Lên núi
cầu nguyện
(Suy
niệm của Tôma Nguyễn Xuân Hiệp)
Chuyện
kể rằng: Có hai anh em ruột kia rất thương
nhau, rất hợp tính và cùng có một mơ ước cao
đẹp là sẽ sống một cuộc đời
hết sức thánh thiện. Lớn lên, người anh
cưới vợ, sinh con, chăm chỉ làm ăn và
cũng không quên những bổn phận đạo
đức hằng ngày. Còn người em thì đi tu, thành
một thầy dòng, ngày ngày đi khắp nơi giảng
đạo và giúp đỡ những người nghèo.
Mười năm sau, người em làm thầy dòng trở
về quê thăm lại anh mình. Hai anh em nói chuyện
với nhau thật nhiều về cuộc sống và tâm
tư của mình. Người anh khám phá ra rằng ngày
xưa hai anh em tâm đầu ý hợp như thế, mà sao
bây giờ lại khác nhau quá xa: người em thì vẫn
thích thánh thiện như xưa và còn thánh thiện hơn
xưa nữa, còn mình thì sao quá tầm thường không còn
chút mơ ước nào về lý tưởng thánh thiện
ngày xưa nữa. Người anh tìm đến một
vị ẩn sĩ để hỏi cho biết nguyên do
sự khác biệt ấy. Vị ẩn sĩ không trả
lời thẳng mà dùng những hình ảnh thiên nhiên
để giải thích cho anh ta. * Trước tiên là đám
mây trên trời: thường thường bầu trời
ngày nào cũng có những đám mây, nhưng không có đám
mây ngày nào giống đám mây ngày trước. Cũng là mây,
nhưng mây ngày nay khác mây ngày hôm qua. * Kế đến là
một cái cây xanh: nó vẫn luôn luôn là cây thông xanh rì, nhưng
năm trước nó nhỏ hơn, năm nay nó đã
lớn hơn và cao hơn một tí, năm sau nó sẽ
lớn và cao hơn tí nữa. Có nhiều cái lá của
năm trước mà năm nay không còn, và có nhiều
chiếc lá của năm nay sẽ rụng vào năm
tới để thay bằng những chiếc lá khác. * Và
sau cùng chính là thân xác con người: các tế bào trong thân
xác con người luôn luôn thay đổi, có cái chết
đi và có cái sinh ra thêm. Khoa học tính rằng cứ sau 7
năm thì thân xác ta hoàn toàn đổi mới không còn một
tế bào nào của 7 năm trước đây nữa.
Sợi tóc, móng tay, làn da của ta năm nay hoàn toàn không
chứa một tế bào nào của sợi tóc, móng tay và làn
da của 7 năm trước. Vị ẩn sĩ mới
kết luận: tâm hồn con người cũng thế.
Muốn lớn lên, muốn tươi trẻ mãi, muốn
hăng say sinh động thì mỗi ngày cũng phải
biết từ bỏ những thói quen xấu, những cám
dỗ đam mê và đồng thời biết nổ
lực luyện tập những nhân đức tốt.
Không đào thải đi và không thu nhận vào thì nó sẽ
chết khô như một thân cây chết đứng,
chứ không còn là một thân cây tươi tốt sống
động vươn mỗi ngày. Sở dĩ
người anh trở nên tầm thường, khô cằn
vì suốt 10 năm qua anh ta luôn tự mãn với những
cái mình đang có, không muốn bỏ đi cái xấu nào và
cũng không nổ lực tập một nhân đức nào.
Tức anh ta không chịu “lên núi” trong đời sống
hằng ngày để cầu nguyện, để gặp
Chúa, để được biến đổi.
