CN 2864: NHỚ NGÀY 30 THÁNG 4 ĐEN, 1975
Nguồn: Tác phẩm Qua Cơn Bão Dữ, Kim Hà
Kể từ tháng 3 năm 1975 trở đi, tình hình đất nước Việt Nam trở nên tồi tệ và rối loại. Gia đình tôi phân vân giữa việc bỏ nước ra đi hay ở lại quê nhà. Tình thế ngày thêm bi đát: các tỉnh ở vùng cao nguyên mất, rồi các tỉnh vùng duyên hải mất. Cả nước xôn xao như bị lên cơn sốt. Người người bàn tán lung tung, vì thế gia đình chúng tôi càng thêm hoang mang và hoảng sợ.
Giữa tháng 3 năm 1975, tôi nhận được một lá thư của mẹ ruột tôi từ thủ đô Washington, D.C., Hoa Kỳ gửi về. Mẹ tôi khuyên chúng tôi đừng nên ra đi vì một gia đình gồm 4 con, một cái thai 5 tháng và hai vợ chồng mà đến xứ lạ mà không nghề nghiệp, không nhà cửa, không tài sản và không tiền bạc thì rất là khổ.
Mẹ tôi còn nói rằng đất nước đã hòa bình rồi thì đi làm gì cho mất nhà cửa và việc làm? Hãy ở lại thì tốt hơn. Chúng tôi vì tin lời mẹ bảo nên chọn ở lại dù cho có ba cơ hội để vượt thoát. Em trai tôi, rồi em họ chồng tôi, và một người bạn khác đều đến rủ chúng tôi đi theo tầu Hải Quân nhưng chúng tôi vẫn ở lại nhà.
Ngày 28/4/1975 xẩy ra vụ ném bom ở Dinh Độc Lập. Bom đạn rơi làm rung chuyển nhà cửa. Rồi Việt Cộng pháo kích vào thủ ô Sàigòn. Đạn pháo bay trên đầu. Rồi vào đêm 29/4/1975, một đêm kinh hoàng: điện của thành phố bị cúp. Trời tối đen như mực và đạn pháo kích bay trên cao và rớt vào nhà thường dân. Vợ chồng tôi run sợ nên đổi ý phải đi trốn ngay trước khi chết cả nhà.
Thế là gia đình tôi sửa soạn giấy tờ quan trọng, nữ trang quý giá và quần áo cho gia đình gồm 6 người rưỡi. Rồi cả gia đình cuống quít tìm đường chạy ra bến Bạch Đằng để thoát hiểm. Tuy nhiên, cơ hội không còn nữa. Lệnh giới nghiêm 24/24 được ban hành. Không ai được ra khỏi nhà.
Thế là chúng tôi chán nản ở lại nhà để nghe ngóng tình hình. Vào buổi sáng và buổi trưa ngày 30/4/1975, tình trạng Sàigòn thật là hỗn loạn và vô trật tự, nhất là ở vùng chúng tôi ở là khu Thị Nghè-Hàng Xanh.
Khu Tân Cảng có những kho hàng PX của người Mỹ để lại, đó là nơi chứa đồ đạc và thực phẩm nên dân chúng đua nhau mở toang ra để “hôi của”. Người ta nhộn nhịp đem xe Honda đến để ăn cắp đồ đạc, đồ hộp, thuốc lá và thực phẩm. Nhà của các gia đình bỏ nhà ra đi thì cũng bị những người khác đến hôi của và dọn sạch.
Đạn pháo kích bay trên đầu, tiếng phát thanh ồn ào của các đài radio vang ra từ mỗi căn nhà của dân chúng. Mọi người xôn xao tụ tập bàn tán và đồn thổi. Tiếng nói tuyên bố đầu hàng của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Dương Văn Minh vang lên từ radio làm cho mọi người sửng sốt, ngạc nhiên đến đau xót và đứng tim.
Khoảng 11:30 giờ sáng ngày 30/4/1975, từng đoàn xe tăng của Cộng Sản VN tiến vào thành phố Sàigon qua ngã xa lộ Biên Hoà, rẽ sang đường Hùng Vương, Thị Nghè để đến đường Hồng Thập Tự, Thống Nhất và Dinh Độc Lập.
Dân chúng trong khu xóm tôi ùn ùn kéo nhau ra xem đoàn xe tăng. Cờ của đoàn lính trên xe tăng là cờ của lực lượng Giải Phóng Miền Nam, tức là lá cờ có một nửa là màu xanh da trời và một nửa là màu đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng. Thì ra họ dùng chiêu bài lực lượng Giải Phóng Miền Nam để tiến vào Sàigon, chứ không phải là lá cờ đỏ ngôi sao vàng. Tôi chính mắt nhìn thấy những lá cờ này trong thời gian đầu của ngày cuối tháng 4. Về sau họ mới đổi sang cờ màu đỏ sao vàng.
