Rao giảng Đức Giêsu đã phục
sinh
(Suy niệm của Lm.
Giuse Phạm Thanh Liêm)
Các tông
đồ là những người đã được thấy
và đụng chạm vào Đức Giêsu Phục Sinh.
Vì thế, sứ mạng của các tông đồ là làm chứng
điều mắt các ngài đã thấy và tai
các ngài đã nghe: Đức Giêsu đã phục sinh. Chỉ
nhờ Đức Giêsu phục sinh mà tất cả con
người được cứu độ.
I. Thiên Chúa đã phục
sinh Đức Giêsu từ cõi chết
Hôm nay, qua dịp
chữa lành người tàn tật và rồi bị tra hỏi,
Phêrô có dịp rao giảng tin mừng Đức Giêsu phục
sinh trước mặt những người lãnh đạo
dân Do Thái. Phêrô nói: “Xin tất cả quý vị và toàn dân
Israel biết cho rằng: nhân danh Đức Giêsu Kitô, người
Nazaret, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập
giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết,
chính nhờ Đấng ấy mà người này được
lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị”
(Cv.4, 10). Phêrô không chủ ý kết tội những
người đóng đinh Đức Giêsu, nhưng ngài xác
định rõ Đức Giêsu là Đấng chính các vị
lãnh đạo dân đã đóng đinh Ngài.
Phêrô còn rao giảng:
“ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì
dưới gầm trời này, không có một danh nào khác
đã được ban cho nhân loại, để nhờ
danh đó mà tất cả chúng ta được cứu
độ” (Cv.4, 12). Theo lời rao giảng của
Phêrô, Đức Giêsu là người của Thiên Chúa; và Thiên
Chúa đã dùng Ngài là phương tiện duy nhất cứu
độ con người. Từ ngữ “phương
tiện cứu độ duy nhất” ở đây có thể
được hiểu theo nghĩa, nếu
có một phương tiện cứu độ nào đó,
thì vẫn nhờ và qua Đức Giêsu Kitô.
Đức
Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất, phải
chăng chỉ vì Thiên Chúa muốn vậy? Phải
chăng Đức Giêsu cũng chỉ là một người
như bao người khác, như bao trung gian khác, hay nơi
Đức Giêsu còn có điều gì khác? Thiên Chúa muốn
Đức Giêsu là trung gian cứu độ duy nhất, vì
Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, là Đấng
Kitô, là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa.
II. Đức Giêsu là mục
tử tốt lành
Đức Giêsu yêu
thương con người. Ngài dùng hình ảnh quen thuộc
đối với người Do Thái để diễn tả
tình yêu và sự quan tâm của Ngài đối với con
người. Ngài như một mục tử chăn chiên,
Ngài muốn con người sống an
lành và triển nở, như một mục tử tốt
lành bảo vệ chiên khỏi nguy hiểm và chăn dắt
để chiên được no đủ. Đức Giêsu
đã dùng nhiều hình ảnh và nhiều cách để diễn
tả tình yêu của Ngài đối với con người.
Hình ảnh cây nho cành nho cũng là một hình ảnh
rất thân thương được dùng để diễn
tả tương quan giữa Đức Giêsu và con người.
Người
chăn chiên tốt, là người dám hy sinh mạng sống
vì đoàn chiên (Ga.10, 11); Đức Giêsu là người
đã hiến mạng sống vì bạn hữu (Ga.15, 13).
Bí tích Thánh Thể diễn tả cách thật đặc biệt
tình yêu của Đức Giêsu đối với con người.
Đức Giêsu yêu con người đến độ dám
chết cho con người, dám hy sinh tất cả để
con người được sống. Đức Giêsu là
biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa cho con người.
Thiên Chúa yêu thương
con người một cách đặc biệt qua Đức
Giêsu. Ngày nay Thiên Chúa vẫn dùng nhiều
người như dấu chỉ Ngài hiện diện và yêu
thương con người hiện tại. Trong Chúa
Nhật thứ tư Phục Sinh, Giáo Hội cho tín hữu
nghe bài phúc âm về Chúa Chiên Lành; và Giáo Hội cầu nguyện
đặc biệt cho ơn thiên triệu tu sĩ và linh mục.
Xin Chúa tiếp tục khơi dậy và
đánh động, để ngày nay có nhiều người
quảng đại dâng hiến cuộc đời cho Thiên
Chúa qua việc phục vụ anh em mình.
III. Chúng ta là con Thiên Chúa
Mỗi
người đều được Thiên Chúa tạo dựng
và sinh ra qua cha mẹ mình. Một khi người cha
người mẹ sinh ra con, cho dù người con đó chấp
nhận hay phủ nhận, kính trọng hay khinh thường,
thì cha mẹ người đó vẫn là cha mẹ người
đó; vì thế, Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi
người, cho dù người đó có biết hay không, có
chấp nhận hay không, Thiên Chúa là Cha của tất cả
mọi người, của Kitô hữu và của cả những
người đang theo bất kỳ một tôn giáo nào.
Nếu vậy,
Đức Giêsu Phục Sinh thêm gì cho hiểu biết và
tương quan giữa con người và Thiên Chúa? Một
khi người ta nhận ra chân tướng của Đức
Giêsu, người ta sẽ nhận ra tương quan rất
đặc biệt của Thiên Chúa đối với con
người. Nếu Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa, hẳn
Thiên Chúa phải yêu thương con người vô cùng nên
Ngài mới cho Con Ngài nhập thể làm người. Con
người không phải là tạo vật tầm thường,
nhưng con người là một giá trị tuyệt vời
đối với Thiên Chúa, chính vì thế Lời Thiên Chúa mới
nhập thể làm người. Cái chết ô
nhục của Đức Giêsu trên thập giá, làm người
ta còn hiểu hơn tình yêu của Thiên Chúa đối với
con người. Con người là gì, mà Thiên Chúa đã
cam chịu để con người hành hạ Con của
Ngài như vậy!
Chính Đức Giêsu, theo tin mừng Yoan, cũng khẳng định
Thiên Chúa yêu thương con người như yêu chính Ngài
(Ga.17, 23.20). Và chính Đức Giêsu cũng khẳng định
Ngài yêu thương con người như Thiên Chúa yêu
thương Ngài (Ga.15, 9). Một người
có thể là con nhưng không được yêu thương,
chẳng hạn có những người cha người mẹ
bỏ con mình. Qua và nhờ Đức Giêsu, con người
nhận ra Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng.
Thiên Chúa yêu thương con người như yêu
thương Đức Giêsu, Con Một Yêu Dấu của
Ngài. Đức Giêsu là Đấng mặc khải
Thiên Chúa.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Tại sao các tông đồ
lại rao giảng Đức Giêsu đã phục sinh?
2. Đức Giêsu phục
sinh, điều này có đủ để chứng minh Ngài
là Thiên Chúa không? Tại sao?
3. Thiên Chúa tạo dựng
con người, điều này đủ để chứng
tỏ con người là con Thiên Chúa. Vậy Đức Giêsu
mang gì thêm cho khẳng định “chúng ta là con Thiên Chúa”?
|