Đức
Kitô Phục Sinh niềm vui cuộc sống
Giáo Hội Chính Thống có một truyền thống
rất ý nghĩa về lễ Phục Sinh: Sau Thánh Lễ mỗi
người được phát cho một quả trứng
gà đã được làm phép. Khi đến chúc mừng lễ
cho nhau, người ta đập vỡ quả trứng và
nói: “Đức Kitô đã sống lại”. Người kia cũng đập quả trứng và
đáp lại: “Quả thật, Đức Kitô đã sống
lại, Halleluia”.
Ngày nay, ở các nước Âu Châu
vào dịp lễ Phục Sinh, người ta vẫn thấy
trưng bày các quả trứng được trang trí tô vẽ
đủ màu sắc rực rỡ, thậm chí có cả những
quả trứng chocolate lớn nhỏ đủ
cỡ dành để làm quà tặng mừng Chúa Phục Sinh.
Thưa anh chị em,
Quả trứng có vỡ ra, con gà
mới có thể chào đời. Cũng thế, ngôi
mồ có mở ra, Đức Kitô mới sống lại từ
cõi chết. Trước khi đập vỡ
quả trứng để chào đời, con gà đã phải
ngủ vùi trong quả trứng. Cũng
thế, Đức Kitô đã bị chôn vùi trong mồ ba ngày
rồi mới sống lại. Tin Mừng hôm nay đã
cho chúng ta thấy ngôi mồ trống và loan báo tin Đức
Kitô đã sống lại.
Ngài đã chết. Người ta
đã chôn Ngài trong mồ đá. Cửa mồ
mở ra. Xác Ngài không còn đó nữa.
Maria Madalena hoảng hốt kêu lên; “Người
ta đã lấy mất xác Thầy rồi!”.
Hai môn đệ Phêrô và Gioan chạy ra mồ
kiểm chứng. Hai ông thấy mồ mở
toang. Nhìn vào trong thấy khăn liệm
còn đó, nhưng xác Ngài đã biến mất. Gioan,
người môn đệ Chúa yêu, đã thấy và đã tin:
Chúa đã sống lại thật như Ngài đã tiên báo.
Chúa đã sống lại. Chúa đã từ
trong cõi chết sống lại. Ngài sống lại thật
sự chứ không phải chỉ sống trong tưởng
tượng, trong lòng tin của chúng ta, tuy chúng ta không thấy
Ngài, tuy chúng ta chỉ nhận ra Ngài nhờ đức tin.
Nhưng Ngài đang sống thật, dù chúng ta không tin. Ngài cũng đang sống thật, đang điều
khiển dòng lịch sử.
Chúa Giêsu đã sống lại. Ngài không tỏ mình cho quần
chúng từng đi theo Ngài khi Ngài đi
rao giảng, nhưng chỉ cho một số người
được tuyển chọn để làm chứng nhân.
Họ đã được thấy Ngài Phục Sinh,
được ăn uống với Ngài
sau khi Ngài từ cõi chết sống lại.
Người Do Thái không chịu
tin, đút tiền cho lính canh để lấp liếm. Người Hy Lạp
cười khinh bỉ khi nghe Thánh Phêrô nói đến hai tiếng
“Phục Sinh”. Nhưng đối với chúng ta thì Chúa
Giêsu sống lại đem ý nghĩa cho cuộc sống của
chúng ta: Nếu Chúa Kitô không sống lại, chúng ta vẫn
còn mang tội lỗi trong mình và không ai giải cứu
được chúng ta, không ai đem chúng ta đến gặp
Thiên Chúa được. Nếu Chúa Kitô không sống lại,
chúng ta sẽ là những người vô phúc nhất, ngu đần nhất, vì chúng ta đặt
tin tưởng vào một chuyện hão huyền. Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì thập giá
chỉ là dấu hiệu của ô nhục, những đau
khổ của con người không có lối thoát và cái chết
của con người là ngõ cụt, là đường cùng.
Nhưng Chúa Kitô đã sống lại. Ngài đã cho chúng ta
niềm hy vọng. Ngài đã đem theo những
đau khổ của loài người qua bên kia bờ tuyệt
vọng, làm cho những đau thương quằn quại
của con người không còn là nỗi quằn quại của
kẻ sắp bị cái chết tiêu diệt, nhưng là nỗi
đau của người mẹ đang sinh con, nỗi
đau làm phát sinh sự sống mới. Chúa
Kitô đã sống lại, thập giá không còn là dấu hiệu
của ô nhục, nhưng là dấu hiệu của vinh
quang. Tin Mừng theo Thánh Gioan quan niệm
thập giá là nơi Chúa Giêsu được tôn vinh. Cái “Giờ” mà Chúa Giêsu vừa trông đợi vừa
lo sợ, chính là giờ Ngài được giương cao
trên thập giá để kéo mọi người lên cùng Ngài.
