Con đường thất vọng
Lời của nguòi mẹ: "Vì con là một Phật tử, cho nên bổn phận của con, đứa con duy nhất trong gia đình là con phải đi tu. Con cũng đã đến tuổi rồi. Bổn phận báo hiếu của con cái đối với cha mẹ quan trọng hơn việc học hành."
Mẹ tôi nói đúng, là đứa con duy nhất trong một gia đình Phật giáo, bổn phận quan trọng của tôi là báo hiếu cha mẹ. Một người Thái lan là một Phật tử ngay từ lúc sinh ra, họ học hỏi về Phật pháp ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Họ được dạy cách chào kính theo phong tục tập quán Thái lan bằng cách chắp hai tay trước mặt và cúi đầu (đây cũng là cách chào kính khi gặp một tu Phật Giáo). Họ sống và lớn lên trong môi trường Phật Giáo từ lúc sinh ra cho đến khi chết. Đời sống của họ gói ghém quanh những ngôi chùa cổ kính. Từ cách đặt tên khi sinh ra, cách cứu chữa khi có người bị bệnh tật đến việc cất nhà cho người sống, chôn cất, lập mộ, xây bia cho người chết, đều là những nghi thức theo Phật pháp. Cử chỉ của họ trước một nhà sư phải là một cử chỉ thật lễ độ và cung kính. Họ phải gìn giữ tư cách và cẩn trọng trong lời nói hầu tránh việc cám dỗ nhà sư với những sự việc trần thế. Tội cám dỗ này sẽ không thể tha thứ được. Tôi được sinh ra trong một môi trường Phật Giáo như thế. Tôi lớn lên và được đúc khuôn trong kiểu mẫu ấy, không phải do những khóa huấn luyện mà chính là do đời sống tự nhiên. Người ta trở thành Phật tử bằng cách sống đời sống của một Phật tử chứ không do một nghi thức gia nhập nào cả. Thật ra không có một nghi thức nào để gia nhập vào Giáo Hội Phật Giáo. Cũng không cần phải tuyên xưng niềm tin. Ngay cả một người trước kia không phải là một Phật tử đi nữa cũng vậy. Điều dễ nhất thế giới ai cũng có thể làm được đó là trở thành một Phật tử: Hoặc khi sinh ra đã là một Phật tử, hoặc bắt đầu sống như một Phật tử thì đương nhiên họ là một Phật tử. Sống như một Phật tử còn dễ hơn nữa, không ai bắt họ từ bỏ một điều gì, không cần tin có Thượng đế, thần thánh hay Thiên Chúa, có khi tin như thế còn bị coi là vô ích nữa. Là một Phật tử, bạn có năm luật lệ đơn giản để theo, những luật lệ này do chính Đức Phật dạy:
1. Không được sát sinh, 2. Không được ăn cắp, 3. Không được ngoại tình, 4. Không được nói dối, 5. Không được uống rượu. Đây không phải là các giới răn mà chỉ là những qui tắc hướng dẫn những Phật tử. Đức Phật đã tuyên bố cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm rằng Ngài không phải là thần thánh. Do đó, Ngài không ra lệnh hay cứu rỗi được ai. Ngài đã giảng rằng: "Chỉ mình mới có thể cứu mình được.". Nếu những lời Ngài chỉ dạy không giúp được gì cho ai thì Ngài cũng không thể làm gì khác hơn được. Vì vậy, tôi chẳng bị ràng buộc bởi một giới răn nào cả. Nếu do lời nói hay việc làm của tôi mà một sinh mạng bị sát hại dù là cỏ cây, súc vật hay con người, tôi phải chịu trách nhiệm. Đời sống của tôi bây giờ, hay số phận của tôi sau khi chết hoàn toàn tùy thuộc vào điều này. Không có một tội lỗi nào được tha thứ, vì tội lỗi do ta phạm chống lại chính ta, không chống lại người khác. Những việc ta làm có hậu quả ngay ở đời này và ảnh hưởng đến đời sau hay cả trong hai đời. Chúng ta sẽ ở đâu hay sẽ ra sao sau này, không ai có thể biết