Thánh Nữ Têrêsa Avila
Thánh Têrêsa Chúa Giêsu hay còn gọi là Têrêsa Avila sinh năm 1515 và mất năm 1582. Ngài là một người phụ nữ, một vị thánh, một nhà thần bí, và một tiến sĩ Hội Thánh. Thánh nữ được biết đến nhiều nhất qua việc canh tân Dòng Cát Minh bằng chọn lựa trở về với bộ Thể Lệ Sống nguyên thủy của Dòng Cát Minh. Ngài cũng được biết đến qua những tác phẩm sâu sắc về đời sống nội tâm. Đỉnh cao của hành trình nội tâm được thánh nữ diễn tả là một cuộc kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Như một người phụ nữ cầu nguyện, thánh Têrêsa là một gương mẫu tiêu biểu cho tất cả những ai ước muốn sống một đời sống đơn sơ với Thiên Chúa giữa một thế giới phức tạp. Trong tâm tình của ngày mừng lễ thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, xin được giới thiệu tóm lược hành trình nội tâm được ngài viết trong tác phẩm có nhan đề: Lâu Đài Nội Tâm. LÂU ĐÀI NỘI TÂM
Cuốn sách mà Têrêxa gọi là Lâu Đài Nội Tâm quả thật là một câu chuyện về đời sống siêu nhiên của thánh nữ. Bằng những hình ảnh và sự tưởng tượng tài tình, Têrêxa đã hướng dẫn chúng ta đi vào bên trong tâm hồn của thánh nữ, để rồi nói với ta về mối liên hệ mật thiết giữa thánh nữ và Thiên Chúa. Câu chuyện của thánh nữ quy tụ quanh một lâu đài như là một quả địa cầu bằng thủy tinh. Thánh nữ gọi linh hồn, hay là con người là nhân vật chính của câu chuyện, và mời gọi con người ấy làm một cuộc hành trình đi vào trung tâm của lâu đài, theo như lời thánh nữ nói, là nơi Nhà Vua đang ngự trị. Bầu khí xung quanh lâu đài thật là lạnh lẽo và tối tăm, những vùng đất bao quanh thật hiểm trở đầy những rắn rít và những loài cầm thú nguy hiểm. Một khi con người tiến vào lâu đài, bóng tối đã nhường chỗ cho ánh sáng, và những cảm giác rực rở ấm áp dường như phát xuất từ phía bên trong ta. Để đến được với Nhà Vua, người ta phải đi qua nhiều phòng. Những phòng này được sắp đặt theo những vòng tròn bao bọc mà Têrêxa gọi là cư sở gồm những căn phòng xếp phía trên, phía dưới và bên cạnh nhau. Cư sở thứ nhất gồm những căn phòng trên phía bề mặt quả địa cầu, là những chặng đường trên lộ trình tiến về chính điện của lâu đài, là cư sở thứ bảy của nó. Đối với thánh Têrêxa, mỗi một cư sở trong lâu đài là một thế giới riêng, gồm những phòng nhỏ, những khu vườn, suối nước và những lối đi. Mỗi một cư sở như thế đều có những nét quyến rũ cho khách bộ hành, nhưng điểm lôi cuốn mạnh mẽ nhất thì phải phát xuất từ giữa trung tâm. Đây chính là cách thức mô tả của Têrêxa về sự liên hệ của thánh nữ đối với Chúa, và một cách đặc biệt hơn, là nếp sống cầu nguyện của thánh nữ. Thánh nữ nói cho chúng ta nghe về câu chuyện của thánh nữ bằng những hình ảnh của cuộc hành trình đi vào cái lâu đài vĩ đại này để tìm kiếm Nhà Vua tại chính điện của lâu đài. Cầu nguyện chính là cánh cửa dẫn đến lâu đài và cũng chính cầu nguyện dẫn thánh nữ qua những cư sở khác nhau để tiến về gian phòng của Nhà Vua. Mối liên hệ của thánh nữ với Thiên Chúa được hình thành qua những kinh nghiệm của thánh nữ với những niềm vui, sự bình an, nỗi niềm khắc khoải, sự thoả mãn cũng như nỗi thất vọng, sự trống vắng cũng như sự vươn lên tiến gần hơn tới Thiên Chúa. Ba cư sở đầu tiên trong lâu đài diễn tả nỗ lực của con người khi họ bắt đầu một mối liên hệ bằng sự cầu nguyện nghiêm chỉnh với Thiên Chúa. Thánh Têrêxa gọi giai đoạn này là giai đoạn