MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: lòng thương xót chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Lòng Chúa Thương Xót Được Mặc Khải Trên Thánh Giá Và Trong Sự Phục Sinh
Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 4-2015

Lòng Chúa Thương Xót được mặc khải trên Thánh Giá và trong sự Phục Sinh
 
Sứ vụ của Ðức Kitô và hoạt động của Ngài giữa nhân loại kết thúc bằng cái chết trên Thập Giá và sự Phục Sinh. Chúng ta phải thẩm thấu sự kiện cuối cùng này, nhất là theo ngôn ngữ của Công Đồng Vatican II xác định là Mầu Nhiệm Vượt Qua (Mysterium Paschale) - nếu chúng ta muốn diễn tả sâu sắc sự thật về LTX, như được mặc khải trong lịch sử cứu độ.

Ở mức cân nhắc này, chúng ta phải tiếp cận Tông Thư Redemptor Hominis (Gioan Phaolô II, 1978). Thật vậy, thực tế của ơn cứu độ, theo chiều kích con người, đã mặc khải những điều chưa từng nghe biết - về sự cao cả của con người, như Bài Exsultet (công bố trong đêm Vọng Phục Sinh) mô tả: "Tội hồng phúc đã ban cho chúng ta Ðấng Cứu Chuộc rất cao sang", ngay lúc chiều kích cứu độ của Thiên Chúa làm cho chúng ta có thể hồi sinh theo cách kinh nghiệm nhất và lịch sử nhất, để tiết lộ chiều sâu của tình yêu không chùn bước trước sự hy sinh khác thường của Chúa Con, để thỏa mãn lòng trung thành của Chúa Cha đối với loài người, tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Ngài và chọn chúng ta từ khởi nguyên, nơi Chúa Con, đối với ân sủng và vinh quang.

Các sự kiện của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, thậm chí trước đó, trong lời cầu nguyện tại Ghết-si-ma-ni, giới thiệu sự thay đổi nền tảng của toàn bộ sự mặc khải về tình yêu và LTX trong sứ vụ của Ðức Kitô. Ngài "thi ân giáng phúc, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế" (Cv 10:38), đồng thời "chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền" (Mt 9:35), chính Ngài thực hiện LTX và kêu gọi LTX, khi Ngài bị bắt, bị đối xử tệ, bị kết án, bị đánh đòn, đội vòng gai, bị đóng đinh vào Thập Giá và chết trong đau đớn vô cùng (x. Mc 15:37; Ga 19:30).

Lúc đó Ngài xứng đáng nhận LTX từ những người mà Ngài đã làm tốt cho họ, nhưng Ngài đã không nhận được. Ngay cả những người thân tín nhất cũng không thể bảo vệ Ngài khỏi kẻ ác. Ở giai đoạn cuối cùng của sứ vụ, các lời tiên tri, nhất là của tiên tri Isaia nói về Người Tôi Tớ Ðau Khổ, hoàn toàn ứng nghiệm nơi Ðức Kitô: "Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành" (Is 53:5).

Ðức Kitô, là người chịu đau khổ trong Vườn Cây Dầu và trên đồi Canvê, đã thưa với Chúa Cha rằng Ngài đã thể hiện tình yêu của Chúa Cha cho mọi người. Nhưng Ngài cũng không được thoát khỏi đau khổ và cái chết trên Thập Giá: "Ðấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người" (2 Cr 5:21).

Thánh Phaolô viết về chiều kích thực tế của ơn cứu độ. Chính ơn cứu độ này là mặc khải tính Thánh thiêng của Thiên Chúa, Ðấng hoàn thiện, đầy đủ công lý và yêu thương, vì công lý dựa trên yêu thương.

Trong cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Kitô, Chúa Cha không tha chính Con mình, nhưng "vì chúng ta mà tự nhận thân phận như tội nhân", công lý được diễn tả, Ðức Kitô chịu đau khổ và chấp nhận Thập giá vì tội lỗi nhân loại. Ðiều này cấu thành "sự dồi dào" của công lý, vì tội lỗi của loài người "được đền bù" nhờ sự hy sinh của Thiên-Chúa-Làm-Người.

Công lý này là "tiêu chuẩn của Thiên Chúa", hoàn toàn nhiệm xuất từ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, và sinh hoa kết trái trong tình yêu. Vì thế, công lý của Chúa mặc khải trên Thánh Giá của Ðức Kitô là "chiều kích cùa Thiên Chúa" vì nhiệm xuất từ tình yêu và được hoàn tất trong tình yêu, sinh ra hoa trái ơn cứu độ. Ơn cứu độ liên quan tới sự mặc khải về LTX viên mãn.

Chiều kích ơn cứu độ được đặt trong hiệu quả không chỉ bằng cách đem lại công lý để chịu đựng tội lỗi, mà còn phục hồi tình yêu nơi con người, vì chính con người đã từng viên mãn sự sống và sự thánh thiện đến từ Thiên Chúa. Theo cách này, ơn cứu độ liên quan sự mặc khải về LTX một cách viên mãn.

Mầu Nhiệm Vượt Qua là tột đỉnh của sự mặc khải này và hiệu của LTX, có thể biện hộ cho con người, phục hồi công lý theo nghĩa của mệnh lệnh cứu độ mà Thiên Chúa đã muốn từ khi tạo dựng nhân loại.

Cuộc khổ nạn của Ðức Kitô nói theo cách đặc biệt đối với con người, không chỉ với người có niềm tin.Những người không có niềm tin cũng có thể khám phá nơi Ngài về mối liên kết với số phận con người, cũng như sự hài hòa trọn vẹn của sự dấn thân vô vị lợi vì con người, vì chân lý và vì yêu thương. Nhưng chiều kích của Mầu Nhiệm Vượt Qua còn thâm thúy hơn. Thập Giá trên đồi Canvê, nơi mà Ðức Kitô đã đối thoại lần cuối với Chúa Cha, nổi bật lên từ chính trái tim yêu thương của con người, vốn được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa, đã được làm thành tặng phẩm theo kế hoạch đời đời của Thiên Chúa.

Như Ðức Kitô đã mặc khải, Thiên Chúa không chỉ thân thiện với thế giới bằng tư cách Tạo hóa và nguồn hiện hữu, mà Ngài còn là Cha: Ngài liên kết với con người, và Ngài mời gọi họ hiện hữu trong thế giới vô hình, bằng mối liên kết thân mật hơn. Ðó là tình yêu không chỉ tạo điều tốt mà còn cho tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì Ngài yêu thương và muốn trao ban chính Ngài. Và Ngài cũng mời gọi chúng ta chia sẻ chân lý và tình yêu nơi Thiên Chúa.

Tín điều Công đồng Nicê-Constantinopolitan xác nhận: "Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật". Thập Giá là bằng chứng tuyệt vời về giao ước của Thiên Chúa đối với nhân loại - mỗi con người đều là giao ước này. Thập giá là giao ước mới đã được thiết lập trên đồi Can-vê, không hạn chế với một người nào.

Thập giá của Ðức Kitô nói gì với chúng ta? Thập giá ₫em lại cho chúng ta một sứ điệp quan trọng: "Ðức Kitô phục sinh".

Những người thấy ngôi mộ trống trở thành nhân chứng về Ðức Kitô Phục Sinh. Nhưng ngay trong vinh quang Thiên Chúa, Thập Giá vẫn còn. Thập Giá đó vẫn nói và không ngừng nói về Thiên Chúa Cha, Ðấng tuyệt đối trung tín với tình yêu đời đời của Ngài đối với con người: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 3:16).

LTX là tình yêu tuyệt đối. Tin vào tình yêu này là tin vào LCTX. Tin vào Chúa Con bị đóng đinh là "thấy Chúa Cha" (x. Ga 14:9), nghĩa là tin tình yêu đó hiện hữu trong thế giới và tình yêu này mạnh hơn mọi điều ác nơi mọi người, nơi nhân loại, hoặc cả thế gian. LCTX là chiều kích tuyệt đối của tình yêu.

Tình yêu mạnh hơn tử thần và mạnh hơn tội lỗi

Thập Giá của Ðức Kitô trên đồi Canvê cũng là nhân chứng đối với sức mạnh của sự ác chống lại Con Thiên Chúa, chống lại một người con trong những người con của nhân loại, con người đó có bản chất vô tội, chống lại những người sinh ra trong thế gian chưa bị hoen ố vì sự bất tuân phục của Adam và ảnh hưởng Tội nguyên tổ. Và ở đây, chính nơi Ðức Kitô, công lý được thực hiện đối với tội lỗi bằng giá máu hy sinh của Ngài, bằng cách "vâng lời cho đến chết trên Thập Giaù" (Pl 2:8).

"Ngài chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngài" (2 Cr 5:21). Công lý cũng được đem tới để liên quan cái chết, mà từ đầu lịch sử nhân loại đã bị nối kết với tội lỗi. Sự chết đã được công lý thực hiện bằng giá của cái chết của Con Người không hề có tội và chiến thắng bằng cái chết: "Tử thần đã bị chôn vùi. Ðây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Ngài đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (x. 1 Cr 15:54-57).

