Nếu
hạt giống chết đi – Lm. Giuse Đỗ Vân Lực
Con người muôn đời vẫn
ưu tư về đau khổ và cái chết. Đó là một cản trở lớn cho niềm
tin vào Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa toàn năng và
thương yêu con người, tại sao người lành
phải đau khổ? Bởi đó niềm
tin Thiên Chúa cũng gặp bế tắc. Bế
tắc đó chỉ có thể được khai thông
nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã
đem lại cho đau khổ và cái chết một ý
nghĩa lớn lao nhờ chia sẻ sâu
xa thân phận bi đát của con người. Thân phận con người cũng như hạt
giống phải chết đi mới sinh nhiều hoa trái.
Đau khổ và sự chết của Đức Giêsu
trở thành cần thiết cho một mùa màng lớn lao tức là ơn cứu độ muôn dân. Người chính là hạt giống Thiên Chúa gieo
xuống trần gian. Cát bụi trần gian đã vùi
lấp con người nhỏ bé của Người. Nhưng người sẽ trỗi dậy,
vươn cao như bầu trời, đem niềm hi
vọng đến muôn dân.
BỨC TRANH VÂN CẨU
Người Hi lạp ái mộ,
“muốn gặp Đức Giêsu”(Ga 12,21).
Như thế họ đã có lòng khâm phục
và muốn tin tưởng vào Chúa. “Trong Tin Mừng
Gioan, gặp có nghĩa là tin. Đức Giêsu
cho biết họ sẽ gặp Người nếu họ
tin vào Người ngang qua cái chết” (Disciples in Mission
1999:22). Nghĩa là họ sẽ gặp
Người trong vinh quang trên khổ giá. Bởi
vậy thay vì trả lời trực tiếp, Đức
Giêsu đã nói lên một sự thật. Giờ gặp
Người là lúc Người bước vào vinh quang:
“Đã đến giờ Con Người được tôn
vinh” (Ga 12:23). Nhưng vinh quang đó
phải ngang qua khổ giá. Đúng hơn, chính trên
khổ giá, chính lúc chương trình cứu độ
được thực hiện, vinh quang Thiên Chúa tỏa
sáng. Niềm tin của những người
Hi lạp phải ngang qua thập giá mới đạt
được. Đó là lý do tại sao Đức
Giêsu nói với các môn đệ về sự thật trên
bước đường theo Chúa.
Muốn theo Chúa, tiên vàn “Thầy ở
đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở
đó” (Ga 12,26). Thầy leo
lên khổ giá, môn đệ không thể đứng
dưới nhìn lên như khách bàng quan. Khi leo
lên khổ giá, Thầy sẽ trở thành một sức
mạnh thu hút tất cả môn đệ lên theo. “Phần
tôi, một khi được giương cao lên khỏi
mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên
với tôi” (Ga 12,32). Nghĩa là
“Người sẽ kéo các tín hữu đi theo
Người lên thập giá bằng cách để cho họ
phải bị thù ghét, phải chịu bách hại như
Người” (Thánh Kinh Tân Ước 1995:448). Thày
đã hi sinh cuộc sống trần gian cho môn đệ.
Nếu muốn tiếp tục làm môn
đệ Thày, họ không thể không biết đến
thang giá trị giữa sự sống trần gian và sự
sống vĩnh cửu. Thày nói rõ: “Ai yêu quí mạng
sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường
mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ
lại được cho sự sống đời
đời” (Ga 12,25). Tại
sao phải hi sinh tới mức đó? Hi sinh như
thế có thực tế không? Theo Thầy làm
gì cho khổ? Phục vụ Thày có
được lợi gì đâu?
Nhưng Đức Giêsu nói: “Ai phục
vụ Thầy, thì hãy theo Thầy” (Ga 12,26).
Theo Thầy để bước lên khổ
giá, tức là bước vào vinh quang, sẽ chiếm
được tình yêu Chúa Cha như Thầy. Đó là
điều quả quyết: “Ai phục vụ Thầy, Cha
của Thầy sẽ quí trọng người ấy” (Ga 12,26). Còn gì giá trị hơn tình
yêu của Chúa Cha? Đó là nguồn suối duy nhất
phát sinh mọi hồng ân, tự do và hạnh phúc. Chính vì giá trị tuyệt vời đó,
Đức Giêsu đã nhận được tất cả
sức mạnh để xông vào cuộc chiến với
Satan. Người mạnh đến
nỗi “giờ đây thủ lãnh thế gian sắp bị
tống ra ngoài!” (Ga 12,31).
Dù sao, trong tình thế
hiện tại, Đức Giêsu cũng vẫn là con
người. Đứng trước cái chết, Thầy
cũng cảm thấy luống cuống. “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây?” (Ga 12,27). Thầy rùng mình kinh khiếp. Tất cả thân thể Thầy nổi da gà.
Thầy nhìn vào mình quá kỹ. Bởi thế Thầy không thấy lối thoát.
Thày thấy chóng mặt, quay cuồng với
những ưu tư về chính mình. Chợt một
tia sáng bừng lên dẫn theo một tiếng nổ long
trời (Ga 12,29). “Bấy giờ có
tiếng từ trời vọng xuống: ‘Ta đã tôn vinh
Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!’ (Ga 12,28).