suy niệm hoặc cầu nguyện chủ động. Trong cư sở đầu tiên, con người cảm thấy nhận được tiếng gọi của Chúa để bắt đầu cuộc hành trình sẽ đem họ về gần với Chúa hơn. Con người này mới bắt đầu một cuộc sống cầu nguyện. Tuy nhiên, thánh Têrêxa nói rằng bóng tối khó chịu bên ngoài và những loài cầm thú xung quanh có khuynh hướng muốn xâm nhập vào bên trong những chốn này. Vì thế sẽ có rất nhiều điều lo ra chia trí ngăn trở con người tiến gần về với chính điện và; do đó, tiến gần về với Thiên Chúa nhiều hơn. Thánh Têrêxa diễn tả giai đoạn này như sau: “Mặc dầu đây không phải là một giai đoạn xấu nhưng thời điểm này thường bị chi phối nhiều bởi những vấn đề của trần gian và thường bị quyến rũ bởi những của cải trần thế, bởi những vinh dự và những công việc làm ăn; mặc dầu con người mong mỏi được chiêm ngắm và vui hưởng vẻ đẹp của chính điện, những vấn đề ấy không cho phép họ dễ dàng lẫn trốn những ngăn trở này.” (LĐNT, 1, Ch.2, Số 14.) Mặc dầu cuộc hành trình đã được bắt đầu: con người thường bị xâu xé bởi nhiều điều cám dỗ và cảm thấy rằng việc chú tâm cầu nguyện đối với họ thì rất khó khăn trong cư sở thứ nhất này. Trong cư sở thứ hai, hay là trong dãy phòng của vòng thứ hai này, thánh Têrêxa nói rằng ở đây con người có thể nghe tiếng Chúa một cách thân mật hơn. Đây là một sự thách đố cá nhân, khi họ bước vào sự kết hiệp với Chúa một cách mật thiết hơn, với lời mời gọi của Thiên Chúa là phải nỗ lực nhiều hơn trong cuộc sống tâm linh của họ. Têrêxa nói rằng, trong giai đoạn này mỗi khi nghe được tiếng gọi của Chúa sẽ bị thử thách nhiều hơn là khi không nghe tiếng Ngài. Bởi vì tiếng gọi ấy thường làm xáo trộn đời sống con người, khiến con người không còn đặt trọng tâm cuộc sống nơi cá nhân họ, để rồi họ sẽ thấy rõ hơn những gì đáng được xem là ưu điểm cho cuộc sống của họ. Cư sở thứ ba là nơi để chiếm hữu được một sự bình an nội tâm sâu xa hơn. Sự cầu nguỵên sẽ trở thành một phần của cuộc sống hằng ngày cho những con người thành tâm tìm kiếm một sự kết hợp thân mật hơn với Thiên Chúa. Thánh Têrêxa nói rằng có rất nhiều người trưởng thành đang sống trong giai đoạn này. Những người này có một cuộc sống tương đối bình an và ổn định. Họ đặt vấn đề cầu nguyện và bí tích lên cao trong cuộc sống của họ và chú tâm nhiều hơn trong những việc phục vụ anh chị em mình. Một số người thật sự đã thấy thoải mái và hài lòng nhiều với cư sở thứ ba này, nhưng nhiều người khác lại cảm thấy có tiếng gọi để tiến sâu hơn vào trong lâu đài. Tiếng gọi ở đây thường cho thấy rằng đời sống cầu nguyện trong cư sở thứ ba không còn khiến họ vui sướng nữa. Hình như Thiên Chúa một lần nữa xáo trộn đời sống của họ, và nhiều người đã giải thích sai lầm dấu hiệu này. Họ có khuynh hướng nghĩ rằng có lẽ đời sống cầu nguyện của họ đã có điều gì trục trặc bởi vì họ không còn tìm thấy sự an ủi trong kinh nghiệm và không tìm thấy sự thoả mãn trong cuộc sống tâm linh của họ. Têrêxa đã cho thấy rằng thật ra không có gì trục trặc đối với những con người thành tâm, bởi vì chính Chúa đang kêu gọi họ bước vào một hình thức cầu nguyện mới hơn và một mối liên hệ siêu nhiên khác biệt hơn. Thiên Chúa đang muốn họ hy sinh luôn cả trạng thái ổn định họ đã tìm thấy trong cư sở thứ ba. Cư sở thứ tư, đối với thánh Têrêxa, là giai đoạn của đổi mới. Con người được mời gọi chuyển từ cuộc sống cầu nguyện chủ động