Quỷ đội lốt khỉ
Trong niên ký Dòng Capucinô có chép rằng một trạng sư danh tiếng ở Venise làm giầu bằng những mánh khoé giảo quyệt và bất công, nên sống trong một tình trạng rất thê thảm cho linh hồn.
Ông không hề làm một việc thiện nào ngoài việc mỗi ngày đọc một kinh ngăn ngắn kính Đức Mẹ. Dầu thế, việc sùng kính tầm thường đó cũng xin được cho ông ơn thoát chết đời đời, nhờ tình thương của Đức Mẹ.
Sau đây là chi tiết:
Ông được may mắn kết thân với cha Matthêu Basso. Một hôm ông khẩn khoản mời cha đến dùng cơm trưa tại nhà mình; cha ưng thuận. Lúc ngài tới, ông trạng sư khoe với cha rằng:
- Cha ạ, hôm nay tôi muốn cho cha xem một vật mà cha chưa bao giờ thấy. Tôi có một con khỉ rất kỳ, hầu hạ tôi như một đầy tớ: rửa chén, dọn bàn, mở cửa cho tôi mỗi khi đi về.
Vị linh mục đáp:
-- Xin ông ý tứ, khéo không phải là khỉ đâu; ông gọi nó đến tôi xem nào.
Ông cho gọi khỉ; con khỉ dị thường đó giả điếc không nghe. Người ta tìm khắp chỗ nhưng hắn tránh mặt mọi người. Sau cùng tìm thấy hắn thu hình ngồi ở dưới gầm giường tầng dưới không chịu ra.
Cha dòng nói:
“Được, chúng ta xuống đó”.
Rồi đi với ông trạng sư xuống chỗ con khỉ trốn, ngài gọi nó:
-- Đồ muông thú hoả ngục, ra đây. Nhân danh Chúa ta truyền mày phải nói mày là ai?
Khỉ thú nhận nó là quỷ, đến làm tôi cho ông trạng sư là cốt đợi hễ ngày nào ông quên đọc kinh kính Đức Mẹ là bóp cổ, lôi xuống hoả ngục, vì Chúa đã cho phép như vậy.
Nghe thế, ông trạng sư quỳ xuống chân cha dòng xin ngài cứu giúp. Cha khích lệ cho ông vững tâm, rồi truyền cho quỷ xéo khỏi đó mà không được làm tổn hại gì cho gia chủ, ngài nói:
-- Ta chỉ cho phép mày được chọc thủng một lỗ ở tường nhà, ghi dấu mày đã ra khỏi đây.
Ngài vừa nói xong, một tiếng động lớn nổ rầm, trên tường có một lỗ thủng. Lỗ ấy nhiều lần người ta đem vôi, đá đến vít, nhưng vô hiệu. Chúa muốn để vết tích đó lại lâu dài cho đến khi cha dòng khuyên lấy đá tạc hình một thiên thần rồi đem kháp vào mới được.
Ông trạng sư ăn năn, trở về với Chúa và sống như một thầy dòng khổ tu để đền tội tham lam tiền của lúc trước.
(Thánh Liguori kể trong cuốn Vinh quang Đức Mẹ, ch. VII).
|