Trái Tim Từ Mẫu (Lễ Khiết Tâm Đức Mẹ)
Ngay sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là lễ Khiết Tâm Đức Maria. Tôn kính Con rồi tôn kính Mẹ. Có Con là có Mẹ, có Mẹ là có Con. Mẹ là tất cả của Con, và Con là tất cả của Mẹ. Cuộc đời thường cũng vẫn như vậy! Chúng ta có người-mẹ-trần-gian là cảm thấy hạnh phúc lắm rồi, chúng ta còn hạnh phúc tột cùng vì có người-mẹ-tâm-linh là Đức Trinh Nữ Maria.
Lễ Khiết Tâm cũng là lễ Mẫu Tâm, lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Mẫu Tâm Đức Mẹ là Trái Tim tinh tuyền không bợn nhơ, kể cả Nguyên Tội, hoàn toàn Vô Nhiễm. Kinh cầu Đức Bà liệt kê nhiều điều về Đức Maria: “Đức Bà là Tòa Đấng Khôn Ngoan, Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa, Đức Bà là Cửa Thiên Đàng, Đức Bà như Sao Mai sáng,…”. Có lẽ Đức Mẹ là người được tôn xưng bằng nhiều danh hiệu nhất, không chỉ vì Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa mà còn vì Đức Mẹ trọn hảo. Đức Mẹ thật cao trọng nhưng lại rất khiêm nhường, chỉ dám nhận mình là “nữ tỳ của Chúa” (Lc 1:38).
Sách Huấn Ca cho biết: “Đức Khôn Ngoan tự biểu dương và hãnh diện ở giữa dân mình. Khôn ngoan lên tiếng trong đại hội của Đấng Tối Cao và hãnh diện trước quyền uy của Người” (Hc 24:1-2). Đức khôn ngoan biểu hiện Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng Khôn Ngoan. Sách Huấn Ca nói rõ: “Duy có mình Ta đi vòng cả bầu trời và rảo bước khắp vực sâu thăm thẳm. Trên sóng biển, trên toàn cõi đất, trên mọi nước mọi dân, Ta nắm trọn chủ quyền. Giữa chúng hết thảy, Ta tìm chốn nghỉ ngơi, xem có gia nghiệp của ai để Ta cư ngụ” (Hc 24:5-7). Sự khôn ngoan rất quan trọng, được coi là một nhân đức. Thánh vương Sa-lô-môn đã biết mơ ước được ơn khôn ngoan (1 Sbn 22:12), rồi xin Chúa ban cho sự khôn ngoan và hiểu biết (2 Sbn 1:10) chứ không xin gì khác. Vì thế, “Thiên Chúa cho vua Sa-lô-môn được dồi dào khôn ngoan, thông thạo, và một trái tim bao la như cát ngoài bãi biển” (1 V 5:9).
Đức Maria là Ngai Tòa của Đấng Khôn Ngoan, là Nhà Tạm đầu tiên từ khi “xin vâng”, và Đức Mẹ được mệnh danh là Theotokos (Θεοτόκος), nghĩa là Người-Mang-Thiên-Chúa. Biết xin vâng là sự khôn ngoan của Trinh Nữ Maria.
Nói về đức khôn ngoan, sách Huấn Ca cho biết chi tiết: “Ta đâm rễ sâu giữa một dân hiển hách, trong phần riêng của Đức Chúa, cũng là sản nghiệp của Người. Ta đã vươn lên tựa cây bá hương vùng Li-băng, tựa cây trắc bá núi Khéc-môn. Ta đã vươn lên như cây chà là ở Ên Ghe-đi, như những khóm hồng ở Giê-ri-khô, như cây ô-liu xanh tốt giữa cánh đồng. Như cây tiêu huyền, Ta đã vươn lên. Như cây quế, như tước sàng, Ta nức hương ngào ngạt, Ta toả hương thơm ngát như mộc dược quý, như phong tử hương, mã não, an tức hương, như khói hương nghi ngút trong lều, Ta vươn nhánh ra như cây nhựa điều, nhánh của Ta là nhánh vinh quang tươi đẹp” (Hc 24:12-16).
