Những im lặng sau tiếng hoan
hô
(Lm Trịnh Ngọc Danh)
Lần thứ ba, Chúa
Giêsu tiên báo về sự chết và sự sống lại
của Ngài: “Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con
Người sẽ bị nộp cho các thượng
tế, các luật sĩ và các kỳ lão. Họ sẽ
kết án tử hình Người, và
nộp Người cho dân ngoại. Họ
sẽ nhạo cười Người, phỉ nhổ vào
Người, đánh đòn và giết Người và ngày
thứ ba Người sẽ sống lại”. (Mc. 10,33)
Thế là
Thầy trò lên đường đi lên Giêrusalem. Chúa
Giêsu dẫn đầu đi trước các môn đệ
và các ông hết sức bỡ ngỡ, những người
theo sau thì sợ hãi. (Mc. 10,32)
Khi đến gần
thành Giêrusalem, vào địa hạt Bếtphagê, giáp núi Cây
Dầu, Chúa Giêsu sai hai môn đệ: “Các con hãy đến
làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ
gặp một con lừa cột sẵn, trên lưng nó
chưa hề có ai đã cỡi, các con hãy cởi dây mà dắt
về đây.” Nếu có ai hỏi thì bảo
Chúa cần dùng rồi Ngài sẽ trả lại ngay.
Hai môn đệ dẫn lừa con về, trải áo lên mình
lừa và Ngài cỡi lên. Nhiều người trải áo
xuống đường, kẻ khác chặt cành cây trải
lối đi: kẻ đi trước, người theo sau tung hô: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng
nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Đavít
tổ phụ chúng ta đã đến. Hoan hô
trên các tầng trời”.
Chúa Giêsu
đã long trọng tiến vào thành Giêrusalem bất chấp
những đối thủ đang hầm hực tìm cách
bắt Ngài. Đến thành Giêrusalem, Ngài
tiến vào đền thờ và sau khi đã quan sát mọi
sự, thấy trời đã xế chiều, Ngài về
Bêtania cùng với nhóm mười hai môn đệ.
Vinh quang
trong ngày Lễ Lá chỉ là một thoáng qua và sau đó là
những gì sẽ xảy ra? Thưa,
đó là những bội phản, những trốn chạy,
những a dua và những im lặng khó hiểu.
Chúa Giêsu im lặng
Chúa Giêsu
bị bắt vào đêm thứ năm.
Trước khi chính
thức bị đưa ra tòa xét xử, Ngài đã bị áp
giải đến dinh cựu thượng tế Anna, là
người rất có uy tín vào thời đó, nhưng
lại là người có ác cảm với Chúa Giêsu. Ông muốn biết cặn kẽ về Ngài,
nhưng ông cũng không khai thác được gì, vì Ngài
vẫn một mực giữ thái độ im lặng.
Tức giận, ông truyền áp giải Chúa Giêsu sang cho
Caipha, con rể của ông đang làm thượng tế
năm ấy.
Caipha cho triệu tập
72 thành viên của Thượng Hội Đồng, tòa án tối cao của người Do thái.
Trước tòa, có nhiều vị đã đứng lên
tố cáo Chúa Giêsu là lộng ngôn, phạm thượng dám
tự xưng mình là Con Thiên Chúa, đã công khai tuyên bố phá
đền thờ Giêrusalem và xây lại trong ba ngày, đã
nhiều lần vi phạm qui luật về ngày
Sabbat…Trước những lời tố cáo ấy, Chúa Giêsu
vẫn im lặng không một lời phân bua, biện
hộ. Và Ngài chỉ trả lời cho Caipha những gì Ngài
cần phải nói khi ông hỏi Ngài có phải là
Đấng Kitô, Con Thiên Chúa không, Ngài đã trả lời:
“Đúng như lời ngài nói”. Và Caipha bực tức, xé áo
và tuyên bố: “Chúng ta còn cần chi đến nhân chứng
nữa! Các ông đã nghe lời nói lộng
ngôn, các ông nghĩ sao?” Ai nấy đều lên án Ngài đáng chết. Nhưng kể từ
khi bị người Rôma đô hộ, người Do thái
không có quyền kết án tử hình
bất cứ ai, nếu không có sự ưng thuận
của chính quyền Rôma. Nên sáng hôm sau, họ lại áp
giải Chúa Giêsu tới tòa tổng trấn Philatô, một
viên chức cao cấp nhất, đại diện cho chính
quyền Rôma tại nước Do thái để xin chuẩn
nhận bản án tử hình.
Trước tòa Philatô,
thay vì tố cáo Chúa Giêsu về tội thuộc lãnh vục
tôn giáo, họ lại chuyển những lời tố cáo
sang lãnh vực chính trị: tội tự xưng là vua dân Do
thái. Philatô thấy không có gì đáng kết tội, nhưng
thấy họ lại càng hung hăng dữ tợn hơn
đòi đóng đinh Chúa vào thập giá; vì muốn tránh né
trách nhiệm, ông đã chuyển vụ án qua cho Hêrôđê,
một người từ lâu đã muốn gặp Chúa
Giêsu, nhưng gặp rồi, ông lại thất vọng vì
Ngài chẳng thỏa mãn được tính tò mò ham vui
của ông. Ông đã hùa với lính để
chế diễu Chúa, rồi trao trả lại cho Philatô.
Tiến thoái lưỡng
nan, cuối cùng Philatô rửa tay thanh minh mình vô can trong
việc đổ máu người vô tội và sau cùng đã
buông xuôi trao Chúa Giêsu cho họ để mặc cho họ
hành động theo ý họ. Họ đã
bắt Chúa vác thập giá, đóng đinh vào thập giá và
cuối cùng Ngài đã chết trên thập giá.
