Lạc quan
Cho đến
thời Chúa Giêsu, luật lệ Do thái vẫn rất
khắt khe đối với những người phong cùi.
Những luật lệ này đã có từ thời ông Môsê
được ghi lại trong chương 13 sách Lêvi, qui
định rất tỉ mỉ và rõ ràng những
trường hợp người bị cùi và cách
đối xử với những người ấy.
Nghĩa là khi có những triệu chứng bệnh ngoài da,
người bệnh phải đến gặp tư
tế để khám nghiệm. Nếu là phong cùi thì tư
tế sẽ tuyên bố người đó không thanh
sạch. Từ đó họ không được ở chung
với người lành, không được ở trong làng,
nhưng phải sống biệt lập trong hoang
địa, không được tham gia bất cứ sinh
hoạt nào. Họ không được tới gần
người lành, cũng không được để
người lành tới gần. Họ phải mặc áo
rách, để tóc bù xù, và khi thấy người lành thì phải
hô to: “dơ, dơ” để người ta biết mà tránh
xa. Nếu họ đụng tới người lành hay
người lành đụng tới họ thì người
ấy trở thành dơ bẩn và bị khai trừ trong
thời gian luật định.
Như vậy, khi
đã mắc bệnh cùi là mặc nhiên bị đẩy vào
một cái chết dần mòn khủng khiếp. Chẳng
những thế, kẻ mắc bệnh cùi còn bị xã
hội nguyền rủa và xa lánh. Thân xác tiêu hao, tinh thần
băng hoại, đời sống người bệnh không
còn gì khác hơn là những tháng ngày rên siết đau
thương trong khốn cùng tuyệt vọng.
Hiểu rõ số
phận người cùi như vậy, chúng ta sẽ
hiểu được trường hợp người
cùi trong bài Tin Mừng hôm nay. Một người cùi
đến gần Chúa Giêsu và Chúa đã chữa cho người
ấy được lành sạch. Như thế,
người cùi này đã vượt qua các hàng rào mà luật
đặt cho người cùi. Và chính Chúa Giêsu cũng đã
vượt qua hàng rào luật định khi Ngài chạm
tới người cùi. Nghĩa là với lòng tin mạnh
mẽ người cùi đón đường và đến
gần Chúa. Còn Chúa, thay vì xa lánh như luật cấm, Ngài
giơ tay chạm đến người bệnh. Việc
Ngài chạm tới người cùi không làm cho Ngài ra dơ
bẩn mà lại làm cho người cùi được lành
sạch. Ngài không phạm luật nhưng Ngài làm cho luật
nên hoàn hảo.
Thái độ
của người cùi này đáng cho chúng ta suy nghĩ. Dù
với tâm trạng e dè sợ sệt, anh vẫn tin
tưởng kêu xin. Lời cầu xin ấy không phải là
một hoài nghi, nhưng diễn tả một niềm tin
hoàn toàn phó thác cho tình thương của Chúa Giêsu giữa
cảnh cùng đường tuyệt vọng. Trước
thái độ tin tưởng khiêm tốn của anh, Chúa
Giêsu rất hài lòng, Ngài đặt nhẹ tay trên vai anh và
chữa anh lành bệnh bằng một lời đầy âu
yếm: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”.
Đặt tay hay
đụng chạm đến người cùi là một
cử chỉ mà lề luật không cho phép và cấm
ngặt, vì nó sẽ làm cho con người ra dơ bẩn.
Và với quyền năng của mình, không cần
đụng chạm vào người cùi, Chúa Giêsu vẫn có
thể chữa lành anh ta. Thế nhưng, tình yêu dâng
hiến sẽ nhận được tình yêu đáp
trả. Tâm tình tin yêu của người cùi đã
được Chúa Giêsu đáp lại bằng cử chỉ
yêu thương của Ngài.
Câu truyện
người cùi trên đây tuy ngắn gọn, nhưng
diễn tả được đậm nét nguyên tắc
sống của người Kitô hữu: không bi quan về
cuộc sống. Không bao giờ mất tin tưởng,
dầu cuộc đời xem ra như chẳng còn lối
thoát. Và nhất là không bao giờ được quên tình yêu
thương săn sóc của Cha trên trời. Bởi vì
chẳng có gì ngăn cản con người tìm đến
với tình yêu Thiên Chúa. Dù cho cuộc sống có tăm
tối u buồn, quanh ta chẳng còn người cảm
thông, thì vẫn còn Chúa Giêsu, Ngài luôn chờ đón và sẵn
sàng đáp lời chúng ta. Và chúng ta hãy đến với Ngài
để học nơi Ngài cách đáp trả.
Chúng ta đừng
bao giờ tự làm cho mình thành người mắc bệnh
cùi và cũng đừng làm cho những người
sống chung quanh mình thành những người cùi. Nghĩa
là có những người cư xử như mình bị cùi,
khi tự xây cho mình pháo đài ích kỷ, lập dị… Có
những người khác lại đối xử với
anh em như những người cùi, khi làm cho anh em cô
đơn hoàn toàn, do lời nói hay thái độ chia rẽ,
phân biệt đối xử… Chẳng hạn có những
người, những tập thể mà chúng ta xa lánh theo kiểu
dân Do thái xa lánh người cùi. Hoặc chúng ta từ
chối tiếp xúc, hợp tác với cá nhân này hay tập
thể nọ chỉ vì họ không cùng tín ngưỡng hay
không đồng tư tưởng với chúng ta. Nếu
sống như vậy là chúng ta tự làm cho mình mắc
bệnh cùi và làm cho anh em trở thành người cùi.
Chúng ta đừng
bao giờ sống như thế, chúng ta đừng bao
giờ tự cô lập mình, đừng bao giờ gây chia
rẽ; trái lại, hãy luôn sống cởi mở với
mọi người, đối xử với mọi
người trong tinh thần yêu thương và hợp tác.
Lạc quan vui
sống là đặc tính cơ bản của người
Kitô hữu. Chúng ta cần phải lạc quan vì nhận
thức được phẩm giá làm người và làm con
Chúa của mình. Chúng ta lạc quan vui sống vì biết
rằng mình luôn được Thiên Chúa yêu thương
săn sóc. Chúng ta lạc quan vui sống vì biết rằng
đàng sau mọi gian nan thử thách của cuộc
đời, luôn có Thiên Chúa hiện diện để
bảo vệ và nâng đỡ, để an ủi và khích
lệ. Mỗi ngày có những đau khổ, nhưng
cũng lại có niềm vui. Người Kitô chúng ta luôn
biết vươn mình trên đau khổ để đón
nhận niềm vui được trao ban từ tấm
lòng, từ bàn tay, từ nụ cười của Thiên Chúa
yêu thương. Một cuộc sống như thế
phải là điều bình thường cho những ai
biết đặt trọn niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa.
Một cuộc sống như thế không những chỉ
là nguồn vui cho riêng mình mà còn mang hạnh phúc đến
cho gia đình, cho xã hội nữa.
|