"Thày là sự sống lại"
Phụng Vụ Lời Chúa trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Nếu trong Mùa Chay, nhất là từ Tuần Thư 4 trở đi, bao gồm cả Tuần Thánh, chủ đề chính yếu của phụng vụ Lời Chúa là Mầu Nhiệm Vượt Qua, hướng về (Mùa Chay) và cử hành (Tam Nhật Thánh) biến cố khổ giá và phục sinh của Chúa Kitô, tột đỉnh mạc khải thần linh của Thiên Chúa, thì trong Mùa Phục Sinh 7 tuần lễ, chủ đề của phụng vụ Lời Chúa phản ảnh đúng như lời Chúa Kitô đã tuyên bố về bản thân Người "Thày là sự sống lại và là sự sống", một chủ đề có 2 phần: phần 1 "Thày là sự sống lại" cho Tuần Bát Nhật Phục Sinh, và phần 2 "Thày là sự sống" cho 6 tuần lễ còn lại của Mùa Phục Sinh (rồi chúng ta sẽ thấy).
Thật vậy, chủ đề của phụng vụ Lời Chúa cho Tuần Bát Nhật Phục Sinh, kể từ ngày đầu tiên là Chúa Nhật Phục Sinh (ở Thánh Lễ ban ngày, chứ không phải Thánh Lễ Đêm Vọng Phục Sinh) đến ngày thứ 8 là Chúa Nhật thứ 1 sau Phục Sinh là chính Lễ Lòng Thương Xót Chúa, toàn là những bài Phúc Âm (bao gồm toàn bộ 4 cuốn, nhưng chính yếu là Phúc Âm Thánh ký Gioan có 4 trong 8 bài mà 2 bài chính vào 2 Chúa Nhật đầu và cuối Tuần Bát Nhật) được Giáo Hội cố ý chọn đọc về các lần Chúa Kitô sau khi sống lại từ trong cõi chết hiện ra khác nhau theo thứ tự thời gian, như sau:
Trong các bài Phúc Âm đều cho thấy việc Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra là để chẳng những chứng thực Người đã sống lại đúng như Thánh Kinh và lời Người đã báo trước, mà còn để trở thành sứ vụ loan báo của thành phần chứng nhân tiên khởi là các tông đồ nữa, đúng như lời Chúa Giêsu đã tiên báo về mối liên hệ mật thiết bất khả phân ly giữa Ngài và Giáo Hội Truyền Giáo: "Thần Chân Lý từ Cha mà đến và là Đấng chính Thày sẽ sai đến từ Cha, Ngài sẽ làm chứng về Thày. Các con cũng phải làm chứng về Thày, vì các con đã ở với Thày ngay từ ban đầu" (Gioan 15:26-27).
Đó là lý do bài đọc 1, trong suốt Mùa Phục Sinh, không trích từ Cựu Ước, mà toàn là Sách Tông Vụ, thứ tự được Giáo Hội trích đọc từ đầu đến cuối (trừ Chúa Nhật Phục Sinh ở đoạn 10 là đoạn được coi là tổng hợp), và cuối lại là đầu (với biến cố Hiện Xuống vừa kết thúc Mùa Phục Sinh vừa mở màn Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh), một cuốn sách có thể nói là Phúc Âm về Thánh Linh liên quan đến Sứ Vụ Truyền Giáo của Giáo Hội.
"Thày là sự sống lại" ở 4 Phúc Âm Tuần Bát Nhật PS
Chúa Nhật Phục Sinh (Gioan 20:1-9)
Cho dù trong bài Phúc Âm của ngày thứ 1 trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh hôm nay vẫn chưa thấy Thánh ký Gioan thuật lại rõ ràng Chúa Kitô hiện ra lần đầu tiên về thể lý trước mắt các môn đệ của Người như các lần sau này, nhưng vị Thánh ký này đã cho thấy một Chúa Kitô quả thực đã sống lại rồi trước con mắt đức tin của ngài là một người môn đệ được Người yêu đã trung kiên với Người cho đến cùng ở dưới chân cây thập tự giá:
"Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó... Ông thấy và ông tin... theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết".
