Tình
thương
Chúa Giêsu khởi
đầu công cuộc cứu chuộc bằng việc
giảng dạy và làm phép lạ, Ngài mới bắt
đầu nói và làm nhưng chưa mạc khải rõ ràng
Ngài là ai, cho nên, trước con người của Ngài,
nhiều người ngỡ ngàng, không biết xếp Ngài
vào hạng người nào: Ngài có phải là một nhà chuyên
môn làm phép lạ không? Là một ngôn sứ, là Elia hay là
một Mêsia, cứu tinh của dân tộc Do Thái? Trong khi
đó Chúa Giêsu giữ thái độ im lặng, vì Ngài
biết người Do Thái đang quan niệm sai lầm về
Ngài, cho nên Ngài tế nhị dùng việc làm để minh
chứng dần dần sứ mệnh của Ngài, một
trong những việc làm đó được kể
lại trong bài Tin Mừng: Ngài làm phép lạ chữa
bệnh sốt rét cho bà nhạc mẫu của ông Phêrô và
tất cả những bệnh nhân đến với Ngài
đều được Ngài cứu chữa cho khỏi
hết. Với những việc Chúa làm đó
cho chúng ta hiểu thêm về uy quyền Thiên Chúa của Chúa
Giêsu trên các bệnh nhân.
Thiên Chúa tạo
dựng con người và Ngài có quyền trên thân xác và linh
hồn con người, có quyền trên thân xác tức là có
quyền trên bệnh tật, Ngài có thể chữa lành mọi
thứ bệnh tật dễ dàng, giống như một
kỹ sư chế tạo ra một cái máy, chắc
chắn ông là người hiểu biết và sửa
chữa chiếc máy ấy rành hơn bất cứ ai. Chúa
Giêsu cũng biết chúng ta như vậy, Ngài là Thiên Chúa, nên
Ngài dễ dàng sửa chữa những trục trặc
nơi con người, tức là chữa lành mọi
bệnh tật nơi con người.
Riêng phép lạ
chữa cho bà nhạc mẫu của Phêrô khỏi bệnh
sốt rét có ý nghĩa gì? Chúng ta khó hiểu
được ý Chúa muốn gì khi làm phép lạ này. Nếu hiểu rằng mỗi phép lạ Chúa làm
thường là để tăng cường lòng tin, thì
ở đây cũng thế, Chúa muốn tăng
cường lòng tin của gia tộc Phêrô và nhất là
đối với Phêrô. Đàng khác, nếu xét về
quan niệm của người Do Thái, họ vẫn coi
bệnh sốt rét là hình phạt của Thiên Chúa, và bệnh
sốt rét là do ma quỷ làm, thì Chúa Giêsu làm phép lạ này
để minh chứng cho mọi người biết Ngài
chính là Đấng mà ngôn sứ Isaia đã loan báo, là
Đấng đến để cứu gỡ con
người khỏi sa lầy đau khổ bởi tội
lụy, bởi điều dữ. Như
vậy, cơn sốt rét tượng trưng cho nhân
loại đã bị thần dữ làm kiệt quệ
đến sống dở chết dở mà chỉ có Chúa
mới có thể chữa lành được. Hơn nữa, phép lạ này cũng diễn tả
tình yêu Thiên Chúa. Dĩ nhiên hành động nào của
Chúa cũng là tình yêu, nhưng ở đây thể hiện rõ
hơn: nơi đâu Chúa Giêsu đến rao giảng thì
ở đó những con người khổ đau
đều ngỡ ngàng, tìm thấy tin yêu và được
cứu chữa. Đây cũng là bài học
nhắc nhở chúng ta.
Phần đông chúng
ta không thể mang lại sức khoẻ thể xác cũng
như sự thuyên giảm đau đớn cho những anh
em bệnh tật, điều đó đã có các bác sĩ, y
tá, nhưng chúng ta có một cái gì sâu xa hơn, quý giá hơn
để mến tặng những anh em ấy, đó là khi
tiếp xúc, thăm viếng, chúng ta đem lại cho họ
một niềm hy vọng, cống hiến cho họ
một chân lý khả dĩ trả lời cho mầu
nhiệm đau khổ, và mang lại cho họ sự an
ủi chân thật.
Chẳng hạn như lời tự
thuật của một người kia đã kể cho linh
mục Samsông và linh mục này đã kể lại trong
một bài giảng ở nhà thờ Đức Bà Paris
như sau: “Tôi đau rất nặng, người ta đem
tôi vào bệnh viện, không ai săn sóc tôi cả, ngoại
trừ một chị y tá, chị tỏ ra rất tốt
và hết tình giúp đỡ tôi. Một đêm kia, trời
đã rất khuya, tôi thấy chị quỳ gối im
lặng trong phòng, tôi hỏi: “Chị quỳ làm gì thế?”, chị trả lời: “Tôi cầu
nguyện cho ông”. Chỉ mấy tiếng đồng hồ
thôi đủ làm cho tôi bấy lâu nay không biết Chúa, bây
giờ tôi biết Chúa, tôi thấy Chúa nơi con
người chị y tá ấy, giữa những đau
khổ thể xác và tinh thần, nhờ sự săn sóc
đầy tình người và những lời cầu
nguyện đầy yêu thương của chị y tá
ấy, tôi đã gặp Chúa”.
Một thí dụ khác, bác sĩ Longghê là
một người Pháp đã từng phục vụ ở
Việt nam cách đây mấy mươi năm và cũng
nổi tiếng như bác sĩ Tôm Đulây, người
Mỹ, đã phục vụ ở Đông Nam Á. Ông tận
tụy săn sóc, yêu thương các bệnh nhân, bất
kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, ngày cũng
như đêm. Khi có người hỏi vì sao
ông yêu thương bệnh nhân như vậy? Vì sao ông
có thể bỏ ăn bỏ ngủ vì bệnh nhân, xem
bệnh nhân là trên hết? Ông trả lời: “Vì thấy Chúa
Giêsu trong mỗi người bệnh”. Mỗi sáng khi đi
dưlễ, bệnh nhân lương giáo, ai muốn đi
đều được ông cho đi xe của ông, mỗi
chiều Chúa nhật, ông lại đưa các bệnh nhân
đi chơi, tham quan nơi này nơi nọ, và mỗi
tối, ông lần hạt chung với các bệnh nhân, vì là
người Pháp, về tiếng Việt ông chỉ
thuộc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh đủ
để lần hạt. Ít lâu sau, Longghê trở về Pháp,
vào chủng viện, làm linh mục và tình nguyện sang
phục vụ những người nghèo khổ ở giáo
phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau khi chịu
chức, ông bị bệnh và qua đời trước khi
tới nơi mong ước.
Nếu chúng ta không
bắt chước được bác sĩ Longghê, thì chúng
ta có thể bắt chước được chị y tá
trên đây, cầu nguyện cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, cụ
thể hơn, nếu chúng ta có điều kiện, chúng ta
hãy đi thăm hỏi, an ủi
những bệnh nhân. Trong lúc đau bệnh, nhất là
bệnh lâu ngày lâu tháng, người bệnh thường lo
lắng, buồn phiền, chán nản và giảm sút lòng
tin... chúng ta hãy cảm thông, đối xử tử tế
và giúp đỡ họ. Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu,
Đấng không hề bệnh tật gì, đã mang lấy
bệnh tật của mọi người, bao nhiêu bệnh
nhân đến với Chúa, Chúa không bao giờ xua
đuổi hay làm cho họ phải thất vọng, đau
khổ, nhưng Chúa đã an ủi, thương yêu cứu
chữa họ, vì thế, chúng ta hãy đến với các
bệnh nhân, họ rất cần đến tình
thương, chúng ta hãy đem tình thương đến
cho họ.
|