Ái mộ những
sự trên trời
(Suy
niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
Thủ lãnh của một bộ tộc nằm hấp
hối trên giường. Ông cho gọi ba người
thân cận đến và nói:Ta phải chọn
một người kế tục.Các ngươi hãy leo lên
đỉnh núi thiêng liêng của chúng ta và mang về đây
cho bộ tộc một món quà quý giá nhất.
Người thứ nhất mang về một thỏi
vàng lớn. Người thứ hai
mang về một viên ngọc quý. Người thứ
ba trở về tay không.
Ngạc
nhiên, vị tù trưởng hỏi: món quà quý giá của
ngươi đâu?
Anh điềm
tỉnh trả lời: khi tôi lên tới đỉnh núi, tôi
thấy ở phía bên kia một vùng đất
phì nhiêu màu mỡ, tại đó dân chúng có thể có một
cuộc sống sung túc tốt đẹp.
Thủ
lãnh nói: Ngươi sẽ nối nghiệp ta vì ngươi
đã mang về món quà quý gía nhất là một viễn
tượng tương lai tốt đẹp.
Chúa Giêsu về trời mở
ra một viễn tượng tương lai tốt đẹp
là hạnh phúc thiên đàng.
Người đi trước mở đường và dẫn
chúng ta lên theo Người.
Tin Mừng thuật lại hai sự kiện
song hành: Chúa Giêsu lên trời và lệnh truyền rao giảng
Tin Mừng. Sự kiện Chúa Giêsu lên trời, Tin Mừng
thánh Maccô ghi lại rất vắn tắt: Chúa lên trời và
ngự bên hữu Thiên Chúa. Tin mừng Matthêu nói đến lệnh
truyền: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,
làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Còn theo sách Công vụ Tông đồ, Chúa Giêsu lên trời sau
khi sống lại được 40 ngày, và nơi lên trời
là núi Cây Dầu.
Thực ra sau khi Chúa Giêsu sống lại,
Người đã lên trời rồi theo kiểu nói của
Kinh Thánh, nghĩa là Người bước vào cõi vinh quang của
Chúa Cha, Người ngự bên hữu Chúa Cha, mặc lấy
vinh quang và quyền năng của Chúa Cha.
Trong 40 ngày sau sống lại, Chúa Giêsu hiện
ra nhiều lần để dạy dỗ và cũng cố
đức tin của các Tông Đồ. Giáo hội đã
được thiết lập nay được cũng cố
để được sai đi. Như vậy
sự kiện lên trời mà phụng vụ Giáo Hội kính
nhớ hôm nay có ý nghĩa sâu xa. Nó chấm dứt thời
gian Chúa hiện diện giữa nhân loại bằng thân xác,
chấm dứt thời gian huấn luyện các Tông Đồ.
Một thời điểm có tính cách quyết định của
lịch sử cứu độ là Chúa Giêsu ban những giáo
huấn cuối cùng,trao những chức
vụ phải thi hành trong Giáo hội, chuẩn bị cho các
Tông đồ thi hành sứ mạng chứng nhân của
Đấng phục sinh trong thế giới.
Chúa Giêsu lên trời. Những chữ lên trời
bị chi phối bơi cách suy nghĩ có giới hạn của
chúng ta. Theo cách suy nghĩ đó,các
biến cố xảy ra luôn luôn được gắn liền
với các vị trí trong không gian. Thực ra trời
đây không phải là một nơi và lên không có nghĩa là
nơi đó ở trên cao. Lên trời ở đây không
hiểu theo nghĩa địa lý vì trời
hay thiên đàng là một trạng thái hơn là một
nơi chốn. Chúng ta đang sống trong không gian và thời
gian nên định vị trí mọi sự theo
hai trục đó. Điều cốt yếu mà Thánh kinh muốn
dạy về mầu nhiệm Thăng Thiên là Đức
Kitô đã ra khỏi thế giới trần thế bị tội
lỗi làm nhiễm độc và một ngày kia sẽ tiêu
tan để tiến vào một thế giới mới,trong đó Thiên Chúa ngự trị tuyệt
đối và vật chất đã biến đổi,đã
thấm nhuần tinh thần.
Từ nay trở đi,
Người sẽ hiện diện với chúng ta một
cách vô hình. Với
quyền năng của Chúa Thánh Thần, thân xác Chúa Giêsu
đã được thần khí hoá và đi vào cõi vĩnh hằng
của Chúa Cha. Sự hiện diện này
thâm sâu hơn và hiệu năng hơn. Khi
còn ở trong thân xác, Chúa Giêsu chỉ ở bên cạnh một
số người thôi. Từ nay, với
quyền năng Thánh Thần, Người sẽ hiện diện
trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những
ai tin vào Người.
Chúa Giêsu lên trời. Điều đó dạy
ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn
khác. Ngoài cuộc sống này còn có một
cuộc sống khác. Ngoài những giá trị
đời này còn có những giá trị khác.
Trời là nơi hạnh
phúc không còn khổ đau.
Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn
không bị tiêu diệt. Trời là nơi
tất cả mọi giá trị đạt đến mức
tuyệt đối. Trời là nơi con người
trở thành thần thánh, sống chung với
thần thánh. Như thế trời là niềm hy vọng của
con người. Con người không còn bị trói chặt
vào trần gian. Định mệnh của con người
không phải chỉ là đớn đau sầu khổ. Số
phận con người không phải sinh ra để rồi
tàn lụi. Trời cho con người một lối thoát.
Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh
phúc. Trời cho con người cơ hội triển nở
đến vô biên.Trời nâng cao địa vị con người.