Thứ Hai Bát Nhật (Mathêu 28:8-15)
Theo bộ Phúc Âm Nhất Lãm thì có một số phụ nữ theo Chúa Kitô khi Người còn sống, bao gồm cả Mai Đệ Liên, ra mồ từ sáng sớm, những sau khi thấy mồ trống, rồi lại vừa thấy và vừa nghe thiên thần báo tin rằng Chúa Kitô đã sống lại, cần phải báo tin cho các môn đệ của Người. Vậy chỉ có duy Thánh ký Mathêu mới thuật lại sự kiện Chúa Kitô phục sinh lần đầu tiên hiện ra với các bà như sau:
"Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: 'Chào các bà'. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: 'Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta'".
Thứ Ba Bát Nhật (Gioan 20:11-18)
Nhân vật chính trong các phụ nữ ra thăm mộ Chúa Kitô từ sáng sớm là Mai Đệ Liên, có thể chị là người đầu tiên rồi các bà khác ra sau nhập bọn, và chị là người cuối cùng ở lại bên mộ Chúa để tìm cho bằng được xác của Vị Sư Phụ vô cùng kính mến của chị, thế mà, khi chị được chính Người hiện ra và tai của chị nghe được rõ tiếng của Chúa mà chị lại cứ tưởng là người làm vườn nào đó, cho tới khi chị được chính Người gọi đích danh của chị:
"Chúa Giêsu gọi: 'Maria'. Quay mặt lại, bà thưa Người: 'Rabboni!' (nghĩa là 'Lạy Thầy!'). Chúa Giêsu bảo bà: 'Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con'".
Thứ Tư Bát Nhật (Luca 24:13-35)
"Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra". Và tâm tình chia sẻ có vẻ tiêu cực và bi quan của hai vị đã được vị khách lạ trấn an bằng những lý lẽ Thánh Kinh, khiến các ông cảm thấy an lòng và ấm lòng, cho đến khi, qua cử chỉ quen thuộc của Người, họ mới nhận ra vị khách lạ vừa biến khuất khỏi mắt họ đó chính là Chúa Kitô.
"Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất".
Thứ Năm Bát Nhật (Luca 24:35-48)
"Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: 'Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ'".
Thánh ký Luca, qua đoạn trên đây, đã thuật lại sự kiện lần đầu tiên Chúa Kitô hiện ra với chung các tông đồ sau khi Người từ trong cõi chết sống lại. Tuy nhiên, Đấng Phục Sinh vẫn còn phải chứng thực Người quả thật là Thày của các vị và là Đấng đã thực sự bị đóng đanh nữa, bằng cả các dấu hiệu bề ngoài là chân tay của Người và ăn uống trước mặt các ông, lẫn soi sáng cho các vị thấy rằng những lời Thánh Kinh về Người đã được hoàn toàn ứng nghiệm, để rồi, nhờ các vị tin, các vị mới có thể và còn phải làm chứng về Người:
"Phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy".
Thứ Sáu Bát Nhật (Gioan 21:1-14)
"Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến". Thánh ký Gioan trong bài Phúc Âm hôm nay thuật lại lần hiện ra với chung các tông đồ, "đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại". Lần thứ hai được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật thứ 1 Phục Sinh, kết Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Lễ Trọng Kính Lòng Thương Xót Chúa.
Trong lần hiện ra thứ 3 này, tuy chỉ có 7 vị, vẫn được kể là với chung các vị, một lần hiện ra có hai điều khác lạ: trước hết là không phải ở trong Nhà Tiệc Ly kín mít nữa, mà là ở ngoài trời, ở trên bờ hồ Tibêria, và vì thế, sau nữa, Người cũng không còn chúc "bình an cho các con" như lần đầu nữa, bởi các vị đã tin rằng Người đã sống lại nên mới dám lò mò đi ra ngoài sinh hoạt đánh cá trở lại.
Thế nhưng hình như vào buổi chiều tối thôi, cũng có vẻ còn lén lút chứ chưa hoàn toàn công khai trước mặt dân chúng. Bởi thế, thâu đêm các vị cũng chẳng bắt được con nào, cho đến "lúc rạng đông", nghe lời của một vị đứng trong bờ bảo sao làm vậy thì nhóm hầu như toàn là những tay lành nghề đánh cá mới bắt được một mẻ cá lạ lùng, nhờ đó các vị (mà đầu tiên là "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu") đã nhận ra Đấng Phục Sinh: "Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: 'Ông là ai?' Vì mọi người đã biết là Chúa".
