Phải là chiên trước – Lm. Phạm
Quốc Hưng
Chúa Nhật tuần này
thường được gọi là “Chúa Nhật-Chúa Chiên Lành”,
và được Giáo Hội đặt làm Ngày Thế Giới
Cầu Nguyện cho Ơn Thiên Triệu linh mục. Ý lực
này có thể được rút ra từ nội dung của
Phúc Âm dùng trong Phụng Vụ hôm nay, và được thấy
rõ nơi lời tung hô Alleluia được dùng trong Phụng
Vụ cho cả 3 chu kỳ A, B, C: “Ta là mục tử tốt
lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta” (Ga 10:14). Đây là câu Phúc Âm được trích trong chính Tin
Mừng hôm nay.
Hình ảnh
chủ chăn và đàn chiên là một trong hình ảnh đã
được dùng trong Cựu Ước để diễn
tả liên hệ giữa Thiên Chúa và Dân Do thái. Liên hệ
này được diễn tả thật đẹp trong
Thánh Vịnh 23-“Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn
chi”-một trong những Thánh Vịnh được yêu chuộng
hơn cả. Thánh Vịnh này đã được
nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và được phổ
biến rộng rãi trong Phụng Vụ tại Việt Nam.
Danh xưng “mục tử” còn được
dùng trong Cựu Ước, đặc biệt là Sách Tiên tri
Êzekiel, để nói về những người lãnh đạo
Dân Chúa. Trong Sách này, Thiên Chúa đã quở trách các mục
tử xấu, và Người hứa sẽ đích thân
chăm sóc đàn chiên và sẽ ban những mục tử
như lòng Người mong ước.
Khi tự xưng mình là Mục
Tử tốt lành, Chúa Giêsu vừa xác định thần
tính của Người, vừa xác định vai trò lãnh
đạo của Người đối với những
người tin vào Người, và nhất là diễn tả
tình yêu lớn lao Người dành cho từng người
trong gia đình nhân loại. Liên hệ giữa Chúa Chiên và
đàn chiên-giữa Chúa Giêsu và các Kitô hữu-được
diễn tả bằng từ ngữ “biết”: “Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta
biết Ta” (Ga 10:14).
Theo nghĩa Thánh Kinh, chữ “biết” ở đây không phải
chỉ là sự hiểu biết thuộc trí tuệ,
nhưng còn là một sự hiệp thông trọn vẹn
trong tình yêu bao gồm cả con người và cuộc sống,
như được diễn tả trong tương giao vợ
chồng.
Chính trong tương quan
yêu mến này, Chúa Giêsu-Mục Tử tốt lành-đã tận
tình dẫn dắt, chăm sóc, dưỡng nuôi, kiếm tìm,
bảo vệ và thí mạng vì đàn chiên. Trót cuộc đời
của Chúa Giêsu, từ việc giáng sinh trong cảnh
đơn nghèo của máng cỏ Bêlem cho đến cái chết
thảm thương trên Thánh Giá nơi Đồi Canvê, là một
cuộc tìm kiếm con chiên lạc là nhân loại tội lỗi
để đưa về đồng cỏ tốt
tươi là Nước Trời của Chúa Chiên Lành.
Trước khi xưng mình là Chúa Chiên Lành, Đức Kitô
trước hết đã trở thành Con Người, thành
Chiên Thiên Chúa, Chiên Vô Tội phải gánh tội trần gian.
Ngài đã trở thành “Con Chiên” tuyệt hảo, khi hoàn toàn
vâng phục thánh ý Chúa Cha, khi trở thành người con yêu
dấu đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng, và trở nên mẫu
mực cho mọi người tin vào Thiên Chúa.
Bên cạnh
hình ảnh mục tử tốt lành, Chúa Giêsu cũng nói
đến những kẻ chăn thuê. Đây
là những mục tử xấu, những kẻ làm công việc
chăn chiên nhưng không biết thương yêu đàn
chiên. Đây là những mục tử chỉ làm việc
vì lợi ích bản thân mà không quan tâm đến đàn
chiên, sẵn sàng thí bỏ chiên để giữ an toàn cho riêng mình.