bước sang một cuộc sống cầu nguyện có tính cách thụ động hơn. Để phân biệt giữa lối suy niệm chủ động được dùng nhiều trong ba cư sở đầu tiên với sự nguyện gẫm an tĩnh trong cư sở thứ tư này, thánh Têrêxa đã dùng lối so sánh ẩn dụ của hai kiểu máng nước. Kiểu thứ nhất phải tốn nhiều năng lực bằng sự thiết kế những ống dẫn nước, trong lúc kiểu thứ hai nhẹ nhàng hơn vì phát xuất từ nguồn suối nước. Kiểu thứ nhất là lối suy niệm chủ động và kiểu thứ hai là sự nguyện gẫm an tĩnh. Đó là ơn Chúa ban chứ không do ta luyện tập. Thường thì đó là phần thưởng Chúa dành cho những người đã kiên trì cố gắng xây dựng cho mình sự thinh lặng nội tâm. Thánh nữ nhấn mạnh đến điều cần ghi ở đây là sự kiên tri của thân phận con người mà Thiên Chúa nhập thể đã mặc lấy. Cần quảng đại ngay nơi những điều nhỏ của giây phút hiện tại. Lắm người sau khi đã hiến dâng hàng tỉ đồng lại nuối tiếc lén lấy lại 50 xu, làm cho nghĩa cử của mình bổng dưng bị hoen ố. Mỗi điều nhỏ của hiện tại nơi tư tưởng, lời nói và hành vi cử chỉ đều là 50 xu của cuộc sống. Thánh Têrêxa nói rằng cư sở thứ năm là thời gian củng cố cách cầu nguyện thụ động này để nó sẽ trưởng thành, như danh từ thánh nữ dùng, một lời cầu nguyện của sự kết hợp: “Linh hồn sẽ được hưởng tất cả những gì nó muốn, bởi vì lúc ấy nó chỉ muốn điều Chúa muốn”(2M 8). Thánh nữ diễn tả hình thức cầu nguyện này, mà thông thường con người không thể hiểu hết được bởi vì sự kết hợp với Thiên Chúa bao giờ cũng ngắn và gọn. Nó giống như là cùng chết với Chúa Kitô và cùng sống lại với Ngài trong cuộc sống mới. Cư sở thứ sáu là một biểu tượng của một sự dấn thân sâu đậm hơn trong đời sống chiêm niệm và trong sự cầu nguyện kết hợp nói trên. Đây là thời gian để lột xác con người mình qua nhiều thử thách khác nhau, bên trong cũng như bên ngoài. Têrêxa diễn tả về giai đoạn này của cuộc sống thánh nữ như là một lễ đính hôn và như là thời gian chuẩn bị cho hôn lễ. Nó như là đêm đen của thần khí gom góp tất cả những khổ đau đi vào cuộc sống siêu nhiên của một cuộc lữ hành tiến dần về chính điện của lâu đài. Têrêsa diễn đạt cái kinh nghiệm về Thiên Chúa của thánh nữ trong đời sống cầu nguyện ở cư sở này như là một ngọn lửa âm ỉ trong trái tim thánh nữ. “Tôi dư hiểu rằng hình như nỗi đau đớn này đã chạm tới những chốn sâu thẳm trong tâm hồn và khi mà Đấng làm cho tâm hồn bị thương tích rút nhẹ mũi tên ra khỏi nó, thì dường như nỗi đau đớn này rất tương hợp với cái tình yêu sâu đậm mà linh hồn cảm nhận rằng chính Chúa đang tạo những vết thương sâu thẳm này theo gương của Ngài”. (LĐNT, Ch.2, Số 4). Tại cư sở thứ bảy sẽ có một cuộc đối thoại đổi mới với Thiên Chúa. Tại chính điện của lâu đài, thánh Têrêxa đã nói đến một thị kiến tri thức về Chúa Ba Ngôi, và một thị kiến tưởng tượng về Chúa Giêsu dang hướng dẫn cuộc hành trình nội tâm này đi tới hồi kết. Thánh nữ diễn tả sự hội nhập này như là nước mưa chan hoà rơi xuống một dòng sông – sự kết hợp của nước đã hoàn thành. Và thật là mâu thuẫn, bởi vì chính việc đạt tới đích điểm là nơi chính điện của lâu đài lại càng thôi thúc con người dấn thân sâu xa hơn vào việc phục vụ mọi người. Như thánh Têrêsa nói với nữ tu của mình: “Hỡi các con gái của mẹ, lý do phải cầu nguyện cũng như mục đích của cuộc hôn phối tâm linh này chính là: cuộc sinh hạ mãi mãi những công việc tốt lành.” (LĐNT, VII, Ch.4, Số 6)
|