Làm chứng
nhân – Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
“Chính anh em là chứng nhân về những
điều này” (Lc 24,48). Những điều này là
những điều gì đây? Chúa Giêsu đã minh nhiên
khẳng định: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng
Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ
cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà
rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu
gọi họ sám hối để được ơn tha
tội” (Lc 24,47).
Phải nhìn nhận rằng
cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô là một
chủ đề chính của lời rao giảng của các
tông đồ. Đã có
lúc, có nhiều đấng vì muốn nhấn mạnh đến
mầu nhiệm Phục sinh nên thích chưng
ảnh tượng Chúa Phục sinh trong cung thánh Nhà thờ,
thế mà Hội Thánh vẫn không chuẩn nhận. Theo luật
hiện hành thì phải chưng ảnh tượng Chúa chịu
nạn (Crucifix), dù rằng mầu nhiệm Chúa Phục sinh
chính là mầu nhiệm nền tảng của Kitô giáo, vì
như lời thánh Phaolô Tông đồ rằng: Nếu Chúa
Kitô không sống lại thì Kitô hữu là những người
khốn khổ nhất.
Cả hai mầu nhiệm
Tử nạn và Phục sinh luôn song hành với nhau, không thể
tách rời. Mầu nhiệm
Phục sinh khẳng định rằng Chúa Kitô chính là Thiên
Chúa thật, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm chủ
sự sống và sự chết. Mầu nhiệm Tử nạn
lại mạc khải cho chúng ta biết: “Thiên Chúa là Tình
Yêu” (1 Ga 4,8). Không có tình yêu nào cao quý cho bằng
tình yêu của người hiến dâng mạng sống vì
người mình yêu (x.Ga 15,13). Cũng như các Tông đồ xưa, Kitô hũu
chúng ta mọi thời cần phải làm chứng rằng
Đấng tử nạn đã phục sinh đồng thời
phải làm chứng rằng Đấng phục sinh là Đấng
đã tử nạn.
Đấng tử nạn đã phục
sinh: Khi tuyên bố chân lý này, chúng ta tuyên tín rằng Chúa Kitô
chính là Thiên Chúa thật. Người đã phục
sinh như lời Người đã tiên báo. Nhìn nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa có nghĩa là kính dâng
lên Người sự thần phục của chúng ta. Không chỉ chúng ta mà mọi vật mọi loài cần
phải suy phục Đấng đã phục sinh như là
nguyên lý và là cứu cánh của mọi hiện hữu.
Cùng với thánh Phaolô chúng ta tuyên xưng: “Trong Người,
muôn vật được tạo thành trên trời cùng
dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là
hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền
năng thượng giới, tất cả đều do
Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người…”
(Col 1,16).
Sự suy tôn, thần phục
không chỉ thể hiện bằng việc nhìn nhận những
gì chúng ta là, chúng ta có, đều do bởi Đấng
đã phục sinh mà còn thể hiện bằng việc gắn
bó với Người và hết tâm hết lòng tuân giữ lời
Người phán dạy.
Thánh Gioan khẳng định qua bài đọc thứ hai:“Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận
ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ
các điều răn của Người…”(1 Ga 2, 4). Các Tông
đồ xưa đã thực thi điều này khi khẳng
khái trước mặt quan quyền rằng: Phải vâng lời
Chúa hơn là vâng lời phàm nhân (x.Cvtđ 4,19).
Đấng phục sinh là Đấng
đã tử nạn: Chân lý này gợi mở cho chúng ta niềm
hy vọng, khi cho thấy tình yêu bao la của Thiên Chúa trong
Đức Kitô. Vì yêu thương thế gian, Thiên Chúa đã
ban chính Con Một (x.Ga 3,16). “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự
viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng
như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật
được hoà giải với mình. Nhờ máu
Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã
đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và
muôn vật trên trời” (Col 1,19-20).
Tuyên xưng Đấng phục sinh là
Đấng đã tử nạn thì cũng là nhìn nhận tội
ác của con người, của chính mỗi người
chúng ta. Vì chúng ta, Đức Kitô đã chịu
nộp, chịu khổ hình thập giá. Như thế
lời tuyên xưng này luôn bao hàm lời mời gọi hoán cải
ăn năn để được
ơn tha tội. Thiên Chúa đã rộng ban ơn tha thứ,
sự giải hòa, qua cái chết của Đức Kitô. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định
rằng Chúa Kitô đã chết cho chúng ta ngay khi chúng ta còn là kẻ
phản nghịch. Ơn cứu độ đã
được trao ban, nhưng chúng ta có nhận được
sự thứ tha hay không, vẫn còn tuỳ ở mỗi
người chúng ta. Nói như thánh Âugustinô: “Thiên Chúa dựng
nên tôi, không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu
tôi mà không cần có tôi”. Và sự sám hối, ăn
năn chính là một cách thế căn bản để
đón nhận hồng ân tha thứ, hồng ân cứu độ.
Chính anh em là chứng nhân về
những điều này. Lời truyền của Đấng Phục sinh
năm xưa vẫn còn vọng vang đến những
người tin là các Kitô hữu. Ước gì bà con
lương dân, anh chị em khác đạo không chỉ nghe
các bài ca “Hallêluia, Chúa đã sống lại”, mà còn nhìn thấy
các Kitô hữu, cách riêng các mục tử trong Hội Thánh biết
sám hối ăn năn, thay đổi đời sống.
Các Tông đồ xưa, đã làm chứng nhân trước
hết bằng việc dứt bỏ sự ích kỷ, háo
danh, hám lợi để sống quảng đại, xả
thân vì Danh Chúa và vì hạnh phúc của tha nhân. Các Ngài đã dần
bỏ sự hèn nhát mà hiên ngang làm chứng cho sự thật
cho dù phải trả bằng chính giá máu… Xin lỗi Đức
cố Giáo Hoàng Phaolô VI, không chỉ hôm nay mà cả trước
đây lẫn sau này người ta vẫn thích nghe theo các chứng nhân hơn là các nhà giảng
thuyết. Cha ông dân Việt đã từng cảm nghiệm
rằng: “lời nói gió bay, gương bày lôi kéo”.
|