Người bị loại trừ.
(Trích trong ‘Niềm
Vui Chia Sẻ’)
Đối với
tâm lý người xưa nói chung và
người Do Thái nói riêng, bệnh tật nếu không
phải do tội lỗi thì cũng là trò ma chước
quỷ bày ra. Xét theo diện nào, thì
bệnh tật cũng đều đáng sợ. Và bệnh càng nặng, càng ghê tởm, người
ta càng phải cẩn thận, đề phòng.
Ở đất Do
Thái thời bấy giờ có lẽ không bệnh nào nan trị bằng bệnh phong cùi. Nó vừa
ghê tởm vừa dễ lây. Xã hội lập
tức đã phải có biện pháp đối với
những người mắc bệnh phong cùi. Luật pháp Do Thái trục xuất người
phong cùi ra khỏi đời sống cộng đồng xã
hội. Người phong cùi phải ra
khỏi nhà, đến ở những nơi hoang vu hẻo
lánh, không được tiếp xúc với ai và cũng không
được để cho ai đến gần mình.
Gặp ai qua đường, bệnh nhân phải lên
tiếng làm hiệu trước để cho mọi
người tránh xa, kẻo bị ô nhiễm theo
luật. Vô phúc cho ai bị ô nhiễm như vậy, vì
sẽ bị tuyệt thông, không được tham dự
các nghi lễ nữa, trước khi làm lễ thanh tẩy theo luật dạy. Còn chính
người phong cùi, khi thấy thân xác lành sạch phải
đến trình diện các Thầy Tư Tế để
xin khám nghiệm. Nếu đúng đã
lành bệnh thật, họ còn phải dâng lễ
đền tội và thanh tẩy trước khi
được cấp giấy chứng nhận phục
hồi quyền hiệp thông với cộng đồng xã
hội.
Anh chị em thân
mến,
Có hiểu số
phận thảm thương của người phong cùi
trong xã hội Do Thái thời xưa, chúng ta mới hiểu
được ý nghĩa đoạn Tin Mừng hôm nay: Một
người phong cùi dám đến gần Chúa Giêsu, bất
chấp pháp luật ngăn cấm. Anh
đến quỳ xuống van lạy Chúa Giêsu. Thái độ đó chứng tỏ một lòng tin
thật mạnh mẽ. Chúa Giêsu động lòng
thương, Ngài cũng bất chấp pháp luật, Ngài
giơ tay ra đụng đến
người phong cùi và phán: “Ta muốn anh được
sạch”, tức thì bệnh phong cùi biến mất,
người phong cùi được lành sạch.
Ngày nay, quan niệm
khắt khe đối với bệnh phong cùi đã
chuyển biến. Nhiều người và
nhiều tổ chức từ thiện đã và đang
xả thân chăm sóc, giúp đỡ, điều trị
những người phong cùi trên thế giới. Với đà tiến bộ của y khoa,
người ta đã hy vọng sẽ một ngày không xa,
sẽ bài trừ được hết bệnh phong cùi.
Tuy nhiên, có một
thứ bệnh phong cùi mà khoa học không bao giờ chữa
được, đó là bệnh phong cùi của tâm hồn,
đó là tội lỗi: hận thù, kỳ thị chủng
tộc, ý thức hệ, bạo lực. Chính
bệnh phong cùi này mới đáng sợ, vì nó cô lập con
người xa cách Thiên Chúa và cộng đoàn dân Chúa. Bệnh phong cùi này chỉ có Máu Thánh Chúa Kitô mới
thanh tẩy được. Chúa Giêsu
đã đến để giao hòa vạn vật với
nhau, nhờ được giao hòa với Thiên Chúa. Vì Ngài đến để xóa bỏ tội
lỗi và làm cho tất cả nhân loại được
nên trong sạch, được đến gần Thiên Chúa,
được nên dân Chúa. Chúa Giêsu đã chết và và
sống lại để cho chúng ta được lành
sạch, cho chúng ta được làm con Thiên Chúa và làm anh em
hết mọi người. Không loại
trừ ai và không bị ai loại trừ. Ngài đã
giao hòa vạn vật trên trời dưới đất,
không còn loài vật sạch hay dơ, không còn biên giới
ngăn cách chúng ta với Chúa và với mọi người.
Nhưng Chúa Giêsu cũng đã để lại trong Giáo
Hội các Nhiệm Tích, nhất là Nhiệm Tích Hòa Giải
là phương thế Chúa dùng để tẩy sạch
bệnh phong cùi của chúng ta và giao hòa nối kết chúng
ta lại với Chúa và với mọi người,
để củng cố mối dây liên kết ấy ngày
càng bền chặt hơn.
Thưa anh chị em,
Chúng ta đã
biết, theo luật pháp Do Thái, người mắc bệnh
phong cùi phải ở riêng ngoài trại, cách ly mọi
người, không được đến gần ai và
cũng không ai được đến gần họ.
