Bây giờ
tâm hồn Ta xao xuyến
(Suy
niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)
Đức Giêsu là một
người hoàn toàn như tất cả mọi
người. Trong cuộc sống trần thế, Ngài cũng
sợ hãi, bồi hồi xao xuyến, khóc lóc cầu xin Thiên
Chúa giải phóng Ngài khỏi chết. Tuy
nhiên, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa; nơi Ngài, con
người nhận ra Thiên Chúa là Đấng yêu
thương con người vô cùng.
I. Tâm hồn Ta bồi hồi xao
xuyến
Đức Giêsu biết
những gì đang chờ đợi Ngài. Cái chết đang
đến gần khi Ngài quyết định lên Yêrusalem
dự lễ Vượt Qua. Là người Do Thái, theo luật phải lên Yêrusalem dự lễ
Vượt Qua; nhưng nếu lên, chắc sẽ chết
vì những người lãnh đạo tôn giáo đang ghét,
nên sẽ giết Ngài. Đức Giêsu phải
chọn lựa. Các tông đồ cũng
ý thức điều này. Theo các ông thì không nên lên
Yêrusalem dịp này: “Thưa Thầy, mới đây
người Do Thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy
lại còn đến đó sao?” (Ga. 11,8). Nhưng
nếu Thầy quyết định đi, thì các tông
đồ cư xử làm sao? Thomas khuyến khích các
bạn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi
để cùng chết với Thầy” (Ga. 11,16).
Có những người trong chúng ta có kinh
nghiệm chọn lựa trong những tình huống
tương tự, và đã chọn điều phải
chọn cho dù nguy hiểm đến cả tính mạng.
Một vài người
Hylạp gốc Do Thái về dự lễ muốn gặp
Đức Giêsu. Họ cậy nhờ Philíp để
được gặp Đức Giêsu. Philíp
đã nói với Anrê; và cả hai đã đến nói
với Đức Giêsu. Trong hoàn cảnh bình
thường, có lẽ cứ dẫn họ đến
gặp Đức Giêsu, tuy nhiên trong hoàn cảnh này, hai môn
đệ ý thức cần phải hỏi ý kiến
Đức Giêsu, vì có thể có những hậu quả
xấu không lường được. “Giờ
đã đến”. Giờ mà làm
Đức Giêsu lo sợ, bối rối xao xuyến. Đồng ý cho họ gặp, là dường
như “chọn chấp nhận cái chết”. Có nên xuất hiện như Đấng
người ta chờ đợi không? Có
nên cho họ gặp không? Đức Giêsu
đã chấp nhận cái chết. Nếu
hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết
đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng
nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt”
(Ga. 12, 24). Ngài chọn điều sinh
lợi cho nhiều người, cho dù phải chết.
Ông già Aleazar không muốn giả bộ ăn thịt heo để khỏi chết,
vì nếu sống mà làm gương xấu thì sống làm gì
(2Mac. 6, 18-31)? Yoan Tẩy Giả phản
đối Hêrôđê khi ông lấy vợ của anh; dĩ
nhiên khi phản đối những người có quyền
hành như vậy, ông biết điều gì có thể
xảy tới cho mình; tuy vậy, ông đã phản
đối Hêrôđê. Yoan Tẩy Giả
đã chọn nói điều phải nói, cho dù phải
chết. Hôm nay Đức Giêsu cũng
đã chọn lựa điều tương tự. Đứng trước chọn lựa này,
Đức Giêsu bồi hồi xao xuyến như bao
người khác.
II. Đức Giêsu đã lớn
tiếng kêu van khóc lóc
Đức Giêsu là
người như mọi người. Ngài đã làm nghề
để kiếm sống, nuôi mình và nuôi mẹ. Ngài cũng bị cái đói hành hạ như
bất cứ ai bị đói (Mt. 21, 18). Ngài
bị đói khủng khiếp đến độ
muốn biến đá thành bánh. Chỉ
khi bị đói cùng cực, người ta mới bị
cám dỗ mơ tưởng như vậy. Đức Giêsu cũng bị cám dỗ “nổi
tiếng”, vì vậy cám dỗ nhẩy từ trên
đỉnh đền thờ đã đến trong
đầu Đức Giêsu. Đức Giêsu cũng
bị cám dỗ có quyền hành để bắt mọi
sự phải theo ý mình. Chỉ satan mới có cách hành xử không tôn trọng
tự do của con người; còn Thiên Chúa, Ngài luôn tôn
trọng tự do của con người, ngay cả khi con
người dùng tự do để chống đối
Ngài.