Cả ba bài đọc phụng vụ
hôm nay mời gọi chúng ta theo Chúa Giêsu “lên núi cầu
nguyện”. Bài đọc 1, sách Sáng Thế tường
thuật lại biến cố “lên núi” của Tổ
phụ Abraham đầy giân truân vất vả, cả
sự dâng hiến mạng sống người con một
yêu dấu theo thánh ý Thiên Chúa. Chính bởi đức tin
mạnh mẽ và quả cảm vượt thắng
tất cả mà ông được gặp gỡ Thiên Chúa và
được chúc phúc. Bài đọc 2, thánh Phaolô mời
gọi giáo đoàn Rôma: hãy tín thác vào Thiên Chúa Tình Yêu, cho
dẫu hành trình đức tin như một cuộc “leo núi”
đầy khó nguy. Chính Thiên Chúa đã đi bước
trước và thể hiện tình yêu qua Người Con
Một: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng
chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy
chúng ta”. Bài Tin Mừng, thánh sử Maccô đã tường thuật
lại biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi
trước mặt các môn đệ thân tín là: Phêrô, Giacôbê và
Gioan. Qua biến cố ấy, Chúa Giêsu muốn để
lại cho các tông đồ và mỗi chúng ta bài học
hữu ích trong hành trình đức tin của người
kitô hữu là phải “lên núi” “Đức Giêsu lên núi cầu
nguyện” (Mc 9, 28). Đây là bài học căn bản và
nền tảng mà Chúa Giêsu muốn dạy mỗi
người chúng ta: Phải cầu nguyện, kết
hiệp và tìm thánh ý Chúa sau và trước những công
việc làm. Để thực hiện điều ấy,
“Đức Giêsu lên núi”, tức phải vứt bỏ
những vướng bận lo toan thành công thất bại,
phải dành thời giờ cho việc leo núi, vượt
thắng những cám dỗ đam mê, phải nổ lực
phấn đấu không ngừng với thân xác nặng
nề để leo lên độ cao khó khăn vất
vả trong đời sống tâm linh mới có thể
sống tương giao với Thiên Chúa và để
lắng nghe thánh ý của Người. Nếu thiếu
vắng đời sống tương giao kết hiệp
với Thiên Chúa trong thinh lặng, trong thẳm sâu tâm hồn
để kín múc sức sống thần linh từ Thiên Chúa,
thì xem chừng cách cầu nguyện ấy đã đi vào
vết xe đổ của kiểu cầu nguyện
đầy hình thức bên ngoài mà Chúa Giêsu đã từng lên
án những người Biệt Phái. Đó là kiểu
cầu nguyện kể lể, huênh hoang báo cáo kết
quả cho cấp trên là Thiên Chúa. Hay kiểu cầu
nguyện xem Thiên Chúa chỉ là chỗ dựa tinh thần
tạm thời. Khi gặp thất bại, gian truân thì
sốt sắng đến với Thiên Chúa như chiếc
phao cứu sinh của đời sống tâm lý để
giải tỏa những xung đột, những bế
tắc, để vượt qua những bĩ cực
thương đau. Sự sốt sắng cầu nguyện
hy sinh ấy là vì con người, chỉ dừng lại
ở nhu cầu ích lợi cá nhân chứ chưa đi vào
mối tương giao kết hiệp với Thiên Chúa
để tìm thánh ý Người. Nhà thần học Bonneffeur
bảo: Đó là kiểu cầu nguyện ngoại giáo;
một kiểu cầu cạnh tư lợi. Người
không biết Chúa và cả những người vô thần
cũng làm như thế. Một kiểu cầu an! Còn Chúa
Giêsu mời gọi chúng ta phải vượt thoát những
vướng bận lo toan của đời thường
để kết hiệp với Chúa, để tìm thánh ý
Chúa trong từng biến cố, từng phút giây. Phải
kết hiệp với Thiên Chúa cách liên lỉ mọi lúc
mọi nơi, mọi công việc. (x. Mc 18,1-8. 9-14)
Ước mong Lời Chúa hôm nay soi dẫn mỗi
người chúng ta biết “lên núi” mỗi ngày, biết
từ bỏ những cám dỗ đam mê, những
vướng bận đời thường, mà sống
kết hiệp với Thiên Chúa qua Thánh lễ, kinh
nguyện, xét mình, tĩnh tâm, lãnh bí tích Giao hòa …. Chúa Giêsu
biến hình trên núi Tabor hôm nay là hình ảnh tiên trưng hành
trình vác thập giá lên núi Canvê và phục sinh của Chúa Giêsu.
Và đó cũng là hành trình đức tin của mỗi
người tín hữu chúng ta. Mỗi người chúng ta
phải “lên núi” mỗi ngày mới có thể “biến hình”,
mới có thể phục sinh sáng láng như Đức Giêsu
Kitô. Amen.
|