Tần số tình yêu – Thiên Phúc
Người cha dắt đứa con nhỏ đi dạo
ngang qua một đài phát thanh của thành phố. Đứa
bé chỉ ngọn tháp cao vút hỏi người cha: – Ba
ơi! Cái tháp đó để làm gì vậy?
Người cha giải thích: – Con ạ! Đó là ăng-ten của đài phát thanh, hàng giây
hàng phút nó phát đi những tin tức, âm nhạc và các
chương trình hữu ích cho đại chúng.
- Nhưng thưa ba, con có nghe thấy gì đâu!
- Muốn nghe được những thông tin và các
chương trình bổ ích đó, con chỉ cần có một
cái máy thu thanh thật tốt, mở đúng tần số
là con sẽ nghe rõ ràng, như cha con mình đang nói chuyện
với nhau đây!
Chiều Phục Sinh
đầu tiên, Đức Giêsu hiện ra với các môn
đệ, vắng mặt Tôma, một con người thực
tế, muốn kiểm chứng bằng mắt thấy,
tai nghe, tay sờ thì mới tin. Tám ngày sau,
Đấng Phục Sinh lại hiện ra với các ông, có cả
Tôma. Người gọi đích danh ông: “Tôma, hãy nhìn xem
tay Thầy, hãy đặt ngón tay vào cạnh
sườn Thầy. Đứng cứng lòng nữa,
nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Ông chỉ còn biết
run sợ mà thưa với Người: “Lạy Chúa của
con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).
Tại sao
Gioan chỉ cần nhìn thấy ngôi mộ trống và tấm
khăn liệm xếp gọn gàng là ông đã tin Thầy sống
lại, còn Tôma đã được các môn đệ làm chứng
Thầy đã phục sinh mà ông lại không tin. Vậy
điều khác nhau cơ bản giữa Gioan và Tôma chính là
chiếc máy thu thanh của Tôma không mở
đúng tần số, đó là tần số Tình Yêu, tần
số của con tim. Tôma đòi phải xỏ tay vào lỗ
đinh ở chân tay Thầy ông mới tin; còn Gioan, không cần
thấy Thầy bằng con mắt thịt nhưng bằng
con mắt đức tin, con mắt tình yêu. Chính tình yêu
đã khiến Gioan chạy đến mộ Thầy nhanh
hơn Phêrô, chính tình yêu đã mở mắt cho Gioan nhận
ra Thầy đầu tiên trên bờ biển Galilê, chính tình
yêu đã làm cho ông trở nên “người môn đệ
Đức Giêsu thương mến” (Ga 21,7).
Tại sao Phêrô và Gioan
đều thấy mộ trống và khăn liệm, mà
Phêrô thì “rất đỗi ngạc nhiên” còn Gioan thì “Ông
đã thấy và ông đã tin”? (Ga 20,8). Vì thế, Phêrô phải cố gắng vượt
qua những dấu chỉ khả giác để đến
với niềm tin, và Tôma cũng phải vượt qua cái
nhìn của giác quan để đến với cái thấy
của đức tin. Nhưng Đức Giêsu đã
nói: “Phúc thay những người đã không thấy mà tin!”
(Ga 20,29). Đó cũng chính
là phần thưởng của đức tin.
Sở dĩ Gioan nhận
ra sự kiện ngôi mộ trống và khăn liệm
như dấu chỉ của sự phục sinh, là vì ông
đã nhớ lại lời Kinh Thánh: “ngày thứ ba, (Người)
sẽ cho chúng ta chỗi dậy” (Hs 6,2)
và phép lạ “ông Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm”
(Gn 2,1). Vâng, chính Kinh Thánh sẽ soi sáng, hướng dẫn
chúng ta nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa
trong mỗi biến cố hằng ngày.
Niềm tin vào mầu nhiệm
phục sinh của chúng ta hôm nay không phải là một niềm
tin mơ hồ, mà là một niềm xác tín vào lời chứng
chắc chắn của các Tông Đồ qua Kinh Thánh. Trong
bài giảng đầu tiên của ngày lễ Ngũ Tuần,
Phêrô đứng chung với mười một Tông Đồ
lớn tiếng tuyên bố rằng: “chính Đức Giêsu
đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều
này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,32).
Vâng, chính sự phục sinh của Đức Giêsu đã bảo
đảm cho niềm tin của chúng ta. Thánh Phaolô viết:
“Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng tin
của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống
trong tội lỗi của mình” (1Cr 15,17).
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu nhiều hơn nữa,
để chúng con tin Chúa mãnh liệt hơn.
Xin dạy chúng con biết siêng năng suy niệm Lời
Chúa, để Lời Chúa mãi là đèn soi cho chúng con bước,
là ánh sáng chỉ đường chúng con đi. Amen.
|