Với Đức Giêsu: Thiên Chúa trên
hết
(Suy niệm của Lm. Phạm Thanh Liêm)
Đức Giêsu Nadarét là một
sự kiện rất đặc biệt. Những người
đồng hương nhận ra Ngài là một
người như bao người; tuy nhiên, sau khi Ngài
chết và sống lại, người ta nhận ra Ngài là
Thiên Chúa nhập thể. Ngài là Đấng sống
ơn gọi làm người cách trọn vẹn, là
Người sống theo Thánh Ý Thiên Chúa
Cha dù phải chết. Thiên Chúa là tất
cả đối với Đức Giêsu.
I. Thập Giới diễn tả Ý Muốn Thiên Chúa
Thiên Chúa khi sai Môsê đi giải phóng dân Israel khỏi Aicập, đã nói: “khi
ngươi đưa dân ra khỏi Aicập, các
ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này”
(Ex.3, 12). Môsê đã dẫn dân đến núi
này, và Thiên Chúa đã “thần hiển” với Môsê và dân
(Ex.19). Thập giới là điều khoản Thiên Chúa
giao kết với Israel, nghĩa là, nếu dân Israel giữ
các điều khoản này, Thiên Chúa sẽ là Thiên Chúa
của dân, Thiên Chúa sẽ bảo vệ dân.
Điều khoản giao
ước không thêm gì cho Thiên Chúa, nhưng giúp dân Israel triển nở và
hạnh phúc. Một khi người ta giữ giao ước,
những người được hưởng nhờ
đầu tiên là gia đình và những người thân yêu,
sau đó là những người lân cận, rồi tới
những người trong đất nước. Khi
giữ giao ước, con người sẽ sống an bình với chính mình, và sau đó với
người khác. Giao ước Thiên Chúa ban cho con
người, không nhằm lợi cho Thiên Chúa nhưng cho con
người. Tuy vậy, khi con người tuân giữ không vi phạm thập giới, thì Thiên Chúa
được con người. Vinh quang Thiên Chúa
được tỏ lộ hơn khi con người
triển nở và sống hạnh phúc hơn.
Vi phạm thập giới là dấu chỉ cho con
người biết họ đã vi phạm quyền
lợi của ngôi vị, dù ngôi vị đó là Thiên Chúa hay
tha nhân. Thiên Chúa tạo dựng con người, nên theo lẽ công bình, con người phải tôn
kính Ngài. Thờ phượng là từ ngữ
dùng để chỉ lòng và thái độ kính trọng
đặc biệt dành cho Thiên Chúa. Cha
mẹ sinh ra mình, mình cũng phải có thái độ
hiếu thảo. Không tôn kính Đấng
tạo dựng, không tôn kính cha mẹ, là bất công
đối với Thiên Chúa và với cha mẹ mình. Vi phạm những điều khác của
thập giới, là xúc phạm đến quyền lợi
của người khác, chẳng hạn như giết
người, cướp của người ta. Khi vi phạm thập giới, người ta
biểu lộ có điều gì đó trục trặc, gây
xáo trộn nơi chính tâm hồn mình, và gây xáo trộn
bất an trong tương quan với người khác, ngay
cả đối với những người thân và
những người xung quanh.
II. Đừng biến Nhà Cha Ta thành cái chợ
Sau khi chịu phép rửa ở sông Yordan với Yoan
Tẩy Giả, Đức Giêsu đã trải qua thời
gian dài tĩnh tâm cầu nguyện, Ngài ý thức hơn
sứ mạng của Ngài, và Ngài đã khởi đầu
sứ mạng rao giảng. “Nước Thiên
Chúa đang tới gần, hãy thống hối và tin vào Tin
Mừng.” Hôm nay khi lên đền thờ dự lễ
Vượt Qua, một lễ lớn nhất đối
với người Do Thái, kỷ niệm Thiên Chúa giải
phóng dân khỏi Aicập, Ngài đã thấy một việc
trái tai gai mắt: người ta buôn bán ngay trong đền
thờ. Để có thể phục vụ
những người từ xa tới có của lễ dâng
cho Thiên Chúa, thì người ta đã đem cả súc vật
đến bán; cũng có bàn đổi tiền cho những
khách phương xa tới. Đức Giêsu
đã phản đối. Ngài lấy dây làm thành roi
đánh đuổi những người buôn bán chiên cừu
trong đền thờ, lật đổ bàn của
những kể đổi tiền, nói với những
người bán bồ câu: “đem những thứ này ra
khỏi đây, đừng biến Nhà Cha Ta thành cái
chợ.”
