"Thày là Sự Sống" Mục Tử Thần Linh Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần V Phục Sinh Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh (cho các Chúa Nhật)
Nếu "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25) là chủ đề chính yếu của toàn Mùa Phục Sinh, trong đó, chủ đề "Thày là sự sống lại" cho nguyên Tuần Bát Nhật Phục Sinh là thời điểm 8 ngày có các bài Phúc Âm được Giáo Hội cố ý chọn đọc hoàn toàn liên quan đến các lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra mà thôi, thì chủ đề "Thày là sự sống" là chủ đề cho những ngày còn lại, bao gồm cả Chúa Nhật lẫn ngày trong tuần. Vậy, nếu chủ đề "Thày là sự sống" ở Phụng Vụ Lời Chúa cho các ngày trong tuần lễ II và III của Mùa Phục Sinh liên hệ tới chiều kích Tái Sinh Thần Linh và cho các ngày trong tuần lễ IV của Mùa Phục Sinh liên quan đến chiều kích Mục Tử Thần Linh, thì các ngày trong tuần của tuần lễ Thứ V của Mùa Phục Sinh như thế nào, nếu so sánh với nội dung của phụng vụ Lời Chúa cho các tuần lễ VI và VII còn lại, thì nội dung của Phụng Vụ Lời Chúa cho Tuần V Phục Sinh này cho thấy chủ đề "Thày là sự sống" liên quan đến chiều kích Liên Hệ Thần Linh.
Thứ Hai Phúc Âm (Gioan 14:21-26)
Chiều kích Liên Hệ Thần Linh trong chủ đề "Thày là Sự Sống" cho chung Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh được tỏ hiện rất rõ ràng trong bài phúc âm Thứ hai Tuần V Phục Sinh hôm nay:
"Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy... Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy".
Trong bài phúc âm hôm nay, sự sống liên quan đến mối liên hệ thần linh ở đây xẩy ra giữa chung loài người và riêng thành phần môn đệ của Chúa Kitô với Người cũng như với Cha của Người. Ở chỗ "yêu mến", tác động duy nhất tạo nên mối hiệp nhất thần linh giữa con người tạo vật và Thiên Chúa Tạo Hóa.
Để tỏ lòng yêu mến của mình, về phần con người, họ phải "giữ các điều răn của Thày" hay "giữ lời Thày" cũng thế, bằng không, không làm theo ý muốn của người mình yêu thì họ đâu có thực lòng yêu mến nhau hay chưa tỏ lòng yêu nhau thực sự.
Tác dụng thần linh của việc con người yêu mến Thiên Chúa, đó là họ chẳng những được Thiên Chúa yêu thương mà còn được Ngài tỏ mình ra cho và ở với nữa. Có nghĩa là được hiệp nhất nên một với Thiên Chúa, có cùng một tâm tưởng như Thiên Chúa, bởi được Ngài chiếm đoạt, làm chủ và điều hành toàn thể con người của họ hoàn toàn theo ý muốn toàn hảo và toàn năng của Ngài.
Bài Đọc 1 (Tông Vụ 14:5-18)
Mối liên hệ thần linh càng mật thiết càng cho thấy con người được Thiên Chúa chiếm ngự có một thần lực phi thường như thần linh, như trường hợp của Thánh Tông Đồ Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay, vị tông đồ dân ngoại đã "chữa cho một người bại chân" ở Lystra, "bị què từ khi lọt lòng mẹ, chưa hề đi được bước nào", thế mà sau lời truyền của thánh nhân, "anh đã đứng ngay dậy mà bước đi", khiến cho dân chúng ở đó bàng hoàng sửng sốt tỏ ra sùng bái ngài như là một thần linh giáng thế vậy.
"Thấy việc ông Phao-lô làm, đám đông hô lên bằng tiếng Ly-cao-ni-a: 'Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!'... Thầy tư tế đền thờ thần Dớt ở ngoại thành đem bò và vòng hoa đến trước cổng thành, và cùng với đám đông, muốn dâng lễ tế..."