Thứ Bảy Bát Nhật (Marco 16:9-15)
Hôm nay, ngày áp cuối cùng của Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Giáo Hội sử dụng Phúc Âm của Thánh ký Marco chưa được đọc đến một tí nào trong suốt cả tuần, để gọi là tổng liệt kê các lần Chúa Kitô Phục Sinh đã thứ tự hiện ra khác nhau, (như đã được các Phúc Âm thuật lại trong tuần này), nhưng không chỉ riêng với các tông đồ, như 2 bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan, mà còn bao gồm các người khác nữa, kể cả thành phần môn đệ lẫn nữ giới:
"Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna... (bài Phúc Âm Thánh Gioan Chúa Nhật Phục Sinh). Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê... (bài Phúc Âm Thánh Luca cho ngày Thứ Tư). Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn (bài Phúc Âm Thánh ký Luca cho ngày Thứ Năm)".
Chúa Nhật Bát Nhật (Gioan 20:19-31)
"Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: 'Bình an cho các con'".
Theo Thánh ký Gioan thì lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra này là lần hiện ra thứ hai của Người với chung các tông đồ, và lần này cũng là lần duy nhất trong cả Tuần Bát Nhật Phục Sinh được Phúc Âm cho thấy phản ứng tích cực và chủ động của chung tông đồ đoàn qua vai trò đại diện của Tông Đồ Tôma. Để đáp lại lời trắc nghiệm về lòng tin tưởng của các tông đồ về căn tính "Thày là ai?", Tông Đồ Phêrô đã đại diện tuyên xưng "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian" (Mathêu 16:16) thế nào, thì giờ đây, Tông Đồ Tôma cũng đại diện tông đồ đoàn tuyên xưng như thế: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!"
Câu tuyên xưng của Tông Đồ Tôma sau khi Chúa Kitô Phục Sinh, về hình thức có vẻ khác lạ với câu tuyên xưng chính yếu của Tông Đồ Phêrô: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con", nhưng về nội dung cũng chất chứa những gì cốt lõi trong lời tuyên xưng của Tông Đồ Phêrô về căn tính của Người: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". "Chúa" và "Thiên Chúa" nơi lời tuyên xưng của Tông Đồ Tôma đây, trước hết, "Chúa" ám chỉ nguồn gốc thần linh của "Thày là Đức Kitô" Thiên Sai, và "Thiên Chúa" ám chỉ bản tính thần linh của "Con Thiên Chúa hằng sống".
Câu tuyên xưng của Tông Đồ Tôma vào Chúa Kitô Phục Sinh còn có một ý nghĩa làm nên chính Mùa Phục Sinh nữa: "Thày là sự sống lại và là sự sống". Bởi vì, nếu Thày không phải là "Chúa" thì Thày đã không "sống lại", nhưng nay vì Thày đã thật sự "sống lại" nên Thày quả thực là "Thiên Chúa" hằng sống, là chính "sự sống" vậy.
Câu Chúa Giêsu phán sau lời tuyên xưng chính xác của vị tông đồ không còn hoài
nghi này là "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã
không thấy mà tin": Trước hết, không phải là Người hoàn toàn phủ nhận đức tin
không cần chứng từ, bằng không đức tin Kitô giáo sẽ dễ trở thành hoang đường,
chỉ thuần linh, nhất là thiếu chứng cứ lịch sử, không hợp với tầm mức lập
luận của trí khôn và cảm nhận của tâm linh, phản lại với đường lối nhập thể của
Người.
