Hơi thở của Chúa – Peter
Feldmeier
(Lm. GB. Văn Hào SDB, chuyển
ngữ)
“Bình an cho anh em” (Ga
20,9).
Hồi còn
là sinh viên, tôi bắt đầu thích thú tìm hiểu các chân lý
Kitô giáo, khởi đầu qua một sự kiện.
Trong lớp học hôm đó, một bạn sinh viên trong lớp
thách thức một thần học gia và khẳng định
rằng những gì không được kiểm chứng cụ
thể thì không phải là chân lý đáng để chúng ta tin theo. Tôi rất tâm đắc lời
khẳng quyết này. Là một Kitô hữu,
tôi cũng đã từng có kinh nghiệm khá nhiều về
tình yêu của Thiên Chúa phủ ngập trong cuộc đời
tôi. Nhưng phải thú thật, chỉ những Kitô hữu
tốt lành và thánh thiện mà tôi đã gặp, mới là những
chứng nhân và gương sáng rất cụ thể, đã
đánh động và kiện cường đức tin
nơi bản thân tôi. Thái độ và cách sống của họ
biểu tỏ cho thấy họ đã trải nghiệm thực
sự bình an của Chúa nơi tâm hồn,
và được biểu thị rõ ràng qua cuộc sống
của họ, một cuộc sống được đổi
mới trong Thần khí. Trong bài đọc thứ hai của
phụng vụ hôm nay, Thánh Gioan tông đồ cũng khẳng
quyết “Mọi kẻ được Thiên Chúa sinh ra, đều
thắng được thế gian” (1Ga 5,4).
Như thế, những người được tái sinh
bởi Thần khí sẽ không còn lý do gì để phải sợ
hãi. Họ có được an bình trong
tâm hồn, giống như những Kitô tốt lành mà tôi
đã gặp gỡ.
Trong trình thuật Tin mừng
hôm nay, Thánh Gioan cho ta thấy các tông đồ cũng
được tái tạo, được đổi mới
nhờ hơi thở linh thánh của Đấng Phục
Sinh. Đây chính là hơi thở mà ngay từ thuở ban
đầu, Thiên Chúa đã thổi vào để tác sinh con
người. Sách Sáng thế viết “Đức Chúa là Thiên
Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người,
thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở
nên một sinh vật.” (St 2,7). Vào buổi chiều ngày Phục sinh, các tông đồ
sợ sệt, ngồi co rúm lại với nhau trong một
căn phòng đóng kín. Họ đã trải
nghiệm niềm vui tột cùng khi được gặp gỡ
Đấng Phục sinh, người Thầy đáng kính của
họ. Đức Giêsu đến, đứng ở
giữa họ và nói “Bình an cho anh em”. Khi nói xong, Ngài thổi hơi trên họ và nói “Anh em
hãy lãnh nhận Thánh Thần”.
Các Ngài đã lãnh nhận
hơi thở thần thiêng, đã được sinh ra “từ
trên cao”, tức là các Ngài đã được đổi mới
hoàn toàn, bởi vì “những gì sinh ra bởi xác thịt là xác
thịt, và những gì sinh bởi thần khí chính là thần
khí (Ga 3,6.7). Rồi sau đó Đức Giêsu ủy
trao sức mạnh thần thiêng cho các tông đồ. Họ đã nhận lãnh quyền năng từ
chính Đấng Phục sinh “Anh em tha tội cho ai, người
ấy được tha. Anh em cầm giữ
ai, người đó bị cầm giữ”. Tôi không
nghĩ rằng, lúc đó Đức Giêsu có ý ám thị về
bí tích tha thứ nơi tòa giải tội, cho dù sau này, Giáo hội
vẫn hiểu như thế, và chắc chắn Đức
Giêsu đã trao ban năng quyền bính tha tội cho các thừa
tác viên nơi tòa cáo giải. Nhưng thiết tưởng,
động thái của Đức Giêsu thổi thần khí
vào các tông đồ, là nhằm tái sinh các ông, ban cho các ông một
sự sống mới, để họ được
thông dự vào sức sống và quyền năng của
Đấng Phục sinh từ sâu tận trong tâm hồn các
ngài. Đức Giêsu thổi hơi thở của
Ngài, hơi thở của Thần khí trên các tông đồ.
Đây là sinh khí và sức sống biểu thị
sứ mạng cứu thế và quyền năng của
Đấng Sống lại. Trong bài đọc
thứ nhất hôm nay, tác giả sách tông đồ công vụ
cũng cho thấy, các tông đồ đã có đầy quyền
năng (mega dynamis), một năng động lực với
uy quyền để làm chứng cho Đấng Sống Lại.
Tuy nhiên,
Tôma không có mặt, không gặp được Chúa buổi chiều
ngày hôm đó. Tôma đã không tin, chính xác
hơn là ông chưa tin. Tuần sau, Ngài lại
hiện đến, với sự hiện diện của
Tôma. Vị tông đồ này không chỉ
tin, nhưng còn mạnh mẽ thốt lên “Lạy Chúa, Thiên
Chúa của con”. Hành vi tuyên tín của Tôma giống
như một động thái mang tính tiên tri, đã mở
toang cánh cửa của căn phòng đóng kín, và khai mở sứ
vụ rao giảng Tin mừng nơi toàn thể Hội
thánh. Trọng tâm của Tin mừng là sứ vụ công bố
cho thế giới “Lời” và “Ánh Sáng thật” (Ga 1,1-4) , là chính mầu nhiệm Đức Giêsu,
Đấng đã chết và đã sống lại.
Được ơn soi sáng, Tôma đã can đảm nói lên
lời xưng thú và dũng cảm tuyên xưng đức
tin. Hành vi tuyên tín của ông có vẻ
như đầy kịch tính, nhưng mở ra cho giáo hội
một viễn ảnh mới để công bố và làm chứng
cho Tin mừng Phục sinh.
Có lẽ,
chúng ta dễ nghĩ tưởng rằng Thomas đã tự
dàn dựng một khung cảnh để bào chữa cho
mình. Ngài đã được các tông đồ khác thuật
lại câu chuyện tiếp cận trực tiếp với
Đấng Sống Lại, và họ cũng kỳ vọng
Thomas sẽ tin mà không cần kiểm chứng hoặc hỏi
han điều gì. Khi tôi nghe một ai thuật
lại một câu truyện về kinh nghiệm thiêng liêng của
họ, ví dụ họ đã được thị kiến
gặp thấy Chúa, tôi luôn đặt vấn đề, xem
có thực sự đó là một ơn ngoại thường
Chúa ban riêng cho họ, hay chỉ là một sự bịa
đặt hoang tưởng. Thái độ của
Thomas cũng phản ánh những suy nghĩ mang tính loại
suy như của các Kitô hữu sau này, bởi vì họ
cũng không gặp trực tiếp Đức Giêsu Phục
sinh. Chúng ta nghe Chúa Giêsu nói với ông “Có
phải vì anh đã thấy Thầy nên anh tin? Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Câu nói của
Đức Giêsu ngỏ trao cho Tôma cũng là sự nhắc
nhở Chúa gởi đến mỗi người chúng ta hôm
nay. Liệu có phải chúng ta cần những chứng
cứ cụ thể để tin, hay chúng ta muốn trở
nên những người được Thiên Chúa chúc phúc vì
đã tin cho dù không thấy? Vấn đề ở
đây, không phải là Tôma cần những bằng chứng
cụ thể, và càng không phải là một con người
cố chấp, cứng lòng, không tin. Điều quan trọng,
là ông đã cảm nghiệm thực sự và bị cột
trói vào những gì rất rõ ràng mà ông cảm nhận
được. Ông đã tận mắt thấy
sự biến đổi sâu xa nơi các bạn đồng
nghiệp. Họ đã được
đổi mới hoàn toàn. Từ những con người
tuyệt vọng và nhát đảm, họ đã trở nên
những con người can đảm và tràn đầy hy vọng.
Từ những con người ẩn nấp trong bóng tối
nơi căn phòng khép kín, các ông đã mở toang cánh cửa,
cánh cửa của ngôi nhà chật chội đóng khép,
cũng như cánh cửa của ngôi nhà mù tối nơi tâm
hồn họ. Giờ đây, các ông ngập
tràn niềm tin và được phú trao quyền năng mạnh
mẽ. Các ông đã có được quyền
năng siêu phàm của Đấng Phục sinh để diễn
bày tình thương tha thứ đến cho mọi người.
Nhưng trên hết, sự sợ hãi và bất an nơi các học
trò Đức Giêsu đã được thay thế bằng
sự an bình trong Thần khí mà Đức
Giêsu đem lại. Đó chính là quà tặng vô
giá. Bởi vì, quà tặng bình an là
món quà lớn nhất mà họ đã sở đắc
được. Đây là chứng từ mạnh
mẽ mà Tôma đã thấy. Ông đã tận
mắt mục kích và cảm nghiệm một sức sống
mới, tuôn trào mãnh liệt từ sự Phục sinh của
Chúa Giêsu. Đó quả là một cuộc
tái tạo trong chính Thần khí của Đức Kitô, Đấng
Phục sinh. Tôma đã trở nên như một hình mẫu
đức tin cho chúng ta.
|