được. Làm một việc thiện không bù đắp được cho những điều ác, nhưng chính việc thiện này sẽ đưa đến những những phần thưởng riêng ban cho ta ở đời này hay ở đời sau. Mặc dù chẳng có ai theo dõi xem tôi có sống đúng theo lời giáo huấn của Đức Phật không, nhưng đã có mẹ tôi như một nhà giáo và quan tòa bên cạnh. Mẹ tôi luôn luôn coi chừng xem tôi có lỗi phạm điều luật nào không. Sự kiểm soát này gieo vào trí óc tôi một qui tắc sống xa tránh các tội lỗi theo luật của Đức Phật. Cuối cùng, tôi nhận thấy có một điều chắc chắn là sau khi làm một điều lỗi chả có hình phạt nào giáng trên tôi, mà điều duy nhất xảy đến là sự hối hận chua xót trong chính con người tôi. Lớn lên bên cạnh cây roi mây dài trong tay mẹ tôi, dù tôi vẫn được tự do, nhưng kết quả của việc dạy dỗ, giáo dục và đòn vọt đã tạo cho tôi thành một con người mẫu mực. Sự mẫu mực này đã khiến tôi không thể nào không nghĩ tới sự báo hiếu như bổn phận con cái trong gia đình bằng cách gia nhập tu tại một nhà chùa trong một thời gian ba tháng. Tôi đã học được khá nhiều về Phật pháp tại nhiều trường học khác nhau. Tôi và mẹ tôi lại thường hay nói chuyện về những bài giảng của Đức Phật. Do đó mẹ tôi biết tôi đang nghĩ gì về việc trở thành một tu sĩ Phật Giáo để báo hiếu cho cha mẹ. Mẹ tôi tôn trọng ý kiến của con cái, chính vì thế việc tôi đi tu chưa bao giờ được đề cập tới. Mọi người đều hiểu rằng nếu chính Đức Phật cũng đã không san sẻ ơn phước được cho ai, thì một người thường như tôi lại chỉ đi tu trong một thời hạn ba tháng làm sao có thể chia sẻ gì cho ai được trừ ra chính cho tôi, nếu tôi có được một ơn phước nào đó. Sự liều lĩnh cố hữu của tôi bộc phát khiến tôi nghĩ tới việc muốn lý luận với mẹ tôi về vấn đề đạo giáo. Liệu mẹ tôi có tin rằng khi tôi đi tu, tôi sẽ chuyển được cho bà ơn phước?
- Thưa mẹ! Vậy nếu con nhập tu trong ba tháng xong rồi, sau đó, mẹ có cho phép con đi Hồng Kông học không?
-- Được, mẹ sẽ chấp nhận cho con đi sau khi con nhập tu xong thời hạn ba tháng.
Nhận thấy mẹ tôi chẳng còn lý do nào để ngăn cản nổi tôi nữa, cha tôi lên tiếng: "Lert à! Ba không thấy cần con chia sẻ ơn phước con có được khi con đi tu, con có thể để hết cho mẹ con." Tôi nghĩ rằng nếu cha tôi đã có thể ở tù trong suốt mười bốn năm trường thì tôi cũng có thể ở trong chùa được ba tháng với hy vọng là sau đó tôi sẽ được đi học tại Hồng Kông. Mẹ nói thêm: "Dù sao con cũng không thể nhập tu trong năm nay được vì thời hạn nhập tu trước mùa chay năm nay chỉ còn có tám ngày nữa thôi!" Điều này thì ai cũng phải biết, đó là một người chỉ có thể nhập tu trong thời gian nhất định nào đó thôi. Thời gian đó là trước khi mùa chay bắt đầu và tiếp tục trong ba tháng. Tôi lo lắng ra mặt: phải dời lại một năm, rồi thêm ba tháng nữa làm tôi khó nghĩ.
- Cũng còn có thể kịp mẹ ạ!
-- Làm sao kịp được, con cũng đã biết rằng phải mất ít nhất là sáu tháng để chuẩn bị cho những ai muốn nhập tu.
- Mẹ à! Con biết chứ, có khoảng 20 đến 30 trang giấy ghi các lời cầu nguyện, các câu hỏi và các câu trả lời phải học thuộc lòng cho ngày nhập tu. Thêm vào đó phải có hai nhà sư đỡ đầu bảo đảm cho thời gian tu. Con có thể học thuộc 20 hay 30 trang sách này trong ba ngày và mẹ có thể khảo lại con.
-- Mẹ nghĩ rằng chẳng có một Vị Sư Trưởng nào chịu chấp nhận cho con nhập tu trong thời gian ngắn như thế!
Tôi vội vã nói: "Thế thì ngày mai chúng ta sẽ đi gặp Sư Trưởng ... không ... chúng ta hãy đi gặp Ngài ngay bây giờ ...
Mẹ quay nhìn cha tôi, cha tôi mỉm cười nói với mẹ: "Tôi không dính dáng gì đến việc này, mọi ơn phước Lert đều để cho mẹ tất cả!"
Mọi gia đình trong họ hàng đều được báo tin tôi sẽ nhập tu. Họ đến chúc mừng cha mẹ tôi tới tấp. Riêng đối với tôi không ai chúc mừng gì cả. Mọi người nhìn tôi với ánh mắt thương hại và thông cảm. Vài người nghi ngờ rằng tôi sẽ không thể sống cuộc sống tu hành kham khổ được trong vòng ba tháng. Thậm chí còn có vài người đánh cá với nhau rằng tôi sẽ xuất tu trong vòng ba tuần lễ, vì một nhà sư chỉ được phép ăn hai lần trong một ngày. Lần ăn thứ nhất vào lúc tám giờ sáng và lần ăn thứ hai phải ăn trước giờ ngọ. Trong suốt khoảng thời gian từ sau lần ăn thứ hai đến tám giờ sáng hôm sau không được phép ăn uống gì ngoại trừ nước lạnh hay nước trà. Sau khi nhịn cả một ngày dài từ trưa hôm nay cho đến tám giờ sáng hôm sau, thường thường người ta ăn thật nhiều vào lần ăn lúc tám giờ sáng. Nhưng vì ăn nhiều vào lúc tám giờ sáng rồi, nên đến lần ăn lúc 11 giờ 30 không ăn nhiều được nữa, và vì không ăn nhiều lúc 11 giờ 30 nên từ sau đó đến sáng hôm sau sẽ đói lả người đi. Chính tôi cũng không chắc chắn là tôi có thể nhị n như thế được trong suốt thời gian ba tháng. Khi gặp Sư Trưởng tôi lại thêm một ngạc nhiên nữa. Ông cho biết rằng để nhập tu, không phải tôi chỉ phải học thuộc lòng 20 hay 30 trang giấy, nhưng để trở thành một nhà sư, tôi phải học biết qui tắc, luật lệ của Đức Phật đã để lại cho những người tu hành. Tất cả những qui tắc luật lệ này phải được viết trên giấy tờ. Khi phạm bất cứ một lỗi phạm nào phải thú nhận với một nhà tu khác và nếu lỗi quá nặng sẽ bị trục xuất khỏi chùa. Vị Sư Trưởng sẵn sàng rộng lòng chấp nhận tôi, nếu tôi hứa sẽ học những qui tắc luật lệ này trong thời gian ba tháng tu trì cộng thêm với học thuyết của Đức Phật và các bài giải thích các học thuyết ấy. * Sáng sớm ngày nhập tu, tóc và lông mày của tôi được cạo nhẵn nhụi. Quần áo mặc hằng ngày được thay vào bằng một áo choàng trắng. Qua nhiều giờ đồng hồ, tôi ngồi nghe đọc những diễn tiến về chính đời sống tôi với từng chi tiết một, kể từ khi tôi còn trong lòng mẹ, sự đau đớn mẹ tôi đã phải chịu khi sanh tôi, những khổ sở, lo lắng trong việc dưỡng nuôi tôi cho đến ngày khôn lớn. Tôi phải nhận biết và đền đáp công ơn mẹ tôi, ngay cả đến những giọt sữa mẹ đã cho tôi bú mớm. Cuối cùng, vì tất cả những điều ấy, bổn phận của tôi là phải trở thành một nhà sư để đền đáp ơn nghĩa cha mẹ. Những ơn phước từ công việc phúc đức này sẽ dẫn đưa cha mẹ tôi tới thiên đàng. Thật sự trong lòng tôi cũng ao ước như vậy. Vào lúc 11giờ30 sáng, tôi ăn cơm trưa. Tôi cố gắng dồn thật nhiều thức ăn vào bao tử vì biết rằng tôi sẽ không được ăn uống gì cho đến mãi 8 giờ sáng ngày mai.
Hai nhà sư đỡ đầu cho tôi dẫn tôi đi vòng quanh Hội đường ba vòng, theo sau là cha tôi hai tay bưng chiếc hộp thiếc tôi sẽ dùng để khất thực, kế đến là mẹ tôi hai tay trịnh trọng nâng tấm áo cà-sa, rồi đến những người khác, bạn bè... Mỗi người trong tay đều có những vật dụng cho tôi dùng trong những ngày tu hành. Người nào cũng sung sướng. Riêng đối với tôi, mặt trời hình như có vẻ nóng hơn, tôi cảm thấy mệt mỏi và đói lả mặc dù tôi vừa mới ăn cách đó có hai tiếng đồng hồ.
Bên trong Hội đường, chín nhà sư ngồi san sát nhau, trước mặt tôi là hàng hàng lớp lớp các tượng Phật bằng đồng hay bằng vàng, Vị Sư trưởng ngồi phía trước. Tất cả chúng tôi ngồi đối diện, mọi người ngồi sau tôi.
Đến trước mặt Vị Sư trưởng trình diện, tôi cúi đầu chào theo nghi lễ rồi cất tiếng theo cung điệu xin Vị Sư trưởng nhận tôi nhập tu. Bao nhiêu câu hỏi sau đó liên tiếp được hỏi: Nào là tôi có được khỏe mạnh bình thường không? Nào là tôi có sẵn sàng từ bỏ thế gian và những công việc trần tục không? Tôi có nợ nần ai về vật chất hay về tinh thần không? Có ai hiện diện đòi tôi một nợ nần nào không? Mỗi câu hỏi được hỏi ba lần để chắc chắn rằng tôi thanh thản, không vướng mắc bất cứ ai một món nợ nào. Không ai lên tiếng và nghi thức nhập tu tiếp tục. Tấm áo choàng trắng được cởi bỏ, thay vào là tấm áo cà-sa, với chiếc hộp thiếc khất thực đeo bên hông, tôi trình diện trước Vị Sư trưởng. Hai vị sư đỡ đầu cho tôi tuyên bố rằng tôi có đủ điều kiện để trở thành một nhà sư xét theo luật lệ Đức Phật đã ban bố. Những lời cầu nguyện bắt đầu được đọc, có những lời khuyên cho tôi... và tôi trở thành một nhà sư.
Tôi đã cho các bạn tôi tại trường học biết việc tôi nhập tu từ ngày hôm trước, nhưng chẳng ai tin tôi cả, ngay cả Sư huynh hướng dẫn lớp cũng cho rằng tôi nói đùa. Sư huynh còn nhắc tôi nhớ đừng quên làm bài làm ở nhà để sáng hôm sau nộp. Tôi thưa với Sư huynh là tôi sẽ gửi bài làm đến nhưng tôi sẽ vắng mặt ngày hôm sau vì tôi bận nhập tu. Sau ngày nhập tu, tôi trở lại trường học như thường lệ. Vẫn lớp học cũ, vẫn chỗ ngồi cũ, chỉ có một điều khác biệt là thay vì mặc đồng phục của trường, tôi mặc áo cà-sa. Thật là một điều chưa từng xảy ra khi nhìn thấy một nhà sư theo học tại trường học Công giáo. Điều này làm các Sư huynh khó chịu, nhất là Sư Huynh phụ trách lớp. Ông hỏi ý kiến của Sư Huynh Hiệu trưởng rồi gọi tôi lên Văn Phòng. Tại Văn Phòng, Sư Huynh cho tôi biết tôi không nên đến trường nữa và ông thắc mắc tại sao tôi không sống trong chùa là nơi dành riêng cho các thày tu Phật Giáo.
Tôi thưa với Sư Huynh là tôi không thấy có một lý do nào trở ngại trong việc một tu sĩ Phật Giáo muốn theo học tại một trường học Công Giáo. Hơn nữa nhà trường cũng không hề có luật lệ cấm học sinh mặc áo cà-sa khi đi học. Ông gắt lên với tôi và nói rằng sự hiện diện của tôi làm chia trí các học sinh khác khi tôi ngồi trong lớp với cái đầu cạo nhẵn bóng, cả lông mày cũng cạo nốt và mặc áo cà-sa thùng thình, các học sinh khác không chấp nhận nổi. Cuối cùng, tôi phải đồng ý với ông và quyết định thôi học. Khi thôi học, tôi được Sư Huynh Giám học cho một giấy giới thiệu thật tốt. * Đời sống tu của tôi là một chuỗi ngày buồn chán nối tiếp nhau. Tôi bị tách ra khỏi thế giới bình thường chung quanh, cái thế giới mà chính tôi đã tự ý từ chối trước khi nhập tu. Tôi không bị thế giới ràng buộc một điều gì và đồng thời tôi cũng không có điều gì ràng buộc nó. Khi tôi cởi bỏ tấm áo sơ-mi lần cuối cùng trước khi khoác vào tấm áo cà-sa là lúc tôi tuyên bố dứt khoát với vật chất trần gian. Tấm áo cà-sa tôi đang mặc, chỉ là một tấm vải màu vàng do lòng tử tế của mọi người cho tôi để che thân. Tôi không lệ thuộc vào nó vì nó không phải là của tôi. Không một nhà tu nào trực tiếp hay gián tiếp làm chủ một món gì thuộc về trần thế, lý do đơn giản là vì ông ta không thuộc về trần gian nữa. Điều này khắt khe đến nỗi nếu một người thường vô tình chạm vào áo cà-sa của một nhà tu trên đường phố, nhà tu ấy phải vứt bỏ tấm áo này ngay khi về đến nhà và không bao giờ được phép mặc lại nó nữa. Mặc nhiên được chấp nhận rằng khi một tấm áo bị đụng đến như thế là do người kia phản đối nhà sư mặc tấm áo đó. Cùng một nguyên tắc như thế được áp dụng ngược lại: Nhà sư không được phép đụng đến một vật thể gì không thuộc về ông trừ khi một cách thật hiển nhiên, vật thể ấy đã được bố thí cho ông. Vì vậy, khi ai bố thí cho một nhà sư món gì, người ấy phải dơ món ấy ra phía trước bằng cả hai tay, dấu hiệu của việc cho đi, trong trường hợp một món gì đó quá lớn hay không thể cầm lên được, phải có những diễn tả thật rõ ràng. Đời tu thật bình thản nhưng vô nghĩa và vô ích. Nếu Đức Phật đã nói rằng "không ai có thể cứu được người khác" thì tôi không giúp cho ai được điều gì. Nhưng tôi đã quyết chí như thế, tôi sẽ theo đến cùng. Nếu tôi không thể san sẻ, giúp đỡ cho ai được ngoại trừ chính tôi thì ít nhất, tôi cũng phải giúp cho tôi được một điều nào đó. Như thế, tôi quyết định rằng trong thời gian ba tháng tu hành này, tôi sẽ cố gắng học thật nhiều về Phật pháp. Thư viện Quốc gia có biết bao nhiêu sách về loại này, tôi sẽ tha hồ đọc. Mỗi buổi sáng tôi thức dậy vào lúc 5 giờ 30 sáng, khoác áo cà-sa một cách cẩn trọng theo luật dạy và bắt đầu đi khất thực, gom góp thức ăn sẽ được các gia đình chung quanh bố thí. Giờ này, họ đang đứng chờ các nhà sư tại cổng nhà với cơm, cá, thịt, bánh ngọt, trái cây và đang sẵn sàng bỏ vào các hộp khất thực của các nhà sư. Tôi cầu nguyện âm thầm cho mỗi người khi họ cho tôi thức ăn. Mọi người đều hiểu rằng một nhà sư không đi xin ăn, nhưng vì họ đã từ bỏ thế gian. Ngay cả một căn bếp để nấu ăn họ cũng không có, nên họ sống do những gì mọi người tặng cho họ. Hành động trao tặng này đưa đến ơn phước cho những ai làm như thế. Vì vậy, luật buộc các nhà sư không được từ chối bất cứ ai khi họ trao tặng thức ăn. Trừ khi đau ốm liệt giường, mọi nhà sư phải đi thâu nhận các thức ăn được trao tặng này vào mỗi buổi sáng. Tôi sẽ đi qua mọi nhà và khi nhà nào đó có một dấu hiệu mời gọi tôi, tôi dừng lại và nhận thức ăn. Đây là một điều bắt buộc, dù khi hộp khất thực của tôi đã đầy, tôi cũng không được từ chối. Từ chối một người khi họ trao tặng là một trọng tội đối với một nhà sư. Cơm và các loại thức ăn được ấn chặt xuống để mọi người có thể bỏ vào thêm. Tôi phải trở về chùa trước 8 giờ sáng, cơm và các loại thức ăn được một cậu bé giúp việc xếp riêng ra từng loại, tôi ngồi xuống và bắt đầu dùng những thức ăn đó. Đối với một tu sĩ Phật Giáo, thức ăn chỉ có một mục đích duy nhất là nuôi sống. Thưởng thức mùi vị ngon lành của thức ăn là phạm tội. Hơn nữa, nếu tôi không ăn thức ăn của tất cả mọi người đã trao tặng cũng là một tội. Do đó, tôi phải nếm qua tất cả các thức ăn đã nhận, chọn một loại thức ăn nào đó đặc biệt là phạm tội. Sau khi ăn, tôi lại một lần nữa cầu nguyện cho những người đã tặng thức ăn cho tôi. Mỗi ngày sau bữa ăn sáng, tôi học các luật lệ của một tu sĩ và giáo huấn của Đức Phật. Vào lúc 11 giờ 30 sáng, tiếng trống treo nơi tháp chuông điểm báo giờ ăn trưa: bữa ăn thứ hai và cũng là bữa ăn cuối cùng trong ngày, từ đó cho đến sáng hôm sau, không một thức ăn nào được phép đưa qua miệng nữa. Trước giờ nghỉ đêm, tôi phải xét mình và thú tội. Tôi có thể vô tình đã dẵm lên, làm bị thương hay làm chết một sinh vật nào đó khi đi đường. Có thể tôi đã xúc động khi nhìn một người đàn bà nào đó trong lúc họ trao thức ăn cho tôi vào buổi sáng. Có thể tôi đã lấy làm vui thích khi được tắm trong cái ao mát mẻ bên cạnh chùa lúc buổi trưa. Tất cả những điều này đều là tội, tôi phải thú nhận hết. Đối với cá nhân tôi, sự thú nhận này thật là vô lý. Vì vậy, tôi chẳng cảm thấy một chút ăn năn hối hận nào cả. Khi một con muỗi chích tôi, tôi liền đập nó chết và nghĩ rằng nó vừa đền tội cho những tội lỗi nó đã phạm kiếp trước và giờ đây tôi đã giải thoát nó khỏi kiếp làm muỗi. * Một ngày nọ, khi những thủ tục đầu tiên đã kết thúc, tôi nghĩ đã đến thời gian tôi đi giảng đạo. Tôi bàn luận với hai nhà sư đỡ đầu của tôi, các ông này không có ý kiến. Tôi liền đi gặp Vị Sư Trưởng, sau khi nghe trình bày, ông cười lớn và nói với tôi: "Thưa Thày, tôi biết Thày rất thông minh, nhưng để giảng thuyết cho các tín đồ thì Thày chưa đủ khả năng đâu, có thể sẽ mất khoảng vài năm nữa...". Vâng lời là một trong những luật lệ tôi phải tuân theo. Một tuần lễ sau đó, tôi xin gặp riêng Vị Sư Trưởng trong vòng 45 phút. Trong suốt thời gian này, tôi đọc thuộc lòng cho ông nghe tất cả những điều luật tôi đã học thuộc, kể cả một bài giảng cho tín đồ tôi đã soạn sẵn. Sau khi chấm dứt, ông nói: "Tôi rất hãnh diện về sự cần mẫn và hết lòng của Thày, việc Thày xuất hiện và giảng đạo nơi công cộng sẽ bị chống đối vì Thày chưa có kinh nghiệm, tuy nhiên tôi rất hài lòng cho Thày giảng