Sự khôn ngoan thật là cao xa, sâu thẳm, bao la và vô cùng: “Người đầu tiên chẳng biết hết khôn ngoan, kẻ cuối cùng cũng không hiểu thấu được. Vì tư tưởng của khôn ngoan rộng hơn đại dương, ý định của khôn ngoan sâu hơn vực thẳm. Phần tôi, tôi như kênh đào chảy từ sông lớn, như con lạch dẫn nước tới địa đàng” (Hc 24:28-30). Sự khôn ngoan thật kỳ diệu, nhưng phải là sự khôn ngoan từ Thiên Chúa, chứ sự khôn ngoan của loài người chẳng nghĩa lý gì. Thánh Phaolô đã so sánh: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1:25).
Thi sĩ Paul Éluard (1895-1952, người Pháp, tên thật là Eugène Émile Paul Grindel) đã so sánh: “Sự khôn ngoan khiến người ta tồn tại, còn sự đam mê khiến người ta sống”. Tất nhiên chỉ hiểu theo nghĩa đời thường, nhưng ở một “góc độ” nào đó, cũng có lý. Ngày xưa, bà An-na cũng đã khôn ngoan khi bà cầu nguyện và nói: “Tâm hồn con hoan hỷ vì Đức Chúa, nhờ Đức Chúa, con ngẩng đầu hiên ngang” (1 Sm 2:1a).
Thiên Chúa hiền lành và khiêm nhường, nên Ngài hạ bệ bất kỳ ai dữ tợn và kiêu căng: “Cung nỏ người hùng bị bẻ tan, kẻ yếu sức lại trở nên hùng dũng. Người no phải làm mướn kiếm ăn, còn kẻ đói được an nhàn thư thái. Người hiếm hoi thì sinh năm đẻ bảy, mẹ nhiều con lại ủ rũ héo tàn” (1 Sm 2:4-5). Ý tưởng này cũng được Đức Maria đề cập trong bài Magnificat khi đến thăm Chị Ê-li-sa-bét (Lc 1:46-55).
Thiên Chúa toàn năng, mọi sự đều có thể đối với Ngài. Ngài là Đấng Tự Hữu và Hằng Sinh, Ngài là Tạo Hóa vì Ngài tạo dựng muôn loài, nghĩa là Ngài có mọi quyền trên trời và dưới đất: “Đức Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên. Đức Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có, Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao. Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng. Vì nền móng địa cầu là của Đức Chúa, Người đặt cả hoàn vũ lên trên” (1 Sm 2:6-8). Tuy nhiên, Thiên Chúa dùng quyền để nâng đỡ, yêu thương và cứu thoát chúng ta, chứ Ngài không dùng quyền để “hành” chúng ta như phàm nhân chúng ta vẫn thường áp dụng, và khoái làm như vậy.
Đức Mẹ hẳn là người điềm đạm và trầm tính, bởi vì Đức Mẹ luôn “ghi nhớ mọi kỷ niệm và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Đức Mẹ im lặng để cầu nguyện và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Đời sống cầu nguyện rất quan trọng đối với các Kitô hữu, vì thế chúng ta phải không ngừng học tập và noi gương Đức Mẹ.
Thánh Phaolô nói: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1:3-6). Chắc chắn ca tụng Chúa phải là nhiệm vụ quan trọng và là bổn phận hàng đầu của chúng ta. Đức Mẹ đã im lặng để hoàn tất công việc này.
Để minh chứng, Thánh Phaolô giải thích: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người” (Ep 1:11-12). Đức Mẹ đã bối rối và rất ngạc nhiên khi Sứ thần Gáp-ri-en báo tin được tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa, nhưng Đức Mẹ đã vui mừng chấp nhận mà không chút so đo, bởi vì Đức Mẹ hoàn toàn tin vào sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa. Trái Tim Đức Mẹ trong suốt ánh đức tin và tỏa sắc màu yêu mến.