Sau nữa,
khi khẳng định "Phúc cho những ai đã không thấy mà tin", Chúa Kitô Phục Sinh muốn
nhấn mạnh đến chính cốt lõi của đức tin, đến thực tại thần linh của đức tin, như
chính lời tuyên xưng của Tông Đồ Tôma, vị tông đồ không tuyên xưng: "Vâng, giờ
đây con đã tin rằng Thày đã sống lại từ trong cõi chết", mà là "Lạy Chúa con,
lạy Thiên Chúa của con", vì biến cố phục sinh, cho dù là yếu tố then chốt của
Mầu Nhiệm Vượt Qua và làm nên Mầu Nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm cho thấy tất cả
mạc khải thần linh của Thiên Chúa, vẫn là một phương tiện hay một đường lối hơn
là cùng đích, là mục tiêu, vì biến cố phục sinh cần phải có và không thể nào
không xẩy ra để Vị "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24) và "vô hình" (Colose
1:15) chứng tỏ Ngài thực sự là "Chúa" và là "Thiên Chúa".
Sau hết,
khi tuyên phán "Phúc cho những ai đã không thấy mà
tin", Người muốn ám chỉ đến chung Giáo Hội, một Giáo Hội có nền
tảng là các tông đồ (xem Epheso 2:20), tiêu biểu nhất có thể nói là Tông Đồ
Gioan, "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" cũng là người môn đệ duy nhất đứng
dưới chân thập giá của Người với Mẹ của Người và được Người trao phó cho Mẹ của
Người và muốn phải noi gương bắt chướng Mẹ của Người (Gioan 19:25-27), một người
môn đệ, như Mẹ Maria, đã tin Người sống lại rồi, cho dù chưa được Người thực sự
hiện ra như với Mai Đệ Liên (xem Gioan 20:8, 13-17).
Tông Đồ Gioan và nữ môn đệ đặc biệt Mai Đệ Liên là 2 nhân vật trung kiên
theo Chúa Kitô cho đến cùng, cho đến khi đứng dưới chân thập giá của Người đấy.
Thế nhưng, cả hai đều thấy chứng cớ phục sinh trước khi Chúa Kitô Phục Sinh hiện
ra: Nữ môn đệ Mai Đệ Liên thấy trước, thấy tảng đá đã được chuyên rời (xem Gioan
20:1), thậm chí còn nhìn thấy và nghe thấy hai thiên thần ở bên trọng ngôi mộ
(xem Gioan 20:12-13), đến độ "nhìn thấy Chúa Giêsu đứng đó" (Gioan 20:14) mà vẫn
chưa tin..., trong khi đó, Tông Đồ Gioan, chỉ cần chứng từ các tấm khăn liệm
trong ngôi mộ trống là đủ: "Ông đã thấy và đã tin" (Gioan 20:8).
Như thế cả Tông Đồ Gioan cũng "thấy" rồi mới "tin" thì
có hơn gì Tông Đồ Tôma hay Nữ Môn Đệ Mai Đệ Liên đâu? Đúng thế nhưng mà vấn đề ở
đây là Tông Đồ Gioan đã "tin" trước khi được Chúa Kitô hiện ra, nghĩa là cho dù
Người có hiện ra hay không thì Người quả thực đã sống lại, vì đối với Tông Đồ
Gioan, như với Mẹ Maria đầy ơn phúc, Vị thậm chí không cần phải tận mắt thấy
chứng cứ như Tông Đồ Gioan nữa, Chúa Kitô đã thực sự là "Chúa" và là "Thiên
Chúa" rồi, nên Người không thể nào chết mà không sống lại, trái lại, chính vì
Người là "Chúa" và là "Thiên Chúa" mà Người phải sống lại và chắc chắn phải sống
lại để chứng tỏ lời Người đã tự xưng thực tại thần linh của Người và loan báo
trước về thực tại thần linh của Người: "Thày là sự sống lại và là sự sống"
(Gioan 11:25).
Đức tin tông truyền của Giáo Hội là ở chỗ đó. Kitô hữu
hậu sinh tuy không được tận mắt thấy Chúa hiện ra, hay được diễm phúc sống với
Người, được diễm phúc mắt thấy, tai nghe, tay sờ vào Người như các tông đồ (xem
1 Gioan 1:1), nhưng có cùng một đức tin như chính các vị, không phải chỉ tin
rằng quả thực có một nhân vật Lịch Sử Nazarét, đã chịu tử giá và đã phục sinh,
vào thời điểm lịch sử của các vị, mà còn tin rằng "Thày là Đức Kitô, Con Thiên
Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), "là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25) để
sấp mình xuống tôn thờ Người: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con".