MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Những Nữ Tu Nhà Kín Đi Tị Nạn Trước Ngày Kampuchia Và Saigon Rơi Vào Tay Cộng Sản
Thứ Ba, Ngày 21 tháng 4-2015

Những nữ tu Nhà Kín đi tị nạn trước ngày Kampuchia và Saigon rơi vào tay cộng sản

Nguồn: RFA

Cuộc chiến Việt Nam, trước khi kết thúc 40 năm trước không chỉ đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của người miền Nam mà còn thay đổi hẳn tương lai của những nữ tu dòng kín người Việt ở Kampuchia.

Đó là những người từ bốn bức tường thầm lặng của Dòng Kín vùng Biển Hồ, bước ra chuyến phiêu lưu tưởng vô định trước khi tới được Nhà Kín Boussu của xứ Bỉ, lưu lại đây đã 40 năm trời.

Trước khi bắt đầu câu chuyện, tưởng cấn nhắc lịch sử Nhà Kín Việt Nam ở Xứ Chùa Tháp khởi đầu năm 1919, khi Dòng Kín Sài Gòn, trực thuộc Dòng Kín Lisieux ở Pháp, điều một số xơ Việt sang vùng Biển Hồ của Kampuchia là nơi có đông người Việt cư ngụ.

Lệnh di tản khỏi Biển Hồ

Biển Hồ, còn gọi là Xóm Biển, cũng là nơi xảy ra biến cố chấn động năm 1970 với gần 700 ngư dân Việt bị người bản xứ giết chết rồi thả trôi sông.  Rất may khi ấy 18 nữ tu Công giáo Việt Nam trong Nhà Kín Biển Hồ không hề hấn gì, chỉ tội đời sống trở nên bất an trong bối cảnh loạn lạc triển miên cho đến cận ngày 30 tháng Tư thì phải bỏ Nhà Kín mà chạy.

Hồi tưởng lại chuyến phiêu lưu 40 năm trước, từ Nhà Kín Boussu của Bỉ, xơ Thérèse kể lại:

Một tuần trước khi rời Biển Hồ là bởi vì rocket bắn quá sức rồi, bắn vô thành phố mà chúng em ở cách một con sông Tonglesap là con sông từ Biển Hồ đi ra cho nên rocket cứ đi ngang Nhà Giòng, thấy là không ổn rồi.

Trước tình thế nguy ngập đó, lệnh của Đức Giám Mục vùng Biển Hồ là các xơ Nhà Kín phải di tản. Thế là từ Seam Reap xuống Phnom Penh, từ Phnom Penh qua Bangkok, con đường quả là thật dài đối với những nữ tu Nhà Kín bỗng dưng bút khỏi nếp sống tĩnh lặng:

Bởi vì ý của Đức Cha muốn chúng em đến Bangkok hai ba tuần lễ, nếu bằng yên thì hãy trở về Xóm Biển. Nhưng mà hai tuần sau thì Miên Đỏ vô chiếm thành phố Nam Vang, đuổi hết người ra khỏi thành phố. Nghĩa là người ta phải đi bộ hàng mấy ngày mấy đêm, mấy chục cây số, cả trăm cây số…. Thành phố Nam Vang lúc đó là trống tuếch…

Định mệnh nào hay cơ may nào run rủi các xơ Việt của Nhà Kín Biển Hồ đến tận làng Boussu xa lắc của nước Bỉ để rồi bình yên lưu lại đây những bốn mươi năm dài? Vẫn lời xơ Thérèse:

Chúng em có một Mẹ Bề Trên, mẹ Gertrude là người Bỉ, hỏi chúng em muốn đi đâu, muốn đi Pháp hay muốn trở về Việt Nam. Chúng em nói bây giờ Việt Nam cũng không ổn, trở về Xóm Biển thì hoàn toàn hết hy vọng rồi, đi Pháp thì cũng không có Nhà Giòng nào quen với chúng em. Vì thế Mẹ Bề Trên viết thơ xin Cha Giám Tĩnh ở Bỉ này, xin cho chúng em qua Bỉ di cư lánh nạn.

Nói thì nói vậy nhưng đi không đơn giản, đặc biệt với những người quanh năm suốt tháng chỉ biết tu tập và làm việc sau những bức tường dày của tu viện như các xơ Dòng Kín Biển Hồ.

