ĐẠO THA THỨ
Các nền luân lý của các tôn giáo đều đề cập đến việc yêu người, tương thân
tương ái. Phật giáo dạy về đức từ bi. Tiến xa hơn Chúa Giêsu dạy chúng ta tha
thứ và yêu thương cả kẻ thù. Đó mới là giáo lý lạ lùng, mới mẻ nhất từ xưa đến
nay.
Luật đạo cũ thời cựu ước cho phép 'ăn miếng trả miếng', 'mắt đền mắt, răng
đền răng', 'mạng đền mạng'. Chúa Giêsu không chấp nhận như thế. Lời Chúa dạy rõ
về tấm lòng của Thiên Chúa và tâm địa của con người qua câu chuyện một người đầy
tớ mắc nợ chủ. Theo một tác giả tưởng tượng món nợ 100 quan tiền có thể mang
trong túi áo hoặc túi quần ; còn 10.000 yến(nén) vàng phải cần đội quân 8600
người mang mỗi người một túi nặng khoảng 27kg, nếu họ đứng sắp hàng mỗi người
cách nhau chừng 80cm sẽ thành hàng dài 5 dặm, tương đương 8km ! Một món nợ khổng
lồ không thể trả nổi (x. Mt 18, 21-35).
Câu chuyện diễn tả tình yêu thương nhân hậu của Thiên Chúa là vô bờ bến; sự
quảng đại tha thứ của Thiên Chúa là vô hạn định. Như đông đoài cách xa nhau vạn
dặm, tội của ta Chúa cũng ném thật xa (Tv 102). Câu chuyện cũng diễn tả sự độc
ác, tàn nhẫn của con người với nhau ngang qua hành động được nói tới là : túm lấy,
bóp cổ, đánh đập và bỏ tù người bạn. Ông chủ phải quát mắng là : hỡi tên độc ác kia! Quả vậy,
con người không thể chấp nhận tha thứ cho nhau thì họ sẽ diễn tả tới cùng sự độc
ác dã man của họ đối với người khác như thế đó. Chẳng thế mà hai triết gia Jean
Paul Sartre và Plaute đã nói một câu mỉa mai: "tha nhân là địa ngục";
"người với người như chó sói".
Ngày 11/9/2001 đã xảy ra trận khủng bố kinh hoàng thế giới tại trung tâm
thương mại Mỹ, biết bao người đã chết. Sau đó, ngày tưởng niệm các nạn nhân,
ĐTC Gioan Phaolô 2 đã lên tiếng nói tại Mỹ rằng: "thế giới không thể có
hoà bình nếu thiếu sự tha thứ". Còn giới lãnh đạo và hai dân tộc ấy đã sôi
sục căm thù muốn trả đũa, đối với họ là không thể tha thứ được. Hôm nay, giữa
trăm ngàn thù hận như càng chất cao đã có không ít người kêu gào sự trả thù
không khoan nhượng. Lời Chúa dạy phải tha thứ vô hạn định. Giáo hội nhắc lại
cho cả thế giới : hãy cứ tha thứ không kể bao nhiêu lần, tha thứ một cách vui
lòng. Như Chúa Giêsu đã tha thứ cho Mátthêu, Giakêu, Mađalêna, người phụ nữ ngoại
tình, tên trộm cướp trên thánh giá và cả nhân loại chúng ta :"Lạy Cha, xin
tha cho chọ vì họ không biết việc họ làm".
Người ta vẫn đang xúc phạm, chống đối, loại trừ Chúa. Chúa vẫn tha thứ và mời
gọi chúng ta hãy sám hối ăn năn. Các thánh đã tiếp tục con đường này. Thánh
Têphanô lúc bị ném đá đã xin Chúa đừng chấp tội họ. Ông Grandhi vị thánh của nước Ấn độ
sau bao nỗ lực hoà giải dân tộc đã bị một người đồng bào bắn chết, trước khi chết
ông đã giơ tay làm một cử chỉ tha thứ. ĐTC Gioan Phaolô II đã tha thứ cho Ali
Agca kẻ ám sát ngài. Thầy Roger sáng lập cộng đoàn Taizé suốt đời nuôi dưỡng
trong trái tim và trong lời cầu nguyện một ước muốn sâu xa đến sự hoà giải và gặp
gỡ. Ngày 17/8/2005 lúc đang hát kinh chiều ở nhà thờ hoà giải
đã bị một phụ nữ đâm 3 nhát vào cổ. Thầy đã qua đời lúc 90 tuổi.
Dường như tất cả những con người sống yêu thương và tha thứ hết mình lại
hay gặp khó khăn, bách hại đủ cách đủ kiểu. Đó là thân phận của Đức Giêsu, của
giáo hội và của từng người kitô hữu chúng ta.
Chúng ta thường khó quên tội người khác và khó tha thứ cho nhau. Kể cả
trong mối tương quan gần gũi nhất giữa cha mẹ với con cái, vợ chồng, anh chị chị
ruột thịt trong nhà. Chúa luôn quên tội chúng ta. ngài không để bụng để dạ như
chúng ta. Sự tha thứ phản ánh đời sống
ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Sự tha thứ là vẻ đẹp của những tâm hồn cao
thượng, những con người nhân bản, của con cái Thiên Chúa. Bí tích hoà giải nơi
toà giải tội thể hiện cụ thể lòng tha thứ của Thiên Chúa và lòng thống hối ăn
năn của ta về những lỗi lầm với Chúa và sự hẹp hòi với tha nhân. Chúng ta đừng
dại dột bỏ mất cơ hội tha món nợ nhỏ để được Chúa tha món nợ kếch xù. Điều mà
chúng ta vẫn xin hằng ngày khi đọc kinh lạy Cha "xin tha nợ chúng con như
chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con". Nếu xét kỹ trong tư tưởng, lời
nói, việc làm và những điều thiếu xót thì chẳng có tội nào chúng ta không phạm
đến Chúa, nhưng Chúa vẫn tha thứ cho ta 70 lần 7.
Muốn làm con Chúa và môn đệ của Chúa chúng ta không thể làm khác điều Chúa
dạy dù khó đến mấy. Chúa không nghe lời và không chấp nhận một tâm hồn đầy thù
hận, hờn căm, vì đạo của Ngài là đạo yêu thương, tha thứ.
Tha thứ mãi không phải là hèn nhát, đồng loã với cái xấu, 'vẽ đường cho
hươu chạy' nhưng là trở nên cao thượng, giống Thiên Chúa. Kẻ tha và người được
tha thứ sẽ cảm thấy bình an, phấn khởi ngược lại với sự không tha thứ. Tha thứ
cần hơn của lễ, nên Chúa dạy ta "nếu ngươi đi dâng của lễ mà chợt nhớ có
người anh em đang có chuyện bất bình với ngươi thì hãy để của lễ đó đi làm hoà
với người anh em đã rỗi hãy đến dâng lễ sau". Nếu tha thứ thì tâm tình tạ ơn sẽ được đón nhận. Đỉnh cao
của sự tha thứ nơi Thiên Chúa là cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá.
Con cái Chúa hãy trở thành chứng nhân, sứ giả cho Chúa về sự tha thứ cho
nhau ở mọi nơi mọi lúc với mọi người để được Chúa thứ tha.
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn