Đức
Giêsu hiển dung – Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện
“Ngày nay, trong rất nhiều
trường hợp, chúng ta cũng chẳng khác gì các ông
Phêrô, Giacôbê và Gioan: hiểu sai lời Đức Giêsu,
hiểu sai những thực tại thần thiêng được
ban cho trải nghiệm, cứ mãi chỉ mang tư
tưởng nhân loại chứ không phải tư
tưởng của Thiên Chúa...”
Có một mối liên hệ sâu xa
giữa biến cố được kể lại trong
bài Tin Mừng hôm nay (Mc 9,2-10) với lời tiên báo về
số phận của Con Người trong Mc 8,31.
Trước phản ứng rất mạnh mẽ của
ông Phêrô (đại diện cho nhóm các đồ đệ)
đối với lời tiên báo đó (8,32), Đức
Giêsu, vốn đầy tình thương yêu nhân lành
đối với các đồ đệ, đã muốn
giúp các ông hiểu và đón nhận chương trình cứu
độ của Thiên Chúa, bằng cách cho các ông
được trải nghiệm một thực tại
ngoại thường: biến
cố hiển dung.
“Khi ấy, Đức Giêsu đem các ông
Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các
ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi,
tới một ngọn núi cao” (c.2). Tác giả Tin Mừng không nói rõ đó là ngọn
núi nào. Có lẽ ông muốn ám chỉ núi Sinai, là ngọn núi
mà ở đó, ông Môsê và ông Êlia (các nhân vật sẽ
xuất hiện trong c.4) đã được chứng
kiến các cuộc thần hiện của Thiên Chúa (x. Xh
34,1-8; 1V 19,8-18). Trước đây, các đồ đệ
đã từng được biết rằng Đức
Giêsu là Đấng Mêsia (8,30), nhưng các ông lại hiểu
sai về tư cách và sứ mạng Mêsia của
Người. Đức Giêsu đã cố gắng giúp
họ không hiểu sai, bằng cách nói cho họ biết
về số phận đang được dành sẵn cho
Con Người (8,31), nhưng Người đã thất
bại trong nỗ lực đó (8,32). Bây giờ
Người đưa các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi riêng ra
một nơi, để một lần nữa, giúp các ông
điều chỉnh cái ý tưởng sai lầm của các
ông về Đấng Mêsia và giúp các ông đón nhận
những hệ luận của việc gắn bó với
Người. Những gì các ông sắp trải nghiệm
sẽ là một cuộc thần hiện, cho các ông thấy
tình trạng vinh quang của Đức Giêsu sau khi
Người chiến thắng sự chết. Người
muốn cho các ông cảm nghiệm trước ánh vinh quang
của Đấng sắp đi vào cuộc khổ nạn
kinh hoàng.
“Người biến đổi hình
dạng trước mắt các ông. Y phục Người
trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào
ở trần gian giặt trắng được như
vậy” (cc.2c-3). Vinh quang
của Đức Giêsu được trình bày qua các chi
tiết về vẻ huy hoàng của y phục của
Người. Theo quan niệm đương thời, y
phục là cách diễn tả con người, và trong trình
thuật này, nó có giá trị ám chỉ nhân tính của
Đức Giêsu. Y phục đó bây giờ “trở nên
rực rỡ, trắng tinh”. Sự rực rỡ và
trắng tinh thuần khiết đó biểu tượng
cho vinh quang thần linh thấm đẫm nhân tính của
Người. Đó là vinh quang thực của Đấng
bị trao nộp vào tay người đời vì sự
sống thật của nhân loại. Sự chết mà
Người sắp trải qua sẽ thất bại
tận căn trước vinh quang thần linh này. Và vẻ
huy hoàng thuần khiết đang được tỏ
lộ nơi Đức Giêsu này có nguồn gốc thiên thai,
chứ không phải là kết quả của nỗ lực
nhân loại: “Không có thợ nào ở trần gian giặt
trắng được như vậy”.
“Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông
Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu” (c.4). Sự xuất hiện của hai
nhân vật vĩ đại của Cựu Ước là các
ông Môsê và Êlia, đã đem vào trong những thực tại
mà các đồ đệ đang trải nghiệm một
đường nét và ý nghĩa mới: mối liên hệ
của Cựu Ước với Đức Giêsu. Tác
giả Mc đã không nói rằng ông Môsê và ông Êlia đến,
mà là các ông “hiện ra”, như thể một thực
tại đang còn ẩn giấu bây giờ được
tỏ lộ ra. Đàng khác, ông Môsê và ông Êlia hiện ra là
để cho các đồ đệ của Đức
Giêsu thấy, và tác giả không hề nói gì về vẻ vinh
quang của các vị ấy. Hai vị là đại diện
của Cựu Ước (Lề Luật và các ngôn sứ)
như đã được ban truyền cho dân. Và tuy
hiện ra cho các đồ đệ thấy, nhưng ông
Môsê và ông Êlia không nói gì với các ông mà chỉ đàm
đạo với Đức Giêsu. Điều này có
nghĩa là Cựu Ước chẳng truyền đạt
cho các đồ đệ của Đức Giêsu sứ
điệp nào nếu không qua Đức Giêsu. Ông Môsê và ông
Êlia xuất hiện trong sự quy hướng về
Đức Giêsu mà thôi. Chính Đức Giêsu mới là
Đấng xác định giá trị của Cựu
Ước. Môsê và Êlia, tức là Lề Luật và các ngôn
sứ, không phải là những giá trị tuyệt
đối, mà là những thực tại tùy thuộc vào
thực tại Giêsu. Đức Giêsu và sứ điệp
của Người siêu vượt hơn hẳn mọi
thực tại cao quý nhất của mặc khải
Cựu Ước. Những gì Đức Giêsu nói và thực
hiện thì quan trọng hơn hẳn những gì ông Môsê và
các ngôn sứ đã dạy.
“Bấy giờ, ông Phêrô thưa với
Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở
đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều,
một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông
Êlia" (c.5). Sự
tiến triển của biến cố hiển dung bị
đoạn tục bởi sự kiện ông Phêrô lên
tiếng. Được trực tiếp chứng kiến
những gì đang diễn ra, ông Phêrô hướng về
Đức Giêsu (chứ không phải về ông Môsê hay ông
Êlia) và thưa chuyện với Người.
Ông Phêrô đưa ra một đề
nghị, nhân danh các bạn (“chúng con”) và hy vọng sẽ
được Đức Giêsu đồng ý. Điểm
chính yếu trong đề nghị là việc làm ba cái
lều, một cho Đức Giêsu, một cho ông Môsê và
một cho ông Êlia. Có hai khía cạnh đáng chú ý,
được diễn tả bằng danh từ “lều”
và số từ “ba”. Hạn từ “lều” gợi ý về
lễ Lều: ông Phêrô nối kết cuộc hiển dung
của Đức Giêsu với sứ mạng Mêsia của
Người, và ông hiểu đó là sứ mạng Mêsia theo
hướng dân tộc chủ nghĩa. Với số
từ “ba” và được phân chia rõ ràng là “một cho
Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia”, ông Phêrô
đang đặt cả ba vị trên cùng một bình
diện, xóa mờ sự tùy thuộc của các ông Môsê và
Êlia đối với Đức Giêsu và đặt các ông
ấy trong tư thế độc lập. Thực tại
đang xảy ra, như chúng ta đã nói trên kia, là ông Môsê và
ông Êlia xuất hiện chung với nhau trong sự quy
hướng về Đức Giêsu. Nhưng trong đề
nghị của ông Phêrô, thì Đức Giêsu, ông Môsê và ông Êlia đồng
hàng với nhau, và mỗi vị có vai trò riêng của mình,
mỗi vị có “lều” riêng của mình. Đức Giêsu là
Đấng Mêsia; ông Môsê: Lề Luật và các thiết
chế; ông Êlia: nhà cải cách tôn giáo vĩ đại.
Bằng cách đó, ông Phêrô cho thấy ý tưởng của
ông về Đấng Mêsia (x. 8,29.33). Một cách gián
tiếp, ông Phêrô phủ nhận sự mới mẻ
của sứ điệp và vai trò của Đức Giêsu và
Nước Thiên Chúa.
Rõ ràng ông Phêrô đã được nhìn
thấy vinh quang của Đức Giêsu, nhưng chưa
hiểu. Đúng ra, cần phải nối kết vinh quang
đang được hé lộ trong biến cố hiển
dung này với thực tại phục sinh của Con
Người sau cuộc khổ nạn và cái chết của
Ngài, như Đức Giêsu đã từng nói trước
(8,31), nhưng ông Phêrô chưa thực hiện
được sự nối kết đó. Ông vẫn
đang còn mang tư tưởng của loài người
chứ chưa phải là tư tưởng của Thiên Chúa
(8,33).
“Thực ra, ông không biết phải nói
gì, vì các ông kinh hoàng”
(c.6). Tại sao các ông lại kinh hoàng đến độ
không biết nói gì? Có yếu tố nào đe dọa các ông
ở đây? Trong sự sợ hãi và cảm thấy bị
đe dọa đó, ông Phêrô lại chỉ ngỏ lời
với Đức Giêsu thôi, chứ không nói gì với các ông
Môsê và Êlia, chứng tỏ ông cảm thấy kinh hoàng là vì
một điều gì đó nơi Đức Giêsu. Quả
thực, ông và các bạn đang được chứng
kiến vinh quang thần linh tỏ lộ nơi Đức
Giêsu. Các ông hiểu rằng nơi Người đang có
mãnh lực thần linh của chính Thiên Chúa, vốn là mãnh
lực có thể gây chết chóc cho người phàm một
khi họ được chứng kiến. Và điều
đó gây ra nỗi kinh hoàng tột độ cho các ông.
“Bỗng có một đám mây bao phủ
các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng:
"Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời
Người" (c.7).
Xuất hiện yếu tố thứ ba của cuộc
thần hiện. Yếu tố thứ nhất là sự
biến đổi hình dạng của Đức Giêsu, cho
thấy tư cách và vị thế thần linh của
Người. Yếu tố thứ hai là sự xuất
hiện của các ông Môsê và Êlia, chứng tỏ Đức
Giêsu là điểm đến, là đỉnh điểm, là
điểm quy chiếu của tất cả Cựu Ước.
Bây giờ xuất hiện yếu tố thứ ba:
Đức Giêsu được công bố là Con Thiên Chúa,
Đấng hiến dâng chính mạng sống mình,
Đấng là Lời tối hậu của Thiên Chúa cho nhân
loại.
Có thể nói sự xuất hiện
của đám mây và tiếng phán từ đám mây chính là
đỉnh điểm của cuộc thần hiện.
Đám mây vừa mạc khải vừa che giấu sự
hiện diện của Thiên Chúa. Và trong thực tế,
đám mây đã thế chỗ của những chiếc
lều mà ông Phêrô muốn làm. Nói chính xác hơn, sự
xuất hiện của đám mây bao trùm đồng một
trật Đức Giêsu, ông Môsê và ông Êlia, chính là sự
từ chối, hoặc chí ít cũng là sự điều
chỉnh, cái đề nghị vừa được phát
biểu của ông Phêrô. Khi đề nghị làm ba cái
lều “ở đây” là ông Phêrô đang muốn cầm
giữ cả ba vị trong cõi đất này, với hy
vọng rằng vương quốc Mêsia, nhờ các Ngài,
sẽ được khai mở như là một thực
tại thế tạm. Trái lại, Thiên Chúa cho thấy
rằng vinh quang của Đức Giêsu và thực tại
Người mang đến, tự bản chất,
thuộc về cảnh vực thần linh chứ không
phải là những thực tại thế tạm.