Từ Boussu, Bỉ quốc, nữ tu Lucie hiện là Mẹ Bề Trên của Nhà Kín Boussu, vẽ lại con đường chạy giặc mà xơ tin là được bề trên an bài. Rời Xóm Biển xuống Phnom Penh, một đoàn 19 bà xơ, trong đó 18 người Việt, một Mẹ Bề Trên người Bỉ, đã gặp ai và phải xoay sở thế nào lúc tới được thủ đô Xứ Chùa Tháp khi ấy cũng đang rung chuyển vì bom đạn và chiến cuộc:

Chúng em nói bây giờ Việt Nam cũng không ổn, trở về Xóm Biển thì hoàn toàn hết hy vọng rồi, đi Pháp thì cũng không có Nhà Giòng nào quen với chúng em. Vì thế Mẹ Bề Trên viết thơ xin Cha Giám Tĩnh ở Bỉ này, xin cho chúng em qua Bỉ di cư lánh nạn

xơ Thérèse

Tại vì xơ là người sinh trưởng trên Nam Vang mà đi tu lâu rồi đâu có biết đường đi nước bước. Gặp cô người quen này, cô can thiệp Bộ Ngoại Giao thì họ giàn xếp hết rồi. Người quen này là người Việt Nam có chồng người Tây Ban Nha. Ông Tây Ban Nha này lúc đó làm Consul De L’Espagne, Lãnh Sự Tây Ban Nha ở Phnom Penh, đã can thiệp trước với chỗ cảnh sát ở đây mà mình không biết. Hai mươi năm sau gặp lại người quen này thì họ mới nói.

Theo lời căn dặn của Đức Cha Bề Trên ở Seam Reap, xuống tới Phnom Penh rồi thì các xơ phải tìm đường đi Bangkok. Thực tế trước mắt khiến xơ Lucie nhận ra một điều là bà và các nữ tu không hề biết tính toán, không hề biết phải làm gì để có thể qua được Thái Lan. Với mọi người lúc ấy, bảo đi khỏi Kampuchia là đi thôi mà thực lòng không ai rõ chuyện gì sẽ xảy đến cho mình:

Khi mình xuất ngoại ra nước khác thì passport không chưa đủ mà còn phải chích ngừa. Cái này cũng là một phép lạ nho nhỏ nữa. Khi xơ phải tới nơi chỉ định chích ngừa thì ở đó đầy người hết rồi, nhất là người Tàu, họ chi tiền cho mấy người làm việc ở đó nhiều lắm .

Bước vào thấy đông quá mình mới gặp một nhân viên trong văn phòng, mới hỏi bây giờ muốn chích ngừa cho 19 chị em trong cộng đoàn và chúng tôi phải đi ngày thứ Tư. Hỏi kiểu này thì chỉ có mấy bà xơ kín không biết chuyện đời bao nhiêu mới dám hỏi vậy thôi…

Nhưng may đâu khéo là may, trong lúc xơ Lucie đánh bạo hỏi chuyện một nhân viên nơi phòng chích ngừa như vậy thì bà giám đốc cơ sở này đi ngang qua và nghe thấy cuộc đối thoại. Chính bà giám đốc này sau đó cho mời xơ Lucie lên văn phòng, bảo người nhân viên lúc nãy, cũng chính là thư ký riêng của bà, cấp cho xơ Lucie một lúc 19 cuốn sổ đi chích ngừa.

Ngày 4 tháng Tư 1975, 18 xơ Việt cùng Mẹ Bề Trên người Bỉ lên máy bay qua Thái Lan:

Buổi sáng ngày 4 ra sân bay Pochentong, trong lúc máy bay lên hay đáp xuống thì đạn rớt chung quanh vậy đó, thì các xơ lên máy bay đi.

Đáp xuống phi trường quốc tế Dong Muang ở Bangkok, Thái Lan, khó khăn lại xảy ra. Theo giải thích của xơ Lucie, trong thời gian mọi người chạy giấy tờ từ Kampuchia qua Thái Lan thì tòa đại sứ Thái ở Phnom Penh lúc đó đã rút về nước, để lại thông báo là tất cả những người ngoại quốc có thể vô Bangkok mà không cần visa. Chính vì thế tại phi trường Dong Muang thì:

Đối với Bangkok mình không phải người ngoại quốc. Người ngoại quốc của họ chẳng hạn là người Âu người Mỹ chứ không phải mình. Cho nên xuống tới phi trường họ gạn lại hết, họ đóng dấu trên giấy tờ của mình là nhập cảnh bất hợp pháp.

