Giải mã
Thánh Kinh – Lm. Phạm Quốc Hưng
Nói rằng Thánh Kinh là Lời Chúa là
đúng, vì Thánh Kinh là bộ sách được viết ra
dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Nhưng hiểu Lời Chúa chỉ được chứa
đựng trong Thánh Kinh mà thôi là một quan niệm thiếu
sót, hẹp hòi. Vì Lời Chúa chính là Ngôi Lời, Ngôi Hai Thiên
Chúa, Con Thiên Chúa, và một khi đã nhập thể làm
người để thực hiện việc cứu chuộc
nhân loại Lời Chúa đã mang một tên gọi là Giêsu
Kitô. Do đó, nơi chính con người, cuộc sống và
giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô mà cao điểm là Cuộc
Khổ Nạn và Phục Sinh của Người, Thiên Chúa
đã thực hiện công trình cứu độ chúng ta và dạy
chúng ta mọi sự. Đó là một trong những
chủ đề được gặp thấy trong Phụng
Vụ hôm nay.
Thánh Kinh Cựu Ước bao gồm mọi
điều Thiên Chúa mạc khải cho Dân Do thái qua các tổ
phụ và các tiên tri để giúp họ chuẩn bị
đón nhận Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô. Qua
cuộc sống được kết thúc bằng Cuộc
Khổ Nạn và Phục Sinh của Người, Đức
Giêsu Kitô đã hoàn tất những gì Thiên Chúa đã hứa với
các tổ phụ và các tiên tri nơi Thánh Kinh Cựu Ước.
Đó là nội dung lời chứng của Thánh Phêrô trong
Tông Đồ Công Vụ nơi bài đọc một trong Phụng
Vụ hôm nay, nhất là nơi câu: “Thiên Chúa đã hoàn tất
việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước:
Đức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình” (Cv
3:18).
Trong Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu sống
lại hiện ra với các môn đệsau khi ăn cá
nướng và mật ong trước mắt họ, Chúa
Giêsu đã vừa cho thấy sự xác thực của mọi
lời Người từng nói với các ông vừa xác
định Người chính là Đấng Kitô –Đấng
Mêsia-là trung tâm của lịch sử ơn cứu độ
mà Thánh Kinh Cựu Ước đã báo trước, vừa
là Đấng giúp các môn đệ am hiểu Thánh Kinh. Thánh Sử
Luca viết: “Đoạn Người phán: Đúng như lời
Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với
các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời
đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách các tiên
tri và thánh vịnh. Rồi Người mở trí cho các ông am
hiểu Kinh Thánh” (Lc 24:44-45).
Ngày nay, Chúa Giêsu tiếp tục giải
thích Thánh Kinh cho chúng ta qua Huấn Quyền của Hội
Thánh luôn được hướng dẫn bởi Chúa Thánh
Thần. Việc ghi nhớ và hiểu biết đầy
đủ giáo lý với các tín điều Hội Thánh dạy
thật quan hệ trong việc giúp chúng ta hiểu đúng
Thánh Kinh. Đức Thánh Cha Bênêđictô từng dạy rằng:
“Các tín điều chính là lời giải thích Thánh Kinh chính
thức của Hội Thánh”. Không có cùng trí ý với
Hội Thánh, người ta không thể hiểu đúng Thánh
Kinh.
Hơn nữa, Chúa Giêsu còn
nhấn mạnh rằng biến cố Vượt Qua-Cuộc
Khổ Nạn và Phục Sinh-của Người chiếm vị
thế trung tâm trong chương trình cứu độ. Như thế, toàn bộ Thánh Kinh, cả
Cựu Ước cũng như Tân Ước-phải
được đọc và giải thích dưới ánh
sáng của mầu nhiệm Thập Giá Chúa Kitô. Đồng
thời, Hội Thánh bao gồm các môn đệ đích thực
của Chúa Kitô sẽ tiếp tục sứ mạng của
Người khi rao giảng nhân danh Người và làm chứng
về Người, mời gọi mọi người sám hối
để lãnh ơn tha tội. Người phán: “Có lời
chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu
thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ
cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người
rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn
dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Còn các
con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều
ấy” (Lc 24:46-48). Điều này cũng
đã được Chúa Giêsu nói với hai môn đệ truớc
đây, khi Người hiện ra và đồng hành với
họ trên đường Emmau (Lc. 24:13-35).