Trên xa tăng của đoàn quân chiến thắng, những người lính Cộng Sản nào cũng lăm lăm cầm một cây súng chỉa vào đám đông dân chúng đang đứng ở dọc đường. Ai ai cũng sợ hãi nên cố gắng nhếch miệng cười để khỏi bị chú ý. Họ miễn cưỡng giơ tay lên tung hô nhưng khi thấy những ngọn súng của những người lính trên xe tăng quay về phiá họ thì cả đám đông chạy toán loạn vì sợ bị bắn chết.
Nhạc của kẻ thắng trận vang lên ồn ào. Khu xóm tôi ồn ào náo nhiệt. Người ta bỏ mọi sự để tụ tập nói chuyện và bàn tán về chế độ mới. Rất nhiều đồ đạc, súng ống, đạn dược và quân phục của chế độ cũ bị dân chúng đem ra ngoài vứt bừa bãi nơi các bãi đất trống trong thành phố.
Không ai muốn tàng trữ những quân phục của chế độ cũ vì sợ bị tố cáo hay bị liên lụy. Dần dần, có nơi quân phục và đồ đạc của chế độ cũ chất cao như núi. Một số binh sĩ và sĩ quan quân đội cũ vội cởi bỏ quân phục ngay giữa đường và mặc đồ lót chạy về nhà.
Thành phố Sàigòn thật là hỗn loạn và đầy vẻ kinh hoàng. Người ta tư lự, bàn tán suốt ngày đêm. Lúc ấy, cái radio là một nguồn thông tin duy nhất để người ta tìm hiểu những gì đang xẩy ra cho một thành phố đã đổi chủ.
Những người đi “hôi của” hả hê khuân vác đồ đạc chạy về nhà. Họ bắt đầu kê ghế, bàn ra trước lề đường và đua nhau bán những hàng hóa mà họ đã lấy được nhờ thời cuộc đổi thay.
Thế là cuộc đời của những người dân lành thay đổi một cách đột ngột và tàn nhẫn. Sài gòn đổi chủ và đổi tên. Cờ xí của chế độ tung bay, tiếng loa phóng thanh ồn ào. Lòng người chua xót nhưng phải dấu kín. Ai ai cũng đóng kịch y như những kịch sĩ đại tài. Những cô gái đang có móng tay dài và sơn mầu đỏ bỗng vội vàng cắt móng tay và bôi sơn vì sợ lính Cộng Sản rút ngón tay đi. Người ta đồn rằng các cô gái độc thân chưa chồng thì sẽ phải bị gả cho các thương phế binh của Cộng Sản.
Gia đình tôi chán nản và tiếc nuối đến cùng cực vì đã quyết định sai lầm khi chọn ở lại Việt Nam sau năm 1975. Trong suốt 5 năm trời đau khổ ấy, tôi tự sỉ vả vì sự ngu dốt của mình khi chọn ở lại.
Sau đó, mùa hè năm 1978, gia đình chúng tôi đi vượt biên đường thủy ở Phan Thiết và bị bắt, bị tù và bị sa thải khỏi công việc làm.
Từ đó, chúng tôi lăn lóc bụi đời, sống buôn bán đầu đường xó chợ để mưu sinh và ngầm tìm đường vượt biên. Đến đầu năm 1980, chúng tôi đi vượt biên đường bộ và thoát được đến vùng biên giới Cambodia và Thái Lan.
Sau 7 tháng ở trại tị nạn, gia đình tôi được mẹ tôi bảo lãnh đến California, Hoa Kỳ.
Đến nay là 35 năm gia đình chúng tôi đến Mỹ nhưng ký niệm về ngày đau thương 30/4/1975 vẫn không bao giờ phai mờ trong ký ức. Hai thế hệ đã qua đi kể từ khi cuộc đời dâu bể và đắng cay đến với toàn thể dân Việt.
Bốn mươi năm đau thương đã trôi qua, có bao nhiêu người uất ức nằm xuống trong các ngục tù Cộng Sản? Có bao nhiêu người chết tức tưởi trên đường vượt biên ở đại dương hay trên các khu rừng biên giới vì lý tưởng tự do? Chúng ta hãy cầu nguyện cho hương hồn họ sớm được giải thoát.
Chúng ta cầu nguyện cho quê hương Việt Nam yêu dấu, cho dân tộc hào hùng Việt Nam chóng có được ngày mai tự do, no ấm, tươi sáng và hạnh phúc.
Chúng ta cầu nguyện cho những người Việt hải ngoại luôn đoàn kết, thịnh vượng và hạnh phúc để có ngày trở về giải phóng quê hương!
Chúng ta cầu nguyện cho một sự chữa lành toàn diện cho tất cả những người Việt Nam, dù ở quốc nội hay hải ngoại để những vết thương tinh thần được lành lặn.
Kim Hà 14 Tháng 4 năm 2015
|