Đức Giêsu đã bị phản ứng: “ông
lấy quyền gì mà làm như vậy?” Theo luật, chỉ
những người trách nhiệm mới có quyền cho
phép hay không cho phép người ta buôn bán trong đền
thờ. Đức Giêsu lấy quyền gì mà
đánh đuổi người ta? Cứ theo “phép đời,” Đức Giêsu làm trái vì
Ngài làm như thể Ngài có quyền mà thực Ngài không có;
thế nhưng Đức Giêsu nói với họ: “cứ phá
hủy đền thờ này đi, trong ba ngày ta sẽ
dựng lại.” Câu trả lời của
Đức Giêsu là câu trả lời “như không trả
lời” Ai dám làm điều đó, ai dám tin vào lời
Đức Giêsu mà dám phá đền thờ này. Tác giả Tin Mừng “giải thích” Ngài nói về
đền thờ của Ngài, nghĩa là Ngài sẽ sống
lại sau ba ngày. Nhưng chuyện
giải thích này chỉ có thể làm sau khi Ngài chết và
sống lại, chứ lúc đó, ai mà hiểu như
vậy.
Đức Giêsu có quyền làm
điều đó. Ngài ý thức điều đó và Ngài đã làm cho
dù đối với người khác Ngài không có quyền làm
như vậy. Ngài coi đền thờ
là Nhà Cha Ngài. Ngài có quyền từ Thiên
Chúa là Cha Ngài. Qua những hành vi
“bất bình thường” như thế này, giúp các tông
đồ và các tín hữu sau này hiểu rõ chân tướng
của Ngài hơn. Ngài và Thiên Chúa có một
mối tương quan đặc biệt, mà Ngài dám gọi
Thiên Chúa là Cha Ngài. Ngài đến từ
Thiên Chúa, Ngài là hình ảnh và biểu tượng giúp
người ta hiểu biết hơn về Thiên Chúa. Ngài liên kết với Thiên Chúa và phản ánh Thiên
Chúa tuyệt đến độ người ta nhận ra
Ngài là Thiên Chúa nhập thể.
III. Chúng tôi rao giảng Đức Giêsu bị đóng
đinh
Người Do Thái tìm phép lạ để biết
điều gì đó có đến từ Thiên Chúa hay không;
người Hylạp tìm kiếm những điều khôn
ngoan vì đối với họ: chỉ có khôn ngoan mới
là giá trị thật; tuy nhiên, với thánh Phaolô, Đức Giêsu
chịu đóng đinh là một giá trị, và là giá trị
tuyệt đối. Kể từ khi biết
Đức Giêsu, Phaolô coi những điều khác như phân
bón, rác rưởi. Biết Đức Giêsu
là mối lợi tuyệt vời đối với Phaolô
(Pl.3).
Với cái nhìn tổng hợp và không loại trừ,
ta có thể nói Đức Giêsu chịu đóng đinh là
một “phép lạ” cả thể và là sự khôn ngoan
tuyệt vời của Thiên Chúa ban cho con người. Qua
cách sống kết hiệp với Thiên Chúa trong cầu
nguyện, qua những hành vi dứt khoát chọn Thiên Chúa
trên hết như việc đánh đuổi những
người buôn bán khỏi đền thờ, qua việc
vâng phục thánh Ý Cha trên tất cả như trong
vườn dầu và trên thập giá, Đức Giêsu
dạy con người biết sống sao cho đúng trên
đời này. Đức Giêsu là mẫu
gương sống.
Thiên Chúa là trên hết đối
với Đức Giêsu, và cũng phải như vậy
đối với những ai muốn là môn đệ
của Ngài. Tất
cả đời sống và hành vi
của Đức Giêsu chuyển động và quy
hướng về Thiên Chúa. Đức Giêsu
đã vâng phục Thiên Chúa cho đến bằng lòng
chấp nhận chết trên thập giá. Đức
Giêsu chịu đóng đinh, là mẫu gương sống
của Phaolô và của tất cả các Kitô hữu.
Câu hỏi gợi ý chia
sẻ
1. Theo bạn, đâu là tiêu chuẩn sống của
Đức Giêsu? Tại sao bạn nghĩ
như vậy?
2. Con người là đền thờ của Thiên
Chúa, bạn có được Thiên Chúa mời gọi thanh
tẩy tâm hồn dịp Đức Giêsu thanh tẩy
đền thờ không? Bằng cách nào?