Anh em hãy
lưu lại trong tôi
(Suy
niệm của Lm. Đặng Quang Tiến)
Là một trong những diễn từ ly
biệt từ chương13,31 đến cuối
chương 17, đoạn 15,1-16,4a có thể phân ra như
sau: 1- Chúa Giêsu là cây nho thật (15,1-8); 2- Giới răn yêu
thương (15,9-17); 3- Sự ghét bỏ của thế gian
(15,18-16,4a). Căn cứ trên cụm từ “Tôi là cây nho” (cc.
1.5), đoạn 15,1-8 được chia
cách thành hai: 15,1-4 và 15,5-8. Hơn nữa, những
chữ “Cha tôi” (cc.1.8) đóng khung đoạn nầy;
như thế, câu 1 và 8 được xem như nhập
đề và kết luận của đoạn nầy.
Đặc điểm của đoạn
nầy là dùng những hình ảnh ẩn dụ như cây
nho, cành, sinh trái… để nói lên những điều có thực
tương ứng là Chúa Giêsu, các môn đệ, kết quả...
Về đại danh từ, ngôi thứ nhất
dùng cho Chúa Giêsu tương ứng với ngôi thứ hai số
nhiều chỉ đến các môn đệ. Về chủ đề, nhấn mạnh liên tục
việc “lưu lại” và “sinh trái”. Mục
đích là kêu gọi các môn đệ lưu lại trong
Người và lời của Người khi xem ra Người
sẽ vắng mặt.
Về cụm từ “Tôi là” (c. 1), xem bài
chú giải tuần IV Phục Sinh B. Trong Cựu Ước
cây nho là hình ảnh tiêu biểu chỉ dân Israel (Os 10,1–2; Isa
5,1–7; Ger 2,21; Tv 80,8–18). Dân nầy bây giờ được thu tóm trong cá nhân Chúa Giêsu; bởi đó, chỉ
trong Người, Israel mới, mọi dân tộc mới tìm thấy ơn cứu
độ. Tính từ “thật” được dùng cho “cây
nho” nêu rõ tính cách duy nhất (x. 10,11).
Đây là yếu tố tiêu biểu của Gioan (x. 1,9; 6,32; 8,16; 6,55). Chỉ Người
là cây nho thật, nên phải lưu lại trong Người.
Hình ảnh Chúa Cha là người trồng nho được
dùng trong cả Cựu Ước và Tân Ước (x. Mc 12,1-12; Is 5,1; Tv 8,8). Tương
quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là hậu cảnh cho
tương quan giữa Người và các môn đệ,
được xem là chủ đề cốt yếu của
đoạn nầy.
Sau những xác định nhập đề
(c. 1), nguyên tắc đầu tiên được đưa
ra (cc. 2-3) là trong Chúa Giêsu, cành nào không sinh trái thì bị loại
ra, cành nào sinh trái thì được cắt tỉa để
sinh nhiều trái hơn. Như thế, ai
đó dù ở trong Người mà không sinh trái, bị kể
là không có Người ở trong họ. Ở
đây tuyệt đối cần một quan hệ “ở
lại” hỗ tương giữa Chúa Giêsu và người ấy
(x. 15,4a.5a). Trong khi, đối với người sinh
trái, lời đã rao giảng cho họ luôn là nguồn thanh
tẩy để họ có thể sinh trái nhiều hơn
(x. 6,63). Nguyên tắc thứ
hai (c. 4a) là không ai có thể tự mình sinh trái, mà chỉ có
thể sinh trái trong Chúa Giêsu. Do đó, Người
đưa ra mệnh lệnh duy nhất trong phân đoạn
nầy: “Anh em hãy lưu lại trong tôi” (c. 4a). Ở thể mệnh lệnh động từ
“lưu lại” biểu thị một hành động
hơn là một trạng thái. Đó là một cố gắng
liên tục bước vào trong hiệp thông với Người,
điển hình như hai môn đệ đầu tiên tìm
đến và lưu lại với Người (1,39).
Hai nguyên tắc trên được diễn
giải và áp dụng cho các môn đệ trong đoạn 15,5-8. Trong câu 5, tìm thấy những từ ngữ
tương tự đoạn trên, tóm kết những
điều đã nói là ở trong Người thì sinh nhiều
trái, và không có Người thì không thể làm được
gì cả. Câu 6 và 7 tương đương
với hai mệnh đề của câu 2. Ở câu 6, Gioan trình bày một giả thiết có
tính tiêu cực, nhấn mạnh những hậu quả sẽ
xảy đến nếu không lưu lại trong Người.
“Bị quăng ra ngoài”, “bị đốt
cháy” là những hình ảnh chỉ sự loại bỏ và hủy
diệt. Trong khi câu 7 đưa ra những điều
kiện tích cực nhưng mang tính treo lửng: “Nếu anh
em lưu lại trong tôi và nếu lời của tôi ở
trong anh em” (c. 7a), nghĩa là chỉ khi nào hội đủ
những điều kiện nầy, thì những điều
Người nói ở vế thứ hai mới được
thực hiện; đó là “Anh em hãy xin bất cứ điều
gì anh em muốn, điều ấy sẽ được thực
hiện cho anh em” (c. 7b). Mệnh lệnh “Anh em hãy xin”, kết
thúc lý luận của Gioan, tương ứng và không thể
tách lìa với mệnh lệnh ở trên (c. 5) như thế
nầy: Anh em hãy ở lại trong tôi và anh em hãy xin bất cứ
điều gì anh em muốn. Đoạn 15,1-8
được kết luận (c. 8) với khẳng định
là Chúa Cha được tôn vinh bởi việc sinh nhiều
trái và trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Chữ “môn đệ”
xuất hiện ở vị trí cuối cùng của câu kết
nầy tóm tắt tất cả những gì được
đề cập ở trước: trở nên môn đệ
của Chúa Giêsu là lưu lại trong lời của Người
và qua đó sẽ sinh hoa kết trái trong Người.
Đây là chỗ duy nhất
trong Kinh Thánh cho thấy Chúa Cha, người trồng nho,
không những hài lòng mà còn được tôn vinh bởi cây
nho của mình. Chính bởi
vì cây nho ấy là Con của Người luôn sinh trái ngon ngọt
theo ý muốn của Người; và
cũng thế tất cả những ai lưu lại trong
Người Con ấy.
|