Khi chú giải đoạn
sách Tiên Tri Êzêkiel bàn về các mục tử, Thánh Augustinô
đã đưa ra một tiêu chuẩn để phân biệt
giữa các mục tử tốt và các mục tử xấu
trong Hội Thánh: Mục tử tốt là mục tử biết
quên mình để phục vụ đàn chiên và tìm kiếm những
gì thuộc về Chúa Kitô, thuộc về Thiên Chúa; còn mục
tử xấu là mục tử chỉ nghĩ đến
mình, chuyên lo bản thân, tìm kiếm vinh quang phúc lộc trần
thế cho riêng mình, bất chấp việc gây hại cho
đàn chiên.
Chúa
Giêsu-Chúa Chiên Lành vẫn tiếp tục chăn dắt
Đàn Chiên Hội Thánh qua các chủ chăn trong Hội
Thánh là các giám mục và linh mục. Phúc lộc
của các tín hữu tùy thuộc rất nhiều vào các mục
tử trong Hội Thánh. Điều này được
diễn tả qua câu giáo ngạn: “Linh mục hoàn hảo,
giáo dân thánh thiện; linh mục thánh thiện, giáo dân đạo
đức; linh mục đạo đức, giáo dân tầm
thường.” Chúng ta thấy ở đây người ta
không dám thêm câu: “linh mục tầm thuờng” vào; đừng
nói đến “linh mục đồi bại”!!!
Thật
thích hợp khi Hội Thánh đặt Chúa Nhật-Chúa Chiên
Lành hôm nay làm “Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn
Thiên Triệu”. Thánh Giám Mục Tiến
Sĩ Anphong Liguori đưa ra ba dấu chỉ để
xác định một ơn gọi linh mục đích thực.
Đó là phải có ý hướng ngay lành, phải
có những đức tính và khả năng xứng hợp,
và phải được Bề Trên chuẩn nhận.
Các nhà tu
đức có thể đưa ra nhiều dấu chỉ
khác để nhận định một ơn gọi linh
mục đích thực. Nhưng có một điều
hiển nhiên là tất cả các linh mục đích thực
phải là “những mục tử như lòng Chúa mong muốn”,
hay là những mục tử có trái tim giống như Thánh
Tâm Chúa Giêsu, trái tim đầy lửa mến Chúa yêu người.
Trước khi là mục tử đích thực, họ phải
là một con chiên thực sự của Chúa đã! Trước
khi là linh mục chân chính, họ phải là Kitô hữu chính
danh đã! Trước khi nhiệt thành rao giảng Lời
Chúa, họ phải biết say mê việc đọc, nghe,
ghi nhớ, suy niệm và sống Lời Chúa đã! Trước
khi trở thành những nhà lãnh đạo chân chính, họ phải
là những con người biết vâng phục đã!
Một linh mục giáo
sư Chủng Viện nhận xét: “Muốn trở nên linh mục đích thực, chúng ta
phải giống Chúa Giêsu vừa là Linh Mục vừa là Tế
Vật. Nhiều người muốn là linh mục,
nhưng không mấy ai muốn là tế vật. Nếu linh
mục không biết hy sinh chính mình, họ sẽ hy sinh kẻ
khác và gây hại cho đàn chiên”.
Một lý do hiển nhiên
cho việc khan hiếm ơn gọi linh mục ngày nay là vì
sự khan hiếm những Kitô hữu đích thực. Thiếu
con chiên chính danh thì làm sao có được mục tử
chân chính? Thiếu những con người biết yêu cầu
nguyện hy sinh, xả kỷ vị tha, thì làm sao có
được những mục tử thí mạng vì đàn
chiên?