Từ đầu vụ án cho đến lúc kết thúc, Chúa Giêsu đã
im lặng trước những gì người ta vu
khống. Không một lời kháng cáo, không
một lời biện hộ.
Cái im lặng của Chúa
Giêsu là vâng phục, là chấp nhận trong tinh thần
tự nguyện, không oán trách, không kêu ca: “Lạy Cha, nếu
có thể được thì cho con khỏi uống chén này,
nhưng không phải theo ý Con mà xin vâng
theo ý Cha.” Chính vì tinh thần tuân phục theo
ý Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã im lặng chấp nhận
những gì sẽ xảy đến.
Sự im lặng như
thế phải chăng là một hình thức im lặng
như Euripide đã nói: “Im lặng là thú nhận”, là xác
nhận những lời người ta tố cáo như:
“phá đền thờ, ba ngày sẽ xây dựng lại,
tự xưng là Con Thiên Chúa, là vua dân Do thái”. Tất cả những
lời tố cáo ấy là đúng như Chúa đã từng
nói; nhưng khi bị người ta xuyên tạc, bóp méo
tố cáo là “xúi giục dân nổi loạn, ngăn cản
nộp thuế cho Xêsarê…” thì Chúa Giêsu lại im lặng không
một lời thanh minh, cải chính! Với suy nghĩ
của con người, thì đây là một sự im
lặng khó hiểu!
Nếu
những lời tố cáo là chân lý, là đúng sự thật
thì tại sao con người lại kết tội.
Phải chăng tiếng nói thiện tâm đã bị tà tâm
bắt im tiếng!
Lương
tâm im lặng.
Philatô biết rõ chỉ
vì ghen ghét mà người ta đã nộp Ngài (Mt. 27: 18),
đã tuyên bố:“ Ta vô can về máu
người công chính này, mặc kệ các ngươi” (Mt.
27: 24), “ Ta không thấy người này có tội gì” (Lc. 23: 4),
“ Ta không thấy nơi người này có lý do để
kết án” (Ga. 18: 38). Thế mà ông lại không
dám quyết định, lại sợ đụng chạm
đến uy thế và quyền lợi của mình, và
cuối cùng đã xếp Con Thiên Chúa ngang hàng với một
tên trộm cướp.
Các thầy
thượng tế và toàn thể công nghị cố tìm cho
được một chứng cớ buộc tội Chúa
Giêsu để giết Ngài, song họ không tìm ra. Có
nhiều kẻ cáo gian Ngài, nhiều kẻ làm chứng gian,
nhưng chứng cớ của họ không ăn
khớp. Cáo gian, làm chứng gian để
buộc tội một người vô tội như thế
là hợp tình, hợp lý ư? Thế mà
họ cứ khăng khăng cho là sự thật; vậy
lương tâm ngay thẳng của họ ở đâu?
Phải chăng nó đã chết, đã buộc phải im
hơi lặng tiếng để cho ác tâm, thù hận, ghen
ghét lên tiếng!
Thỏa
hiệp, đồng ý, đồng lõa với những gì sai
trái, những gì không đúng sự thật là im lặng
với chân lý, với lẽ phải. Một sự im
lặng khó hiểu!
Lòng tin và lòng mến im
lặng
Hơn ai hết, các môn
đệ là những người theo Chúa, được
Chúa yêu thương dạy dỗ để mai sau còn
tiếp nối công việc của Ngài, thế mà vào
những giấy phút gay go nhất thì có người đã
đang tâm bán đứng Thầy mình với mấy
chục đồng bạc như Giuđa Iscariốt; có
người đã nhiều lần thề thốt sống
chết với Thầy, nhưng trước hiểm nguy
lại ba lần chối bỏ Thầy mình: Tôi không
biết, tôi không quen..Dường như tất cả các
môn đệ đã rút vào bóng tối vì sợ liên lụy,
sợ nguy hiểm đến tính mạng..
Về phía dân Do thái,
họ đã từng theo Chúa Giêsu
để nghe Ngài giảng dạy giáo lý, đã
được thấy Ngài làm nhiều phép lạ, đã
được cho ăn no nê. Hôm trước, người
ta lớn tiếng: Hoan hô Con vua Đavít, thì hôm sau lại gào
thét: Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập gia! Và
nhục nhã hơn, họ xem người họ đã
từng tin tưởng không bằng tên trộm khét
tiếng là Baraba!
Sợ liên lụy, tin
hời hợt, a dua, phản bội…phải chăng đó
là bất trung, bất tín! Là những im lặng khó hiểu
nơi những người mang danh Kitô hữu!
Qua thái độ im
lặng của các môn đệ và của dân Do thái, có
lẽ đây cũng là cơ hội để chúng ta xét
đến thái độ im lặng của chúng ta ngày nay.
Có những lúc chúng ta
phải bắt chước Chúa Giêsu im lặng để
nghe theo thánh ý Thiên Chúa, để chấp nhận những
nghịch cảnh, những bất ưng vì Thiên Chúa và có
những lúc chúng ta không được im tiếng khi
cần phải bảo vệ công lý và lẽ phải, khi
cần phải loan báo Tin mừng đến cho muôn
người nhận biết.
Với một tâm tình
đơn sơ, chân thật, chất phát của trẻ em,
chúng ta hãy bắt chước trẻ em Do thái reo vang ca
tụng: Hoan hô Con vua Đavít; chúc tụng Đấng nhân
danh Chúa mà đến. Đừng như dân Do thái: Hoan hô!
Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, rồi
lại nhất quyết đòi đóng đinh Chúa vào
thập giá, lại xin tha Baraba, một tên trộm
cướp và giết Giêsu, Đấng cứu chuộc nhân
loại.
|