Tuy nhiên, không phải ai làm được phép lạ cũng là những vị thánh, cũng có một liên hệ thần linh mật thiết với Thiên Chúa, cũng có một sự sống viên mãn nhờ được Thiên Chúa chiếm đoạt và sống động trong họ, nếu họ không tỏ ra khiêm tốn để chứng thực cho thấy chính họ chỉ là dụng cụ thần linh của Đấng toàn năng hoạt động trong họ mà thôi, như Thánh Phaolô đã phải vội vàng phân trần với đám dân địa phương đang tuốn đến để thần thánh hóa ngài:
"Hỡi các bạn, các bạn làm gì thế này? Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn. Chúng tôi loan Tin Mừng cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó. Trong những thế hệ đã qua, Người để cho muôn dân đi theo đường lối của họ. Tuy vậy Người không ngừng làm chứng cho mình, khi thi ân giáng phúc, ban mưa từ trời và mùa màng sung túc cho các bạn, và cho các bạn được no lòng, được an vui."
Thứ Ba
Phúc Âm (Gioan 14:27-31)
Chủ đề "Thày là sự sống" cho Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh theo chiều kích Liên Hệ Thần Linh của Tuần Lễ thứ 5 vẫn tiếp tục được tỏ hiện trong bài Phúc Âm Thứ ba hôm nay. Ở chỗ tâm hồn cảm thấy được bình an nhờ được hiệp nhất nên một với Thiên Chúa, đến độ, tràn đầy niềm vui thần linh ngay khi không còn điểm tựa thiết yếu nhất của mình nữa, bởi đã như thể đạt được cùng đích của mình rồi vậy:
"Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: 'Thầy ra đi và đến cùng anh em'. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin".
"Bình an" của Thiên Chúa đây, như bài Phúc Âm cho thấy, trước hết không phải "theo kiểu thế gian", ở chỗ trấn an lương tâm để hành ác, hay thứ bình an vắng bóng chiến tranh hay không có khủng hoảng hoặc không bị thử thách, mà là ngay trong lúc gian nan khốn khó vẫn không xao xuyến sợ hãi gì. Bởi luôn tin tưởng vào Thiên Chúa ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự.
Bài Đọc 1 (Tông Vụ 14:19-28)
Điển hình cho những tâm hồn được thừa hưởng bình an đích thực của Thiên Chúa nhờ sống mật thiết Liên Hệ Thần Linh với Ngài bằng một lòng tin tưởng cậy trông phó thác nơi Ngài, hoàn toàn bình an không hề nao núng sợ sệt, đó là Tông đồ Phaolô, vị đã bị ném đá mà vẫn còn sống sót và vì thế vẫn còn tiếp tục hăng say với sứ vụ "loan báo Tin Mừng":
"Bấy giờ có những người Do-thái từ An-ti-ô-khi-a và I-cô-ni-ô đến, thuyết phục được đám đông. Họ ném đá ông Phao-lô rồi lôi ông ra ngoài thành, vì tưởng ông đã chết. Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy và vào thành. Hôm sau, ông trẩy đi Đéc-bê cùng với ông Ba-na-ba. Sau khi đã loan Tin Mừng cho thành ấy và nhận khá nhiều người làm môn đệ, hai ông trở lại Lýt-ra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-khi-a. Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: 'Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa'. Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin".
Thứ Tư
Phúc Âm (Gioan 15:1-8)
Chiều kích "Liên Hệ Thần Linh" của chủ đề "Thày là sự sống" cho Thứ Tư của Tuần lễ V Phục Sinh càng tỏ hiện hết sức rõ ràng nơi những gì Chúa Kitô nói với các tông đồ về cây nho và cành nho trong bài Phúc Âm hôm nay, một liên hệ thần linh phát sinh sự sống một khi cành nho dính liền với thân nho.
"Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.... Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy".
Trong bài Phúc Âm về mối Liên hệ Thần Linh giữa cây nho là Chúa Kitô và cành nho là chung Giáo Hội hay các môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta thấy: 1- trước hết, trái nho chỉ ở cành nho chứ không ở ngay chính thân nho, tức là thân nho không sinh hoa trái mà là cành nho; 2- thế nhưng, cành nho không thể nào sinh hoa kết trái nếu không dính liền với thân nho, tức là nếu không có nhựa sống của thân nho; 3- "ở lại trong Thày", như cành nho dính liền với thân nho đây nghĩa là Kitô hữu đã được Chúa Kitô ở cùng khi lãnh nhận Phép Rửa thì phải sống sự sống của Người hơn là sống sự sống tự nhiên của mình, nhờ đó Chúa Kitô mới có thể sống trong họ và sinh hoa kết trái nơi họ qua các chứng từ trung thực và sống động của họ về Người.
