Phụng Vụ Lời Chúa Tam Nhật Vượt Qua
Tam Nhật Thánh là tột đỉnh của chẳng những mạc khải thần linh của Thiên Chúa mà còn là tột đỉnh của cả phụng niên của Giáo Hội, bắt đầu từ Lễ Rứa Chân Chiều Thứ Năm cho tới Lễ Vọng Phục Sinh Đêm Thứ Bảy.
Thứ Năm Tuần Thánh Giáo Hội cử hành phụng vụ Thánh Thể để tưởng nhớ đến việc Chúa Kitô rửa chân cho các môn đệ và thiết lập Bí Tích Thánh Thể, rồi sau đó Người rút lui vào Vườn Cầu Nguyện.
Thứ Sáu Tuần Thánh Giáo Hội (không cử hành phụng vụ Thánh Thể, mà chỉ) cử hành các nghi thức phụng vụ để tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn và tử giá vô cùng bất công, nhục nhã, khốn nạn và đau thương của Chúa Kitô.
Thứ Bảy Tuần Thánh được coi là ngày Chúa đang yên nghỉ trong ngôi mồ thánh chờ cho đến giây phút phục sinh đúng như lời Người đã tiên báo, tức là giây phút Giáo Hội cử hành Lễ Nửa Đêm Vọng Phục Sinh.
Tam Nhật Vượt Qua, có thể nói, về hình thức, bao gồm các biến cố cứu chuộc loài người, nhưng về nội dung và tinh thần, chất chứa tình yêu trọn hảo của một Vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu, một tình yêu "cho đến cùng".
Thứ Năm Tuần Thánh: Rửa Chân - "Tình Yêu đến cùng": Giuđa
Thứ Sáu Tuần Thánh: Khổ Giá - "Tình Yêu đến cùng": Giáo Hội
Thứ Bảy Tuần Thánh: Mồ Trống - "Tình Yêu đến cùng": Sự Sống
Thứ Năm Tuần Thánh: Rửa Chân - "Tình Yêu đến cùng": Giuđa
Nguyên trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, mở đầu Tam Nhật Vượt Qua, chúng ta đã thấy Chúa Kitô, qua hành động Người làm, bao gồm việc rửa chân cho các môn đệ và thiết lập Bí Tích Thánh Thể, đã bao gồm cả Mầu Nhiệm Vượt Qua và hướng về Mầu Nhiệm Vượt Qua rồi của hai ngày sau đó rồi, ở chỗ:
Việc Người rửa chân cho các môn đệ như một người hầu hạ phục vụ chủ nhân của mình là biểu hiệu cho cuộc khổ nạn và tử giá của Người: "Con Người đến không phải để được hầu hạ mà là để hầu hạ và hiến mạng sống mình cho nhiều người" (Mathêu 20:28);
Việc Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể để "các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày" (Luca 22:19) chính là để hoàn tất lời Người đã hứa "Bánh Tôi sẽ ban chính là thịt Tôi cho thế gian được sự sống" (Gioan 6:51), và Người đã hoàn tất lời hứa này khi chính "Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và trao cho họ mà phán..." (Luca 22:19).
Trước hết, về việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, một truyền thống mà chính bản thân của vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô cũng đã lãnh nhận và tiếp tục truyền lại, như ngài đã thú nhận và đã viết về cách thức Bí Tích Thánh Thể được Chúa Giêsu thiết lập trong Thứ 2 gửi Giáo Đoàn Corinto (11:23-26):
"Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: 'Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta'. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: 'Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta'. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến".
Thới điểm Chúa Giêsu muốn thiết lập Bí Tích Thánh Thể này là thời điểm sửa soạn dọn mừng Lễ Vượt Qua của người Do Thái, vì mỗi khi Giáo Hội cử hành phụng vụ Thánh Thể cũng là cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người, và truyền thống phải hằng năm cho đến muốn đời phải cử hành Lễ Vượt Qua này của Người Do Thái cũng rất quan trọng bởi vì họ cần phải nhớ đến công cuộc giải phòng họ khỏi thân phận làm nô lệ bên Ai Cập để nhờ đó họ có thể sống tự do trong Đất Hứa.
Bài đọc 1 được trích từ Sách Xuất Hành (12, 1-8. 11-14), nhà giải phóng Moisen đã ghi lại lời Chúa phán như thế này, ám chỉ về Chúa Kitô là Con Chiên Vượt Qua sau này, bao gồm cả món ăn, cách ăn và thời điểm ăn Lễ Vượt Qua:
"Mùng mười tháng này, ai nấy phải bắt một chiên con, mỗi gia đình, mỗi nhà một con... Chiên đó không được có tật gì, phải là chiên đực, được một năm... Vậy phải để dành cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Ðêm ấy sẽ ăn thịt nướng với bánh không men và rau đắng. Phải ăn như thế này: Phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã: vì đó là ngày Vượt Qua của Chúa. Ðêm ấy Ta sẽ đi qua xứ Ai-cập, sẽ giết các con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến súc vật, và Ta sẽ trừng phạt chư thần xứ Ai-cập: vì Ta là Chúa".