Cùng với đám mây và từ đám mây,
có tiếng phán. Tiếng ấy không nói với Đức
Giêsu nhưng là nói với các môn đệ và cung cấp cho
các ông lời giải thích về những gì đang diễn
ra. Phần thứ nhất của lời giải thích là một
khẳng định: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Đại
từ “đây” rõ ràng loại trừ ông Môsê và ông Êlia
khỏi điều được công bố và
đồng thời nhấn mạnh tính cách hơn hẳn
của Đức Giêsu so với hai vị đó. Ngữ
đoạn “là Con của Ta” cho thấy một cách
tường minh rằng thực hữu của Đức
Giêsu xuất phát từ chính Thiên Chúa, rằng hành
động của Người là hành động của
chính Thiên Chúa, rằng lời của Người là lời
của chính Thiên Chúa. Định ngữ “yêu dấu”
nhấn mạnh mối tương quan đặc biệt
giữa Thiên Chúa và Đức Giêsu.
Phần thứ hai là một lời kêu
gọi: “Hãy vâng nghe lời Người”. Đức Giêsu là
Tôn Sư độc nhất, là Đấng công bố
lời tối hậu của Thiên Chúa. Các môn đệ
chỉ phải vâng nghe lời Người mà thôi. Cựu
Ước (mà đại diện ở đây là các ông Môsê
và Êlia) không có gì để nói trực tiếp với các môn
đệ nữa nếu không phải là qua Đức Giêsu.
Như thế, không hề có hai mặc khải song song hay
tiếp nối (Cựu Ước và Đức Giêsu), mà
chỉ có một mặc khải duy nhất nơi
Đức Giêsu, Đấng thực hiện và hoàn tất
những gì được nói trong Cựu Ước,
Đấng quyết định giá trị và đem lại
sự trường tồn cho những thực tại
Cựu Ước.
Tác giả Tin Mừng không nói gì về
phản ứng của các môn đệ đối với những
gì vừa được công bố từ đám mây. Trong
Kinh Thánh, một khi được ý thức, lời
của Thiên Chúa sẽ gây nên nơi người nghe sự
sợ hãi. Nhưng các môn đệ ở đây không
phản ứng gì. Hình như tác giả Tin Mừng có ý
ngầm cho biết rằng các ông đã chẳng hiểu
đúng ý nghĩa của những thực tại đang
diễn ra, y như trước đây các ông đã không
hiểu đúng ý nghĩa lời tiên báo của Đức
Giêsu (x. 8,31tt).
“Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy
ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi” (c.8). Trái với đề nghị
của ông Phêrô, các ông Môsê và Êlia đã biến đi. Từ
nay, họ không còn vai trò gì trong lịch sử nữa,
chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, Đấng
duy nhất mà các môn đệ phải vâng nghe lời,
Đấng duy nhất là tôn sư và ngôn sứ. “Chỉ còn
Đức Giêsu với các ông mà thôi”.
Sau đó, các Ngài rời cảnh vực
thần linh và trở về với lịch sử trần
trụi. Cho đến lúc này, như chúng ta đã hơn
một lần nói ở trên, các môn đệ chưa
hiểu đúng những thực tại mà các ông vừa
được trải nghiệm. Vì thế, “ở trên núi
xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không
được kể lại cho ai nghe những điều
vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi
chết sống lại” (c.9). Chỉ khi vinh quang của
Người được liên kết chặt chẽ
với sự từ chối và cái chết mà Người
đã từng nói cho các ông biết, thì các ông mới có
thể nói lại cho người khác những gì các ông
vừa được trải nghiệm trên núi. “Các ông tuân
lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu
"từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì”
(c.10).
Ngày nay, trong rất nhiều
trường hợp, chúng ta cũng chẳng khác gì các ông
Phêrô, Giacôbê và Gioan: hiểu sai lời Đức Giêsu,
hiểu sai những thực tại thần thiêng
được ban cho trải nghiệm, cứ mãi chỉ
mang tư tưởng nhân loại chứ không phải
tư tưởng của Thiên Chúa... Nhưng đồng
thời, ngay trong Mùa Chay thánh này, biết đâu Chúa vẫn
đang hiển dung cho chúng ta một cách nhiệm mầu...
Từng chi tiết của cuộc hiển dung trong bài Tin
Mừng hôm nay đều đáng được suy niệm
một cách nghiêm túc và đều có ý nghĩa sâu xa đối
với đời sống đức tin của chúng ta....
|