Bài Đọc 1 (Tông Vụ 15:1-6)
Nếu cành nho Kitô hữu dính liền với thân nho Chúa Kitô sinh hoa kết trái là do Chúa Kitô thông ban sự sống của Người cho Kitô hữu nhờ lòng tin của họ nơi Người, thì việc sinh hoa kết trái của họ không phải là do chính tự cành nho, đúng như bài đọc 1 hôm nay đã trình thuật về hoa trái truyền giáo của tông đồ Phaolô và barnabê như sau:
"Các ông được Hội Thánh tiễn đưa. Khi đi qua miền Phê-ni-xi và miền Sa-ma-ri, các ông tường thuật việc các dân ngoại đã trở lại với Thiên Chúa, khiến tất cả các anh em rất đỗi vui mừng. Tới Giê-ru-sa-lem, các ông được Hội Thánh, các Tông Đồ và kỳ mục tiếp đón, và các ông kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với các ông".
Thứ Năm
Phúc Âm (Gioan 15:9-11)
Chủ đề "Thày là sự sống" cho Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh theo chiều kích Liên Hệ Thần Linh cho Tuần Lễ V Phục Sinh tiếp tục càng được thể hiện trong bài Phúc Âm Thứ Năm hôm nay:
"Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn".
Mối Liên Hệ Thần Linh trong bài Phúc Âm hôm nay chẳng những giữa Chúa Kitô và các tông đồ, mà còn giữa các tông đồ và Cha trên trời qua trung gian của Chúa Kitô nữa. Ở chỗ: "Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy".
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô còn cho các tông đồ biết cách thức các vị có thể "ở lại trong tình thương" của Người, đó là "giữ các điều răn" của Người, nghĩa là làm theo ý muốn của Người, hay nói ngược lại, để cho ý muốn của Người trở thành hiện thực trong đời sống của Kitô hữu, hay để cho Người sống trong Kitô hữu, nhờ đó họ mới có thể suy tưởng, ước muốn, phát biểu, tác hành và phản ứng như Chúa Kitô và với Chúa Kitô, Đấng qua họ và nhờ chứng từ của họ tiếp tục tỏ mình ra cho những ai nhìn thấy họ, lắng nghe họ và gần gũi họ! Bài Đọc 1 (Tông Vụ 15:7-21)
Vấn đề "giữ các điều răn của Thày" trong bài phúc âm hôm nay cũng được tỏ hiện trong bài đọc 1 hôm nay, qua quyết định tối hậu của công đồng Giêrusalem về vấn đề không cần cắt bì theo nghi thức Do Thái giáo xưa mới trở thành Kiô hữu, mới được cứu rỗi, mà việc cứu rỗi là do ân sủng của Chúa Kitô được chấp nhận bởi những ai tin vào Người, kèm theo những việc làm tương xứng với đức tin Kitô giáo của họ:
"Sau khi các ông đã tranh luận nhiều, ông Phê-rô đứng lên nói: 'Thưa anh em, anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các dân ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi và tin theo. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ.... Chính nhờ ân sủng Chúa Giê-su mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ."
Thứ Sáu
Phúc Âm (Gioan 15:12-17)
Chủ đề "Thày là sự sống" về chiều kích Liên Hệ Thần Linh cho Tuần Lễ V Phục Sinh tuần này tiếp tục được bài Phúc Âm hôm nay cho thấy không thể tách rời với đức bác ái yêu thương nhau nữa, chứ không phải chỉ Liên Hệ Thần Linh với Chúa Kitô thôi:
"Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình".
Tuy nhiên mối Liên Hệ Thần Linh theo hàng ngang là yêu thương nhau này lại hoàn toàn lệ thuộc vào mối Liên Hệ Thần Linh theo hàng dọc giữa các tông đồ hay các môn đệ với Chúa Kitô, bằng không, họ không thể nào "yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em".