Lúc đó thì cứ tưởng tượng những người ở trong bốn vách tường nhiều chục năm rồi, ra như vậy thì nó lạc hướng, cho nên các xơ kinh hoàng lắm, ngồi đó là đọc kinh thôi chứ biết làm sao? Mà ở dưới Toà Giám Mục Nam Vang có thông báo cho Toà Khâm Sứ ở Bangkok hay rằng các chị sẽ lên và trên đó nói sẽ gởi ông thư ký của Toà Khâm Sứ ở Bangkok đến đón.

Mà cũng rủi là ông cha thư ký này phải đi một sân bay khác để đón một người khác. Lúc đó thì phải ngồi ở đấy và chỉ biết cầu nguyện thôi. Một lát sau thì ông thư ký tới, sau khi làm việc với người ở phi trường rồi đưa các xơ ra ngoài thì mới gặp được một vài người mà Nhà Kín Bangkok gởi tới đón các xơ.

Đến Bangkok ngày 4 tháng Tư 1975, ngày 17 tháng Tư 1975 các xơ được tin Phnom Penh thất thủ, coi như đường về Nhà Kín Biển Hồ nghẽn lới vĩnh viễn. Sau khi hỏi ý kiến các xơ, Mẹ Bề Trên lúc ấy, xơ Gertrude, bèn nhờ đại sứ quán Bỉ ở Bangkok xin cho 18 xơ Việt Nam qua Bỉ tị nạn:

Đây là những chi tiết thôi nhưng nếu là người trong cuộc mình mới thấy cái việc như Chúa quan phòng chuẩn bị cho mình hết rồi. Lúc đó mọi người quyết định phải đi Bỉ rồi. Mà muốn qua Bỉ, ngoài visa nhập cảnh thì đối với nữ tu Giòng Kín mình còn phải có phép phải có Nhà Kín ở bên Bỉ này nhận.

Rồi điều kỳ diệu nào nữa xảy ra cho các nữ tu Nhà Kín Biển Hồ? Chuyện không ai có thể ngờ đến là tại làng Boussu của Bỉ, nơi có Dòng Kín Boussu, toàn thể các nữ tu cao tuổi trong Nhà Dòng ấy, sau một ngày hội ý, đã thuận dọn ra hết và nhường chỗ tu hành cho các xơ Việt Nam sắp đến nơi

Lúc tới Bangkok thì ở đó có mấy người Việt Nam quen với gia đình của các xơ đến thăm. Trong số này có một cô đến thăm Mẹ Gertrude, Mẹ nói muốn gởi một cái thơ đi Bỉ cho Cha Bề Trên Tĩnh Giòng ở đó.

Không ngờ người được hỏi đó lại cho hay sẽ lên đường trở về Bruxelles ngày hôm sau và có thể mang bức thư mà xơ Gertrude gởi cho cha bề trên Tĩnh Giòng tên là Antoine Marise ở bên Bỉ.

Khi lá thơ đến tay Cha Bề Trên Tĩnh Giòng Antoine Marise thì tin tức mười ấy nữ tu người Việt di tản từ Nhà Kín của Xóm Biển vùng Biển Hồ mới được biết tới rộng rãi.

Rồi điều kỳ diệu nào nữa xảy ra cho các nữ tu Nhà Kín Biển Hồ? Chuyện không ai có thể ngờ đến là tại làng Boussu của Bỉ, nơi có Dòng Kín Boussu, toàn thể các nữ tu cao tuổi trong Nhà Dòng ấy, sau một ngày hội ý, đã thuận dọn ra hết và nhường chỗ tu hành cho các xơ Việt Nam sắp đến nơi. Trở lại cùng xơ Thérèse:

Chúng em lúc đó là mười tám người. Nhà chúng em đang ở hiện tại là bốn mươi năm trước đó các bề trên đã định vài năm nữa mà không có thêm ơn gọi thì sẽ nhập chung lại với một Nhà Dòng khác cho có số đông hơn. Rồi thì nghe cái tin có mười tám chị Nhà Kín xứ Cao Miên hoàn toàn là người Việt Nam , chỉ có một mình Mẹ Bề Trên là người Bỉ,  Cha Giám Tĩnh mới đề nghị với Mẹ Bề Trên ở đó . Trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ thì các chị đồng ý bầu phiếu hết. Tất cả đều ưng thuận nhường nhà …

Ngày 21 tháng Tư 1975, 4 ngày sau khi mất Phnom Penh và 9 ngày trước khi mất Sài Gòn, 19 nữ tu Nhà Kín Biển Hồ rời Bangkok sang Bỉ. Đến đây thì ở lại đây, các xơ bắt đầu cuộc đời tị nạn của mình. Ngày 30 tháng Tư 1975, các xơ khóc và cầu nguyện cho hàng trăm ngàn người Việt nháo nhào tháo chạy khỏi đất nước.