Thánh sử Luca cho biết: Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm (Lc 2:41-45). Cha mẹ luôn lo cho con cái, đặc biệt là trái tim người mẹ sẽ không thể yên được khi chưa biết con cái đang làm gì và ở đâu, có được bình an hay không.
Ngược xuôi khắp nơi suốt ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy Con Trai trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Thở phào nhẹ nhõm. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Họ ngạc nhiên vì biết Chàng Trai Giêsu là con ai và ở đau, nhưng đâu ai có thể ngờ rằng chính Chàng Trai Giêsu đó lại là Đấng Khôn Ngoan, là Con Thiên Chúa.
Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và Đức Mẹ nói với Con Trai Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2:48). Đức Mẹ không thể im lặng lúc này, vì trái tim người mẹ chịu bất an mấy ngày qua rồi, khổ lắm. Chắc hẳn Đức Mẹ cũng đã khóc sưng cả mắt thôi. Đức Thánh Giuse không nói gì, hoàn toàn im lặng. Tình cha thâm trầm lắm, nhưng lòng cha cũng bồn chồn đâu kém lòng mẹ. Mất con thì có người mẹ nào thản nhiên được!
Dĩ nhiên Chúa Giêsu biết rõ cha mẹ lo lắng lắm nên cũng thương lắm chứ, nhưng Ngài vẫn nói: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2:49). Vì “bổn phận ở nhà Cha” còn cần hơn, vì là nhiệm vụ tối quan trọng. Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Dĩ nhiên là vậy, vì hai vị cũng chỉ là thụ tạo, chưa thể hiểu được. Nói là nói vậy thôi, nói để cha mẹ biết, Ngài thương cha mẹ nên liền “đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2:51a). Riêng Đức Mẹ thì “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2:51b). Tình Mẹ cũng thâm trầm lắm!
Có thể nói rằng chưa có ai trên đời này hiểu được lý lẽ của trái tim người mẹ. Trái tim người mẹ trần gian còn chưa hiểu nổi, huống chi Trái Tim Người Mẹ tâm linh – Trái Tim Từ Mẫu Maria. Là người cổ võ lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Đức Maria, Thánh Gioan Eudes (1601-1680) nói: “Trái Tim Mẹ Maria là Trái tim Giáo Hội chiến đấu, Giáo Hội tẩy luyện và Giáo Hội vinh thắng”.
Cha mẹ sinh dưỡng và hy sinh cả đời vì con cái, nhưng không mong con cái đáp lại. Mà con cái cũng không bao giờ có thể đền đáp công lao cha mẹ. Để báo hiếu cha mẹ, con cái phải biết sống cho nên người, có thể không thành công nhưng phải thành nhân. Đó là báo hiếu cha mẹ. Và cha mẹ cũng chỉ mong con cái mình như thế.
Tương tự, để tỏ lòng kính yêu Đức Mẹ và thành tâm tôn sùng Mẫu Tâm (một trong ba mệnh lệnh Fátima), chúng ta phải nỗ lực noi gương Anh Hai Giêsu, nghĩa là không ngừng cố gắng “ngày càng thêm khôn ngoan và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52). Được như vậy là chúng ta làm vui lòng Đức Mẹ rồi đấy!
Thật tuyệt vời với cách so sánh của Thánh Bê-na-đô: “Thiên Chúa đã quy tụ tất cả nước lại một nơi gọi là biển, và Ngài quy tụ mọi ân sủng nơi một người là Mẹ Maria”.
Lạy Thiên Chúa nhân lành, xin giúp chúng con biết tôn thờ một mình Ngài và tuân phục Thánh Ý Ngài mọi nơi và mọi lúc, điều mà Đức Mẹ đã chu toàn khi còn tại thế. Lạy Thánh Mẫu Maria, xin giúp chúng con biết mau mắn “xin vâng” và khiêm nhường như Mẹ. Xin Chúa và Mẹ biến niềm khao khát nên thánh của chúng con thành sự thật. Chúng con chân thành tha thiết cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
|