Nhưng ở đây, với lòng tin mãnh liệt,
người cùi đón đường và tiến
đến bên Chúa Giêsu. Còn Chúa Giêsu, thay vì xa lánh bệnh nhân
như luật buộc, “Ngài đưa tay ra đụng
đến người phong cùi”. Đối
với Chúa, không có vấn đề kỳ thị, cấm
kỵ, loại trừ. Chúa là tất cả cho mọi
người, không kỳ thị chủng tộc, văn hóa,
giàu nghèo, bệnh tật…
Thái độ tin
tưởng của người phong cùi và hành động
nhân hậu của Chúa Giêsu cho chúng ta một bài học: chúng
ta đừng bao giờ tự biến thành người
mắc bệnh phong cùi nghĩa là đừng tự cô
lập mình với anh em, đừng tự giam mình trong pháo
đài ích kỷ, thù hận nhưng hãy biết quảng
đại yêu thương bằng việc sẵn sàng quên
mình vì mọi người.
Noi gương Chúa
Giêsu, mỗi người chúng ta hãy biết nhìn người
anh em đồng loại như một “cái mình khác” của
chính mình. Một khi nhìn nhận như thế,
chúng ta phải trở nên anh em của bất cứ
người nào, không trừ một ai, và phải đi
đến với mọi người để phục
vụ trong tình yêu thương. Người già cả,
người nghèo khó, người bệnh tật,
người cô đơn hay hèn kém… Tất cả
đều kêu gọi lương tâm Kitô giáo của chúng ta,
và chúng ta hãy nhớ lại Lời Chúa: “Tất cả
những gì anh em làm cho một người bé nhỏ
nhất trong các anh em Ta, là anh em đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Chúng ta hãy nhìn nhận trong
mọi người sự có mặt của Chúa Kitô. Mọi người đều là anh em mà chúng ta
phải yêu mến một cách thật tình. Bằng chính lời nói, hành động yêu
thương mà chúng ta làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô
và thông hiệp với những người khác trong mầu
nhiệm tình yêu của Cha trên trời.
Có lẽ ông bà anh chị em đã
được nghe nói đến Đức Cha Jean Cassaigne,
nguyên Giám Mục Giáo phận Sài Gòn của chúng ta
trước đây. Sau 15 năm làm Giám
Mục Sài Gòn, Đức Cha Jean Cassaigne đã tình nguyện
về sống giữa những bệnh nhân phong cùi thân yêu
của ngài ở trại phong cùi Di Linh (Lâm Đồng),
trong một ngôi nhà gỗ nhỏ hẹp. Tuy không giữ
một địa vị nào trước mặt xã hội,
nhưng ngài thật là một người bạn của
người phong cùi, một chứng nhân của tình yêu Thiên
Chúa, một con người hy sinh phục vụ
người phong cùi, chấp nhận mang lấy bệnh
phong cùi của họ và chết đi ở giữa họ.
Mười tám năm trời, ngài sống
trong thinh lặng giữa rừng núi thâm u, với những
bệnh nhân phong cùi, không mấy ai biết đến.
Nhưng khi ngài mất đi vào năm 1973, mọi
người hay biết đều cảm phục tấm
gương hy sinh anh dũng của ngài, ngài đáng
được gọi là : “Cha của
người phong cùi”.
Tấm gương
bác ái cao cả đó, không phải ai cũng có thể noi theo được, nhưng trước
mắt chúng ta, còn có những người, những tập
thể mà chúng ta xa lánh kiểu dân Do Thái thời Cựu
Ước xa lánh người phong cùi. Có khi
chúng ta đã gán cho họ những nhãn hiệu thù nghịch,
để rồi không bao giờ muốn tiếp xúc với
họ, sợ mình trở thành “cùi” như họ. Có khi chúng ta đã từ chối tiếp xúc,
hợp tác với cá nhân này hay tập thể nọ, chỉ
vì họ không cùng tôn giáo hay lập trường với chúng
ta. Nếu chúng ta làm như vậy là chúng ta khinh
thường, làm nhục sứ mạng giao hòa mọi
người mọi vật, sứ mạng mà Chúa Giêsu đã
nhận lãnh từ Chúa Cha, đã thi hành bằng cách hiến
mạng sống mình, đổ đến giọt máu
cuối cùng trong trái tim của Ngài.
Trong Thánh Lễ hôm
nay, khi chúng ta tưởng niệm Mầu nhiệm Tử
Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, mầu nhiệm là cho
chúng ta được giao hòa với Chúa và với nhau, chúng
ta hãy xin Chúa giúp chúng ta luôn xa lánh tội lỗi để
được hiệp thông với Chúa và với anh em,
biết sống quảng đại mối giao hòa với
hết mọi người mà Chúa Giêsu Kitô đã đem
đến cho chúng ta.
|