Có trời, con người không còn bị xếp
ngang hàng với loài vật. Loài vật
sinh ra để tàn lụi. Con người sinh ra để
triển nở, để vượt qua số phận,
để đạt tới địa vị con Thiên Chúa. Có trời, con người sẽ được
nâng lên ngang hàng thần thánh.
Con cá sinh ra trong con lạch nhỏ, rồi
xuôi dòng nước ra sông lớn, nhưng mùa xuân đến,
nó lại về nguồn như là trở về dòng sông quê
hương. Con chim làm tổ trên kia, mùa
đông nó vỗ cánh bay cả ngàn dặm về
phương nam, nhưng khi xuân đến, nó lại tìm về
tổ ấm ngày xưa. Làm sao các con vật đó biết
đường quay về, trong khi chẳng có bản đồ,
không người hướng dẫn? Vì Thiên
Chúa đã đặt vào lòng chúng, con đường trở
về. Và Ngài cũng không quên đặt vào lòng mỗi
người chúng ta con đường cuộc sống và
con đường trở về quê trời.
Tuy nhiên, trời không phải
xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng
trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi
mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu
ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.
Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng
đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời
mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu
toàn nhiệm vụ.
Chính vì thế mà trước khi lên trời,
Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho
Nước Chúa. Sống và làm việc ở trần gian,
đó là một nhiệm vụ phải chu
toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần
gian, đó là điều kiện để đạt tới
hạnh phúc nước trời.
Chính Chúa Giêsu cũng đã chu
toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời.
Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng
khắp nơi. Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đó. Đi
đến đâu là làm cho hạt yêu thương nảy mầm
lên màu xanh sự sống đến đó.
Người môn đệ
của Chúa sống giữa trần gian, yêu mến trần
gian, xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến
làm việc.Tuy nhiên ta làm việc ở trần gian mà lòng vẫn
hướng lên quê trời. Yêu mến trần
gian vì nước trời. Yêu mến trần
gian để biến trần gian thành nước trời.
Sống giữa thế gian, chúng ta “ái mộ
những sự trên trời” như lời kinh hạt: “Thứ
năm thì ngắm, Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta
hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”.
Nhưng vẻ đẹp trên trời là vẻ đẹp của
tâm hồn, tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, vẻ đẹp nghèo
khó Phúc Âm, khiêm nhường, đơn sơ, thanh tịnh.
Đây là vẻ đẹp và sự quyến rũ
của nhân đức, một vẻ đẹp hoàn toàn khác
với những vẻ đẹp và sự quyến rũ
thuộc trái đất. Nhiều người đã bỏ
ra hằng trăm, hàng ngàn, hàng vạn Mỹ kim
để làm đẹp, để khoa trương sự
giàu có và để được người khác ca tụng.
Nhiều người không sợ trải qua những
cuộc giải phẫu nguy hiểm, đau đớn cốt
sao để thấy mình đẹp hơn, để thấy
mình hơn người khác. Nhiều người
đã sẵn sàng chấp nhận những thách đố lớn
lao để chạy đua vào những
chiếc ghế quyền lực. Nhưng ít ai
bỏ ra một giờ, một ngày, một tuần, một
tháng, hoặc một năm để lo tu sửa và chỉnh
trang lại vẻ đẹp của tâm hồn.
Trên thực tế, tình yêu Thiên Chúa, tình
yêu tha nhân, đức nghèo khó, đức đơn sơ,
và đức trong sạch là những đòi hỏi rất
cần thiết để đem lại hạnh phúc cho mỗi
người, mỗi cộng đoàn, mỗi dân nước.
Đó là những gì cụ thể có thể giúp con người
chiếm hữu được vĩnh hằng. Rất tiếc, đó cũng là những gì mà nhiều
người từ khước, bởi vì chúng không phù hợp
với nhãn quan và suy tư của con người.
Giáo Hội đã thôi thúc và
khuyến khích mỗi Kitô hữu hãy tìm kiếm và yêu mến
những sự trên trời. Cầu xin cho được ơn ái mộ
là cầu xin Thánh Linh khai mở tâm hồn và trí tuệ để
chúng ta có thể nhìn, và có thể hiểu được vẻ
cao quí của những giá trị tinh thần ấy. Nhận
thức về thế giới tâm linh là một nhận thức
ngoài tầm hiểu biết của trí tuệ tự nhiên
con người. Những gì thuộc về thần
linh là thần linh. Con người cần được
soi dọi và khai mở bởi sức mạnh huyền nhiệm
của Thánh Thần. Chỉ khi nào trí óc ta, trái tim ta được Ngài khai mở, lúc ấy
ta mới nhận ra, mới hiểu thấu thế nào là sự
cao xa, dài rộng của vẻ đẹp tinh thần, của
những giá trị đạo đức.
Lạy Chúa
Giêsu,
Chúa về
trời, không chỉ để dọn chỗ mà còn là mở
ra một viễn tượng hạnh phúc của trời
cao. “Xin cho chúng con ái mộ những sự trên
trời”, để chúng con không bị chôn bám vào thế gian
chóng qua và phù du này. Và để chúng con biết tìm kiếm
những giá trị cao quí của tinh thần, và để
chúng con yêu mến và sống với cuộc sống ấy.
Vì đó là những gì mà chúng con có thể tìm kiếm, mua sắm
và đem vào được nơi vĩnh hằng. Nơi mà
chúng con sẽ gặp được Chúa là nguồn mạch
sự sống, hoan lạc, và hạnh phúc viên mãn của
chúng con. Amen.
|