Chỉ còn hai tuần nữa, thời gian lưu lạc của các xơ Việt Dòng Kín Biển Hồ tròn bốn thập kỷ. Mười tám nữ tu trong độ tuổi trung niên hay trẻ hơn nay chỉ còn lại năm vì các vị cao tuổi đã lần lượt ra đi.

Hiện tại, Mẹ Bề Trên của Nhà Kín Boussu là xơ Lucie, người đã thuật lại chi tiết chuyến di tản hồi hộp của các xơ 40 năm về trước.

Thời gian thường mang lại những sự việc ngẫu nhiên và những điều thần kỳ cho cuộc sống. Năm 1983, một nữ tu Việt Nam đến từ Hoa Kỳ, hai xơ khác đến từ tỉnh Chanthaburi của Thái Lan, Nhà Kín Boussu đón thêm nhiều thành viên mới vào nếp đời bình lặng. Theo xơ Thérèse, đã có tất cả 7 xơ trẻ đến với Nhà Kín Boussu mà tất cả đều là người Việt Nam.

Còn dân làng Boussu nhìn Nhà Kín của quí xơ Việt Nam ở đó như thế nào? Thoạt đầu chừng như không mấy ai có thiện cảm, là câu trả lời của xơ Thérèse:

Thoạt đầu đó, cỡ chừng lối một năm chúng em bịnh rồi phải đi nằm bệnh viện. Có hai bà đầm đến thăm em tại bịnh viện mới nói với em rằng bây giờ thì chúng tôi thương các xơ thật, nhưng mà cái hồi những ngày mà nghe Cha Bề Trên rao trong thánh lễ là các xơ Bỉ nhường nhà cho các xơ Việt Nam, các xơ Bỉ phải di tản ra hết, thì chúng tôi nói để mặc kệ các chị Việt Nam sống với nhau, chúng tôi không có bước chân đến Nhà Kín nữa.

Lần hồi thái độ lạnh lùng xa cách của dân làng bớt dần đi, xơ Thérèse kể tiếp:

Chắc là nhờ người Việt Nam mình có lòng nhẫn nại. Mình sống một cách âm thầm với tư cách người di cư mà sống biết ơn giáo xứ này đã đồng ý cho mình đến cư ngụ ở đây.

Mình đã gây được cảm tình với họ, cho nên sau cái bà đầm đó gặp em đã nói là bây giờ tôi xin xơ nghen, khi nào khỏi bịnh trở về nhà thì trình lại với Mẹ Bề Trên với các xơ là bây giờ chúng tôi thương các xơ lắm, nếu như thể mà Việt Nam hay Miên mà có được bình an thì đừng có bỏ chúng tôi mà trở về xứ Miên hay về Việt Nam nghen, ở lại đây với chúng tôi.

Vừa rồi là hồi ức 40 năm của những nữ tu Dòng Kín Việt Nam, từ Biển Hồ Kampuchia sang Bangkok, Thái Lan, từ Thái Lan đi một bước qua Bỉ, tồn tại trên xứ người trong Nhà Kín Boussu thuộc ngôi làng Boussu nhỏ bé bình an của nước Bỉ.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở phút này. Thanh Trúc kính chào tạm biệt và xin hẹn quí vị tối thứ Năm tuần tới.

 

 

 

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đen Trắng (4/23/2015)
Suối Tình Nguồn Thương (4/23/2015)
Lời Khôn Ngoan 23/4/2015 (4/22/2015)
Lời Khôn Ngoan 22/4/2015 (4/22/2015)
Sự Hiện Hữu Của Thiên Chúa (4/22/2015)
Tin/Bài cùng ngày
Những Lời Khôn Ngoan 21/4/15 (4/21/2015)
Tin/Bài khác
15 Sự Thật Buộc Chúng Ta Phải Chấp Nhận (4/20/2015)
Lợi Ích Sức Khỏe Của Ăn Chay (4/20/2015)
Chữa Bệnh Ung Thư Bằng Cách Ăn Chay (4/20/2015)
Công Giáo: Đạo Thật (4/19/2015)
Công Giáo: Đạo Thật (4/18/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768