Có một điều rất đặc biệt liên quan đến phụng vụ Lời Chúa của ngày Thứ Năm Tuần Thánh này. Đó là việc Chúa Kitô lập Bí Tích Thánh Thể quan trọng như vậy mà không có một Phúc Âm nào, từ bộ Phúc Âm Nhất Lãm, được Giáo Hội sử dụng để đọc lên trong ngày này, mà chỉ dùng bài đọc 2, được trích từ Thư 2 của Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Côrintô (11:23-26).
Cho dù Giáo Hôi đã bù đắp lại điều này vào Thứ Năm sau Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi trong dịp Lễ Kính Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô hằng năm rồi, nhưng phải có lý do chính đáng Giáo Hội mới chọn đọc Bài Phúc Âm của Thánh Ký Gioan về biến cố Người rửa chân cho các môn đệ của Người thay vì việc Người thiết lập Thánh Thể (biến cố không được Thánh ký Gioan ghi lại).
Phải chăng việc lập Bí Tích Thánh Thể vẫn không phải hay chưa phải là tất cả những gì được chính vị Thánh ký Gioan cảm nhận về Chúa Giêsu, như ngài trong câu đầu tiên ngài viết như để giới thiệu về ý nghĩa sâu xa và mục đích của việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, đó là: "Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng"?
Tại sao "Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng" ở đây được Thánh ký Gioan thuật lại là việc Chúa Kitô rửa chân cho các môn đệ chứ không phải việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể? Vậy thì việc Người rửa chân cho các môn đệ còn cao trọng và quan trọng hay cần thiết hơn cả việc Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể hay sao??
Đúng như Thánh ký Gioan cảm nhận:"Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng", nghĩa là đến con chiên lạc cuối cùng là người môn đệ Giuđa Íchca đang có âm mưu phản nộp Người. Thật vậy, trong danh sách các tông đồ thì người môn đệ Giuđa Íchca được liệt kê cuối cùng và Phêrô được liệt kê đầu tiên (xem Mathêu 10:1-4; Marco 3:16-19; Luca 6:13-16). Và trong chính bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Gioan đã nhắc đến người môn đệ vô cùng đáng thương này 3 lần, lần nào cũng liên quan trực tiếp đến việc Chúa Giêsu rửa chân cho chung các tông đồ và cho riêng Giuđa:
Lần 1: "Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau".
Lần 3: "Chúa Giêsu nói: 'Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu'. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: 'Không phải tất cả các con đều sạch đâu'". Nghĩa là Chúa Giêsu cố ý nói về người môn đệ gian ác Giuđa (là chân) trong tông đồ đoàn (là "cả mình đã sạch") vô cùng đáng thương vẫn cần phải được cứu vớt - "chỉ cần rửa chân", như người chủ chiên nhân lành chỉ cần đi tìm cho bằng được con chiên lạc duy nhất trong đàn đã bỏ tất cả 99 con chiên khác lại một chỗ vậy (xem Luca 15:4), để chứng tỏ mình "yêu cho đến cùng".
Câu cuối cùng kết thúc bài phúc âm của Thánh ký Gioan sau khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ cũng chất chứa một ý nghĩa rất sâu xa: "Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: 'Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con'".
Trước hết, "Nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau" ở đây Chúa Kitô muốn nói gì vậy, nếu không phải Người muốn kêu gọi các môn đệ của Người rằng các con hãy yêu thương nhau "cho đến cùng", nhất là "những người anh chị em hèn mọn nhất của Ta" (Mathêu 25:40,45), như Người đã rửa chân cho Giuđa, người môn đệ cuối cùng, đáng thương trên hết các tông đồ, chứ Người không có ý nói "cũng phải rửa chân cho nhau", mà bấy giờ ở đó chỉ toàn là các tông đồ thôi, là chỉ rửa chân cho các đấng bậc trong Giáo Hội, tức các vị giám mục thừa kế các tông đồ rửa chân cho nhau, không được bao gồm cả linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân.
Phải chăng Đức Thánh Cha Phanxicô đã hiểu lời khuyên dạy cuối bài phúc âm này theo chiều hướng phục vụ thành phần anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô, nên vào các Thứ Năm Tuần Thánh, ngay từ khi làm giáo hoàng, ngài đã đến các nhà tù để rửa chân cho cả nữ giới và tín hữu khác đạo.
Sau nữa, câu cuối cùng của bài phúc âm hôm nay "vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con", phải chăng sau đó Người đã nói rõ hơn về "tấm gương" của Người cho các môn đệ "bắt chước" khi Người chính thức ban bố giới răn mới, giời răn "trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48), ở chỗ, "Các con hãy xót thương như Cha của các con thương xót" (Luca 6:36), tức là mức độ yêu thương không phải chỉ yêu nhau như bản thân mình - ái nhân như kỷ, mà còn yêu nhau hơn mình, yêu như Thày yêu, "yêu cho đến cùng": "Như Thày đã yêu thương các con thế nào, các con cũng hãy yêu nhau như vậy" (Gioan 13:34;15:12).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
(xin đón đọc tiếp)
Thứ Sáu Tuần Thánh: Khổ Giá - "Tình Yêu đến cùng": Giáo Hội
Thứ Bảy Tuần Thánh: Mồ Trống - "Tình Yêu đến cùng": Sự Sống
|