Đó là tiếng Chúa Cha trả lời tâm
nguyện vâng phục của Chúa Con (c.28), một sự vâng
phục dẫn Đức Giêsu vào màn đêm tăm tối
của đau khổ. “Dầu là Con Thiên
Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau
khổ mới học được thế nào là vâng
phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập
toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu
độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng
phục Người” (Dt 5, 8-9). Nhưng
chính lúc đất trời nối liền, quyền lực
âm phủ tiêu tan. “Giờ đây đang diễn ra
cuộc phán xét thế gian này” (Ga 12,31),
một cuộc phán xét sẽ cho thấy tất cả
bộ mặt thật của ác thần. Thật là
khủng khiếp!
Đối với
những ai vâng phục như Đức Giêsu, không hề có
phán xét. Trái lại
một giao ước mới, giao ước tình
thương sẽ được thiết lập (Gr 31,31). Họ sẽ nghe những lời âu
yếm: “Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là
dân của Ta” (Gr 31,33). Như
thế một tương quan mới đã được
thiết lập. “Chính nhờ đau khổ, cái
chết và phục sinh của Đức Giêsu và Thánh Linh
hiện xuống, dân Chúa đã bước vào một
tương quan mới” (Disciples in Mission 1999:22) với Thiên
Chúa tình yêu.
RAU NÀO SÂU ẤY
Cuộc đời Đức Giêsu
quả thật như “bức tranh vân cẩu vẽ
người tang thương” (Cung Oán Ngâm Khúc). Nhưng ngược với nàng cung phi bị ngã
gục dưới thực tế đau buồn,
Đức Giêsu đã trỗi dậy, “đem lại
một ý nghĩa mới cho đau khổ và cái chết, vì
qua đó, Người đã đem lại ơn cứu
độ cho toàn thế giới” (Disciples in Mission 1999:23).
Đó là một chiến thắng lớn lao,
đem lại nguồn hứng khởi cho nhân loại.
Đức Giêsu là một hạt giống đã chết
đi, sinh được nhiều hạt khác (Ga 12,24) là cộng đoàn các Kitô hữu. Từ đó, nhờ sự kết hợp với
Người, Kitô hữu sẽ cống hiến cho thế
giới cả một mùa màng vô cùng tốt đẹp.
Nói khác, “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai
ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong
người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa
trái” (Ga 15,5). Thầy chính là
năng lực, là ý nghĩa sau cùng của mọi nỗ
lực thắng vượt đau khổ và sự ác.
Thực ra, tự bản
chất, đau khổ vô nghĩa. Sở dĩ đau
khổ có ý nghĩa vì đó là một phương tiện
để Đức Giêsu chứng tỏ tình yêu của
Người với Chúa Cha và nhân loại. Ngày nay
vẫn có nhiều môn đệ Chúa Kitô biết lợi
dụng những đau khổ như là con đường
đi tới vinh quang. Dù phải vào tù hay có thể bị
lây nhiễm những bệnh nguy hiểm, họ vẫn
một lòng xả thân cho đồng loại. Họ
là những người đang chiến đấu cho
quyền làm người, đang âm thầm hi sinh cho
những người nghèo, chăm sóc những người
già, bệnh tật, những trẻ em mồ côi. Không có những gương hi sinh như thế,
không biết nhân loại sẽ đi tới đâu.
Những môn đệ Chúa Kitô đó
đang nỗ lực thiết lập nền tảng giao
ước mới trong lòng mọi người, đang
lợi dụng “cơ hội tuyệt vời để
khởi đầu xây dựng một mối tương
quan vĩnh hằng và thân mật với Thiên Chúa” (xc. Gr 29,11; 32,38-40) (Life
Application Study Bible 1991:1345). Họ đang
học vâng lời như Đức Giêsu, dù có phải hi
sinh chính mạng sống. Chính sự vâng lời ấy
sẽ kiện toàn con người và đưa họ
tới mức hoàn hảo hay trưởng thành như
Đức Kitô. Nói khác, vâng lời không hề gợi lên ý
hướng tiêu cực, nhưng hoàn toàn đẩy con
người vào một chiều hướng giao ước
mới đặt nền tảng trên Đức Kitô (Dt 8,6). Vâng lời như thế,
họ sẽ thấy phải “từ bỏ luật lệ
khắc nghiệt của cái tôi muốn lấy mình làm trung
tâm” (Life Application Study Bible 1991:1905). Trung tâm cuộc
đời phải là Thiên Chúa, Đấng giải thoát con
người khỏi những ràng buộc của cái tôi
cồng kềnh. Rời xa trung tâm đó, con
người chìm vào những tham vọng ngông cuồng
của văn hoá sự chết, “phủ nhận Thiên Chúa là
Đấng tạo dựng sự sống. Khi kinh
tế thống trị, người ta đổ xô đi
tìmnhững giải pháp dễ dãi như phá thai,
chết êm dịu.” (Igor Kowalewsky: Zenit 4/4/03) Tự do không có nghĩa là buông thả.
Trái lại, “tự do xây trên chân lý là nền tảng duy
nhất bảo đảm xã hội dân chủ tự do.” Chân lý đó là Đức Kitô. Khi xây dựng
trên nền tảng đó, “cộng đoàn và gia đình Công
giáo chiếu sáng như những mẫu mực của
cộng đoàn sự sống và tình yêu để canh tân
nền văn hoá hiện đại.” (Igor Kowalewsky: Zenit 4/4/03)
|