Đức Giêsu đã
phải chọn lựa liên lỉ trong cuộc sống. Ngài đã chống lại cám dỗ,
trong hoang địa (Mt. 4, 1-11) và trong cuộc sống
thường ngày, cả qua những người theo Ngài (Mt.16, 22-23; Ga.11, 8). Ngài cũng sợ
toát mồ hôi, và sợ đến độ toát mồ hôi
máu: “Ngài lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng
khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như
những giọt máu rơi xuống đất” (Lc. 22,44). Thư gởi tín hữu Do Thái nói
Đức Giêsu không chỉ sợ toát mồ hôi máu, mà còn
khóc lóc rơi lệ cầu xin Thiên Chúa cứu Ngài khỏi
chết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu
đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn
nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu
Ngài khỏi chết” (Dt. 5,7).
Đức Giêsu thật
sự là người như mỗi người chúng ta. Không có cám dỗ nào con người
bị mà Ngài không bị. Không có ai bị cám
dỗ mãnh liệt như Ngài. Ngài cũng
học vâng phục, và chấp nhận vâng phục ngay
cả phải chết. Ngài bị cám dỗ cả
về đức tin: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con”
(Mc. 15,34). Khi bị cám
dỗ về đức tin, Ngài đã phó thác cho Thiên Chúa
tương lai và vận mạng của Ngài. Đức Giêsu gần và giống mỗi
người hơn người ta tưởng.
III. Ta viết luật của Ta trong tim chúng
Thiên Chúa đã ký giao ước với
con người, để bảo vệ con người.
Qua dấu chỉ cầu vồng, Thiên Chúa giao ước
với Noe và tất cả tạo vật, để không
bao giờ dùng lụt hồng thủy tiêu diệt con
người nữa; qua thập giới tại núi Sinai,
Thiên Chúa giao ước với dân Do Thái, để làm dân Do
Thái thành dân tư tế, thành dân riêng của Thiên Chúa. Thiên
Chúa loan báo qua tiên tri Giêrêmia, Ngài sẽ ký kết với dân
một giao ước mới, và Ngài sẽ khắc ghi
luật Ngài trong tim con người,
để không ai phải dạy ai về Thiên Chúa nữa.
Đức Giêsu chính là giao ước mới: “Rồi cùng
một thể thức ấy, Ngài cầm lấy chén
đầy rượu, tạ ơn, trao cho các môn
đệ và nói: tất cả các con cầm lấy mà
uống, này là chén máu Thầy, máu giao ước mới,
sẽ đổ ra cho các con và nhiều người
được tha tội”.
Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa giao
ước ở với và yêu thương con người
mãi mãi. Đức Giêsu vừa là dấu
chỉ giao ước, vừa là diễn tả tình yêu
của Thiên Chúa đối với con người, vừa
là bảo đảm Thánh Thần hiện diện nơi con
người. “Anh em không biết anh em là
đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa
ngự trong anh em sao” (1Cor.3, 16)? Thánh Thần Tình Yêu
đang ngự trong tâm hồn, trong tim
mỗi người.
Nhờ Đức Giêsu và
Thánh Thần, con người nhận ra Thiên Chúa là tình yêu. Con người được gọi
để sống yêu thương. Chính khi yêu thương,
con người trở nên giống Thiên Chúa, và
được chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa, cho dù
người đó ở bất cứ đâu. Chính khi yêu thương, con người gặp
gỡ Thiên Chúa, và cảm nghiệm hạnh phúc. Đây
là điều có vẻ mâu thuẫn, nhưng đó là sự
thật, và được biểu lộ qua cái chết
của các anh hùng tử đạo và cái chết của
Đức Giêsu.
Câu
hỏi gợi ý chia sẻ
1. Theo bạn, Đức Giêsu
giống bạn ở điểm nào, và khác bạn ở
điểm nào?
2. Bạn có cảm nghiệm
Thiên Chúa ở với bạn không? Nếu được
xin chia sẻ.
|