bài giảng đầu tiên.". Tôi liền nhắn cha mẹ tôi đến xin cho tôi giảng vì tôi chỉ được phép giảng nếu có ai mời mà thôi. Để chắc chắn là tôi không bỏ sót một chi tiết nào đã soạn cho bài giảng, tôi tóm tắt và ghi lên một bên cây quạt tôi vẫn cầm nơi tay. Rất bình tĩnh, tôi ngồi trên một chiếc bệ đã được kê sẵn theo luật định và bắt đầu hỏi mọi người hiện diện đã sẵn sàng nghe lời giảng chưa. Khi mọi người đã trả lời sẵn sàng, tôi lại hỏi họ có sẵn sàng chấp nhận và thực thi năm giới luật Đức Phật đã dạy không? Những ai chấp nhận hãy lập lại những giới luật này theo tôi, những ai không chấp nhận hết năm điều thì hãy coi những điều kia như không có. Tôi chấm dứt bài giảng không vấp váp và thiếu sót vì tôi đã học thuộc lòng bài soạn trước, ngay cả những lời vấn đáp cũng tuyệt vời. Nhưng tôi nhận thấy hình như có một điều gì không ổn? Tôi hy vọng sau bài giảng người ta sẽ quyên tiền... Nhưng rồi sau đó tôi biết rằng mẹ tôi đến nghe tôi giảng là vì bị bắt buộc và không ai cho tiền hay quyên tiền gì cả. Mẹ tôi tiến tới nói với tôi: "Thưa Thầy, Thầy giảng rất hay và hấp dẫn, tôi rất hãnh diện, và đây là những quà tặng của tôi, hoa, nến và trầm hương, xin Thầy dâng lên Đức Phật dùm cho và cảm ơn Thầy về những ơn phước tôi nhận được từ bài giảng của Thầy." Tối hôm đó, tôi có thêm một tội lỗi nữa để thú nhận đó là tôi đã ước muốn tiền bạc và vì không có được, tôi đã tỏ ra thất vọng não nề. * Trong những tuần lễ sống như một nhà tu Phật Giáo, tôi niệm được một điều là tôi không thể nào đạt được cõi "Niết Bàn". Bất cứ điều nào tôi làm hình như cũng đều là tội lỗi. Có lẽ tôi không nhập tu thì tốt hơn, vì như thế, tôi không phạm tội như bây giờ. Càng ở lâu trong hàng tu sĩ, tôi càng phạm tội nhiều hơn và không một tội lỗi nào trong số này đáng tha thứ cả. Ngay khi sống như một người thường, tôi đã không đếm nổi các mạng sống tôi sát hại mỗi ngày bằng cách này hay cách khác. Mỗi ngày hình phạt càng chất chứa lên tôi đời này và đời sau. Tôi sẽ không được giải thoát. Với nỗi thất vọng này, tôi mất niềm tin nơi Phật pháp. Tôi không thể đến gần được sự bình an vĩnh cửu của "Niết Bàn" dù với tất cả những cố gắng. Đời sống tôi giống như sáp của một cây nến cháy chảy ra và khi tất cả đã tan biến, không còn cây nến nữa, cũng không còn đời sống nữa. Tôi đi đến tận cùng... * Cha tôi đã không hề tin một thần thánh nào bao giờ, thì tôi bây giờ là một kẻ theo chủ nghĩa hoài nghi. Việc tôi chú tâm tìm hiểu Phật Pháp đã giúp tôi mở mang kiến thức về lãnh vực này, nhưng ngược lại, nó lại làm tôi xa khỏi tôn giáo ấy. Nếu đúng theo lời Đức Phật dạy rằng ước muốn chính là căn nguyên làm ngăn trở một người tiến tới cõi Niết Bàn, thì tôi sẽ không bao giờ có thể đạt được cái cõi Niết Bàn ấy. Sự bình an vĩnh cửu là cứu cánh của đời sống con người và nếu Niết Bàn là sự bình an vĩnh cửu ấy thì tôi muốn đạt tới Niết Bàn. Nhưng nếu chính sự ước muốn này: ước muốn để đạt tới, ước muốn để sống và hành động để có được Niết Bàn lại là một ngăn trở khiến người ta không đạt được Niết Bàn, thì tốt hơn, tôi nên đầu hàng trước khi ước muốn.
Bác sĩ Lert Srichandra
|