Một tai
hại lớn lao nhất cho Hội Thánh hôm nay là có nhiều
linh mục bất phục Hội Thánh. Một khi bất phục
Hội Thánh-Nhiệm Thể Chúa Kitô-người ta không còn
là con chiên của Chúa nữa mà biến thành sói dữ và là kẻ
chăn thuê, thành ngôn sứ giả!
Lễ Chúa Chiên Lành hôm nay
chắc hẳn khiến nhiều người trong chúng ta nhớ
đến những linh mục chúng ta từng gặp gỡ
trong cuộc đời: Cha xứ, Cha phó, Cha linh hướng,
Cha giáo, Cha linh hồn, Cha rửa tội cho ta, Cha dâng lễ
cho ta, Cha giải tội, Cha từng chứng hôn cho ta, Cha xức
dầu cho ta hay người thân của ta…Có vị với
đời sống xả kỷ vị tha và những lời
giảng dạy đầy xác tín đã để lại trong
lòng ta những ấn tượng thật cao đẹp thần
thiêng, khiến ta thêm quý mến cảm phục ơn gọi
linh mục và thêm phấn chấn trong đời sống
đức tin. Có vị với lối sống quá phàm tục
phản chứng và lời giảng tầm thường hay
lệch lạc khiến chúng ta phải đau buồn, bực
dọc và thẹn thùng, và cảm thấy đức tin mình
bị chao đảo. Có vị đang trung thành hăng say
trong ơn gọi, nhưng cũng có vị đã rút lui.
Chúng ta hãy cảm tạ
Chúa đã ban cho chúng ta những linh mục tốt lành thánh
thiện đã góp phần xây dựng đức tin cho chúng
ta. Chúng ta hãy thương cảm tha thứ và
cầu nguyện cho những linh mục từng gây tổn
thương cho chúng ta. Chúng ta hãy nhớ rằng các
linh mục dù mang thánh chức linh mục thì cũng như
chúng ta, họ vẫn là những con chiên thuộc đàn
chiên của Chúa. Cũng như chúng ta, các linh mục có thể
có những lúc như những con chiên lìa xa Chúa Chiên Lành hay
mang thương tích bệnh tình nên cần được
tìm kiếm, cần được chữa lành. Xin Chúa ban
cho chúng ta biết góp phần vào việc đưa các ngài trở
về đường ngay, giúp các ngài được chữa
lành, qua đời sống cầu nguyện hy sinh và yêu
thương chân thành của chúng ta.
Điều đáng chúng
ta quan tâm hơn cả đó là chúng ta phải yêu quý ơn gọi
được là tín hữu của Chúa, là con chiên của
Chúa Chiên Lành, Đấng hằng yêu thương săn sóc
chúng ta. Nhờ vậy, chúng ta sẽ nỗ lực sống
xứng danh là con chiên chân thực của Chúa và ở lại
trong đàn chiên của Người là Hội Thánh.
Chúng ta
cũng cần biết rằng mọi tín hữu đều
được chia sẻ sứ vụ và ơn gọi của
Vị Mục Tử Tối Cao, mỗi khi chúng ta góp phần
vào việc xây dựng và củng cố niềm tin nơi
tha nhân. Đặc biệt, tất cả những ai
có trách nhiệm lãnh đạo, hướng dẫn và phục
vụ tha nhân-chủ nhân, giám đốc, thầy cô giáo, cha
mẹ-đều phải đặt Chúa Giêsu-Chúa Chiên Lành là
gương mẫu và lý lưởng của mình. Chỉ khi ấy, họ mới trở thành những
nhà lãnh đạo và những người phục vụ
chân chính, vì biết hy sinh bản thân để đem lại
phúc lộc cho tha nhân, cho cộng đồng.
Lạy Mẹ Maria là Nữ Vương và là Mẹ các
Linh Mục, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho mọi tín
hữu chúng con luôn sống như những con chiên đích thực
của Chúa, những người biết nghe và sống theo
Lời Chúa; và xin Mẹ cầu cùng Chúa ban cho chúng con thêm nhiều
ơn gọi linh mục thánh thiện đúng như lòng Chúa
mong muốn. Amen.
|