Chúa Giêsu đã sống lại, khiến cho cái chết của
chúng ta không còn là ngõ cụt, không còn là đêm tối tuyệt
vọng nữa, vì ánh sáng của Chúa Kitô đã bừng lên
trong cõi chết. Chúa Kitô đã sống lại, niềm hy vọng
của chúng ta không phải là hão huyền, vì Ngài đang ngự
bên hữu Thiên Chúa, Ngài đang điều khiển dòng lịch
sử, và khi Ngài tỏ hiện trong vinh quang, thì chúng ta
cũng được xuất hiện cùng với Ngài trong
hạnh phúc và vinh quang bất diệt.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đã được sống
lại với Chúa Kitô Phục Sinh. Nhờ phép Rửa, chúng ta đã
được tham dự vào sự chết và sự sống
lại của Chúa Kitô, được mang mầm sống mới
trong mình, mầm sống ấy phải lớn lên trong cuộc
sống mỗi ngày và sẽ đưa chúng ta vượt
qua chính cái chết tự nhiên của con người để
vào cuộc sống vinh quang với Chúa Kitô. Sự
sống của chúng ta, vinh quang của chúng ta được
dấu ẩn trong Chúa Kitô. Hiện giờ
chúng ta chưa thấy vinh quang ấy như thế nào,
nhưng khi Chúa Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ thấy.
Vì Ngài thế nào thì chúng ta cũng sẽ giống
như vậy.
Chúa Kitô đã chết và đã sống lại vì chúng
ta, chính là để chúng ta không còn sống cho mình nữa,
không còn khư khư giữ lấy mạng sống, giữ
lấy sự bảo đảm an toàn ích kỷ của mình
nữa, nhưng là phải sống cho Chúa Kitô và như Chúa
Kitô, hoàn toàn vì Thiên Chúa và cho tha nhân. Nếu đã được
sống lại với Chúa Kitô, chúng ta đừng tìm những
gì con người ích kỷ hẹp hòi, con người theo xác thịt xui chúng ta tìm kiếm; nhưng
hãy nhìn thẳng về cùng đích của chúng ta mà tiến
lên. Chúa Kitô đã mang lại cho những
đau khổ của con người một ý nghĩa,
đã làm cho cuộc sống trần gian nầy không còn là một
ảo tưởng, nhưng là một phản ảnh và là
con đường đưa đến cuộc sống
vĩnh cửu.
Nếu sự Phục Sinh của Chúa Giêsu thật là cần
thiết cho chính Ngài và cho những người tin vào Ngài,
thì nó cũng lại rất cần cho cuộc sống hôm
nay của chúng ta, khi mà nhiều người chán sống,
khi mà cuộc đời có quá nhiều cái làm chết con
người hoặc coi thường mạng sống con người.
Chúa sống lại là một tin vui cho người đang
tin vào cuộc sống đời sau, và còn là lời cảnh
tỉnh cho người tưởng chết là hết, chết
là giải quyết tất cả…
Nếu chúng ta tin như vậy, thì hơn ai hết,
chúng ta phải làm chứng cho niềm tin Phục Sinh nầy
bằng cách dám chấp nhận gian khổ, chấp nhận
hy sinh, để cùng với mọi người xây dựng
một xã hội tốt đẹp, cho mọi người
được sống xứng đáng phẩm giá con
người hơn. Nếu chúng ta tin rằng mọi sự
từ bỏ đều được Chúa đền bù, mọi
hy sinh đều là tham dự vào hy sinh cao cả của Chúa
Kitô, thì tại sao chúng ta không dám từ bỏ, không dám hy
sinh? Nếu chúng ta tin rằng: Chúa Kitô đã giải thoát
chúng ta khỏi ách tội lỗi, khỏi con người theo xác thịt ích kỷ hẹp hòi và cho chúng
ta một Thần Khí mới, một tinh thần mới, thì
tại sao chúng ta cứ tiếp tục sống ích kỷ hẹp
hòi? Tại sao chúng ta cứ khư khư giữ lấy sự
an toàn bản thân, không dám liều mạng,
xả thân vì anh em, vì tha nhân? Hạt giống
chỉ có thể nẩy mầm khi nó có thể phá huỷ
được cái vỏ bao bọc nó. Con gà chỉ có
thể ra đời khi phá vỡ vỏ trứng. Con tằm
phải phá ổ kén mới thành con bướm. Có cuộc chuyển hoá hay vượt qua nào mà không
đau khổ, rướm máu?
Trong ngày mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta hãy kiểm
điểm xem: chúng ta đã thật sự sống niềm
tin Phục Sinh chưa? Chúng ta đã đánh giá
đúng những thực tại trần thế chưa?
Chúng ta đã nhìn gian khổ, hy sinh, nỗ lực của con
người bằng cặp mắt nào, cặp mắt của
một người chỉ tin vào của cải vật chất
hay của một người tin vào một cuộc sống
vượt trên cuộc sống trần gian nầy và làm cho
cuộc sống trần gian nầy có ý nghĩa cao cả thật
sự của nó?
Trong Thánh Lễ Phục
Sinh hôm nay, khi chúng ta mừng Chúa Kitô đã chết và đã sống
lại vì chúng ta, chúng ta hãy cầu xin Ngài cho chúng ta biết
sống như Ngài: sống cho Chúa và sống cho mọi
người anh em.
|