Chúa Con, Ðấng đồng bản thể với Chúa Cha, đã hoàn lại công lý cho Thiên Chúa bằng chính Thập Giá, đồng thời mặc khải LTX, đó là tình yêu trái ngược với những gì cấu thành nguồn gốc điều ác trong lịch sử nhân loại: chống lại tội lỗi và sự chết.

Thập giá là sự hạ mình sâu thẳm nhất của Thiên Chúa đối với loài người và những số phận bất hạnh của loài người - nhất là những lúc khó khăn và đau khổ. Thập Giá như là "cách tiếp xúc" của tình yêu vĩnh hằng đối với những vết thương của loài người; đó là sự hoàn tất trọn vẹn của chương trình cứu độ nhân loại mà Ðức Kitô đã bày tỏ tại Ðền Thờ ở Nadarét (x. Lc 4:18-21) và đã được ngôn sứ Gioan Tẩy giả lặp lại (x. Lc 7:20-23).

Theo cách nói của tiên tri Isaia (x. Is 35:5; 61:1-3), chương trình này cốt ở việc mặc khải về LCTX đối với người nghèo, người đau khổ, tội nhân, người mù, người bị đàn áp và bị bóc lột. Trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, các giới hạn của "sự dữ đa chiều" mà nhân loại "ăn chia" đã bị vượt qua: Thật vậy, Thập Giá của Ðức Kitô làm chúng ta hiểu căn nguyên sâu xa của sự dữ, đã bị gắn sâu trong tội lỗi và sự chết; vì thế Thập Giá trở nên dấu hiệu tận thế (eschatological sign).

Chỉ trong sự hoàn tất cuối cùng và sự canh tân cuối cùng của thế giới mà tình yêu sẽ chiến thắng, trong những người Chúa chọn, hoa trái chín muồi của vương quốc sự sống và vinh quang bất tử. Việc thiết lập sự hoàn tất cuối cùng này có nơi Thập Giá của Ðức Kitô và trong cái chết của Ngài.

"Chúa Giêsu đã sống lại vào ngày thứ ba" (x. 1 Cr 15:4), điều đó cấu thành dấu hiệu cuối cùng của sứ vụ cứu độ, dấu hiệu hoàn tất toàn bộ mặc khải về LCTX trong thế-gian-bị-cái ác-chế-ngự. Ðồng thời cấu thành dấu hiệu tiên báo "trời mới và đất mới" (Kh 21:1), lúc "Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất" (Kh 21:4).

Trong sự hoàn tất cuối cùng, LCTX sẽ được mặc khải là tình yêu, trong khi trên thế gian, trong lịch sử nhân loại, cùng với lịch sử của tội lỗi và sự chết, tình yêu phải được mặc khải là LCTX và cũng phải được hiên thực hóa là LCTX. Chương trình cứu độ của Ðức Kitô, chương trình của LTX, trở thành chương trình của Dân Ngài, chương trình của Giáo Hội.

Ngay tại trung tâm của chương trình đó luôn có Thập Giá, vì chính nơi Thập Giá mà sự mặc khải LCTX đạt tới đỉnh cao. Khi "những cái cũ bị tẩy sạch" (x. Kh 21:4), Thập Giá vẫn còn được dẫn chứng những từ ngữ trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan: "Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta" (Kh 3:20).

Theo cách đặc biệt, Thiên Chúa cũng mặc khải LTX khi Ngài mời gọi nhân loại "thương xót" Con Một Ngài là Ðấng-bị-đóng-đinh. Ðức-Kitô-bị-đóng-đinh chính là Ngôi-Lời-không-qua-đi: "Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu" (Mt 24:35), và Ngài là người "đứng trước cửa và gõ vào cửa lòng của mỗi người" (x. Kh 3:20), không hạn chế tự do nhưng tìm cách rút ra từ chính lòng yêu chuộng tự do, đó không chỉ là hành động đoàn kết với Con-Người-chịu-đau-khổ (Ðức Kitô), mà còn là dạng LTX được mỗi người trong chúng ta thể hiện với Con của Chúa Cha hằng hữu.

Trong toàn bộ chương trình cứu độ của Ðức Kitô, trong toàn bộ mặc khải về LTX qua Thập Giá, phẩm giá con người có thể được tôn trọng hơn và được đề cao hơn, vì đạt được LTX. Ðức Kitô đã xác định: "Các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25:40).

Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu nói đến một trong Bát Phúc (Tám Mối Phúc Thật): "Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương" (Mt 5:7). Ðiều đó cấu thành một bản tổng hợp của toàn bộ Tân Ước, toàn bộ "sự trao đổi tuyệt vời" (admirable commercium) bao gồm trong đó. Sự trao đổi này là luật của kế hoạch cứu độ, luật này vừa đơn giản, vừa mạnh mẽ, vừa dễ dàng.

Thể hiện ngay từ đầu những gì mà "trái tim con người" có thể thương xót, những từ ngữ này không từ Bài Giảng Trên Núi mặc khải viễn cảnh mầu nhiệm thẳm sâu của Thiên Chúa: Tính đồng nhất bí ẩn của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trong đó tình yêu bao gồm công lý, đặt trong LTX, mặc khải sự hoàn hảo của công lý.

Mầu Nhiệm Vượt Qua là Ðức Kitô ở đỉnh cao của sự mặc khải về mầu nhiệm bí ẩn của Thiên Chúa. Ðó là những lời được nói đã hoàn toàn nên trọn: "Ai thấy Thầy là thấy Cha" (Ga 14:9). Thật vậy, Ðức Kitô là Ðấng mà Chúa Cha "cũng không tha" (Rm 8:32) vì nhân loại, Ðấng phải chịu khổ hình Thập Giá đã không được nhân loại thương xót, Ðấng đã mặc khải tình yêu viên mãn trong sự phục sinh của Ngài mà Chúa Cha đã dành cho Ngài, nơi Ngài, và cho nhân loại: "Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống" (Mc 12:27).

Trong sự phục sinh, Ðức Kitô đã mặc khải Thiên Chúa của LTX, vì Ngài đã chấp nhận Thập Giá là đường tới Phục Sinh. Vì thế, khi chúng ta nhớ tới Thập Giá, cuộc Khổ nạn và Sự chết của Ðức Kitô, đức tin và đức cậy của chúng ta tập trung vào Ðấng Phục Sinh: "Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!". Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa" (Ga 20:19-20). Rồi Ngài nói với họ: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20:22-23).

Ở đây Chúa Con có kinh nghiệm về LTX đã được thể hiện với Ngài, nghĩa là tình yêu của Chúa Cha mạnh hơn Tử thần. Ðức Kitô cũng vậy, vào lúc cuối của sứ vụ cứu độ, Ngài đã mặc khải chính Ngài là Nguồn Thương Xót vô tận, về chính tình yêu ấy, trong viễn cảnh lịch sử cứu độ nơi Giáo hội, được xác nhận là lớn hơn mọi tội lỗi của nhân loại.

Ðức Kitô Vượt Qua là hiện thân cuối cùng của LTX, dấu hiệu sống động trong lịch sử nhân loại cho đến tận thế. Trong tinh thần đó, phụng vụ mùa Phục Sinh đặt trên môi miệng chúng ta những lời của Thánh Vịnh: "Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài" [Tv 89 (88):2].

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác nơi Ngài!

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ TheDivineMercy.org)
 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Năm Thánh Thương Xót (5/6/2015)
Chúa Chữa Lành Bệnh Ung Thư Xương Thời Kỳ Cuối Và Cứu Gia Đình (4/29/2015)
Mừng Sinh Nhật Các Linh Mục (4/19/2015)
Khuôn Mặt Thương Xót (4/15/2015)
Thơ Kính Lòng Chúa Thương Xót 2015 (4/13/2015)
Tin/Bài cùng ngày
Làm Tuần Cửu Nhật Lòng Chúa Thương Xót, Bắt Đầu Từ Thứ Sáu Tuần Thánh (4/12/2015)
Lòng Thương Xót. (4/12/2015)
Năm Thánh Lòng Thương Xót Của Chúa (4/12/2015)
Cơn Mưa Lòng Thương Xót (4/12/2015)
Chiếc Kiềng Lòng Thương Xót (4/12/2015)
Tin/Bài khác
Các Biệt Sủng Được Ban Vào Chúa Nhật Kính Chúa Tình Thương Và Ơn Đại Toàn Xá: (4/11/2015)
Lý Giải Lòng Chúa Thương Xót (4/11/2015)
Nếu Không Có Lòng Thương Xót, Thì Cũng Không Có Ơn Thứ Tha ! (4/10/2015)
Luận Thần Học Về Lòng Chúa Thương Xót (4/10/2015)
Người Quen Hay Người Lạ (4/10/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768