Vì vậy, muốn hiểu đúng Thánh
Kinh, chúng ta phải đón nhận sự khôn ngoan của mầu
nhiệm Thánh Giá, phải chấp nhận bước đi
trên Đường Thánh Giá, con đường của hy
sinh từ bỏ, con đường của tình yêu xả kỷ
vị tha, con đường chính Chúa Giêsu đã đi qua.
Tác giả sách Gương Chúa Giêsu ngay ở chương
đầu đã nhận xét: “Sở dĩ nhiều người
nghe giảng Phúc Âm luôn mà vẫn không xúc động, là vì họ
không có tinh thần Chúa Kitô. Muốn hiểu tỏ
và nếm thử thi vị của lời Chúa, cần phải
tập sống đời sống của Chúa” (Q. I, Ch. 1). Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng kể
rằng: “Bài giảng đầu tiên con nghe và hiểu
được là bài giảng về Thánh Giá. Và
từ đó, con nghe và hiểu được mọi bài giảng”.
Trong bài đọc hai trích thư thứ
nhất của Thánh Gioan, chúng ta lại học biết rằng
mục đích của Thánh Kinh chính là giúp chúng ta khỏi phạm
tội; mà nếu chúng ta đã phạm tội thì sẽ
được đón nhận ơn tha tội nhờ sám hối
và tin vào Chúa Kitô là của lễ đền tội cho toàn thể
nhân loại. Trên hết, Thánh Kinh hay Lời Chúa hoặc Luật
Chúa là phương thế tuyệt hảo giúp chúng ta buớc
vào và sống trọn liên hệ yêu thương với Chúa
Giêsu, với Thiên Chúa. Hơn nữa, việc
nghe và giữ Lời Chúa còn là yếu tố quyết định
để xác định tính chân thực của người
môn đệ Chúa Kitô.
Thánh Gioan viết: “Các con thân mến, Cha
viết những điều này cho các con, để các con
đừng phạm tội. Nhưng nếu có
ai phạm tội, thì chúng ta có Đức Giêsu Kitô, Đấng
Công Chính, làm trạng sư nơi Đức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội
chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng
còn đền tội cho cả thế gian. Chính nơi
điều này mà chúng ta biết rõ được là chúng ta
biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn của
Người. Ai nói mình biết Người, mà không giữ
các giới răn của Người, là kẻ nói dối,
và nơi người ấy không có chân lý. Còn
ai giữ lời Người, thì quả thật tình yêu của
Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy” (1Ga
2:1-5a).
Câu nói thời danh của Thánh Giáo Phụ
Tiến Sĩ Jerome dường như chỉ là một lời
lập lại và tóm lược những lời trên của
Thánh Gioan: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Các học
giả Thánh Kinh còn đưa ra nhận xét độc
đáo này: “Thánh Kinh được viết bởi những
người tin, được viết cho những người
tin, được viết để xây dựng và rao truyền
đức tin”. Vì vậy, tin vào Chúa Kitô và Hội
Thánh là cách chắc chắn nhất để học biết
Thánh Kinh một cách đúng đắn.
Thật là thích đáng khi Hội Thánh
dùng lời tung hô Alleluia trong Phụng Vụ hôm nay để
dâng lên Chúa Giêsu lời nguyện chí thiết này: “Lạy Chúa
Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh, xin
làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với
chúng con”.
Nếu Chúa Nhật tuần trước
được dành để suy tôn Lòng Chúa Thương Xót,
thì Chúa Nhật hôm nay có thể được dành để
suy tôn Lời Chúa, suy tôn Thánh Kinh.
Lạy Mẹ Maria là Mẹ của Ngôi Lời nhập
thể. Xin Mẹ giúp chúng con biết noi
gương Mẹ để say mê việc đọc, nghe,
ghi nhớ, suy niệm và thực hành Lời Chúa, dưới
ánh sáng của mầu nhiệm Thập Giá Chúa Kitô, với sự
hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong niềm hiệp
thông vâng phục trọn vẹn với Hội Thánh. Amen.
|