Đối với Thiên Chúa, không ai là người
bị bỏ rơi.
(Trích trong ‘Lương
Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest.)
Khi mới
đọc qua, đoạn Phúc âm này làm chúng ta ngạc nhiên
vì một sự tương phản: Chúa Giêsu có hai thái
độ trái ngược nhau. Chúa Giêsu
vừa cảm động, xót thương người cùi,
vừa xua đuổi anh, và ngược đãi anh. Đoạn này khiến ta phải suy nghĩ
về lòng nhân hậu của Chúa Giêsu, lòng nhân hậu
vừa nhạy cảm lại vừa cương quyết.
1) Chúa Giêsu dễ cảm xúc, ‘Động lòng
thương, Chúa Giêsu giơ tay sờ
đến người ấy mà phán bảo: Ta muốn,
ngươi hãy lành bịnh’. Chúa Giêsu đã xúc cảm
cách rất nhân loại. Lòng từ bi vô
biên của Chúa ‘Giêsu-làm-người’ không phải chỉ là
một sự hảo tâm, tuy hiệu nghiệm nhưng xa
vời. Trong sự mầu nhiệm Nhập thể,
Thiên Chúa đã truyền thông lòng từ bi vô biên của
Người bằng sự rung cảm của một con tim
thật sự nhân loại, trái tim của Chúa Giêsu. Lòng từ bi đó trở thành một sự
cảm xúc rất nhân loại, nó biến thành lòng xót
thương khi đứng trước sự đau
khổ, nghĩa là thành khả năng có thể ‘cùng đau
khổ’. Chúa Giêsu đau khổ
trước sự đau khổ của người phung
cùi khi anh này đến với Người. Hơn nữa, vì Người thương con
bịnh, nên nỗi đau khổ của y làm cho
Người khó chịu hơn chính sự đau khổ
của Người. Khi người ta
yêu ai thực sự, nếu người này đau khổ,
người ta muốn mang lấy sự đau khổ cho
kẻ ấy để giải thoát cho y. Chúa Giêsu không
chữa cho người phung cùi bằng một hiệu quả
của quyền-lực-toàn-năng Người.
Người cúi xuống sát con bịnh đang quỳ
dưới chân Người. Người đáp ứng
lời van xin của y bằng một cử chỉ từ
bi nhân hậu đi xa đến độ vi
phạm cả một giới răn Lề Luật.
Người chạm đến bịnh nhân cùi bằng tay Người. Chỉ một cử chỉ
đó cũng đủ gây bối rối cho bịnh nhân mà
một trong những đau khổ lớn lao nhất trong
đời họ là cảm thấy bị loại ra
khỏi xã hội loài người, những đồng
loại không còn muốn tới gần họ nữa
chứ đừng nói chi đến sự chìa tay ra cho
họ. Vì họ là người không ai muốn
sờ mó, đụng chạm tới. Như vậy là
lòng từ bi của Chúa không những đã hữu ích cho
họ bằng cách chữa họ lành đã, mà còn nâng họ
lên hàng cao, bằng cách phục hồi danh dự địa
vị cho họ, bằng cách trả lại cho họ danh
dự con người. Chúng ta ghi nhớ điểm Chúa
Giêsu đụng đến người cùi trước khi
y lành đã, và cử chỉ ấy đã chữa y khỏi
căn bịnh. Lòng từ nhân của chúng ta có thực
sự động lòng xót thương, gần gũi sự đau khổ, chấp nhận
hoặc phục hồi cho tha nhân nhân phẩm của họ
chăng? Một lòng từ nhân như vậy
lắm khi mang trong bản chất nó quyền lực
chữa lành một số bịnh tật.
2) Chúa Giêsu cương quyết. Nhưng rồi
ngược đãi y, Chúa Giêsu liền xua đuổi y mà
bảo: Coi chừng đừng nói gì với ai. Chúa Giêsu không muốn ai tiếp nối những
cử chỉ từ bi của mình bằng những tình
cảm giả vờ hoặc thái quá. Trái
lại là khác. Người không bao
giờ rời mắt khỏi những lợi ích cao cả
của sứ mạng Người. Không
bao giờ Người chấp nhận cho một quyền
lợi riêng tư đi ngược lại với
quyền lợi tổng quát. Trong trường hợp
hiện tại, sự lợi ích của sứ mạng
Người đòi hỏi 1 hành động tiến dần
đến mục đích tối hậu là: mọi
người nhận ra Người, Chúa Giêsu, là Con Thiên Chúa,
là Đấng Cứu thế. Trước các phép lạ
Người làm, khi Người khởi đầu ra đi
thi hành sứ mạng, những người tốt có
thể coi Người như một nhân vật
được thiên phú một quyền năng phi
thường, không hơn không kém. Nhưng Chúa
Giêsu cương quyết muốn rằng các phép lạ
Người làm tiên vàn phải là chữ ký của Lời
Người. Trước hết, Người
muốn ban Lời Người. Đối
với Người, điều quan hệ, không phải là
sự nổi tiếng về quyền năng chữa
bệnh của Người, nhưng là sức mạnh
cứu độ của Lời Người. Vậy Lời ấy là nguồn gốc ơn
cứu độ ở chỗ nào? Ở
chỗ là Lời ấy kêu gọi con người hãy có
lấy một sự tuyên xưng đức tin. Lòng
tin vào Lời và Con Người của Chúa Giêsu mở
cửa cho ơn cứu độ. Khi hắt
hủi người cùi được chữa lành vì lòng
từ nhân của Người, Chúa Giêsu không muốn
bịnh nhân làm phương hại đến sứ mạng
của Người bằng một niềm hân hoan thiếu
kín đáo. Người không muốn sự chữa lành
phần xác bao vây trí óc kẻ đương thời thu hẹp khả năng chữa lành bệnh
của quyền năng Người. Người đã
đến để loan báo Nước Thiên Chúa và chính trên
sự loan báo ấy, Người muốn tập trung
mọi tâm hồn và con tim, các phép lạ
chỉ là một trong những ngôn ngữ của sự loan
báo ấy. Thửa đất thực sự của lòng nhân
từ Chúa chính là ơn Cứu chuộc mà chúng ta tiếp
nhận bằng đức tin.
|