Như thế, bác ái yêu thương giữa các môn đệ với nhau và với tha nhân đồng loại chính là hoa trái của mối Liên Hệ Thần Linh giữa họ và Chúa Kitô, một mối Liên hệ Thần Linh thân mật như giữa bạn hữu với nhau, chứ không phải giữa chủ và tớ, một mối Liên Hệ Thần Linh bằng hữu hiệp nhất nên một đến độ có gì cũng cho nhau biết để cùng thông hưởng, nhờ đó có thể tác hành một cách thích đáng và mang lại tác dụng tối đa:
"Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau". Bài Đọc 1 (Tông Vụ 15:22-31)
Mối Liên Hệ Thần Linh giữa Chúa Kitô và các tông đồ của Người ngay từ khi Giáo Hội còn sơ khai đã cho thấy Người luôn ở cùng các vị, cũng như các vị luôn ở cùng Người, do đó các vị đã có những quyết định đúng như những gì Người mong muốn, hoàn toàn ngược lại với những ai có tinh thần khác biệt với các vị, gây rắc rối trong Giáo Hội bấy giờ. Đoạn thư được các vị gửi để công bố quyết định "đồng tâm nhất trí" của các vị đã thực sự phản ảnh Mối Liên hệ Thần linh của các vị với Chúa Kitô, Đấng sống trong từng cá nhân họ và chung cộng đồng Giáo Hội bằng Thánh Thần của Người, Đấng "đã quyết định" với các vị:
"Anh em Tông Đồ và kỳ mục chúng tôi gửi lời chào anh em gốc dân ngoại tại An-ti-ô-khi-a, tại miền Xy-ri và Ki-li-ki-a. Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi ủy nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang. Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Ba-na-ba và ông Phao-lô, những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi cử ông Giu-đa và ông Xi-la đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh."
Thứ Bảy
Phúc Âm (Gioan 15:18-21)
Chiều kích "Liên Hệ Thần Linh" của chủ đề "Thày là sự sống" cho Tuần Lễ Thứ V Mùa Phục Sinh là ở nơi việc hiệp nhất nên một với Chúa Kitô, nhờ đó các môn đệ của Người mới có thể sinh hoa kết trái yêu thương như Người yêu thương họ, như các bài Phúc Âm trong tuần đã cho thấy, cũng là mối Liên Hệ Thần Linh nhờ đó làm cho các vị nên giống Người nơi thân phận bị thế gian ghét bỏ và sát hại, chỉ vì danh của Người, như lời Người khẳng định và tiên báo cho các tông đồ trong bài phúc âm hôm nay:
"Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy".
Chính thân phận bị thế gian ghét bỏ và bách hại như Thày và vì Thày của thành phần môn đệ Chúa Kitô là những gì chứng tỏ họ thực sự thuộc về Chúa Kitô, hoàn toàn ở trong Chúa Kitô và Chúa Kitô hằng ở trong họ hơn ai hết và hơn bao giờ hết.
Bài Đọc 1 (Tông Vụ 16:1-10)
Mối Liên Hệ Thần Linh tràn đầy sự sống còn có thể được thấy nơi trường hợp của phái đoàn môn đệ Chúa Kitô, trong đó chính yếu là Tông Đồ Phaolô, những vị luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, Đấng ở với họ, sống trong họ và hướng dẫn họ bằng Thánh Thần của Người trong công cuộc truyền giáo chứng nhân của họ, thậm chí hướng dẫn họ đến những nơi Người muốn họ tới, như bài đọc 1 hôm nay cho thấy:
"Các ông đi qua miền Phy-ghi-a và Ga-lát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở A-xi-a. Khi tới sát ranh giới My-xi-a, các ông thử vào miền Bi-thy-ni-a, nhưng Thần Khí Đức Giê-su không cho phép. Các ông bèn đi qua miền My-xi-a mà xuống Trô-a. Ban đêm, ông Phao-lô thấy một thị kiến: một người miền Ma-kê-đô-ni-a đứng đó, mời ông rằng: 'Xin ông sang Ma-kê-đô-ni-a giúp chúng tôi!' Sau khi ông thấy thị kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Ma-kê-đô-ni-a, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ".
|