đã lênh đênh
trên mặt biển rồi thì không thể nào tránh
được những cơn sóng to nhỏ và chẳng có
cách chi thoát khỏi những chao đảo, bập bềnh
và lắc lư do bão táp và cuồng phong
gây nên. Cũng vậy, mọi người không ai tránh
khỏi những sóng gió và bão tố to nhỏ do biển
đời này gây ra!
-
Khi
tôi lâm vào cảnh hoang mang, sợ hãi, lúng túng, lo lắng,
bất an, phiền muộn, chán chường, thất
vọng…
-
Khi
gia đình tôi chạm trán với những biến cố
đau thương như tai nạn xe
cộ, tai nạn nghề nghiệp, thất nghiệp,
vợ chồng con cái bất hòa xung đột với nhau,
đau ốm, tang chế…
-
Khi
trong cộng đoàn giáo xứ của tôi xảy ra những
gương mù, gương xấu: đố kị, ghen
tương, kèn cựa, tranh giành quyền lợi, chia bè, kéo
phái, tố cáo nhau, mạt sát, thù ghét nhau …
-
Khi
trong cộng đoàn dòng tu của tôi phải
đương đầu với những khủng
hoảng về mặt nhân sự, tài chánh, huấn luyện,
đào tạo, kỳ thị, chia rẽ, phân biệt, thiên
vị…
-
Khi
Giáo Hội bị bêu xấu, hạ nhục, và bị công
kích bởi gương mù gương xấu do một
số nhỏ giáo sĩ gây ra…
Thuyền trên biển
gặp sóng gió, bão táp là chuyện rất bình thường. Khi thuyền đời của mình không
thể tránh được sức va
chạm và những ảnh hưởng của sóng gió, bão
táp giông tố của cuộc đời này thì tôi phải
làm gì để giữ cho thuyền khỏi bị lật
úp?
Cách hay nhất là bắt chước các
môn đệ, chạy đến với Chúa Giêsu để
xin Ngài dẹp tan sóng gió và bão tố bảo vệ thuyền
của mình khỏi bị nhận chìm. Chỉ khi nào tin vào
sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, Đấng có
quyền năng trên sóng gió mưa bão và mở miệng van
xin Ngài ra tay cứu giúp thì lúc đó thuyền đời
mới được bình an, bởi lẽ “Không có Thầy
thì các con không thể làm gì được!” (Ga 15,5).
Tin mừng hôm nay giúp chúng ta luôn sống an tâm. An tâm, bởi con
thuyền cuộc đời chúng ta ra khơi, giữa phong
ba bão táp, giữa những thử thách gian truân vẫn luôn có
Chúa là thuyền trưởng hướng dẫn thuyền
vượt sóng. An tâm, bởi Chúa luôn xuất hiện
đúng lúc đúng thời để ra tay
nâng đỡ chúng ta trước những khó khăn. An tâm, bởi chúng ta biết chúng ta tin vào
Đấng chiến thắng mọi thế lực ác
thần và sự chết. An tâm, bởi từ nay, cuộc
đời chúng ta đã trao vào tay Chúa, tín thác mọi sự
trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì như thánh Phaolô, “tôi
biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1,12).
Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi
người chúng ta vững tin vào sự hiện diện
của Chúa, để trong mọi hoàn cảnh cuộc
đời, chúng ta luôn có Chúa ở vị trí hoa tiêu
để hướng dẫn và can thiệp kịp
thời, giúp chúng ta đến bến bờ bình an.
|