Sự chấp nhận
Chắc hẳn
rằng bệnh phong hủi là một căn bệnh
khủng khiếp, nhưng không khủng khiếp bằng
cảm giác không được yêu thương, không ai mong
muốn mình bị ruồng bỏ. Một trong những điều
tệ hại nhất có thể xảy ra cho một con
người, đó là bị xua đuổi. Sự
xua đuổi gây tổn thương cho bất cứ
cảm xúc hoặc tâm trạng nào khác. Điều này
làm tổn hại đến giá trị bản thân,
khiến cho người ta cảm thấy mình vô giá trị.
Sự xua đuổi còn làm cho người ta
muốn co rút lại hoặc công khai nổi loạn. Trong một bộ lạc ở Châu Phi, có một
hình phạt chủ yếu là tẩy chay.
Sự xua
đuổi gây tác hại đối với trẻ con,
người lớn tuổi, người tật nguyền…
Đối với một đứa trẻ,
tình trạng bị cha mẹ bỏ rơi tương
đương với cái chết. Người
lớn tuổi sợ hãi bị bỏ rơi, còn hơn là
tất cả những bệnh tật của họ.
Những vết thương nặng nề nhất gây ra cho
người bị tật nguyền, không phải là do
những hạn chế của họ về mặt thể
lý hoặc tâm lý, nhưng là do tình trạng bị bỏ
rơi mà họ đã từng trải qua. Những
người làm công việc sáng tạo (các nhà văn,
nghệ sĩ v.v…) đều là những người
nhạy cảm, dễ cảm thấy đau khổ,
bất chấp những thành công mà họ đã đạt
được. về một
phương diện nào đó, mỗi người chúng ta
đều đã từng cảm thấy nỗi đau
bị khước từ.
Có những cách
để tự cô lập mình khỏi tình trạng bị
khước từ – phiêu lưu đôi chút, không muốn
(không cần) gì cả, tránh né các mối quan hệ. Dường
như tốt hơn là nên xây dựng những bức
tường, và tránh né các mối quan hệ, hơn là
liều mình chịu đau khổ vì bị khước
từ. Nhưng điều này cũng
giống như việc cưa chân đi, để khỏi
cần phải mang giày.
Người đàn
ông tiến lại gần Đức Giêsu là một
người đã bị ruồng bỏ. Vì là
một người phong hủi, nên anh ta bị bắt
buộc phải sống bên ngoài cộng đồng. Thậm chí người ta còn không được
đụng chạm vào anh ta. Vào thời
kỳ đó, bệnh tật bị coi như một sự
trừng phạt vì tội lỗi. Do đó,
người ta coi người phong hủi cũng bị
cả Thiên Chúa ruồng bỏ. Nỗi đau khổ tệ
hại nhất của người phong hủi không
phải là căn bệnh phong hủi, nhưng chính là
nỗi đau bị tất cả mọi người
ruồng bỏ.
Khi chúng ta
khước từ người nào, là chúng ta đang
thực sự cư xử với họ giống như
những “người phong hủi”, mặc dù chúng ta không ý
thức về điều đó. Chúng ta có thể
khước từ một người, theo
những cách thế nhỏ bé nhưng tinh tế – bằng
một giọng nói hoặc thậ chí chỉ bằng
một cái nhìn của chúng ta. Nhưng những chuyện khó
chịu nhỏ nhặt do bị khước từ,
lại có thể tích lũy thành những hậu quả
trầm trọng lâu dài.
Điều thú
vị không phải là việc Đức Kitô chữa lành
người phong hủi, nhưng là cách Người
chữa lành cho anh ta. Vì bị tất cả mọi người
loại trừ và ruồng bỏ, nên những kẻ phong
hủi bắt buộc phải rung chuông báo hiệu mọi
người, mỗi khi người đó ra
đường; không một ai muốn đến gần
họ, vì sợ bị lây nhiễm, và bị qui cho là không
tinh sạch.
Nhưng Đức
Giêsu lại bỏ qua tất cả điều này. Người
đã động lòng thương, khi nhìn thấy hoàn
cảnh khó khăn của người phong hủi. Đức Giêsu cho phép người đó
đến gần Người. Thật ra
Người đã làm một điều mà không ai ngờ:
Người tiến lại gần và đụng chạm
vào anh ta. Bằng cách đó, Người đem đến
cho anh một dấu hiệu đón tiếp, và chấn
chỉnh nơi anh ta ý tưởng rằng mình là
người dơ bẩn, không xứng đáng, và không là gì
cả, mà chỉ là một hạng người thừa. Trước khi chữa lành cho thân xác tan nát của
anh, Người đã chữa lành sự nhận thức
đầy mặc cảm nơi anh.
Đức Giêsu
chấp nhận người phong hủi đúng theo con người của anh. Sự
chấp nhận là một câu trả lời cho sự
khước từ. Đây là một trong
những điều thân ái nhất có thể xảy ra cho
chúng ta. Khi chấp nhận, chúng ta có cảm giác
rằng con người mình có giá trị.
Mỗi người
chúng ta đều khát khao được chấp nhận
con người của mình. Chính sự quí mến và chấp
nhận của người khác, làm cho chúng ta
được là con người duy nhất theo
đúng bản chất của mình. Khi chúng ta
cho rằng mình làm việc chỉ vì công việc, rằng
người khác cũng có thể làm cùng một công việc
đó, thậm chí còn tốt đẹp hơn chúng ta, thì
chúng ta không phải là con người duy nhất.
Nhưng khi chúng ta chấp nhận con người của
mình, thì chúng ta có khả năng nhận ra được
đầy đủ tiềm năng nơi bản thân mình.
Đây là cách
Đức Giêsu chấp nhận người phong hủi, và
chấp nhận chúng ta. Và đến lượt
mình, đây cũng là cách thế mà chúng ta phải học
hỏi, để biết chấp nhận người
khác, và tiếp cận với những người đang
phải chịu đựng nỗi đau khổ tình
trạng bị khước từ. Đến
lượt mình, chúng ta phải có thể nhen nhúm lại
niềm hy vọng, mang lại niềm say mê vui sống
nơi người khác, và rồi từ đó, chúng ta
phản ánh được một cách mờ nhạt về
lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.
|