Đường vinh quang
Mừng Chúa lên trời có
nghĩa là mừng Ngài được tôn vinh sau khi hoàn thành sứ
mạng Chúa Cha đã trao phó. Ngài đã hoàn thành trong sự
vâng phục và yêu thương, ngay cả trong việc chấp
nhận thập giá để cứu chuộc mọi
người. Vinh quang được trao ban cho Ngài, vì
Ngài đã chấp nhận hy sinh tất cả. Nói cách khác, Ngài đã đi trọn con đường
của yêu thương, không nề hà bất cứ một
cử chỉ hay một hành động nào, để bày tỏ
lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với con
người.
Sứ mạng ấy Chúa Giêsu cũng
đã trao lại cho các môn đệ: Các con hãy đi rao giảng
Tin Mừng cho muôn dân. Các ông đã hoàn tất với sự
trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Thánh Gioan ghi nhận là
chính Chúa Giêsu sống lại đã thổi hơi ban Chúa
Thánh Thần cho các ông. Và theo thánh Luca, thì nếu Chúa Thánh Thần
đã gầy dựng Con Thiên Chúa làm người nơi cung
lòng Đức Trinh Nữ Maria, thì nay khi Ngài sắp sửa
từ giã các ông, thì Ngài đã hứa ban cho các ông Chúa Thánh Thần
như là một sức mạnh để gầy dựng cộng
đoàn của Hội Thánh. Chúa Giêsu căn
dặn các môn đệ chờ đón Chúa Thánh Thần tại
Giêrusalem. Nhận được sức mạnh
của Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã trở thành
những chứng nhân sống động của Đức
Kitô cho đến tận cùng bờ cõi trái đất.
Trong bối cảnh ấy
Chúa Giêsu đã từ biệt các môn đệ, đây là một
cuộc từ biệt không gây nên đau buồn vì Chúa Giêsu
có hứa hẹn ngày tái ngộ. Thời gian chờ đợi sẽ là
thời gian cần thiết để hoàn thành sứ mạng
được trao phó, đồng thời cũng là thời
gian chờ đợi vinh quang sẽ đến. Như thế mừng lễ Chúa lên trời
cũng chính là lúc chúng ta chờ đợi vinh quang sẽ
đến, cũng chính là chờ đợi ngày Ngài trở
lại.
Nhưng sự chờ đợi chỉ
thực sự có ý nghĩa khi nó trở thành nỗi bận
tâm chu toàn sứ mệnh được
trao phó. Người Kitô hữu hôm nay cũng như các môn
đệ ngày xưa không phải là những kẻ đứng
nhìn lên trời, mà là những người dấn thân rao giảng
Tin Mừng cứu độ, đem lại niềm vui của
ơn giải thoát cho tất cả mọi người nhất
là những kẻ nghèo khổ và bất hạnh. Chúng ta chỉ
có thể chu toàn sứ mạng ấy bằng
những hy sinh và quên mình. Lịch sử Giáo Hội xưa
cũng như nay cho thấy nơi nào và khi nào toàn thể
Giáo Hội cũng như từng người Kitô hữu biết
hy sinh những quyền lợi của mình để
nghĩ đến những lợi ích chung, nhất là của
những tầng lớp bị quên lãng hay bị áp bức
trong xã hội, thì ở đó và lúc đó, Giáo Hội
cũng như người Kitô hữu làm cho người
khác nhận ra được Tin Mừng của Đức
Kitô. Và đó cũng chính là vinh quang của Giáo
Hội cũng như của người Kitô hữu.
Như thế, con
đường dẫn đến vinh quang, là con đường
hoàn thành sứ mạng Chúa đã trao phó, trong quên mình và trong
hy sinh.
|