Sống là chiến
đấu.
(Trích
trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Một buổi chiều, cha bề trên
một tu viện kia hỏi một tu sĩ: - Hôm nay con đã làm gì?
- Cũng như những ngày khác,
tu sĩ trả lời, con rất bận bịu mà nguyên sức con không thể nào làm nổi, ngoài
sự giúp đỡ của Chúa. Thưa cha, ngày nào con cũng phải coi hai con chim ưng, giữ
hai con nai, dạy hai con diều hâu, thắng một con cá sấu, trị một con gấu và
chăm sóc một bệnh nhân.
- Con nói gì thế? Cha bề
trên cười hỏi lại, những việc như thế làm gì có trong tu viện này?
- Thưa cha bề trên, thật
đúng như thế. Hai con chim ưng là hai con mắt của con, con phải gìn giữ cho nó
luôn trong sáng, không để nó thu giữ những hình ảnh xấu xa. Hai con nai là hai
chân của con, con phải luôn trông coi từng bước đi, để chúng bước đi trên nẻo
chính đường ngay. Hai con diều hâu là hai bàn tay của con, con phải luôn bắt nó
làm những việc tốt. Con cá sấu là cái lưỡi của con, con phải kìm hãm hằng ngày
để nó khỏi thốt ra những lời nói thâm độc và thô bỉ. Con gấu là trái tim của
con, con phải trừng trị để khỏi ích kỷ và phô trương. Còn bệnh nhân là chính
thân xác con, con phải canh phòng ráo riết để nhục dục không xâm nhập và luôn
lành mạnh.
Tu sĩ này có lý, thưa anh chị em, vì sống là chiến
đấu. Đời là một cuộc trường kỳ chiến đấu, và cuộc chiến cam go nhất chính là
cuộc chiến cam go nhất chính là cuộc chiến với bản thân. Địch thù ẩn núp ngay
trong bản thân mình chứ không ở đâu xa. Chúa Giêsu trong cuộc đời trần thế cũng
không thoát khỏi cuộc chiến đấu này. Ngài đã quyết liệt chiến đấu và chiến
thắng vẻ vang. Tin Mừng hôm nay đã kể lại, lúc khởi đầu cuộc sống công khai,
Chúa Giêsu đã được Chúa Thánh Thần đưa vào sa mạc để chịu thử thách –tương tự
như Ađam khi xưa ở vườn Eden- Địa đàng, hay dân Do Thái 40 năm trong sa mạc để
chịu thử thách. Nhưng Ađam khi xưa trong vườn địa đàng đã nghe theo lời xúi
giục của Satan đội lốt con rắn, đã bất tuân lệnh Thiên Chúa, đã ăn trái cấm, vì
không muốn làm người mà muốn làm Thiên Chúa. Ông đã sa ngã trước thử thách, kéo
theo hậu quả khốc hại muôn đời cho con cháu loài người. Bốn mươi năm trong sa
mạc cũng là thời gian thử thách lâu dài đối với dân Do Thái. họ cũng đã sa ngã
trước thử thách: bao lần phản loạn, chống đối ông Môsê, kêu trách Thiên Chúa,
muốn quay trở lại Ai Cập với kiếp nô lệ hơn là tiến về Đất Hứa.
Còn Chúa Giêsu trong sa mạc 40 đêm ngày đã cương
quyết trung thành với Thiên Chúa, dứt khoát chọn lựa đứng về phía Thiên Chúa.
Theo Thánh Matthêu và Luca thì Satan đã dùng cơm bánh, quyền phép, danh vọng để
cám dỗ Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã dùng lời Kinh Thánh để cương quyết khước từ
cám dỗ và nói lên ý muốn dứt khoát chọn lựa con đường của thánh ý Chúa Cha, con
đường khổ nạn thập giá. Cuối cùng Satan phải chịu rút lui, nhường chỗ cho các
thiên thần đến phục vụ Ngài. Chúa Giêsu đã chiến thắng cám dỗ. Sức mạnh làm cho
Ngài chiến thắng chính là Lời Chúa trong Kinh Thánh và thái độ cương quyết đứng
về phía Thiên Chúa, thực thi ý muốn của Chúa Cha.
Anh chị em thân mến,
Là tín hữu, chúng ta cũng có thể chiến thắng như Chúa
Giêsu, nếu chúng ta biết chọn đứng về phía Thiên Chúa, lắng nghe Lời Chúa và để
Chúa hướng dẫn đời sống chúng ta. Cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu đã chứng tỏ:
con người có thể thắng được những chước mê hoặc dụ dỗ của Satan, nếu biết dựa
vào sức mạnh của Chúa. Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta không chấp nhận thách thức
Thiên Chúa, chúng ta không theo Chúa chỉ vì miếng ăn, chỉ vì cơm bánh. Chúng ta
không theo Chúa để bắt Chúa phục vụ đời sống thể xác hay vật chất của chúng ta.
Chúng ta không coi Thiên Chúa như một sức mạnh phù phép để làm những việc phi
thường, để biểu diễn những pha ngoạn mục. Chúng ta cũng không lòn cúi, quy lụy
Satan để được làm chúa thiên hạ. Chính Thiên Chúa mới là Chủ tể vũ trụ, là Chúa
của chúng ta.
Hôm nay cùng với Chúa Giêsu, chúng ta đi vào sa mạc
của chúng ta. Không phải sa mạc của muôn thú và quỷ ma, nhưng là sa mạc của tâm
hồn chúng ta. Theo Kinh Thánh, sa mạc là nơi thoát tục để con người gặp gỡ và
sống thân mật với Thiên Chúa tình yêu. Ngôn sứ Hôsê đã diễn tả ý nghĩa của sa
mạc rất đúng khi ông viết: “Thiên Chúa phán: Ta sẽ dẫn người yêu của Ta vào sa
mạc, để ở đó Ta thủ thỉ với nàng” (Hs 2,16). Sa mạc là nơi sống gần gũi với
Thiên Chúa, sống trong tình thân mật của Ngài. Vì thế, chúng ta hãy bịt tai
trước những tiếng ồn ào bên ngoài, những lời xúi giục, dụ dỗ của Satan. Ngày
nay và hằng ngày vẫn luôn có những tiếng xúi giục như vậy. Đừng tưởng chỉ có
tiếng nói bên ngoài, tiếng của Satan có thể nói lên ngay trong tâm hồn chúng
ta. Nó xúi giục chúng ta đừng sống theo Lời Chúa. Sống theo Tin Mừng sẽ thiệt
thòi lắm! Sống như người ta, làm như người đời, dễ biết bao, lợi biết mấy!
Nhưng nghe theo những tiếng xúi giục ấy là phản bội Chúa, là từ bỏ Chúa, là lựa
chọn không đi theo Chúa nữa. Như thế là lại rơi vào số phận khốn khổ của Ađam
khi xưa, của dân Do Thái ngày trước. Tất cả đã sa ngã trước thử thách. Chúng ta
hãy theo gương Chúa Giêsu, chọn tình Chúa làm hạnh phúc, lấy Lời Chúa làm lẽ
sống, làm sức mạnh, để chiến thắng tội lỗi và sống gắn bó với Thiên Chúa.
Thưa anh chị em,
Thử thách và sa mạc là để thanh luyện tâm hồn, để
chuẩn bị cho một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, trong tương quan với Chúa và với
anh chị em. Trong sứ điệp Mùa Chay năm 1997, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã
nói: “Mùa Chay nhằm giúp các tín hữu sống lại lộ trình 40 năm dân Israel đã
trải qua trong sa mạc trên đường về Đất Hứa, với một nỗ lực thanh luyện bản
thân, ý thức tình trạng nghèo khó và bấp bênh của cuộc sống và khám phá ra sự
can thiệp quan phòng của Chúa. Ngài mời gọi người tín hữu hãy mở đôi mắt để
nhìn thấy nhu cầu cấp bách nhất của anh em chúng ta. Bằng cách ấy, Mùa Chay
cũng trở thành mùa liên đới với những con người và với những dân tộc ở nhiều nơi
trên thế giới đang sống trong hoàn cảnh bấp bênh, tạm bợ, không cửa không nhà”.
Đức Thánh Cha còn nói: “Hãy đón nhận lời mời gọi hoán cải của Đức Kitô để gắn
bó bền chặt hơn với Thiên Chúa, Đấng Thánh và giàu lòng thương xót, cách riêng
trong Mùa Chay, mùa ân sủng này. Ước gì Mùa Chay sẽ giúp cho mỗi người biết
lắng nghe tiếng Chúa mà mở tâm hồn ra tiếp rước tất cả những người đang sống
túng thiếu”… “Chính lúc tỏ ra cởi mở và quảng đại mà Kitô hữu, với tính cách
riêng rẽ hoặc tập thể, có thể phục vụ Đức Kitô hiện diện trong người nghèo và
làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Đức Kitô đã đi trước chúng ta trên con
đường này. Sự hiện diện của Ngài là một sức mạnh và là một khích lệ: Ngài cho
ta được tự do và trở thành những chứng nhân của tình yêu thương”
|